ICON MỞ CỬA SỔ WINDOWS NHÃN QUAN MỚI Trong trận động đất lớn ở Los Angeles cách đây mấy năm, tôi được một bà Mỹ trắng kể cho nghe rằng lúc nhà cửa rung chuyển sập tới nơi, hốt hoảng quá chẳng biết chạy đâu, bà liền chui vào trong tủ quần áo. Một lúc sau sau khi đã yên tĩnh trở lại, bà mới chợt thấy buồn cười nghĩ ra: nếu nhà sập mà chui vào đây thì an toàn ở cái khổ nào!
Nhiều giải quyết xem ra rất quẩn. Ở Mỹ thì miền Tây sợ động đất; miền Bắc sợ chết lạnh đến chết nóng; miền Trung sợ lụt và rồng rê. Miền Nam thì lại sợ bão cuồng phong. Trận bão Katrina thật khủng khiếp tàn phá toàn vùng New Orleans qua Biloxi ờ Mississippi. Trên một triệu người phải rời vùng New Orleans đi trốn bão. Có người chạy đi Biloxi bên Mississippi. Đang khi đó, cô nàng Katrina thì lại như một tên khùng cứ khệnh khạng ngoài khơi không biết đường nào mà mò. Cuối cùng thì hất thẳng vào Biloxi, làm gia đình kia đến đó trốn bão lãnh đủ, gồng mình chịu trận cả gần 24 tiếng! Rõ khổ, tránh bão lại gặp bão!
Một truyện chạy bão nữa cũng cười chết được. Một chị để sẵn hai túi đồ nữ trang: một là đồ giả đeo chơi, còn một là dây vàng và nhẫn kim cương thứ thiệt. Trong lúc vội vã, chị nghĩ xách túi đồ thật cùng gia đình chạy lên khách sạn trú bão cho an toàn. Hai ngày ở trên đó, mẹ con chẳng dám ra khỏi phòng, cứ phải chia nhau mà canh chừng túi nữ trang. Xong bão, gia đình trở về nhà thì giật bắn người lên kêu trời: túi đồ nữ trang thật vẫn còn để khơi khơi trên giường. Hú hồn! May mà không có tên đạo tặc nào làm ăn trúng mối cả. Vậy ra mấy ngày nay mẹ con vất vả canh cái túi đồ giả! THỜI ĐIỂM ĐÁM NGƯỜI RỬNG MỠ VỤ WOODSTOCK
Cuối tháng 7 năm 1999, phong trào "hippy" lại tổ chức một cuộc thả giàn vĩ đại chưa từng có tại Woodstock trên New York, ghi dấu 30 năm vụ hồ hởi đầu tiên vào năm 1969. Biến cố khá quan trọng vào thời đó. Khi nền văn minh Mỹ đang trên đà lên cao tột độ đầy vẻ tự đắc thì nửa triệu người trẻ lại chê. Họ chán cái nếp sống căng thẳng gò bó ở phố thị nên kéo nhau ra đồng quê mở nhạc nhảy nhót thả giàn với nhau, có ý muốn tạo dựng một thế giới mới thoát ra khỏi những kiềm tỏa ngột ngạt của nền văn minh máy móc này.
Năm đó trời mưa tầm tã đã làm cho cả vùng đất trở nên một vũng bùn lầy lội. Nhưng không sao, đám trẻ càng vui hơn. Họ đi chân không, quần áo cắt ngắn cụt "tiết kiệm" tối đa theo kiểu dân thời thượng. Mọi sự từ cách ăn mặc đến cách sống buông thả đều muốn đi ngược lại mọi trật tự kỷ cương. Tổ chức đã thành công tốt đẹp, mọi người ra về thơ thới hân hoan, và hẹn mỗi năm diễn trò này lại một lần. Năm này ghi mốc lớn cũng hồ hởi không kém. Chỉ khác một chút là một chai coke giá tới 4 Mỹ kim, và một miếng "chó nóng hotdog" cũng phải 6 tiền. Ba ngày vui chơi mà an toàn như vậy thì còn gì bằng. Nó như một cái tát vào mặt dân thành phố ngột ngạt và những người mặc những bộ quần áo mắc tiền đi lại nghiêm trọng! Nhưng rồi đến 10g tối cuối cùng thì mọi sự đã lật ngược lại. Rửng mỡ chán thì phải động cỡn. Một loạt xe bị đốt, rồi những nhà kéo và các lều bị phá tan tành, những quầy bán hàng và các thùng tiền bị "làm thịt" hỗn loạn bung phá kinh hoàng làm nhiều người bị thương. TIN VUI ICON MỞ CỬA SỔ VÀO MỘT TRỜI MỚI
Đâu có ngờ là con người từ thế hệ này sang thế hệ kia đều cứ phải quành lui tìm một giải pháp. Gò ép vào một khuôn mẫu để đạt đỉnh cao trí tuệ, rốt cục rồi cũng chẳng phải vậy. Mà buông thả tất cả để trở về nếp sống hoang sơ rồi cũng đưa đến bung phá tan tành. Vì con người đã đánh mất cái trụ vào nền cội nguồn đích thật, đã chọn lầm cái icon mở nhãn quan cuộc đời.
Ai sài máy điện toán đều biết icon là gì. Khoảng mười mấy năm về trước, muốn xử dụng máy điện toán là cả một vấn đề nhức đầu không chịu được. Tôi đã chập chững từ những máy XT, AT, chỉ có 40 MB mà cả một bộ máy kềch xù nằm đầy mặt bàn. Mỗi lần đánh máy xong thì phải ì ạch nhớ một dây dài những ký hiệu rất ư lòng thòng để in ra máy dot matrix. Chỉ quên một cái phẩy cũng đủ làm bế tắc, mà bực nhất là không biết sai ở chỗ nào để tìm!
Từ ngày chế ra được "Windows" thì đúng là "cửa sổ" mở tới một trời mới. Tiện và nhanh quá. Có sẵn các icon như những nút bật điện. Chỉ cần bấm vào đó là "cửa sổ" mở ra theo đúng nghĩa. Nào là nút bật lên Winword đánh tiếng Việt, nào là nút mở vào phòng Photoshop chơi hình vẽ tranh, nào là nút đi lên quĩ đạo mạng lưới toàn cầu v.v. Hào hứng quá chứ!
Giữa những tăm tối tù mù đầy lo lắng và rối loạn, một Icon Tin Mừng mở viễn kiến đầy tươi sáng cho thời đại. Đó là huy hiệu diễn tả năm con chim bồ câu với năm màu sắc khác nhau đang bay quyện lấy nhau thành một vòng tròn yêu thương. Con mắt niềm tin được khai mở, bỗng đốn ngộ thấy được Nước Trời , miền đất an bình và hạnh phúc đã hiển hiện ngay bên trong cuộc sống:
"Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất." (KH 21:1) Với trên hai ngàn họa sĩ dự thi vẽ huy hiệu thì bức vẽ của cô Emanuela Rocchi, 22 tuổi, đã được tuyển chọn. Cô là một người Ý, rất nhiệt thành trong phong trào Giới Trẻ Công giáo của Ý. 1. Dòng chim Tiên
Chung quanh vòng cầu màu xanh biểu hiệu trái đất là hàng chữ "Năm Hồng Ân 2000". Năm con bồ câu nói lên sức sống vươn lên của con người vào thời điểm thiên niên kỷ mới. Sở dĩ có thể bay bổng lên được là nhờ cây thập giá như kiếm thần chặt đứt mọi ràng buộc để khơi được dòng tình yêu. Đúng như lời Thánh Kinh diễn tả thời điểm, khi mà "giới trẻ thì mệt mỏi xiêu vẹo, giới già thì rời rã ngả nghiêng. Nhưng ai tin cậy Chúa thì được truyền sức. Họ sẽ mọc cánh như chim phượng hoàng bay cao; họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân." (Isaia 40:31) Chim bay cũng là biểu hiện của nhân phẩm đích thật với chiều kích tâm linh vươn cánh bay bổng. Cơn rối loạn của thế kỷ này, trong đó cuộc đấm đá ý hệ là khủng khiếp nhất, cũng chỉ để bảo vệ một lập luận: con người là một động vật chỉ biết tranh mồi, là cái bị thịt lệt bệt trên mặt đất, chơi trò chữ nghĩa thì gọi là con vật kinh tế kiểu Karl Marx. Thì đây chính là lúc loài người đốn ngộ thấy được mình phải là gì hơn nữa, là có hồn sống hướng bay về vĩnh cửu. Vì con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Niềm tin của Việt tộc thật hài hòa với niềm tin đạo Chúa: chim Tiên lại đẻ ra dòng chim Tiên. Chúa thì vô hình. Nhưng để diễn tả, Thánh Kinh đã vẽ lên hình ảnh Chúa Thánh Thần như chim bồ câu tỏa sáng. Đúng là chim Tiên. Theo ngôn ngữ của khoa học tâm lý ngày nay thì trong tiềm thức cộng thông, tổ tiên mình đã cảm nhận được niềm tin đạo Chúa một cách nào đó rồi. 2. Chất mầu nối kết mọi màu sắc
Màu xanh lá cây, màu vàng, màu hổ phách, màu xanh da trời, và màu xám, là năm màu sắc diễn tả những khác biệt về màu da, về chủng tộc, về văn hóa, về ý hệ, về quyền lợi, về tính tình, mà cũng là những màu sắc xung khắc cuồng phong giông bão trong cuộc đời. Kìa vụ Kosovo đòi tiêu diệt cả một chủng tộc. Kìa vụ Denver và Atlanta máu me tung tóe phi lý. Xô xát trong gia đình, giông bão ngoài ngõ, chèn cựa nơi sở làm. Chẳng phải chỉ có năm màu sắc, mà nhiều nhiều lắm, làm thâm gan tím mật, tối tăm mặt mày, không biết đường nào mà thoát nữa!
Thì đây là icon cho ngàn năm thứ ba. Thập giá là bửu bối hóa giải và nối kết tất cả. Thập giá này cũng có năm màu trùng với năm màu của các chim bồ câu, để biểu lộ mầu nhiệm Nhập Thể: Chúa Giêsu đã làm người trở nên như chúng ta, đã chấp nhận mọi màu sắc buồn vui đắng chua ngọt của kiếp người mà biến thành cầu vồng rực rỡ, biểu hiệu nguồn vui ơn thánh của mầu nhiệm cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện.
Tâm điểm của tất cả là nguồn ánh sáng, là "huyệt đan điền" phát sinh lực tình. Nguồn lực này là chất mầu có sức nối kết và biến đổi tất cả. Đó là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng Giải Thoát, Đấng luôn hiện diện và đồng hành với con người qua mọi nẻo đường: Hôm Qua, Hôm Nay, Mãi Mãi. PHÚT KHAI MỞ HUYỆT LỰC
Giữa cơn gió bão của cuộc sống, nhất là vào thời điểm ngàn năm thứ ba, mình cũng giống Ông Phêrô, hoài nghi hay chỉ nhìn vào những chuyện quanh mình với sức riêng của mình thì bắt đầu chìm xuống, nhưng tin tưởng nhìn thẳng vào Chúa mà bước tới thì gió liền lặng và đi được ngay cả trên mặt nước. Sức mạnh phát khởi từ niềm tin.
Chính Chúa Giêsu đã khai mở được huyệt lực này khi "Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình." (Mt 14:23).
Chính ở nơi tĩnh lặng cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã nhận được sức mạnh của Thánh Linh vươn cánh như bồ câu, "khinh công" đi được trên mặt nước. "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa." (Mt 14:33).
Vâng, con vững tâm nói lên lời quả quyết với thánh Lê Bảo Tịnh: "Giữa cơn cuồng phong bão táp, tôi thả neo níu chặt vào Chúa." Lm. Trần Cao Tường Mời vào Mạng Lưới Dũng Lạc: www.dunglac.org
|