www.dunglac.org
MỘT TẤM LÒNG (TRUYỆN NGẮN)
Truyện ngắn
Gần đến ngày thụ phong linh mục, bỗng dư luận xôn xao: “Thầy Sáu Ngôn - chức Sáu phó tế - từ khước bước lên bàn Thánh hiến, với lý do: xét thấy mình không xứng đáng với Chúa”. Không ai biết lý do đó thế nào? Và tại sao lý do đó, lại làm Thầy Sáu Ngôn đột ngột từ khước một ân hụê lớn lao mà không phải dễ mấy ai có được.
Ai không biết, nhưng Thầy Sáu Ngôn thì biết quá rõ. Cái đêm xem bản tin thời sự trên VTV ấy đã làm Thầy kinh ngạc xen lẫn xấu hổ. Bàng hòang và chết lặng đi, Thầy không thể tin nổi vào mắt mình và cũng không thể chấp nhận có một người chị như thế được. Một người chị mà Thầy hằng yêu mến, lẫn tôn kính. Nếu cha mẹ là đấng sinh thành, thì chị Mây là người nuôi nấng dưỡng dục Thầy từ ngày cha mẹ mất, cho đến ngày cây đời đâm hoa kết trái. Và hình ảnh một người chị thay ba má nuôi cu ba Mơn - Ngôn - ngày nào vẫn còn in đậm trong Thầy sáu Ngôn.
Ngày đó. Chị Mây mới học hết lớp 8 trường Xã và Mơn đã hết lớp năm trường làng. Chị Mây phải nghỉ học để lo cái ăn cái mặc và việc học cho Mơn. Với vài công ruộng, chẳng bõ bèn cho chị, vì chị vốn rất siêng năng và cần cù lam lũ. Thu nhập với số thóc gạo đó cũng chỉ đủ cái ăn và vặt vãnh. Và rồi vào các vụ mùa, chị phải đi cấy hái làm công thêm, để bù vào cái lỗ hổng chi phí học hành ăn tiêu. Những lúc rảnh rỗi chị đi mò cua bắt cá lóc, cá rô... để cải thiện thêm cho cái ăn trong nhà.
Và càng ngày, gánh nặng càng đè lên vai chị, khi Mơn dần theo năm tháng lên cấp hai và cấp ba trường Xã Huyện. Rồi chị phải đánh ghe xuôi ngược chợ Huyện, Xã để mua đi bán lại mớ cá, mớ rau, hay hoa quả. Cảnh sông nước quá đỗi thân thương như một người bạn đường đối với chị.
Ngày đó. Mơn hãy còn bé, để chẳng hay biết rằng: Mình sống hồn nhiên phơi phới như cây lau sậy đùa vui trong gió bên bờ sông nước là bởi mồ hôi nước mắt và nỗi nhục nhằn của người chị mình. Và người chị cũng chẳng bao giờ than thân trách phận hẩm hiu, đời mình bọt bèo. Chị Mây chỉ biết lo cho em ăn học và vui chơi là chị mừng như một người mẹ nuôi con mình lớn khôn vậy. Chị cũng thầm mong cho ước mơ của ba chị trước khi nhắm mắt là, ước sao cho cu Mơn được tiếp bước đi tu làm Linh mục như cậu của Mơn.
Nhưng Mơn thì lại quá vô tư để chỉ biết sống cho riêng mình, với những đòi hỏi về việc vui chơi và ăn học, mà đôi khi, đó là những chi phí quá lớn lao cho chị. Thực ra, Mơn không phải là đứa trẻ đần độn, mà ngược lại, Mơn có cái tư chất thông minh của người cậu Linh mục - em mẹ Mơn. Nhưng rồi ở một miền quê hoang dã và sông nước mênh mông đã mặc cho Mơn cái chân chất, thật thà đến đỗi ngu ngơ. Và dẫu cho khi cậu ba Mơn học đến lớp 11, 12 trường thị xã, mà chẳng biết đến người chị mình đang đến cái tuổi cập kê xuân thì hoa nở, mà lẽ ra chị Mây phải có chút thời gian cho những ngày nghĩ lễ hội, để hoa khoe sắc thắm với đời. Ngay cả với Mây, hầu như những khái niệm đó không có trong chị. Và chị chỉ biết đầu tắt mặt tối với công vịêc chợ búa, đồng áng để lo cho em ăn học. Cuộc sống dung dị là thế đấy!
Và rồi, hầu như chị quên đi cái thầm kín riêng tư của đời người con gái đang độ tầm xuân như chị. Mơn nhớ rất rõ, cái anh Năm Tầm bên xóm Nhiêu Lập, quen chị ở chợ Đủi, có qua lại bên nhà chơi nhiều lần. Chị cứ bẻn lẻn lót lét, nói năng ấp a, ấp úng không nên điều, chẳng bù cho những khi xuống chợ, chị ăn nói đảm lược, xởi lởi huyền thuyên trong duyên dáng của một cô gái buôn bán trên sông nước, khiến ai cũng cảm tình. Và có lần chị nói với anh Năm Tầm: “Mây vô duyên lắm, chẳng biết chuyện chi mà ăn nói cả, anh đừng theo đuổi Mây nữa, chỉ tổ thất vọng thôi”. Nhưng rồi anh Năm Tầm vẫn kiên trì theo đuổi chị. Và rồi cuộc tình của hai người cũng chỉ là gặp gỡ, chuyện trò với nhau trong mua bán. Bây giờ nhớ lại, Ngôn chưa bao giờ thấy chị mặc bộ cánh nào ra trò để đi chơi với anh Năm Tầm. Cuộc đời chị Mây sống hiền hoà trôi nổi như loài hoa độc bình tim tím buồn trên sông nước.
Nhớ lại những năm tháng thời ấu thơ bình dị và êm đềm đó, Thầy Sáu Ngôn không khỏi xúc động chảy nước mắt. Còn đâu những ngày mưa tầm tả, chị em co ro trong ngôi nhà mái lá dột nát, nước chảy tí tách xuống chiếc ghè bể sau hè, như ru tháng ngày buồn của một thôn giã lèo tèo, mấy mươi ngôi nhà lá nghèo nàn xơ xác trong quạnh quẽ. Và trong mái nhà lá rách nát đó, đã không ngăn được ước mơ của hai chị em bên bếp lửa hồng đầm ấm yên vui. Mơn hỏi chị:
- Chị Mây ơi! Chị có ước mơ điều gì cho ngày mai?
Có vẻ như đang ngâm ngợi về những chuyện cơm áo gạo tiền, nên khi nghe hỏi, chị đớ ra. Hình như trong chị không có một khoảng trống nào dành cho ước mơ thì phải. Mãi một lúc sau, chị vẽ ước mơ:
- Chị ước là em đi tu làm cha, để thoả lòng ước nguyện của ba má.
- Thế còn ước mơ cho chị?
- Chị thì có gì để ước mơ. Sống làm cây tầm gửi nơi ven chợ bến sông qua ngày đoạn tháng, cho em ăn học là đủ lắm rồi.
- Thế còn đời chị, còn anh Năm Tầm?
Chị đỏ bừng mặt.
Lần đầu tiên, Mơn thấy chị đẹp và duyên dáng sau cái làn da rám nắng đỏ hun, và đôi môi son mọng.
- Đừng nói tầm bậy nè, anh ấy chỉ là bạn thôi!
- Thế chị không tính đến chuyện chồng con hay sao?
- Khi nào ước mơ về em toại nguyện thì...
Chị bỏ lửng câu nói...
Trời ơi! Đến ước mơ của đời mình mà chị cũng chẳng dám ước nữa, thì thân phận làm người có khác chi loài giun dế. Cuộc đời truân chuyên trôi dạt trên sông nước, khiến chị Mây không dám vẽ ước mơ về đời mình, vì sợ ước mơ cũng chỉ là hảo huyền, thì bẻ bàng lắm thay!!
Những năm tháng trôi đi trong nhục nhằn, thì nồi canh hoa vàng điên điển với mấy con cá lóc, cá rô làm ấm lại mái nhà lá bớt đi chút quạnh quẽ. Những mặn đắng cuộc đời cũng tan trên môi lịm ngọt với bát canh chua cá lóc, và đĩa cá kèo kho nước dừa với bát cơm thơm phức mùi hương lúa, đã làm cho cuộc sống thêm chút thi vị.
Nhưng hỡi ơi! Đâu rồi những ngọt ngào êm ái của một thời mới lớn. Còn đâu người chị năm nào, dịu dàng, hiền hoà, duyên dáng trong chiếc áo bà ba nâu sòng trôi nổi trên sông nước. Những hồi ức thương cảm về người chị bao nhiêu, thì một thực tại phủ phàng lại làm cho Thầy Sáu Ngôn giận hờn căm ghét chị bấy nhiêu. Đau đớn và day dứt đó đã giằng xé trong tâm hồn Thầy: Thương chị chẳng đặng, ghét chị chẳng đừng. Một người chị thay mẹ nuôi mình khôn lớn trong mặt nước eo sèo như thế, ai nỡ quay mặt mắng mỏ chị. Nhưng rồi hình ảnh tồi tệ xấu xa, rồi đây sẽ vấy bẩn thiên chức Linh mục, bảo sao Thầy Sáu Ngôn không buồn cơ chứ!
Thầy vẫn tự hỏi: Tại sao chị mình lại ra nông nỗi này? Chẳng lẽ cuộc sống xa hoa đô thị, đã biến đổi con người thôn giã chân chất của chị ra đồi bại đến thế sao? Thầy Sáu Ngôn không hiểu đường đời lắt leo quanh co là điều dễ hiểu. Thầy vốn là cậu bé miền quê quá đỗi vô tư và hồn nhiên của đời một học sinh tỉnh lẻ, mà cái căn cốt ấy cứ giữ mãi cho đến khi Thầy dự tu vào Đại chủng viện, thì cuộc đời tu đức, càng làm cho Thầy trở nên chân chất và thật thà hơn. Và vì thế, cuộc đời vẫn còn quá đơn giản đối với Thầy, để Thầy không biết rằng: Có những điều xấu, sự tội rất đáng thương cảm, và không nên kết án. Thầy như một chiếc ghe bị đánh chìm giữa dòng đời gió xoáy, khó lòng gượng lên nổi.
Lần gặp Cha Linh hướng gần đây, Thầy đã chua xót để báo với cha: “Trong con đang có một xung lực cản trở, khiến con chưa thể nhận lãnh thiên chức đó được. Mong cha thông cảm cho con”. Cha linh hướng quá đổi bất ngờ cho quyết định đó của Thầy Sáu Ngôn. Và cuối cùng, cha đã khuyên bảo Thầy: “Con hãy cầu nguyện, và xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho con biết sáng suốt quyết định theo Thánh ý Chúa”. Thực ra, trong cuộc vấn an, Thầy Sáu Ngôn đâu dám tỏ lộ cho Cha Linh hướng biết, mình có một người chị tồi tệ như thế!
Đó là những tháng ngày Thầy Sáu Ngôn sống trong day dứt khốn khổ. Và nỗi đau cứ làm Thầy day dứt mãi. Cho đến một hôm ...
***
Thầy Sáu Ngôn gần như ngất lịm trong nước mắt tức tưởi đau sót, sau khi nghe dì Năm Hạnh kể lại câu chuyện thương tâm về chị mình. Nước mắt nhạt nhoè, thầy cầm lá thư rung rung và ngẹn ngào đọc những dòng chữ như xé nát tâm can Thầy.
“Em thân thương của chị,
Cho phép chị được gọi em thân thương lần cuối, mặc dầu chị chẳng xứng đáng là chị của em nữa rồi! Khi cầm đọc lá thư này, dù em có ghét bỏ hay ruồng rẫy chị cách mấy, thì chị cũng chẳng còn trên cõi đời này! Và có như thế, chị mới đủ can đảm để viết cho em lá thư này.
Chị biết, chị đã lo sợ cái ngày này sẽ đến. Cái ngày mà chị vừa mừng, lại vừa lo. Mừng vì em bước lên bàn Thánh hiến, thoả lòng ước mong của chị và ba má. Nhưng cái ngày ấy càng gần kề, thì nỗi lo âu càng làm cho chị thêm xanh xao và gầy mòn hơn. Cái đêm mà chị bị bắt lên xe bịt bùng trước muôn vàn con mắt mọi người và chiếc Camera trực chiếu vào chị thì, chị biết rằng sự dối trá của chị trong hơn 10 năm đã bị phơi bày. Và chị đã cầu cho một người không hề biết, đó là em. Nhưng điều đó đã không xẩy ra. Vì hôm sau, chính chị cũng đã thấy hình ảnh của mình bị đưa lên TV, thì chị biết chắc là chẳng còn giấu nổi em nữa rồi.
Nỗi đau đó, như một vết thương mưng mủ lâu ngày đã bị oà vỡ ra làm nhức nhối tận tâm can chị. Và khi chị biết, em đã xấu hổ vì có một người chị tồi tệ, để không dám lãnh nhận thiên chức Linh mục cao quý, thì chị biết, đó là bản án kết liễu đời chị. Chị tin rằng, cái chết của chị sẽ làm em không vương vấn gì đến một người chị hằng làm cho em tủi hổ, để em bước lên bàn Thánh hiến vững tâm. Và chị bỗng cảm thấy vui mừng khi viết thư này đến em. Vì đó là niềm ước mơ, mà chính cả đời chị hằng trông đợi.
Có lẽ em sẽ tự hỏi: Tại sao chị của mình lại ra hư đốn như thế? Chị sẽ kể lại cho em nghe quảng đời hơn 10 năm, từ khi em bước lên Đại học và vào dự tu.
Những ngày đầu, khi em lên TP bước chân vào dự tu với bậc Đại học, chị đã phải vất vả ngược xuôi trên sông nước để hòng kiếm thêm chi phí cho em ăn học. Nhưng em biết đó, chẳng có chút vốn liếng cầm tay để buôn bán trên bến chợ ven sông, thì có tần tảo cách mấy cũng chỉ kiếm đủ tiền ăn tiêu và áo quần cho em cũng đã là quá khó. Rồi còn các khoản học phí, sách vở, học thêm, vi tính... mà em viết thư về, làm chị càng tối tăm mặt mày để vay vát lo cho em. Nhưng rồi năm một năm hai, sổ nợ càng chồng chất. Chị quyết định bán nhà, để trả nợ và còn chút ít tiền lên TP chạy chợ kiếm tiền nuôi em ăn học.
Ngày đầu lên TP là một sự ngỡ ngàng chưa từng thấy trong đời chị. Chị không biết phải diễn tả sự lúng túng, vụng về của chị ra sao cho em hiểu. Chị thật ngu ngơ giữa một chốn phồn hoa đô hội, mà lần đầu tiên chị trông thấy. Cũng may nhờ có em mà chị bớt bỡ ngỡ trong buổi đầu. Nhưng cũng phải mất vài tháng sau, chị mới nhập cuộc được với thúng xôi bán quà sáng cho học sinh. Nhưng rồi, đâu dễ dàng gì để một cô gái thôn nữ quê mùa thâm nhập được cuộc sống đô thị mau mắn như thế. Xôi họ ngon, xôi mình dở, thì ế ẩm là lẽ thường tình. Chị phải sắm gánh chè cháo bán rong vỉa hè, cũng chẳng khá khấm là mấy, nhưng lại phải một trận ốm liệt giường, vì sự khắc nghiệt thời khí TP mà chị chưa quen.
Đó là những tháng ngày cùng cực và lao đao nhất trong đời chị. Chút tiền còm bán nhà cũng đã vơi cạn, mà những khoản tiền chi phí để gửi cho em đã làm hoa mắt chị. Và mỗi lần có thư em gửi về là chị lại lo sợ cuồng cuống. Rồi những đêm trằn trọc thao thức, để lo chạy vạy cho em, thì cũng chỉ mệt nhoài trong trong vô vọng mà thôi.
Cuối cùng. Chị Huê ở cạnh phòng trọ bảo chị: “Chị xinh gái lắm! đi làm tiếp viên là dễ dàng có tiền hơn cả”. Đó là một công việc mà chị chưa hề hình dung ra nổi. Và rồi chị Huê dắt chị đi sắm sửa - phấn son, giày dép - còn quần áo chị ấy cho mượn mặc. Lần đầu tiên, chị ngượng chín người khi soi gương thấy mình môi son má phấn trong bộ cánh hở cổ với chiếc quần bò bó cứng người trông kỳ cục đến lố bịch.
Những ngày đầu. Chị hết sức bỡ ngỡ, xen lẫn xấu hổ nơi chốn phồn hoa đô hội của những nhà hàng sang trọng, mà trước đó, cho dẫu có nằm mơ, chị cũng không tưởng ra nổi vẻ lộng lẫy xa hoa đến thế. Cũng may, bước đầu trong cuộc sống phù hoa đô thị, đã có chị Huệ nâng đỡ và dìu dắt. Những ngượng ngịu ban đầu cũng tan biến cho những trò chim chọc, trêu hoa ghẹo nguyệt của những gã đàn ông sặc mùi bia rượu, suồng sã sờ nắn mông má là chuyện không thể tránh khỏi. Lần đầu tiên, chị mới biết cái trò nguỵ tạo hát Karaokê của bọn đàn ông thừa mứa tiền của, để chơi cái trò mèo vờn chuột hát một rờ năm (H1R5). Những lão già khú tóc muối tiêu ôm ấp, hôn hít, sờ nắn những cô gái non trẻ 16,18 chỉ đáng tuổi con út của lão trong mờ khói men bia rượu nhạt nhoà. Hai bên đú đỡn, đùa cợt nhau trong truỵ lạc trác táng, mà ở đó chẳng còn chổ dung thân cho nhân cách và đức hạnh trú ngụ nữa rồi.
Và cái giá phải trả cho một cô gái quê ngờ nghệch như chị là không thể tránh khỏi. Người ta bả mê một kẻ ngờ nghệch như chị một cách quá dễ dàng với ít cốc bia rượu chếnh choáng say mờ mắt, rồi ném vào phòng với một gã đàn ông trùng trục béo như con lợn nọc.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy thì chị biết, mình chẳng còn gì để đánh mất nơi vũng lầy nhầy nhụa này nữa rồi. Em tưởng chị không đau xót ư? Trời ơi! Cái của quý trời cho người con gái để dành cho mộng ước mai sau, đã bị đánh cắp sau một cuộc mai phục đê tiện, bảo sao chị không tiếc nuối hả em!!! Đau xót và đắng cay trong nỗi nhục nhã đã làm chị ngất lịm đi và sống trong mặc cảm u trầm sau đó. Và chị biết, đời chị chẳng còn xứng đáng với anh Năm Tầm nữa rồi. Mấy lần sau anh tới gặp, nhưng chị đã cố lánh mặt. Chị biết làm như thế là phụ bạc và làm đau lòng anh ấy. Nhưng chị chẳng còn cách lựa chọn nào hơn.
Năm tháng trôi qua trong chút bả vinh hoa của cuộc đời, chị đã dần quen với son phấn lụa là gấm vóc khi nào không hay. Chị như ngập lặn trong ánh đèn mầu huyền ảo của các hộp đêm thành phố. Dần dà, chị đánh mất con người thôn giã chân chất của một miền quê phen chua nước đọng. Nhưng đổi lại, chị có chút tiền dư giã để trang trải mọi chi phí cho em ngày càng leo thang. Đó là điều khiến cho chị có chút an tâm để sống. Nhưng rồi nỗi lo canh cánh bên lòng là, một ngày nào, em sẽ phát hiện ra người chị của mình đang chìm trong vũng lầy truỵ lạc thì, đời chị sẽ tan tác bẻ bàng đến thế nào? Chị nhắm mắt để không dám nghĩ tới điều đó nữa. Thôi thì phó mặc cho số mệnh đưa đẩy vậy.
Em thân thương! Sau đó, chị hiểu ra rằng, mình chẳng có thể quay lại con người mộc mạc dung dị miền quê được nữa rồi. Không còn lối thoát nào khác cho chị. Và cuối cùng, chị chấp nhận như một con thiêu thân lao vào ánh sáng huyền ảo của hộp đêm đô thị, để thiêu đốt đời chị vào những cuộc chơi đầy truy lạc xấu xa thâu đêm. Và mục đích tối hậu của chị, là kiếm được thật nhiều tiền để mua một căn nhà nhỏ cho chị em mình trú ngụ. Khi đó, chị sẽ giã từ con đường nhục nhã đắng cay đó, để em không hề phát hiện ra.
Như một con thú say mồi, chị lao vào vũng lầy với nỗi đam mê, là kiếm tiền được thật mau, để thoát khỏi cái cảnh đời nhơ nhuốc đó. Và những năm tháng sau đó, đã làm chị kiệt quệ thân xác trong hao gầy nhức nhối. Những đêm trắng trong thân xác rã rời nhầy nhụa của những cuộc truy hoan cường bạo của những gã đàn ông thô bỉ xa lạ, đã giết chết dần mòn đời chị trong đắng cay tủi nhục, mà chị đành nhắm mắt cam chịu. Tủi nhục cho chị lắm em ơi! Chị đã khóc thầm lặng lẽ biết bao đêm, nhưng sao nỗi lòng không vơi cạn. Rồi những cơn nóng lạnh hành hạ đời chị âm ỉ mãi.
Cho đến một ngày. Chị đã quá kiệt quệ để không còn gượng dậy nổi, thì chị Huê đã đưa chị vào bệnh viện.
Và ở đó. Ngày ra viện, chị đã gục ngã để không còn cầm nổi tờ giấy oan nghiệt kết liễu đời mình. Trời ơi!!! Dương tính HIV!!! Một dòng chữ khô lạnh đã nhận chìm đời chị xuống đến tận cùng vực sâu, để chị rã rời buông xuôi tất cả. Chính khi đó, chị biết rằng: chị đã mất trắng tay, để chẳng còn gì trên cõi đời này nữa, kể cả người em mà chị hằng yêu quý. Cũng may trong những ngày tháng chênh vênh bên cõi chết, đã có chị Huê luôn an ủi vỗ về nâng đỡ chị. Và khi chẳng còn gì để mất, cuối cùng chị lại lao vào cuộc chơi truỵ lạc...
Và rồi đêm trở lại cuộc chơi, cũng là đêm cuối của cuộc chơi...
Và chính trong những năm tháng trước đó, chị đã mơ hồ thấy cái kết cục đắng cay này rồi. Dường như chị không cảm thấy tiếc nuối và ân hận, vì chị nghĩ rằng: đó là cái kết cục đích đáng cho những gì chị đã gây ra. Có một điều làm chị day dứt và ân hận, để trước khi đi vào cõi chết, là đã làm liên luỵ đến em. Cuộc đời nhơ nhớp của chị, đã vấy bẩn vào thiên chức mà em sắp nhận lãnh. Nhưng chị nghĩ: Chúa sẽ trừng phạt chị đích đáng, nhưng Ngài sẽ chẳng bất công để lấy lại cái thiên chức cao quý mà em xứng đáng được lãnh nhận. Chị thực sự đau buồn, khi cả đời mình hy sinh tất cả cho cái thiên chức ấy cho em, mà giờ đây em lại chối bỏ, thì có phải là một sự hy sinh trong vô vọng và oan uổng cho đời chị lắm phải không em!? Chị mong em suy nghĩ lại...
Lời cuối cho em, chị chẳng dám xin em tha thứ những lỗi lầm chị đã phạm, nhưng với tất cả chân tình của một người chị, chị van em, chị xin em, đừng vì chị mà đánh mất một thiên chức cao quý mà cả đời chị hằng trông mong ở em; Để dù chị có ở một chốn âm u khổ đau biết mấy, chị cũng sẽ ngoẻn miệng cười toại nguyện cho một ước mơ của đời chị hằng ấp ủ.
Một người chị khốn khổ của em. Vĩnh biệt em hằng yêu quý của chị.
Madalena Nguyễn Hoàng Như Mây”
Thầy Sáu Ngôn không thể ngăn nổi triều sóng biển mặn đang ngập tràn trong tâm hồn. Nước mắt tuôn chảy, thầy oà lên khóc tức tưởi. Thầy Sáu Ngôn không ngờ rằng, đẳng sau cái tội lỗi là cả một uẩn khúc thương tâm của chị mình đến thế. Thầy tự trách mình, đã quá hời hợt đến nông nỗi để kết án một người chị với tấm lòng cao cả và đáng thương biết dường nào. Thầy tự nghĩ: chính sự ích kỷ và hẹp hòi của mình, đã đẩy chị vào cái chết thảm khốc như thế! Những ngày sau đó, Thầy luôn tự dằn vặt trong day dứt sầu khổ. Một người chị, đã một đời truân chuyên nuôi thầy, mà rủi thay, gần như cả một phần đời đi qua, Thầy không cảm nghiệm được sự hy sinh cao cả của người chị đáng kính ấy. Tiếc thay, khi Thầy thực sự xót xa cho chị mình, thì chị đã không còn trên cõi đời này, để Thầy bày tỏ và cảm thông sâu sắc cho số phận cay nghiệt của chị. Một số phận mà trước đó, Thầy đã nhẫn tâm ghét bỏ và ruồng rẫy chị, thì nỗi hối hận sẽ day dứt tâm can Thầy biết là dường nào!
Một người chị, mà cả đến ước mơ cho đời mình cũng không dám nghĩ tới; Bởi cái ước mong được sống dung dị trong cái đời thường đã là quá khó, thì nói chi đến ước mơ…
Trước nấm mộ thô sơ vừa mới được vun đắp sỏi đất, Thầy Sáu Ngôn nghẹn ngào nói với chị: “Chị ơi! Em thật có tội với chị muôn vàn! Mong chị thứ tha cho em. Giờ đây, chị ơi! Em rất đỗi tự hào về chị! Ngày mai em sẽ bước lên bàn Thánh hiến để chị được ngoẻn miệng cười vui sướng, vì niềm mơ ước duy nhất đời chị đã mãn nguyện.
Và lạy Chúa, xin hãy trừng phạt con, vì đời con đã sống trong ích kỷ vô tâm cho riêng bản thân mình, mà quên đi sự hy sinh lớn lao của một tấm lòng cao cả, đã sống hết mình cho thiên chức Linh Mục của con. Và những sai phạm tội lỗi là hệ quả tất yếu của một đứa em vô tâm, đã đày đoạ chị mình trong nhuốc nha tội lỗi, thì Chúa ơi! Xin hãy đoán phạt con, và xin vì lượng từ bi hãi hà của Ngài, thứ tha những lỗi lầm của chị con, để cho chị con, cả một đời cơ cực đắng cay được về sưởi ấm trong tình lân tuất của Ngài muôn đời”.
Một tấm lòng cao cả của người chị, đã làm cho cha Ngôn, sống những năm tháng đời Linh mục với một tấm lòng độ lượng, bao dung và biết hy sinh phục vụ cho tha nhân, như để thể hiện cái nghĩa cử mà chị Mây đã trao ban cho Ngôn trong những năm tháng khi ở trần gian.
Nguyễn Vĩnh Căn
|