www.memaria.org
Thánh Edith Stein là người Do Thái. Bà là giáo sư Đại Học và là nhà văn. Bà được đọc tác phẩm Tự Thuất của thánh nữ Têrêsa Avila, bà xin được rửa tội. Sau đó, bà bỏ mọi sự để vào tu trong Dòng Kín Carmêlô.
Bà bị Đức Quốc Xã lùa vào trại tập trung và bị giết hại vào tháng 8 năm 1942.
Bải đọc thêm:
CN627: Các Đức Tính Của Thánh Edith Stein
§ Kim Hà
Nguồn: Trích tác phẩm: Thánh Nữ Têrêsa Benedicta, của tác giả Maria Amata Neyer.
(Bài 3 và là bài cuối)
1. Nhận xét của Tu viện trưởng dòng Biển Đức:
Lúc bấy giờ là tu viện trưởng dòng Biển Đức là Tiến sĩ Raphael Walzer (1888-1966). Ngài thổ lộ lời đầy ý nghĩa sau đây về thánh Edith Stein:
“Hiếm khi tôi gặp được một người có thể hội tụ nơi bản thân nhiều đức tính cao qúi đến thế.”
2. Có đặc sủng thần bí nhưng đơn sơ:
Tuy nhiên, bà Edith vẫn giữ nơi mình bản sắc trọn vẹn của người phụ nữ, một cảm năng tế nhị chẳng khác gì của một bậc mẹ hiền. Bà có được những đặc sủng thần bí nhưng luôn biết đơn sơ với kẻ đơn sơ, thông thái với người thông thái, kiếm tìm với ai tìm kiếm, và thậm chí, “gần như lỗi lầm với người lầm lỗi…”
Trong nhiều năm trời, bà Edith đã tìm kiếm chân lý bằng con được triết học, tức “chân lý của sự vật”, chân lý khách quan do sự vật đem lại. Còn giờ đây, nơi mẹ thánh Têrêsa Avila, bà cảm nhận được sâu sắc thứ chân lý của tình yêu, chân lý không qua con đường tri thức mà qua sự tương giao giữa các chủ thể. Thánh Têrêsa Avila đã sống một cuộc sống đầy tình thiết nghĩa nhiệm mầu với Thiên Chúa và Đấng được Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu Kitô.
3. Khi đã chọn Chúa thì bất chấp sự ngăn cản của mẹ già:
Mẹ của bà Edith là bà cụ Auguste Stein, bà cụ đau khổ rất nhiều về việc con gái bà bỏ đạo Do Thái để theo đạo Công Giáo. Cô cháu ngoại của bà, bé Susanne, con của bà Erna, trở thành nguồn an ủi giảm bớt nỗi khổ của bà cụ.
Vào những tháng trước khi gia nhập đạo Công Giáo, sáng nào Edith cũng tham dự thánh lễ ở Breslau. Bà dậy sớm và lặng lẽ rời khỏi nhà. Dù vậy, bà vẫn không ngăn được bà cụ Stein thức dậy, lòng đầy linh cảm âu lo rằng con gái bà đang đi đến nhà thờ Công Giáo.
4. Chọn Chúa là từ bỏ tất cả sự nghiệp:
Edith thường thú nhận rằng chính hôm bà lãnh nhận phép thánh tẩy 1/1/1922, là bà đã quyết định gia nhập dòng của thánh Têrêsa Avila.
Khi đã vào dòng kín Cát Minh, để khỏi bị ai thấy và khỏi bị quấy rầy khi cầu nguyện trong nhà nguyện tu viện, bà Edith đã xin nhà Dòng dành cho bà một góc nhỏ sau một cây cột. Bà đi qua cửa để vào thẳng cung thánh. Nhờ đó, bà có thể âm thầm lặng lẽ tiến đến bàn quỳ, không bị ai để ý, và từ đó, bà nhìn lên bàn thờ chính.
Như được một nhu cầu tâm linh thúc giục, bà rút lui vào thinh lặng và cầu nguyện, mỗi khi mỗi sinh hoạt khác cho phép bà làm như thế. Bà cũng mời gọi người khác cầu nguyện riêng. Càng vướng phải nhiều bổn phận chồng chất, người ta càng cần phải dừng lại hồi tâm, quay về với lòng mình, nơi Thiên Chúa ngự trị. Theo bà, muốn được vậy, không nhất thiết phải vào nhà thờ, ở đâu cũng có thể hít thở được về mặt tâm linh.
Edith luôn luôn xem việc cử hành phụng vụ là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đây chính là điều bà nhắm đến khi bà không ngừng nhắc nhở chúng ta bắt chước Chúa KiTô, sống sự tiếp diễn huyền bí cuộc sống của Đấng Phục Sinh, tự nguyện tận hiến cho Ngài để thuộc về Ngài và sống liên kết với Ngài trong cuộc hiệp thông bền bỉ.
5. Đầy can đảm trước thử thách:
Bà Edith đón nhận sự chỉ trích như một ân sủng, bà nhìn nhận sự dốt nát, bất toàn của mình và đành chấp nhận chỉ làm những gì trong giới hạn khả năng của mình: “Tạo nên những đà thúc đẩy kẻ khác, đặt nền móng cho những điều mà trên đó kẻ khác sẽ xây dựng về sau.”
Edith chấp nhận tình trạng đau đớn này như thời gian của ân sủng. Tận thâm sâu, bà tin chắc rằng “phải bước qua lối này và cứ việc trầm tĩnh an nhiên để Chúa dẫn dắt.”
6. Liên kết với Chúa Giêsu qua cuộc sống thần linh và nhân linh:
Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Kẻ nào muốn liên kết với Ngài cũng phải vừa tham dự cả cuộc sống thần linh và cuộc sống nhân linh, với những khổ đau, tăm tối, tuệyt vọng và cuối cùng là cái chết. Phải đi qua cửa tử với Chúa KiTô để cùng ngài đạt đến niềm vui phục sinh.
Đối với Edith thì:
“Đó là con đường của mỗi người chúng ta cũng như của toàn thể nhân loại. Mầu nhiệm trọng tâm ấy của đức tin chúng ta chính là trụ cột của lịch sử thế giới.”
“Chúng ta biết rằng không thể có đời sống đức tin ở trong lòng Hội Thánh nếu mỗi người không biết kết hiệp với Đức Ki-Tô. Các tín hữu cần phải gặp gỡ sống động với vị Chúa đã được tôn vinh, để tham dự vào sứ mệnh của Ngài nơi trần gian trong đủ chiều kích: tri thức, xã hội, kinh tế và chính trị.”
7. Xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa:
“Nhờ đó, tôi đã hiểu ra rằng có lẽ chính vì thế mà tôi phải đến thành phố này. Đây quả không phải những gì nằm trong ý định của tôi mà chính là trong hoạch định của Thiên Chúa.
Và những biến cố tương tự như thế càng xẩy đến cho tôi, tôi càng thêm niềm xác tín rằng nơi Thiên Chúa chẳng hề có gì là ngẫu nhiên. Trọn đời tôi, ngay tận những chi tiết nhỏ nhất cũng đều được tiền định trong kế hoạch quan phòng của Ngài. Trước đôi mắt tinh tường của Chúa, cuộc đời tôi chứa chan vẹn toàn ý nghĩa…
Bấy giờ tôi bắt đầu vui hưởng Ánh Sáng vinh quang, mà trong đó, tôi sẽ nhận ra chính mình và hiểu được trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời tôi.” (Lời của thánh Edith Stein)
Kim Hà, 9/8/07
hhttp://memaria.org/cam_nghiem_nguoi_kito_huu/nhung_loi_noi_va_tu_tuong_cua_thanh_edith_stein/
http://memaria.org/cam_nghiem_nguoi_kito_huu/thanh_edith_stein_con_goi_la_thanh_teresa_benedicta/
|