§ Đài Chân Lý Á Châu
Từ 2000 năm qua, Giáo Hội Công Giáo luôn tuyên xưng trong kinh Tin Kính Chúa Giêsu đã chịu khổ hình và mai táng dưới thời quan Phongxiô Philatô. Mãi mãi tên tuổi của vị tổng trấn La Mã này gắn liền với vụ án của Chúa Giêsu. Không những thế, ông phải chịu trách nhiệm về chính cái chết của Ngài. Với quyền lực đang có trong tay, ông đã có thể can thiệp để cứu một người mà ông biết rõ là vô tội. Vậy mà, như Tin Mừng theo Thánh Matthêô đã viết, trước khi giao nộp Chúa Giêsu cho người Do Thái mang đi đánh đập và giết chết, tổng trấn Philatô đã đến giếng nước rửa tay trước mặt đám đông và tuyên bố “Ta vô can trong vụ đổ máu người này”.
Ngày nay, cử chỉ rửa tay của vị tổng trấn này đã là biểu tượng của thái độ phủi tay, vô trách nhiệm của con người với chính tội ác mình đã phạm. Trước tòa án, hầu như tất cả mọi lý hình và đồ tể trong lịch sử nhân loại đều lập lại cử chỉ ấy của Philatô. Từ những cộng sự viên thân tín nhất của Hitler cho đến những tay chân bộ hạ của Polpot, từ những quan tòa của những Tòa án Nhân dân trong vụ cải cách ruộng đất tại Việt Nam cho đến những kẻ đang nắm quyền sinh sát trong tay tại Việt Nam ngày nay, tất cả đều tuyên bố vô can trong cái chết của bao nhiêu người vô tội.
Ngày xưa, trong lễ Xá Tội, người Do Thái có tục lệ bắt một con dê, trút lên nó tất cả mọi tội lỗi của mình và đẩy nó vào trong sa mạc. Rồi người ta ung dung tự tại như thể mình đã tẩy xóa được mọi tội lỗi. Ngày nay, trong một chế độ mà không một người nào đứng ra nhận lấy trách nhiệm về những hành vi sai trái của mình, người ta cũng luôn tìm ra cho được những con dê tế thần như thế.
Điển hình nhất là vụ cải cách ruộng đất được tiến hành tại miền Bắc trong hai năm 1955 và 1956. Trong tập sách Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam từ 1945 đến 2000, tập II, do Viện Kinh Tế Việt Nam tại Hà Nội xuất bản năm 2004, nhà nước cộng sản Việt Nam đã phải nhìn nhận rằng trong cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã được thực hiện tại 3563 xã với tổng số dân là khoảng 10 triệu người. Tỷ lệ địa chủ được quy định trước là 5.68%. Các đội và các đoàn cải cách ruộng đất đã thi đua lập thành tích bằng cách truy bức người dân để đôn con số địa chủ lên cho đúng tỷ lệ đã được cấp trên quy định. Như vậy, tổng số người bị quy là địa chủ và mang ra đấu tố lên tới hơn 500,000 người. Cũng theo tài liệu trên đây, trong tổng số 500,000 người bị quy chụp là địa chủ ấy đã có 172,008 người bị giết chết. Sau khi “sửa sai”, và “kiểm tra lại”, đảng và nhà nước nhận thấy trong số 172,008 người bị giết chết ấy có đến 123,226 người bị coi là oan.
Đây quả là một con số khủng khiếp. Có độc ác đến đâu, Hitler cũng đã không đấu tố và sát hại một con số đồng bào người Đức của mình nhiều như thế. Những tội ác tày trời này đã được nhà văn Tô Hoài mô tả một cách sống sượng đến nỗi khiến người đọc không thể không nghĩ rằng tác giả dường như cũng đã can dự tích cực vào máu của những người vô tội ấy.
Thật vậy, như ghi nhận của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu, trong một bài viết có tựa đề “Con Ngáo Ộp là có thật”, “Tô Hoài mang đến một tấn bi kịch đau lòng mà lịch sử đã gây ra nửa thế kỷ trước. Con Ngáo Ộp là có thật, nó đã sống, đã ăn thịt nhiều trẻ em và hình như vẫn còn đang tồn tại đâu đây trong xã hội chúng ta”. Quyển tiểu thuyết có tựa đề “Ba người khác” tuy được viết vào năm 1992, vẫn được nhà văn Tô Hoài tự nhận là một thư ký trung thành của thời đại để ghi lại.
Như nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đã nhận xét, có vô số chi tiết “đắt giá” được đưa vào truyện, giúp người đọc sống lại một thời kỳ lạ lùng và kinh khủng đã diễn ra trên đất nước. Người đọc cảm nhận một hoàn cảnh với rất nhiều đặc trưng mang tính cực đoan như ngu xuẩn, bỉ ổi, đáng thương, tàn bạo, đểu cáng, điên rồ, vô luân. Khó có thể tưởng tượng được nếu không từng sống trải. “Ba người khác” trong tác phẩm của Tô Hoài là 3 cán bộ nòng cốt đã cùng với các đội cải cách thực hiện một chương trình hành động sít sao, chặt chẽ, họp hành thâu đêm suốt sáng, phát động quần chúng đấu tố, lập tòa án nhân dân, hành hình tại chỗ, chia ruộng đất với sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp trên.
Nhưng “Ba người khác” này là ai? Nhà văn Tô Hoài đã cố tình khai thác những mảng tối khủng khiếp nhất trong nhân cách của 3 nhân vật này để khẳng định rằng họ chỉ là “cặn bã” của xã hội. Tác giả đã kết thúc câu chuyện như sau: Đội trưởng Cự, một trong “Ba người khác” ấy sau này vào Nam đầu hàng địch, bị một chiến sĩ ta đột nhập vào cơ quan Chiêu Hồi chém đứt cổ. Tác giả viết trong sách rằng “chuyện kỳ lạ này được các xóm kể lại”. Không biết thực hư như thế nào nhưng phát biểu ở ngoài thì tác giả khẳng định rằng đây là “chuyện thực một trăm phần trăm” bởi vì trong thực tế đã có một đại tá Huỳnh Cự chiêu hồi. Ông ta chính là đội trưởng Cự ngày trước. Người đọc được hướng dẫn để hiểu hóa ra những cán bộ các đội bẩn thỉu đê hèn nhất trong truyện chỉ là những tên mang bản chất đê hèn xấu xa, do thực dân đế quốc cài lại. Họ đã chạy theo Mỹ, Ngụy. Họ không phải là những người cộng sản chân chính.
Như vậy, bài toán của vụ án cải cách ruộng đất đã có giải đáp. Những kẻ gây ra tội ác không phải là những cán bộ cộng sản, không phải là Đảng, không phải là Bác là người đã ban hàng sắc lệnh số 197-SN để công bố luật cải cách ruộng đất. Bác và Đảng đã có đủ “nước thánh” do nhà văn Tô Hoài mang lại để rửa tay và tuyên bố “Ta vô can trong vụ đổ máu những người vô tội này”. Kể từ đó kịch bản xây dựng trên giáo điều “Bác và Đảng không bao giờ sai lầm” ấy được lặp lại trong suốt 60 năm qua. Đã có sẵn những con “oan dương” có tên là Mỹ, Ngụy, tàn tích của chiến tranh, chất độc màu da cam, các thế lực thù địch ở hải ngoại để trút lên đó mọi tội ác. Người dân cứ phải nghe mãi một điệp khúc “Chủ trương chính sách của Đảng không bao giờ sai”, chỉ có “cấp dưới thi hành không đúng”. Nhưng người dân có khiếu kiện lên trên thì chỉ có trời mới nghe được tiếng kêu than của họ. Lúc nào cái dù cũng che cái cán.
Người ta cũng có thể thấy được thấp thoáng kịch bản ấy trong vụ đất Tòa Khâm Sứ, đất của giáo xứ Thái Hà. Một tác giả nào đó ký tên là “Thợ Gặt” từ Hà Nội, có lẽ là một người trong guồng máy cai trị cho nên mới biết rõ rằng thủ tướng chính phủ đã thân chinh hy sinh bỏ một ngày nghỉ Chúa nhật để thân chinh đi khảo sát thực tế và sau đó đã có ý kiến chỉ đạo. Nhưng đâu vẫn vào đó. Ở trên đưa ý kiến, thì mặc ở trên, địa phương vẫn có lệ làng của địa phương. Bà phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội có giọng điệu đe dọa muốn ăn thua đủ cũng không phải do ở lỗi của bà mà do một đội ngũ đóng vai trò “tham mưu” nào đó. Rốt cục ở trên thì thủ tướng đã làm tròn hết trách nhiệm, ở địa phương Ủy Ban Nhân Dân cũng đã hết mình vì dân, chỉ có “đám tham mưu” mà tác giả “Thợ Gặt” bảo là đông như sao trên trời là làm bậy mà thôi.
Tác giả “Thợ Gặt” có lẽ cũng muốn mang “nước thánh” đến cho thủ tướng rửa tay và tuyên bố rằng ông đã làm hết mình, chính phủ của ông đã làm hết mình, nhà nước của ông đã làm hết mình, đảng của ông đã làm hết mình.
Người Việt Nam đang phải chứng kiến một thứ văn hóa đùn đẩy. Ở trên đùn xuống dưới. Ở dưới đùn lên trên. Trong một thứ văn hóa như thế, hiển nhiên, không một ai chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì đang xảy ra trong chế độ. Ngày nào Đảng và nhà nước cũng ra rả về quốc nạn tham nhũng như thể tham nhũng là tội của người dân hay của một “người khác” nào đó, ở một nơi nào đó chứ không phải ngay trên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Nhưng một câu hỏi đơn giản nhất mà một người dân với một trí tuệ tầm thường nhất cũng có thể đặt ra là: “Ai là người tham nhũng?”
Radio Veritas
|