www: radiovaticana.org
Phỏng vấn bà Marta Sordi, giáo sư sử học về gương mặt của thánh Phaolô, vị thầy của đối thoại
Chiều ngày 28-6-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khai mạc Năm Thánh Phaolô trong buổi hát Kinh Chiều trọng thể tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, với sự tham dự của 70 vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác.
Trong lịch sử Giáo Hội đã không có nhà truyền giáo nào nổi tiếng bằng thánh Phaolô. Ngài đã là người du hành lớn nhất của Kitô giáo. Và vùng Địa Trung Hải, từ Italia đến Thổ Nhĩ Kỳ, đều ghi đậm dấu vết bước chân của ngài. Đôi khi đó là các di tích khảo cổ, thường khi là tên địa lý các nơi.
Phaolô sinh tại Tarso bên vùng Tiểu Á, ngày nay là miền trung nam Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ vào năm thú 8. Thuộc gia đình do thái nhưng là công dân roma, từ chỗ là người bách hại Phaolô theo Kitô giáo trên đường đến thành Damasco và bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu Kitô. Tại Giêrusalem Phaolô hiệp với đoàn tông đồ. Sau đó được Barnaba mời tới Antiokia vùng Siria, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, để rao giảng Tin Mừng cho các người do thái theo Kitô giáo. Tại đây Phaolô gặp tông đồ Phêrô, và cũng tại đây lần đầu tiên các môn đệ được gọi là ”tín hữu Kitô”.
Chắc hẳn từ năm 46 thánh Phaolô bắt đầu ba chuyến truyền giáo dài qua vùng Anatolia và Hy Lạp. Khi qua đảo Chypre Phaolô đã chứng kiến cảnh hoán cải của quan lãnh sự roma Sergio Paolo. Tại Antiokia vùng Pisidia Phaolô giảng trong hội đường do thái và thành lập một giáo đoàn khác với cộng đoàn do thái. Phaolô đã sống tại Êphêxô gần 3 năm, nhưng bị bắt buộc bỏ thành này vì các thợ bạc nổi loạn chống lại thánh nhân, vì công tác truyền giáo của người gây thiệt hại cho họ. Theo một vài sử gia thánh Phaolô đã bị nhốt tù tại Êphêxô.
Từ đất Thổ Nhỉ Kỳ thánh nhân sang Hy Lạp: ở Athènes người giảng cho giới trí thức tại Aeropago; thánh nhân dừng lại Côrintô một năm rưỡi, và du hành cho tới chết. Bị bắt tại Giêrusalem Phaolô bị dẫn độ về Roma. Sau vụ đắm tầu tại đảo Malta thánh nhân được đưa về Roma vừa bằng đường tầu vừa bằng đường bộ ghé Siracusa và Pozzuoli. Tại Roma thánh nhân bị chém đầu năm 67.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Marta Sordi, giáo sư sử học về gương mặt của thánh Phaolô, vị thầy của tình bằng hữu và sự đối thoại. Bà Marta Sordi nguyên là giáo sư sử học hy lạp và sử học roma tại đại học công giáo Milano, bắc Italia, và là chuyên viên nghiên cứu thời đại của thánh Phaolô.
Hỏi: Thưa giáo sư Sordi, là chuyên viên sử học, điều gì đã đánh động giáo sư nhất nơi con người và gương mặt của thánh Phaolô?
Đáp: Bên cạnh trí thông minh, nền văn hóa và lòng hăng say truyền giáo nơi công dân roma Gaio Giulio Paolo, còn có một tài khéo khác: đó là sự thiện cảm. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất trong cuộc đời của thánh Phaolô đó là khả năng ngoại thường trong việc nhanh chóng kết thân với tất cả những người chung quanh, cho dù là bạn hay thù, người hèn kém hay kẻ quyền thế.
Thật vậy, khả năng kết bạn của thánh Phaolô rất là đặc biệt. Người ta có thể nhận ra điều này ngay từ khi Phaolô gặp gỡ quan lãnh sự đảo Chypre là Sergio Paolo, là người có vai trò nền tảng trong việc định đoạt con đường rao giảng của thánh Phaolô. Mối dây tình bạn ràng buộc giữa hai người mạnh mẽ tới độ Phaolô bỏ tên do thái Saul của mình để lấy tên Paolo của bạn. Phaolô là một người có nhiều khả năng nhân bản ngoại thường song song với các khả năng trí thức và bề dầy thần học.
Hỏi: Có phải vì tư tưởng và tác phẩm của thánh nhân quan trọng và có ảnh hưởng tới độ một đôi khi người ta cho rằng thánh nhân mới là người thực sự thành lập Kitô giáo, chứ không phải là Đức Giêsu Kitô, có đúng thế không thưa giáo sư?
Đáp: Vâng, đúng thế. Những người không Kitô cho rằng thánh Phaolô đã đi qúa các lệnh truyền của Chúa Kitô, khi loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới chứ không phải chỉ cho người do thái, và như thế thánh nhân thành lập Kitô giáo một cách cụ thể. Nhưng điều này không đúng. Nó không đúng trên bình diện lịch sử, vì chính thánh Phêrô đã là người đầu tiên hoán cải một người ngoại giáo. Và nó cũng không đúng trên bình diện thần học, vì nói cho cùng thánh Phaolô đã chỉ lập lại những gì chính Chúa Giêsu Kitô đã làm. Ban đầu thánh nhân đã chỉ rao giảng cho người Do thái trong các hội đường. Chính quan lãnh sự Sergio Paolo đã ”bắt ép” Phaolô, trong một nghĩa nào đó, rao giảng Tin Mừng cho những người ngoại giáo, bằng cách khuyên Phaolô nên đi sang Antiokia vùng Pisidia và từ đó bắt đầu rao giảng bên trong vùng Tiểu Á.
Hỏi: Lộ trình của thánh Phaolô, trong một cách thức nào đó, có xác định kiểu người nói với công chúng không thưa giáo sư?
Đáp: Trong toàn chuyến truyền giáo đầu tiên từ Antiokia sang Listria và Iconio thánh nhân đi theo con lộ Sebaste, do hoàng đế Augusto cho làm và dọc hai bên đường có các trại quân roma, và dân chúng bao gồm người Hy lạp, người Roma, người Do thái, và dân bản xứ Licaoni và Galati. Thánh Phaolô đã áp dụng cùng tiêu chuẩn của Chúa Giêsu trước kia: trước hết là rao giảng cho người Do thái, làm cho vài người theo đạo nhưng những người khác thì từ chối; sau đó thánh nhân mới rao giảng cho người ngoại giáo, tức không phải là người Do thái.
Hỏi: Thưa giáo sư, thánh Phaolô đã đối thoại với những người chưa hề biết tới Tin Mừng như thế nào?
Đáp: Thánh nhân chọn chỗ thích hợp nhất đối với thính giả. Khi giảng cho người Do thái trong các hội đường, thì thánh nhân khởi đầu từ lịch sử Israel, rồi trưng dẫn các ngôn sứ và sau cùng là dẫn tới Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, như là điểm thành toàn các lời tiên tri qua sự sống lại của Chúa. Trái lại đối với các người ngoại giáo, các người quê mùa thô kệch của vùng quê Tiểu Á cũng như các người trí thức tại Athènes, Côrintô và Êphêxô, thánh nhân áp dụng một kỹ thuật khác. Ý hướng vẫn là một, nhưng thánh nhân thay đổi các quy chiếu: Phaolô đi từ Thiên Chúa tạo dựng thế giới mà cả những người ngoại giáo đa thần cũng có thể hiểu được, hay từ trật tự thiên nhiên của các mùa trong năm và các khoảng không rồi dẫn con người tới với Thiên Chúa, Đấng làm ơn cho nhân loại, Đấng đã tự tỏ hiện nơi Đức Kitô. Ở đây thánh Phaolô cũng thay đổi kiểu trình bầy. Khi nói với giới trí thức hy lạp tại ”Aeropago” thành Athènes, thánh nhân trích dẫn các triết gia khắc kỷ; tại Licaonia thánh nhân trực tiếp đưa ra một nhận xét về sự thật thiên nhiên.
Hỏi: Đây có phải là bằng chứng khả năng của thánh Phaolô trong việc đối thoại và đối chiếu với các giới thính giả khác nhau hay không, thưa giáo sư?
Đáp: Chắc chắn rồi. Và thật ra tại Roma thánh Phaolô cũng đã có các giao tiếp với các môi trường khắc kỷ chú ý tới khía cạnh luân lý của triết lý khắc kỷ như: tầm quan trọng của luân lý, sự tự chủ, nhân đức... tất cả đều là các giá trị phù hợp với truyền thống cổ của Roma. Cũng chính vì thế mà tôi cho rắng sự trao đổi thư từ giữa thánh Phaolô và triết gia Seneca là điều có thể có.
Hỏi: Nhưng mà vẫn còn có rất nhiều nghi ngờ liên quan tới điều này thưa giáo sư....
Đáp: Đúng thế. Chính tôi ban đầu tôi cũng rất là nghi hoặc. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng nó là điều rất có thể thật. Loại bỏ hai thư chắc chắn là mạo thư ra, thì 12 thư còn lại trùng hợp với thời gian giữa các năm 58 tới 62, và như là nội dung, tuy Seneca là người ngoại giáo, nhưng giữa ông và thánh Phaolô có sự kính trọng nhau rất lớn. Triết gia roma tỏ ra hiểu biết và qúy chuộng các bút tích của Phaolô. Và thật thế trong lần đầu tiên bị tù ở Roma, hồi đó ông Seneca cai trị đế quốc cùng với Afranio Burro, thì thánh Phaolô đã được hưởng quy chế tự do rất lớn vì có thể tiếp đón mọi người và rao giảng thoải mái, mặc dù lúc nào cũng có một binh sĩ canh gác. Có các chi tiết khác trong các thư cho phép chúng ta nghĩ rằng điều đó là thật, chẳng hạn như một số kiểu hành văn khác biệt, một vài úp mở chỉ có thể giải thích được, nếu chúng ta coi các thư đã được biên soạn ra trong các năm này. Nhưng điều cần nêu bật đó là sự kiện thánh Phaolô đã biết khơi đậy thiện cảm của một tác giả ngoại giáo, mà các tín hữu Kitô cảm thấy gần gũi trên quan điểm luân lý.
Hỏi: Như thế đâu là khía cạnh ”tân tiến” nhất trong kiểu thánh Phaolô tiếp xúc với người khác, thưa giáo sư?
Đáp: Thánh Phaolô đã là một người có khả năng truyền thông rất lớn, một người rất là khéo léo và có khả năng tiếp xúc với mọi giai tầng xã hội. Thánh nhân biết nói với những người đơn sơ chất phác, cũng như với những người quyền thế. Còn hơn thế nữa thánh nhân biết kết bạn kể cả với những người thoạt tiên xem ra xa cách nhất như các thẩm phán hy lạp tại thành phố Êphêxô, quan lãnh sự đảo Chypre, quan bách quản hộ tống thánh nhân về Roma và cả người canh ngục tại Philiphê nữa.
Hỏi: Như thế mà tại sao việc rao giảng của thánh Phaolô lại thường gặp các khó khăn xung khắc như vậy thưa giáo sư?
Đáp: Đúng thế: Phaolô đi tới đâu là ở đó nảy ra xung khắc. Ở đây có sự khác biệt hoàn toàn giữa Phêrô và Phaolô. Phêrô là người thận trọng hơn nhiều. Giữa hai vị không có các khác biệt thần học, trái lại hai vị rất tâm đầu ý hợp với nhau đến độ trong thư thứ hai thánh Phêrô nhắc tới ”người anh em Phaolô rất thân mến của tôi”. Rồi thánh nhân dặn các người đối thoại với thánh Phaolô cẩn thận chú ý tới sự tinh tế và con người phức tạp của thánh nhân. Nhưng đã không bao giờ có xung khắc thần học giữa hai vị, có chăng là kỹ thuật mục vụ khác nhau.
Hỏi: Thánh Phaolô dậy con người ngày nay những gì thưa giáo sư?
Đáp: Thánh nhân dậy chúng ta đừng trốn chạy và đừng sợ hãi sự đối chọi. Nếu sống vào thời đại này của chúng ta, thánh nhân sẽ vào hàng ngũ những người cương quyết đương đầu với các vấn đề gây tranh luận nhất trong lãnh vực đại kết. Với những người ngoại giáo thánh Phaolô tấn công và hoán cải họ: thánh nhân giảng đạo cho các các người thuộc đoàn vệ binh của hoàng đế có nhiệm vụ canh giữ thánh nhân. Nghĩa là Phaolô dậy cho chúng ta biết đối thoại như thế nào: không sợ hãi nêu lên các điểm khác biệt, để có được sự gắn bó hay khước từ xác tín hơn. Đó là một cuộc đối thoại thế công chứ không thế thủ. Ngày nay có nhiều người đối thoại trong thái độ buông xuôi, muốn đạt được một thỏa thuận bằng bất cứ giá nào. Nhưng thánh Phaolô thì không, thánh nhân dậy chúng ta một đường lối ngược lại: đó là không che dấu sự gì cả, và công khai đương đầu với một sự khước từ có thể xảy ra.
(Avvenire 27-6-2008)
Linh Tiến Khải
|