Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu)
Radio Veritas Asia
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
----------------------------------------------------------------------
- 24 -
Mầu Nhiệm Của Ðau Khổ
Trong tác phẩm có tựa đề "Ðêm", tác giả Êliwisel, người sống sót từ các trại tập trung Ðức Quốc Xã trở về và sau được giải Nobel Hòa Bình, đã kể lại một cuộc hành quyết như sau:
Những người lính Ðức Quốc Xã xem ra có vẻ lo lắng và bị xáo trộn hơn mọi khi. Treo cổ một thiếu niên trước mặt hàng ngàn người không phải là chuyện cơm bữa. Người đứng đầu trại đọc bản án. Tất cả mọi con mắt đều hướng về cậu bé. Người cậu bé tái xanh nhưng nó mím môi để giữ bình tĩnh, giàn treo đang phủ bóng lên cậu bé. Lần này, người đứng đầu trại khước từ vai trò lý hình, ba người lính Ðức Quốc Xã thế chỗ ông, ba nạn nhân cùng leo lên ba chiếc ghế, ba cái cổ cùng được đưa vào ba cái lỗ dây thòng lọng. Hai người lớn hô: "Tự do muôn năm", nhưng người thiếu niên giữ thinh lặng. Ðàng sau tôi có người hỏi: "Chúa đang ở đâu? Người đang ở đâu?" Khi người trưởng trại ra hiệu, cả ba cái ghế cùng bị xô ra một bên. Cả trại chìm ngập trong thinh lặng. Ở chân trời, thái dương đang từ từ lặn. Người trưởng trại la lớn: "Bỏ mũ ra!" Giọng của ông khàn. Tất cả chúng tôi đều khóc. Rồi ông lại ra lệnh: "Ðội mũ lên!" Và cuộc diễn hành về trại bắt đầu. Hai người lớn không còn sống nữa, những cái lưỡi của họ thè ra, tím lịm và sưng lên; nhưng chiếc dây thừng thứ ba còn động đậy, vì quá nhẹ cân cho nên cậu bé vẫn còn sống. Trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, em vẫn còn treo lơ lửng ở đó, chiến đấu giữa cái chết và sự sống. Chết từ từ dưới cái nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi phải nhìn thẳng vào mặt em. Em vẫn còn sống khi tôi đi qua trước mặt em, lưỡi em vẫn còn đỏ nhưng mắt em đã mất thần. Sau lưng tôi, tôi vẫn còn nghe cái giọng lúc nãy hỏi: "Bây giờ, Chúa đang ở đâu?" Và tôi nghe có một tiếng nói trong tôi trả lời cho ông: "Chúa ở đâu ư? Ngài đang ở đây này. Ngài đang bị treo trong cái dây thòng lọng kia kìa!"
* * *
Có hai người cùng bị treo trên thập giá với Chúa Giêsu. Một người đã nhận ra Ngài như Ðấng cứu độ và được ơn tha thứ. Một người lại nguyền rủa và khước từ sám hối. Trước đau khổ của cuộc sống, có người tin tưởng và phó thác, có người nổi loạn và phạm thượng. Ðau khổ là thước đo nhân cách và lòng tin của con người. Ðau khổ là trường đào luyện và thanh tẩy con người. Giữa bao đau khổ, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được thái độ đúng đắn của con người. Ngài luôn thưa xin vâng với thánh ý Chúa Cha. Trước đau khổ của người khác, Ngài cảm thông tới độ đồng hóa với tất cả những ai đang đau khổ. Ngài là Thiên Chúa có mặt trong từng nỗi đau của con người. Ngài là Thiên Chúa đang quằn quại trong mỗi một người đang đau khổ. Ngài là Thiên Chúa đang bị bách hại. Ngài là Thiên Chúa bị ruồng rẫy khước từ trong tất cả những người bị bỏ rơi và bị đẩy ra bên lề xã hội.
Hằng năm, vào Mùa Chay, chúng ta sống mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Chúng ta không dửng dưng trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Khổ đau dường như là nơi ưu việt để Thiên Chúa của tình yêu tỏ mình. Chính qua và trong những người đang đau khổ mà Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài.
Lạy Chúa,
Trong thân phận con người, chúng ta không thể thoát khỏi khổ đau. Chúa đã nên giống chúng con trong mọi sự. Chúa đã trải qua đau khổ. Giữa những khổ đau, xin cho chúng con luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc.
|