14/07/2008 16.11.10
SYDNEY: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tới Sydney lúc 15 giờ chiều Chúa Nhật vừa qua và hiện đang nghỉ vài ngày tại trung tâm Kenthurst mạn tây bắc Sydney, trước khi chủ sự lễ khai mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.
Đức Thánh Cha đã bắt đầu chuyến công du thứ IX ngoài Italia sáng thứ 7 vừa qua. Sau 20 giờ bay với một trạm dừng chân kỹ thuật 90 phút tại phi trường quân sự Darwin ở mạn bắc Australia, lúc 15 giờ chiều Chúa Nhật 13-7-2008 Đức Thánh Cha đã tới Sydney. Chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường quân sự Richmond, có Thủ tướng Australia ông Kevin Rudd, Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney và Đức Hồng Y Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, là cơ quan tổ chức các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.
Tuy chuyến bay dài nhưng xem ra Đức Thánh Cha không cảm thấy mỏi mệt. Tại Darwin trong khi chờ máy bay lấy thêm nhiên liệu Đức Thánh Cha đã đi dạo 25 phút.
Sau lễ nghi chào đón đơn sơ tại phi trường quân sự Richmond, Đức Thánh Cha đã đi xe hơi về trung tâm tu đức của hiệp hội Opus Dei ở Kenthurst, ngoại ô tây bắc Sydney, dưới chân Núi Xanh, để nghỉ ngơi vài ngày cho quen với giờ giấc Australia, đi trước giờ Roma 9 tiếng. Hai bên đường đã có rất đông tín hữu chào đón vị thượng khách mà họ đã nôn nóng chờ đợi từ bao tháng qua.
Sáng ngày 14-7-2008, Đức Hồng Y George Pell, Đức Cha Philip Wilson, Tổng Giám Mục Adelaide, và Đức Cha Anthony Fisher, đặc trách tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, đã mở cuộc họp báo tại Trung Tâm Báo Chí Sydney. Đức Hồng Y Pell cho biết ngài rất ngạc nhiên thấy Đức Thánh Cha xuống thang máy bay rất nhanh nhẹn và tươi vui, không tỏ ra mỏi mệt. Trong các ngày này Đức Thánh Cha dành thời giờ để cầu nguyện và di dạo, và chiều thứ tư Đức Thánh Cha sẽ về nhà xứ nhà thờ chính tòa Sydney và ở tại đây cho tới ngày 21-7-2008.
Trong mấy ngày tới đây mấy trăm ngàn bạn trẻ sẽ nồng nhiệt tiếp đón Đức Thánh Cha trong lễ hội lớn tiếng tuyên xưng lòng tin này. Vì mục đích của Ngày Quốc Tế Giới trẻ là giới thiệu con người và các giáo huấn của Chúa Giêsu cho người trẻ công giáo, cho các tín hữu Kitô cũng như các người thuộc các tôn giáo khác. Các chân phước bổn mạng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ trong đó có thanh niên Pier Giorgio Frassati, cho thấy sống lòng tin bao gồm các hy sinh và chiến đấu. Cả chân phước Frassati cũng đã phải chiến đấu để vượt thắng các đối kháng trong gia đình mình.
Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson cho biết đã có 70.000 bạn trẻ quốc tế tham dự ”Ngày của các giáo phận”. Tổng giáo phận Adelaide đã đón tiếp hàng ngàn bạn trẻ trong đó có phái đoàn giới trẻ Angola. Các bài ca và các vũ điệu của họ đã khiến cho mọi người rất thú vị. Các sáng kiến thiêng liêng đã cho thấy sự hiệp thông sâu xa giữa các tín hữu, vượt mọi khó khăn ngôn ngữ. Với sự trợ giúp của chính quyền thành phố các bạn trẻ đã trồng 20.000 cây trong vùng ngoại ô chung quanh thành phố để nhấn mạnh tầm quan trọng phải bảo vệ môi sinh. Chúng sẽ là kỷ niệm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008. Các ngày này sẽ là một ngạc nhiên đối với người dân Australia, vì chúng cống hiến cho mọi người một Giáo Hội phản ánh nơi biết bao nhiêu người trẻ toàn thế giới.
Các chương trình đều rộng mở cho sự tham dự của tất cả mọi người, mà không cần phải có vé. Đức Tổng Giám Mục Wilson đã cám ơn Đức Cha Fisher về công tác chuẩn bị và nói rằng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney là một phước lành lớn cho dân nước Australia và là dịp để cử hành đức tin, đặc biệt trong thánh lễ kết thúc do Đức Thánh Cha chủ sự ngày Chúa Nhật 20-7-2008.
Mặt khác linh Mục Federico Lombardi Tổng Giám Đốc Đài Vaticăng kiêm phát ngôn viên Tòa Thánh cho giới báo chí biết sẽ có đông đảo các anh chị em thổ dân hiện diện trong thánh lễ Chúa Nhật tới đây. Ngoài ra cha cũng cho biết trong các ngày Đức Thánh Cha nghi ngơi, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cùng với các vị khác của đoàn tháp tùng cũng viếng thăm một làng thổ dân và thành phố Parramatta. Tại đây Đức Hồng Y chủ sự thánh lễ trong nhà thờ chính tòa St. Patrick. Liên quan tới các thổ dân hồi tháng hai năm nay thủ tướng Kevin Rudd đã nhân danh chính quyền chính thức xin lỗi vì các bất công họ đã phải gánh chịu. Thủ tướng đã mạnh mẽ tố cáo chính sách đồng hóa bắt buộc mà chính quyền Australia đã đưa ra đối với các thổ dân trong hai năm 1910 và 1970.
Cha Lombardi cũng cho biết hồi năm 2006 chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đề cập tới các khổ đau của các thổ dân, trong thư kỷ niệm chuyến công du của Đức Gioan Phaolo II tại Australia. Trong đó Đức Thánh Cha khích lệ người dân Australia ”sẵn sàng chấp nhận sự thật lịch sử, với sự thương xót và cương quyết đương đầu với các nguyên do sâu xa của tệ nạn vẫn còn đè nặng trên các thổ dân. Dấn thân cho sự thật mở ra con đường hòa giải lâu dài qua tiến trình chữa lành bao gồm việc xin lỗi và tha thứ, là hai yếu tố cần thiết cho hòa bình. Và như thế ký ức được thanh tẩy, con tim được bình an và tương lai tràn đầy hy vọng xây dựng trên hòa bình phát xuất từ sự thật”.
Trong 90 phút dừng chận tại Darwin Đức Thánh Cha đã nhận được món qùa đầu tiện là ảnh ”Đức Bà Thổ Dân” do Đức Cha Eugene Hurley Giám Mục Sở tại trao tặng. Hiện nay tại Australia có 517 ngàn thổ dân chiếm 2,5% tổng số dân.
Trong khi đó tại Sydney văn bản sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cho dân chúng Australia và người trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney đã được phân phát cho người trẻ để giúp họ suy tư về ý nghĩa của Ngày Quốc Tế Giới Trể lần thứ XXIII.
Trong sứ điệp qua vài nét chấm phá Đức Thánh Cha cho thấy tình trạng của người trẻ trong thế giới ngày nay.
Thế giới ngày nay thường khiến cho người trẻ lẫn lộn. Sự lẫn lộn đó khiến cho họ không biết phải làm gì và làm cho họ mất tin tưởng. Nhưng Chúa Giêsu có các câu trả lời mà người trẻ tìm kiếm cho chính mình, cho môi trường sống chung quanh họ đang cần được bảo vệ, cho các dân tộc bị áp bức bởi nhiều hình thức bần cùng khốn khổ khác nhau. Các dân tộc ấy đang đứng đó với sự nghèo túng của họ để lay động lương tâm thế giới, kiếm tìm trợ giúp và tiến bộ. Thế giới cần được canh tân hơn bao giờ hết và Đức Thánh Cha xác tín rằng người trẻ được mời gọi là dụng cụ của sự canh tân ấy, bằng cách thông truyền cho các người trẻ đồng trang lứa niềm vui mà họ đã sống trong việc hiểu biết và bước theo Chúa Kitô, và bằng cách chia sẻ với người khác tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy trong con tim họ, làm sao để cho các người trẻ ấy cũng được tràn đầy hy vọng và biết ơn đối với tất cả sự thiện mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa, là Cha chúng ta ở trên trời.
Tiếp tục sứ điệp gửi nhân dân Australia và người trẻ, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng rất tiếc ngày nay nhiều người trẻ không có niềm hy vọng, lý do cũng vì có các dấu chỉ mâu thuẫn liên quan tới các vấn đề lớn trong cuộc sống. Họ trông thấy nghèo đói, bất công và ước mong tìm ra các giải pháp cho tình trạng đó. Họ bị thách đố bởi những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa và họ không biết phải trả lời ra sao. Họ thấy các thiệt hại lớn lao do lòng tham của con người gây ra cho môi trường thiên nhiên, và họ chiến đấu để tìm ra các phương thế giúp sống hài hòa hơn với thiên nhiên và với người khác. Tất cả khiến cho người trẻ bối rối, bất ổn không biết quay về hướng nào để tìm ra câu trả lời. Nhưng câu trả lời cho các vấn nạn đó là chính Chúa Thánh Thần, là Đấng hướng chúng ta tới Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô chúng ta tìm thấy các mục đích đáng sống và sức mạnh để tiếp tục con đường làm nảy sinh ra một thế giới mới.
Trước đó trong sứ điệp Đức Thánh Cha đã cám ơn tất cả mọi giai tầng xã hội dân sự, và Giáo Hội đã nổ lực chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được thành công. Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn các bạn trẻ đã phải hy sinh rất nhiều để đến Australia và ngài xin Thiên Chúa trả công cho mọi cố gắng đó. Ngài cầu xin cho con tim của người trẻ thực sự tìm thấy sự nghỉ ngơi nơi Chúa và được tràn đầy niềm vui và lòng nhiệt thành để phổ biến Tin Mừng giữa các bạn bè, gia đình của họ và tất cả những ai họ gặp trên đường đời. Và Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp như sau:
”Trái tim tôi gần gũi với tất cả mọi người, kể cả những người đau yếu hay gặp các khó khăn đủ loại. Nhân danh tất cả mọi người trẻ, một lần nữa tôi xin cám ơn sự yểm trợ của anh chị em cho sứ menh của tôi và nhất là tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho các bạn trẻ”.
Từ thứ hai 14-7-2008 các bạn trẻ tham dự ”Các ngày của các giáo phận” trong toàn nước Australia và Niu Dilen đã lũ lượt kéo nhau về Sydney. Có một trong những sáng kiến dễ thương chưa từng thấy đó là có một số các bạn trẻ thuộc phong trào ”Tân Dự Tòng” Australia chia làm ba nhóm thay phiên nhau túc trực tại phi trường Sydney 24 giở trên 24 giờ đồng hồ để tiếp đón các bạn trẻ khác, từ khắp nơi đổ về.
Họ đánh đàn ca hát múa nhảy để tiếp các phái đoàn người trẻ tới Sydney. Tuy ngạc nhiên nhưng cảnh sát phi trường để cho các bạn trẻ bày tỏ niềm vui và sự tiếp đón nồng hậu của họ đối với các bạn trẻ nước ngoài. Còn các nhân viên phục vụ tại phi trường thì chỉ mong mỗi sáng họ tới sớm để khởi động bầu khí hành hương lễ hội của hòa bình và tình yêu thương huynh đệ vô biên giới, để được cùng hát và múa nhảy với các bạn trẻ. Và sáng kiến này đã thực sự gây ngạc nhiên thích thú và phấn khởi cho các bạn trẻ từ khắp nơi đổ dồn về Sydney. Họ cũng nhập đoàn và múa hát đến quên cả việc lên xe bus để về các nơi tạm trú. Các trưởng đoàn đã phải vất vả lắm mới kéo được họ ra khỏi phi trường để lên xe bus.
Linh Tiến Khải
|