Nguồn: chuacuuthe.com
Lm Phạm Thanh Quang C.Ss.R
Sáng 28.6.2008, Đức cha P.X. Nguyễn Văn Sang và một số cha đồng tế đã dâng lễ kính thánh Phê-rô và Phao-lô để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho giáo họ Vĩnh Trà, xứ Thượng Phúc thuộc Giáo Phận Thái Bình. Giáo họ nằm gần bờ biển, thuộc tỉnh Thái Bình, giáp ranh với Hải Phòng. Giáo họ có khoảng 600 giáo dân, đa số sống bằng nghề chài lưới. Vì thế thánh lễ hôm nay rất có ý nghĩa đối với họ. Bởi lẽ thánh Phê-rô là bổn mạng của giáo họ, mà thánh Phê-rô lại là dân thuyền chài, họ cũng là dân thuyền chài, ý nghĩa biết là chừng nào! Kết thúc thánh lễ, mọi người đều vui tươi hớn hở, vì cảm thấy mình được chăm sóc (dù ở mãi tít xa xôi, tận “chân trời góc biển”) và được quan tâm, đặc biệt về đời sống đạo.
VÀI CUỘC PHỎNG VẤN “BỎ TÚI”
1. Trước thánh lễ: Trên đường đến Họ ngư dân Vĩnh Trà, tôi (C G. Quang) hỏi Đức cha P.X. Sang, Giám mục Giáo Phận Thái Bình: Thưa Đức cha, giáo dân ở Vĩnh Trà như thế nào? - Đức cha P.X. Sang: Cha ơi, giáo dân ở đấy sốt sắng lắm. Tuy không đông lắm, nhưng họ có quy củ, nề nếp, tổ chức chặt chẽ, kinh tế giàu có và đặc biệt là đức tin của họ mạnh lắm. Cha cũng biết đó, dân chài lưới ngư phủ mà! Họ luôn phải lăn lộn với sóng gió bão bùng, luôn phải giành giật giữa cái sống và cái chết, nên họ chỉ còn biết cậy trông phó thác vào Chúa. Vì vậy, đức tin của họ vững chãi lắm. - C G. Quang: Vậy tại sao Đức cha quan tâm tới họ (một giáo họ nhỏ bé) đến vậy? - Đức cha P.X. Sang: Tôi phải quan tâm đến họ chớ!Trước tiên là để cầu nguyện cho họ, động viên nâng đỡ họ; sau nữa là để học hỏi về đời sống đức tin của họ. Chốc nữa, trong bài giảng, tôi sẽ đề cao đức tin của họ và động viên họ hãy luôn kiên vững đức tin cho đến cùng như ông thánh Phêrô là ông tổ ngư phủ về đức tin của họ. - C G. Quang: Con cám ơn Đức cha.
2. Sau thánh lễ: Tôi mon men đến phỏng vấn một vài giáo dân: - C G. Quang: Chào bác, họ Vĩnh Trà mình đây thuộc xứ nào nhỉ? Và có bao nhiêu họ? - Giáo dân Vĩnh Trà: Thưa cha, họ chúng con thuộc xứ Thượng Phúc, có 15 giáo họ ạ. - C G. Quang: Họ ta sống chủ yếu bằng nghề gì? - Giáo dân: Dạ, chúng con sống chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, ngoài ra còn co nghề buôn bán nữa. - C G. Quang: Trách nào tôi thấy họ Vĩnh Trà khấm khá ghê đấy! Trông mọi người to khỏe, tươi vui! À! Giáo họ ta có ai di cư vào Nam hay ở nước ngoài không? - Giáo dân: Dạ, có rất nhiều cha ạ! Dân Vĩnh trà ở rải rác nhiều nơi lắm, chủ yếu tập trung ở Sài Gòn và đặc biệt ở Vũng tàu. Vì là ngư phủ mà cha, nên đi đâu cũng phải tìm đến biển để cùng chung sống với sóng nước! A! Con giới thiệu với cha, có hai anh thuyền trưởng tàu đánh cá đây nè! Cha làm quen với họ nhé! - C G. Quang: Chào hai anh thuyền trưởng! Làm nghề biển thì tiền vào như nước, có đúng không? Vì “biển bạc” mà lị! - Hai anh thuyền trưởng: Thưa cha, có khi chúng con thu về cả trăm triệu cũng có, nhưng nhiều khi trở về với hai bàn tay trắng, thậm chí lỗ tiền dầu. - C G. Quang: Vậy mỗi chuyến đi trong bao lâu? - Thuyền trưởng: Dạ, có khi một tháng, có khi hai tuần đã trở về nếu như trúng đậm cá (có nhiều cá). Mỗi lần trúng được như vậy thì sướng lắm cha ạ! - C G. Quang: Nhất các anh và giáo họ Vĩnh Trà rồi còn gì! Ơ mà cái bàn nhà xứ này mới và đẹp quá! Bàn cỡ này chỉ có cấp thủ tướng mới được ngồi vào thôi! Giá bao nhiêu vậy anh? - Thuyền trưởng: Dạ, chẳng giấu diếm gì cha, chúng con mới “tậu” về đấy, giá là mười một triệu đấy cha ạ!!! - C G. Quang: Lạy Chúa! Những mười một triệu! Ghê gớm quá! Dân Vĩnh Trà ghê gớm thật! Thôi dẫu sao cũng tạ ơn Chúa! - C G. Quang: Vậy tương quan của bà con giáo dân mình với bà con không có đạo và chính quyền như thế nào? - Giáo dân: Dạ, thưa cha, nói về khoản ấy thì tốt lắm cha ạ! Chúng con sống hòa thuận và tôn trọng nhau lắm. Chính chính quyền cũng nở mặt nở mày vì chúng con làm tốt mọi chuyện. Họ xem giáo xứ chúng con khang trang đẹp đẽ như thế này, họ khen nấy khen để! Họ kính nể chúng con lắm! - C G. Quang: Tốt quá! Giáo dân ta cứ tiếp tục phát huy những điều tốt đẹp như thế để làm chứng cho Chúa như thánh Phêrô nhé! Thôi trễ rồi, tôi mến chào mọi người nhé. Mong sớm có ngày gặp lại. - Giáo dân: Dạ, cám ơn cha, chào cha nhé. Nếu có dịp, mời cha về dâng lễ cầu nguyện cho giáo họ chúng con nhé! - C G. Quang: Đúng vậy, có dịp tôi sẽ trở lại thăm và cùng dâng lễ với anh chị em. Cám ơn anh chị em rất nhiều. Chào mọi người nhé! - Giáo dân: Chúng con cũng cám ơn cha rất nhiều! Chào cha.
Sau đây là vài hình ảnh về ngày lễ:
|