HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH
ABC
Cv 2,42-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
ĐÓN NHẬN THẦN KHÍ ĐỂ LÀM CHỨNG CHO CHÚA
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga
20,19-31
(19) Vào chiều ngày
ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các
môn đệ ở, các cửa đều đóng
kín, vì các ông sợ người Do thái.
Đức Giê-su đến, đứng giữa
các ông và nói: “Bình an cho anh em !” (20) Nói
xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.
Các môn đệ vui mừng vì được
thấy Chúa. (21) Người lại nói với
các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã
sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói
xong, Người thổi hơi vào các ông và
bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23)
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được
tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy
bị cầm giữ”. (24) Một người trong
nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi
là Đi-đy-mô, không ở với các ông
khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ
khác nói với ông: “Chúng tôi đã được
thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy
dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không
xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không
đặt bàn tay vào cạnh sườn Người,
tôi chẳng có tin. (26) Tám ngày sau, các Môn
đệ Đức Giê-su lại có mặt
trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với
các ông. Các cửa đều đóng kín.
Đức Giê-su đến, đứng giữa
các ông và nói: “Bình an cho anh em” (27) Rồi Người
bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và
hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà
đặt vào cạnh sườn Thầy.
Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy
tin”. (28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của
con, lạy Thiên Chúa của con !” (29) Đức
Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.
Phúc thay những người không thầy mà
tin !” (30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu
lạ khác nữa trước mặt các
môn đệ, nhưng những dấu lạ đó
không được ghi chép trong sách này. (31)
Còn những điều đã được
chép ở đây là để anh em tin rằng
Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa,
và để anh em tin mà được sống
nhờ danh Người.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng thuật
lại hai lần Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với
các môn đệ cách nhau một tuần lễ,
để chứng minh Người đã từ
cõi chết trỗi dậy:
- LẦN THỨ NHẤT Chúa
Giê-su đã hiện ra với các môn đệ
mà thiếu Tô-ma. Người đã cho các ông xem các
vết thương ở bàn tay và cạnh sườn
Người rồi
Người thổi hơi ban Thánh Thần cho các
ông (23).
- LẦN THỨ HAI sau tám
ngày, Chúa Phục
Sinh lại hiện ra thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma và
khi gặp Chúa Tô-ma
đã tuyên xưng đức tin. Chúa Giê-su
đã chúc phúc cho những ai không thấy mà
tin ! (29)
3. CHÚ THÍCH:
- C 19-20: + Ngày
Thứ Nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo
Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong
tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục
Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của
Chúa. Từ nay ngày
Chúa Nhật sẽ thay thế
cho ngày Thứ Bảy (Sa-bát) hưu lễ của Do Thái Giáo.
+ Đức Giê-su đến: Chúa Phục Sinh hiện đến Nhà
Tiệc Ly khi cửa nhà
vẫn đóng kín,
cho thấy thân xác của Người sau phục sinh mang đặc
tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện ở khắp nơi. + Bình an cho anh
em ! Các môn đệ vui mừng vì được
thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh
đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm
vui (x Ga 20,20) cho các Môn đệ (x Ga 14,27). + Người
cho các ông xem tay và cạnh sườn: Cho
thấy Chúa Phục Sinh chính là Đấng đã bị
đóng đinh thập giá (x. Ga 19,18), và bị
lưỡi đòng đâm thâu (x. Ga 19,34). Qua đó
ta thấy sự liên quan mật thiết giữa hai mầu
nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- C 21-23: + Như
Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng
sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được
sai đi”. Sứ mạng này từ Chúa Cha
truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây
Người lại truyền cho Hội Thánh. +
Người thổi hơi vào các ông và bảo:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo
Kinh Thánh, hơi thở chính là sự sống.
Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào
A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì
nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần
Khí cho các Môn đệ. Rồi đến lượt
các Môn đệ lại sẽ thông truyền sự sống thiêng
liêng ấy cho các tín hữu qua các phép bí tích. + “Anh em tha tội
cho ai, thì người ấy được tha.
Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị
cầm giữ”: Đức Giê-su được
Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của
Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian
(x Ga 1,29). Khi làm phép lạ chữa lành một
người bại liệt, Đức Giê-su cho thấy
Người có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin
Mừng hôm nay, Người còn thiết lập
bí tích Giải Tội, ban quyền tha tội cho các
Tông đồ bằng việc thổi hơi để ban Thánh Thần cho các
ông. Sau này các Giám mục kế vị các Tông
đồ sẽ tiếp tục thông quyền tha tội cho
các linh mục là những cộng sự viên của mình.
- C 24-25: + Một
người trong Nhóm Mười Hai tên là
Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô: Tô-ma là
một trong Nhóm Mười Hai Tông đồ (x. Mt 10,3).
Biệt danh là “Sinh Đôi”. Tính tình bộc trực
và can đảm (x. Ga 11,16). Ông thường nêu ra thắc mắc
để xin Thầy giải
đáp (x.Ga 14,5). + Nếu tôi không thấy dấu
đinh ở tay Người…: Tô-ma đòi
được “mắt thấy tay sờ”, nghĩa
là đòi một thứ đức tin khả giác giống như một nhà
khoa học thực nghiệm (x. Ga 20,25). + “… thì
tôi chẳng có tin”: Nhiều môn đệ khác
cũng cứng lòng tin như thế. Tin Mừng Nhất
lãm cũng nói tới sự cứng tin
của các môn đệ:
Tin Mừng Mat-thêu viết:
“Nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi” (Mt
28,17); Tin Mừng Mác-cô
thuật lại: “Người
khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không
chịu tin những
kẻ đã được thấy
Người sau khi
Người trỗi
dậy” (Mc 16,14); Tin Mừng Lu-ca ghi lại lời
Chúa trách các môn đệ: “Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn
ngờ vực trong lòng ?”
(Lc 24,38).
- C 26-27: +
“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn
xem tay thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào
cạnh sườn Thầy: Đức Giê-su
đã thoả mãn những đòi hỏi của
Tô-ma. + Đừng cứng lòng nữa,
nhưng hãy tin: Đức Giê-su tuy trách
tội cứng lòng của Tô-ma, nhưng Người
lại thông cảm
và kêu gọi ông hãy tin vào mầu nhiệm Phục
sinh của Người.
- C 28-31: + Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”: Tuy
Tô-ma là người
tin Chúa sống lại
sau cùng, nhưng ông lại tuyên xưng một đức tin đầy
đủ nhất như sau: Đức Giê-su vừa là Chúa (Đấng Cứu Thế), vừa
là Thiên Chúa (Con Thiên Chúa). + Phúc thay những
người không thấy mà tin”: Từ
đây, đức tin vào mầu nhiệm Phục
Sinh của các tín hữu sẽ không dựa
trên kinh nghiệm khả giác về các lần Chúa
Phục Sinh hiện ra
nữa, nhưng căn cứ trên lời chứng của các
Tông đồ (x. Ga 19,35). Về
sau, các ông còn làm chứng bằng
việc sẵn sàng chịu chết vì tin vào mầu nhiệm ấy.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Hội Thánh chọn ngày Thứ
Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật để thay ngày Thứ Bảy
(Sa-bát) của đạo
Do thái ? 2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh
đến giữa các môn đệ tại nhà
Tiệc ly khi cửa đóng kín cho thấy thân
xác của Chúa phục sinh có đặc tính
gì ? 3) Qua lời chào, Chúa Phục Sinh đã
ban cho các môn đệ điều gì ? 4) Khi cho môn đệ xem tay và cạnh
sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì
với các ông ? 5) Sứ mệnh tông đồ
thừa sai của Hội
Thánh phát xuất từ
đâu và từ
khi nào ? 6) Đức Giê-su thổi hơi ban Thần
Khí cho các môn đệ nhằm mục đích gì ? 7) Bằng chứng
nào cho thấy Đức Giê-su có quyền tha tội
và Người trao quyền ấy cho Hội Thánh khi nào ? 8) Tin Mừng
cho biết gì về Tông đồ Tô-ma ? 9) Các Tông
đồ có phải là
những người dễ
tin vào mầu nhiệm
phục sinh của Chúa Giê-su không ? 10) Khi hiện ra lần
thứ hai, Chúa Giê-su đã làm gì để
thỏa mãn đòi hỏi của tông đồ Tô-ma ? 11) Tô-ma đã
đạt tới đức tin trọn vẹn vào
mầu nhiệm phục
sinh qua câu nói nào ? 12) Sự cứng lòng của
Tô-ma xưa có giá trị
thế nào đối
với đức tin của tín hữu hôm
nay ?
II. SỐNG LỜI
CHÚA:
1. LỜI CHÚA:
“Những điều đã được chép
ở đây là để anh em tin rằng Đức
Giê-su là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa, và
để anh em tin mà được sự sống
nhờ danh Người” (Ga 20,31).
2. CÂU CHUYỆN:
1) TẦM QUAN TRỌNG CỦA MẦU NHIỆM
PHỤC SINH:
Một
nhà thông thái kia muốn
sáng lập
một tôn giáo mới.
Ròng rã nhiều
năm, ông
đem tất cả sự khôn ngoan ra thuyết
phục thiên hạ
nhưng chẳng có ai tin theo tôn giáo của ông. Ông bèn than thở
với anh bạn thân là Na-pô-lê-ông thì nhận được một
lời khuyên như
sau: “Nếu anh muốn người ta tin theo
đạo của anh thì cũng dễ thôi: Anh hãy làm như thế này: Thứ
năm hãy ăn
bữa tiệc cuối cùng, rồi thứ sáu để người
ta đóng
đinh trên khổ giá rồi chôn cất
trong mồ. Rồi đến ngày Chúa nhật thì sống lại!
Chắc chắn sẽ có rất đông người tin
theo đạo của anh !”.
Điều
có sức
lôi cuốn
thuyết phục người ta tin theo chính là phục sinh
từ cõi chết.
2) LÀM CHỨNG BẰNG VIỆC SẴN SÀNG
CHỊU CHẾT VÌ
DANH CHÚA :
Tờ báo TIẾNG GỌI
(L’Appelle) đã thuật lại một câu chuyện cảm
động như sau: Một bà góa nghèo có
một cậu con trai 16 tuổi đang thực tập làm thủy thủ
trên một chiếc tàu
buôn chở hàng từ Pháp sang Nữu
Ước (Hoa Kỳ). Trên tàu có 40 thủy thủ
thì chỉ còn duy nhất
cậu bé này tin vào Chúa.
Trong ngày từ giã trước khi con lên tàu, bà mẹ
đạo đức đã khuyên dạy con trai như
sau: “Chúa đặt con trên con tàu này là
để con làm chứng nhân cho Người”.
Từ ngày đó, mỗi khi thấy đám thủy
thủ trên tàu dùng thì giờ nhàn rỗi
để uống rượu say xỉn hay chơi cờ
bạc ăn tiền, hoặc mỗi khi con tàu
cặp bến họ rủ nhau lên bờ tìm
đến những tửu lầu để ăn chơi sa đọa,
thì cậu bé đều ra sức ngăn cản. Nhưng không những bọn thủy thủ không
nghe, mà còn hè nhau chế diễu cậu. Chẳng hạn: khi cậu
nhắm mắt cầu nguyện trước bữa ăn, thì họ
bí mật đem đĩa
đồ ăn trước mặt giấu
đi chỗ khác. Khi cậu quỳ gối đọc
kinh, thì họ cố tình hát to những bài
hát chế nhạo. Có lần họ còn đổ
cả xô nước dơ lên người của cậu. Đáp lại,
cậu thiếu niên
luôn mỉm cười và âm thầm cầu xin Chúa tha tội cho họ.
Một lần kia khi đang làm
việc trên boong, thấy các bạn ngồi đánh
bài, cậu liền đến giành lấy bộ
bài đem dấu đi. Đám thủy thủ tức
giận tóm lấy cậu và hè nhau quăng cậu xuống
biển. Khi cậu bơi lại gần tàu thì họ
lại dùng sào đẩy ra xa. Năm lần bảy
lượt như vậy, cậu bị yếu sức
dần. Khi sắp
buông xuôi chìm xuống biển, cậu cố ngoi lên lần
cuối và hét to: “Các
bạn ơi, hãy
tin vào Chúa thì các bạn sẽ được ơn cứu
độ… Xin hãy nhắn lại với mẹ
tôi rằng: tôi sắp
chịu chết vì danh Chúa !” Nghe vậy,
năm thủy thủ liền nhảy xuống biển
đưa cậu lên boong làm hô hấp nhân tạo. Một
hồi sau tỉnh dậy, thấy mình còn sống,
cậu đã cám ơn các bạn và lại
tiếp tục kêu gọi họ đừng phạm tội
nữa nhưng hãy
hồi tâm sám hối quay về với
Chúa. Kết quả là từ ngày đó, toàn thể thủy thủ
trên tàu đều xúc động trước
tấm gương trung kiên của cậu. Không ai bảo
ai, họ đã quỳ gối cầu nguyện và thành
tâm sám hối trở về
với Chúa.
3) LỜI NÓI HƯƠNG BAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO:
Thời
đó, Arthur Jones
được gọi nhập ngũ phục vụ
trong không lực
hoàng gia và sống
trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu
tiên, anh đã phải
cân nhắc
về một quyết định quan trọng: trước
đây anh vẫn
luôn quỳ
gối đọc kinh trước khi đi ngủ, liệu
bây giờ
sống chung trong quân ngũ, anh có nên tiếp tục quỳ đọc
kinh không?
Lúc
đầu anh cảm thấy ngượng nhưng
rồi anh tự nhủ: “Chẳng lẽ vì sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại
phải thay đổi cách sống hay sao?”
Nghĩ
thế anh liền quyết định cứ tiếp tục
mỗi tối quỳ gối đọc kinh trước
khi ngủ. Khi đọc kinh như thế, anh nhận thấy
mọi người trong phòng đều quan sát anh và biết anh
là người
Công giáo. Và anh cũng
phát hiện ra trong toàn trại lính chỉ có mình anh là người
Công giáo. Rồi
mười phút
cầu nguyện hằng ngày ấy thường là đề tài để các bạn bè sau đó tranh cãi nhau hàng
giờ.
Vào
ngày cuối cùng của khóa huấn luyện,
có người
đã đến
nói với
anh:
–
Đến nay anh chính là một người tín hữu tốt
nhất mà tôi từng
biết.
Anh
đápi:
– Có
lẽ tôi không
dám nghĩ mình là người Kitô hữu tốt
nhất, mà chỉ
là người
dám công khai biểu
lộ đức tin của mình mà thôi. Dầu vậy tôi cũng cảm
ơn bạn về điều bạn vừa nói. ( Trích Tuyển
tập chuyện hay).
4) ĐI THEO ĐẠO DO CẢM NGHIỆM
ĐƯỢC LÒNG
THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA:
Có một
phóng viên của
một tờ báo
chủ trương vô thần chống đối tôn giáo. Một hôm anh ta tìm đến
gặp một người tân tòng để làm một cuộc
phỏng vấn viết bài chống lại đạo.
Anh hỏi người tân tòng:
-
“Ông mới chịu phép rửa tội để gia
nhập đạo Chúa phải không?
-
Vâng.
- Thế
thì chắc
ông đã phải
có kiến
thức và hiểu
biết nhiều về ông Giê-su. Vậy ông hãy cho tôi biết:
ông Giê-su là người
nước nào ?
- Rất
tiếc. Nghe đâu
Đức Giê-su là người Do-thái thì phải!
- Thế
ông Giê-su đi giảng
đạo được mấy năm và chết
năm bao nhiêu tuổi?
- Tôi
có nghe nói nhưng không nhớ rõ lắm.
- Vậy,
anh có biết
nội dung các
bài giảng của ông Giê-su hay không?
-
Điều này thì tôi xin chịu!
- Như
vậy là anh
đã biết quá ít và mơ hồ. Vậy tại
sao ông lại
quyết định đi theo đạo của ông Giê-su ?
- Anh
nói như vậy cũng chỉ đúng một phần.
Tôi rất
hổ thẹn vì
mình đã biết quá ít về Đức Giê-su. Thế nhưng,
điều mà
tôi biết rất rõ là thế này: 3 năm trước
đây, tôi là một
tên nghiện
rượu, sáng
say chiều xỉn, lại còn bị mắc
nợ chồng chất không thể trả nổi. Mỗi
tối, khi tôi về
nhà trong tình trạng
lè nhè, vợ
và các con tôi đều
bực tức và
buồn tủi… Nhưng bây giờ thì tôi đã dứt
khoát với
quá khứ
không tốt
ấy: Tôi chừa
được tật nghiện rượu và đã trả
được hết nợ nần. Nhờ quen với một
vị linh mục và vị này đã tận tình giúp tôi làm lại cuộc đời.
Bây giờ
gia đình tôi
đã lấy lại niềm vui và hạnh phúc. Mỗi buổi
chiều các con
tôi đều mong đợi tôi về nhà sau ca làm. Tất
cả những điều này, tôi xác tín là do Chúa Giê-su đã thương
ban cho tôi. Và đó là lý do tại sao tôi quyết
định theo đạo…
Nghe
đến đó anh phóng viên đành hậm hực
ra về. Anh không
ngờ lại gặp một người tín hữu có một
đức tin mạnh mẽ vào Đức Ki-tô như thế…
3. THẢO LUẬN:
Để chu toàn sứ mệnh được
sai đi, mỗi người
chúng ta cần làm gì để giúp anh em lương
dân tin yêu Chúa để
được hưởng ơn cứu độ?
4. SUY NIỆM :
1) LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT :
- Hôm
nay, Chúa nhật thứ hai Phục sinh, là lễ tôn kính Lòng Chúa Thương
Xót. Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II thiết
lập vào
năm 2000, năm Nữ tu Ma-ri-a Faus-ti-na được
phong thánh. Nữ
tu này đã được
diễm phúc nhìn
thấy Chúa
Giê-su và bà đã diễn tả để vẽ lên bức hình của Chúa Thương Xót với
hàng chữ:
“Lạy Chúa
Giê-su, Con tín thác nơi Ngài”. Trong y phục màu trắng,
tay phải Chúa
Giê-su đưa lên ban phép lành, và tay trái đặt vào ngực. Từ
trái tim Người
phát tỏa
ra hai luồng sáng
là màu đỏ và xanh lợt, tiêu biểu cho Máu và Nước
đã đổ
ra trong cuộc khổ nạn, khi Trái Tim Người bị
lưỡi đòng
đâm thâu trên cây thập giá. Ánh sáng xanh lợt
biểu tượng cho nước rửa sạch và thanh tẩy linh
hồn. Ánh sáng
đỏ biểu tượng cho máu, phát sinh sự
sống mới cho linh hồn.
-
Chúa Giê-su đã đặt nữ tu Faus-ti-na là thư ký và tông đồ
của Lòng Chúa
Thương Xót. Người cho biết : Lòng Thương Xót của
Người luôn
sẵn sàng tha
thứ cho những tội nhân xấu xa nhất và cả với
người tuyệt vọng nhất. Người mong muốn
mọi người hãy đi xưng tội và rước lễ
để hoàn
toàn nhận được ơn tha thứ trong
ngày lễ
kính Lòng Chúa Thương
Xót, bởi vì “Tình thương mạnh hơn
tội lỗi”.
2) SỨ ĐIỆP CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT:
- Tin
Mừng hôm nay
cho chúng ta thấy Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra và giúp tất cả
các môn đệ
được ơn hoán cải. Trong cuộc khổ nạn của
Chúa Giê-su, tất
cả các ông
đều bị vấp ngã: Các ông chạy trốn,
vào trong nhà
đóng cửa kỹ vì sợ người Do thái. Chính khi đó, Chúa Phục
Sinh đã hiện
ra với các ông.
Người không những chữa lành vết thương
tâm hồn
qua lời chào
chúc: “Bình an » và thổi hơi ban Thần khí (Ga 20,19-20), mà Người
còn sai họ
đi loan báo Tin
Mừng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai
anh em” (Ga 20, 21). Đây chính là bằng chứng Lòng Chúa Thương Xót dành
cho các ông.
-
Riêng tông đồ Tô-ma còn cảm nghiệm được
Lòng Chúa Thương
Xót khi Người cho ông không những được nhìn thấy Chúa như các môn đệ
khác, mà còn đáp
ứng đòi
hỏi của ông
được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn
Người. Trước tình thương của Chúa, Tô-ma đã biểu
lộ lòng tin yêu
qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con,
lạy Thiên Chúa
của con”. Quả
thực đúng
như có người đã nói: “Chính ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở
nên ông thầy
của toàn thế
giới; chính bàn
tay đa nghi của ông đã dạy cho mọi người
sự thật này
là: Chúa Ki-tô đã từ cõi chết trỗi
dậy”.
3) MẦU NHIỆM PHỤC SINH VÀ SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG:
- Chúa Phục Sinh chính là Tin Mừng lớn lao mang lại ý
nghĩa cho cuộc đời
của các môn đệ,
nên họ không thể không chia sẻ cho người khác: Ma-ri-a
Mác-đa-la sau khi gặp Chúa
Phục Sinh đã chạy về báo tin cho
Phê-rô và Gio-an rồi hai ông
đã chay ra mộ và
đã đạt được
đức tin; Chúa Phục
Sinh cũng khiến hai môn đệ làng Em-mau lập
tức trở về Giê-ru-sa-lem để loan tin mừng các anh em; Và
sau này, sau khi gặp Chúa
Phục sinh tại thành
Đa-mát, Sau-lô từ một
kẻ bách hại
đạo Chúa đã trở thành tông đồ hăng say đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho dân ngoại…
- Loan báo Tin Mừng là thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa nhờ ơn Thánh Thần như lời Chúa Giê-su:
“Anh em sẽ nhận được
sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là
chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem,
trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và
cho đến tận cùng
trái đất” (Cv 1,8).
4) RAO GIẢNG TIN MỪNG LÀ LÀM CHỨNG VỀ LÒNG CHÚA THƯƠNG
XÓT:
-
Đức Thánh Cha Phao-lô VI dạy: “Người thời
nay sẵn sàng
nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy
và người
ta có nghe theo thầy
dạy là vì thầy
dạy cũng là
chứng nhân”.
Con người thời nay đòi hỏi những
bằng chứng cụ thể mới tin. Do đó, người rao
giảng cần phải chứng tỏ điều mình rao giảng trước
hết bằng chính
cuộc sống của mình. Thật vậy, ai mà tin được
là Tin Mừng
thực sự khi chính người rao giảng lại mang nét mặt cau
có buồn
rầu ? Ai mà tin
được là Tin Mừng giải phóng khi chính người
rao giảng lại ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi
và làm nô lệ
cho các đam mê bất
chính? Ai mà tin
được là Tin Mừng cứu độ khi
chính người
rao giảng lại sống ích kỷ vô cảm, khi
gia đình họ
lại luôn bất
hòa và đổ
vỡ hạnh phúc?
-
Trong ngày Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót hôm nay, cùng với
thánh nữ
Faus-ti-na, chúng ta
hãy dâng lên Chúa những đau khổ gặp phải
trong cuộc sống như: bệnh tật, tai ương
hoạn nạn và
những điều rủi ro trái ý… kết hiệp với sự
đau khổ của Chúa Giê-su trên cây thập giá, để
đền tội chúng ta và mọi người. Hãy noi gương cộng
đoàn Hội
Thánh sơ khai
làm chứng về lòng Chúa thương xót bằng nếp
sống như sau: “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ
giảng dạy, luôn luôn sống với nhau trong tình huynh đệ,
siêng năng tham
dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu,
đều một lòng đoàn kết và để mọi sự làm của
chung… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn thể dân chúng mến thương.
Và số
người cứu độ gia nhập cộng đoàn ngày càng thêm đông” (Cv
2,42-47).
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chính sự
phục sinh của Chúa động viên chúng con vui mừng
và can đảm vượt qua những mất
mát thua thiệt gặp phải trong cuộc sống.
Ước gì chúng con biết noi gương
Thiên Chúa giàu lòng thương xót: luôn gieo sự bình an và niềm
hy vọng khắp
nơi, gieo niềm an ủi
cho những người bệnh hoạn
tật nguyền, gieo tình thương và chia sẻ cơm áo cho những
người đói khát, giúp những ai đang lạc xa Chúa
được mau trở về
để nhận được ơn cứu độ của
Chúa cùng với chúng
con.
X) HIỆP CÙNG MẸ
MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH
- HHTM
|