HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN NGÀY PHỤC SINH ABC
Cv
10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 20,1-9
(1) Sáng sớm ngày Thứ Nhất
trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la
đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi
mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phê-rô và người
môn đệ Đức Giê-su thương mến. bà nói:
“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và
chúng tôi chẳng biết họ để Người ở
đâu ?”. (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền
đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng
môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới
mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những
băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Si-mon
Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng
trong mộ, thấy những băng vải để ở
đó, (7) và khăn che đầu, khăn này không để
lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp
riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn
đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng
đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy,
trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su
phải trỗi dậy từ cõi chết.
2. Ý CHÍNH:
Gio-an viết Tin Mừng nhằm
mục đích “Để anh em tin rằng Đức
Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà
được sự sống nhờ danh Người” (ga
20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy
Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống
lại như Người đã báo trước.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1: + Ngày Thứ
Nhất trong tuần: Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần
lễ có bảy ngày. ngày Thứ Nhất là ngày sau
ngày Sa-bát và bắt đầu một tuần lễ. Về
sau, Giáo Hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra
vào ngày Thứ Nhất, nên gọi là ngày Chúa Nhật hay Ngày Của
Chúa. +sáng sớm… lúc trời còn tối: Về thời
gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những
diễn tả hơi khác nhau: Ở đây Gio-an viết: “Sáng
sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối”
(x. Ga 20,1); Còn Mát-thêu viết: “Sau ngày Sa-bát, khi ngày Thứ Nhất
trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28,1); So với Mác-cô:
“Sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc mặt
trời hé mọc” (x. Mc 16,2) ; Riêng Lu-ca lại viết: “Ngày
Thứ Nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc
24,1). + Ma-ri-a Mác-đa-la: Mác-đa-la là một
thị trấn nằm trên bờ phía tây biển hồ
Ghen-nê-xa-rét. Là quê của bà Ma-ri-a. Bà đã từng bị
7 quỷ ám trước khi theo Chúa Giê-su (x. Lc 8,2). Bà là một
trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ
Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28,1; Lc 24,10). Trước đó, bà đã can
đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56)
và đã chứng kiến hai môn đệ mai táng Thầy
trong mồ (x. Mt 27,61; Mc 15,47).
- C 2: + Bà liền
chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô: Câu này nói lên
vai trò quan trọng đặc biệt của Phê-rô là người
đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Ma-ri-a
Mác-đa-la cần phải báo cáo với ông trước tiên
về việc xác Thầy biến mất. + Và người
môn đệ Đức Giê-su thương mến: Cách
nói “môn đệ Đức Giê-su thương mến” là kiểu
nói riêng trong Tin Mừng Gio-an. Đây là cách tác giả nói về
mình một cách khiêm tốn khi không muốn nhắc đến
tên của mình. + Người ta đã đem Chúa đi
khỏi mộ và chúng tôi không biết: Khi thấy mồ
trống, Ma-ri-a Mác-đa-la không nghĩ đến việc
Chúa sống lại như nhiều lần Người
đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự
nhiên để cho rằng ai đó đã đến mang xác
Thầy ra khỏi mồ. Từ “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ
Ma-ri-a không đi ra mộ Chúa một mình mà đi chung với
mấy bà khác nữa (x. Mt 28,1).
-C 3-4: + Ông Phê-rô
và môn đệ kia liền đi ra mộ: Khi được
các phụ nữ báo tin mộ trống và xác Thầy biến
mất, hai môn đệ nòng cốt là Phê-rô và Gio-an liền
tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực
hư. điều đó cho thấy lòng nhiệt thành
và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. +
Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới
mộ trước: Lý do Gio-an chạy nhanh hơn và
đến mộ trước Phê-rô đơn giản là vì
ông trẻ hơn nên khỏe và chạy nhanh hơn Phê-rô, và
có lẽ cũng vì nôn nóng do yêu mến Thầy nhiều hơn.
- C 5-6: + Băng vải
còn ở đó: Đây là tấm vải lớn bao bọc
toàn thân Đức Giê-su. Khăn này theo truyền thuyết
còn được lưu giữ tại nhà nguyện thánh
Gio-an ở Tu-ri-nô miền Bắc nước Ý. + Nhưng
không vào: Gio-an không vào có thể do ông tôn trọng và nhường
cho Phê-rô là đàn anh vào trước mình. Nhưng đúng hơn
có lẽ do ông cảm thấy bàng hoàng trước sự kiện
cửa mồ rộng mở và mải lo suy nghĩ về
những tấm khăn để lại, đủ thời
gian cho Phê-rô theo sau kịp chạy đến nơi. +
Si-mon Phê-rô … vào thẳng trong mộ: Phê-rô tính nóng nảy
nên lập tức bước vào trong mộ.
- C 7-9: + Và
khăn che đầu.
Khăn này không để lẫn với các băng vải,
nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi: Bên trong mộ các khăn liệm
xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp
La-da-rô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn
quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga
11,43-44). Điều này cho thấy Đức Giê-su không
cần ai giúp đỡ khi trỗi dậy ra khỏi mồ. Người
đã có thể tự lăn tảng đá che kín mộ
ra thì cũng có thể tự tháo gỡ các khăn liệm và
khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn
để lại cho Gio-an thấy Thầy Giê-su đã thực
sự sống lại. Vì không kẻ trộm nào lại bỏ
công sức và thời gian để làm một việc vô ích
là cởi các dây vải ra và xếp gọn để vào một
chỗ rồi mới đem xác trần đi cả
! + Ông đã thấy và đã tin: Dấu chỉ
ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác được
xếp gọn lại đã giúp Gio-an suy luận và đạt
tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giê-su từ
cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông
chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải
trỗi dậy từ cõi chết: Trước khi thấy
các dấu chứng vừa nói thì Gio-an và các tông đồ
đều không tin Thầy các ông sẽ sống lại, dù
Người đã báo trước ba lần (x. Mt
16,21; 17,23; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng như
mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng
được cuộn lại riêng một chỗ, thì các
ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh được
ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và tin Người
đã thực sự sống lại (x.Tv 16,10; Tv 2,7; Hs 6,2).
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao ngày nay người
ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật
? 2) Về thời điểm bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra
thăm mộ Chúa, so sánh bản tường thuật của
4 tác giả Tin Mừng khác nhau thế nào ? 3) Bạn biết
gì về thân thế của bà Ma-ri-a Mác-đa-la ? 4) Bà
đã báo tin xác Thầy biến mất cho ai ? Tại sao
? 5) Qua câu nói với Phê-rô và Gio-an, bà Ma-ri-a Mác-đa-la có
tin việc Thầy Giê-su đã phục sinh hay không ? 6)
Hành động chạy nhanh ra mộ của Phê-rô và Gio-an
cho thấy tinh thần trách nhiệm của 2 ông thế nào
? 7) Tại sao Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô ? 8)Tại sao
ông Gio-an đến mộ trước Phê-rô mà không vào bên
trong mộ ngay ? 9) Khi thấy hiện tượng mộ trống,
băng vài và khăn che đầu được xếp gọn,
hai ông đã tin gì về mầu nhiệm Đức Giê-su sống lại
?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Ông đã
thấy và đã tin (Ga 20,8).
2. CÂU CHUYỆN: VỀ
SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH:
Sau khi chịu chết trên thập
giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh
quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn
Người vẫn còn mang những dấu tích đau thương
từ những cây đinh nhọn và lưỡi đòng
đâm thâu. Một vị thiên thần đã lên tiếng hỏi
Đức Giê-su rằng: “Chắc Chúa đã phải chịu
muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới
thế gây ra ?” Người đáp: “Đúng vậy
!” Thiên thần hỏi tiếp: “Có phải tất cả
con cái loài người đều biết Chúa đã chịu
đau khổ và chịu chết để đền thay các
tội lỗi của họ không ?” Chúa trả lời:
“Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người
nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói: “Thế thì
Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu
độ đó ?” Chúa đáp: “Ta lại đi
loan báo Tin Vui cho những người khác, đến khi nào
tất cả mọi người trên địa đầu
đều được nghe Tin Mừng cứu độ
ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính
bốc đồng của loài người và nghi ngờ thiện
chí của họ nên hỏi tiếp: “Giả như Phê-rô,
Gio-an và các tông đồ quên thi hành sứ vụ rao giảng
đó thì sao ? Nếu các tín hữu các thế hệ
sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống
đối của kẻ gian ác mà chán nản buông xuôi
thì sao ? Chúa có lập thêm một chương trình cứu
độ nào khác nữa thôi ?” Chúa Giê-su trả lời:
“Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương
trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết
trước tính khí con cái loài người thường nhát
đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi
hơi ban sức mạnh Thần Khí của Ta cho họ,
để giúp họ thi hành sứ vụ, và Ta hoàn toàn tin tưởng
họ sẽ chu toàn được sứ vụ đó”.
3. SUY NIỆM:
Bằng lối văn súc tích và
hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng
Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức
mến của ba nhân vật quan trọng trong Tin Mừng Phục
Sinh hôm nay như sau:
1) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ
THÚC BÁCH MA-RI-A MÁC-ĐA-LA ĐI TÌM CHÚA:
Niềm vui Phục Sinh khởi
đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi
thăm mộ ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất
trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá
che cửa mộ đã bị lăn sang một bên
và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như chính
lòng mến đã làm cho bà thêm can đảm đứng dưới
chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến
việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (x.
Mt 27,61), thì giờ đây lòng mến đó lại thôi thúc bà
cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để
ướp xác Thầy theo phong tục Do thái (x. Mc 16,2). Khi thấy
mộ trống, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin
cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ
thì ai đó đã đến lấy mất xác Thầy và bà
không biết họ đã để Thầy ở đâu (x.
Ga 20,13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy
đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được
xác Thầy để mang về chôn lại trong mộ mà
thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở
về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc,
Ma-ri-a lại quay ra mộ mà than khóc. Trong lần ra mộ
thứ hai này, bà đã trở thành người đầu
tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người
còn trao cho bà sứ vụ đi loan báo Tin Mừng Phục
Sinh cho các tông đồ như sau: “Hãy đi gặp anh em Thầy
và bảo họ rằng: Thầy lên cùng Cha của Thầy,
cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng
là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
2) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ
GIÚP GIO-AN NHẬN BIẾT CHÚA PHỤC SINH:
Gio-an là một trong bốn môn
đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên
(x Mt 4,21). Là một trong ba môn đệ được chứng
kiến Thầy biến hình (x Mt 17,1) và cũng là người
môn đệ được Thầy yêu mến nhất (x
Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc ông,
làm cho ông trở thành người can đảm hơn cả:
Không bỏ chạy như các môn đệ khác, nhưng âm thầm
theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị
bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo
và đời; Can đảm đứng dưới chân thập
giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của
Thầy và được Thầy trăn trối Đức
Ma-ri-a làm Mẹ của mình và đón Mẹ về nhà mà phụng
dưỡng thay cho Thầy (x Ga 19,27). Cũng do tình yêu thôi
thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ
đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục
Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (x Ga 21,7). Cũng chính tình
yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn 0và đạt
đến đức tin trước Phê-rô (x Ga 20,8).
3) CHÍNH LÒNG MẾN LÀM
PHÊ-RÔ ĐƯỢC TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN:
Phê-rô là một trong bốn môn
đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (x.
Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự
mà đi theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được
xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (x
Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được
nhìn thấy Thầy biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), được
chứng kiến phép lạ Người cho bé gái mới chết
sống lại (x Lc 8,51), được ở gần Đức
Giê-su khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni
(x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su
thường đến ở trọ tại nhà ông Si-mon
Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (x Mc 1,29). Có lần Phê-rô đại
diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là
Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ
đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc,
và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên
nền tảng đức tin vào Đức Giê-su vững chắc
như đá của ông. Người cũng trao quyền
cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ông
còn được trao sứ mệnh củng
cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc
22,31-32). Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị
Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng
chấp nhận con đường thập giá (x Mt 16,22-23),
hoặc có lúc ông đã bị Thầy trách kém lòng tin (x Mt 14,31)
hay trách khi ông không muốn cho Thầy rửa chân (x Ga 13,6-8).
Phê-rô còn bị trách khi quá tự tin vào sức riêng của mình
(x Mt 26,33-35). Nhất là
ông đã tỏ ra hèn
nhát chối Thầy ba lần,
dù đã được
Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75).
Nhưng bù lại Phê-rô đã có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng
mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Thầy làm nghề chài lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng thường được Đức
Giê-su hỏi ý kiến như: Thầy trò
có nên nộp thuế Đền
thờ không ? (x Mt 17,24-27). Có lần ông hỏi ý Đức Giê-su về số lần phải tha thứ
cho anh em (x Mt 18,21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên
xưng đức tin và
thề quyết trung thành
với Thầy đến
cùng (x Ga 6,68-69). Ông can đảm rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế
khi chúng đến bắt
Thầy (x Ga 18,10). Ông không chạy trốn như các ông khác mà đi theo Gio-an
theo dõi diễn tiến tòa
án xét xử Thầy (x Ga
18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô
cùng Gio-an chạy ra mộ
để kiểm chứng thực hư. Trước sự
kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy sống lại chứ không
bị kẻ trộm lấy
xác (x Ga 20,8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước anh
em Nhóm Mười Một
(x Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Khi được Gio-an mách bảo Người mặc áo
trắng đứng trên
bờ hồ là Thầy, Phê-rô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi
vào bờ để
mau được gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng
tuyên xưng lòng mến ba lần
và được Thầy
trao cho sứ vụ chăn dắt chiên con chiên mẹ và chăn dắt cả đàn chiên là
Hội Thánh (x Ga
21,15-17). Ông còn chứng tỏ
lòng mến tột cùng
khi sẵn sàng chịu chết để làm
chứng cho thầy (x Ga
21,18-19).
4) THỰC HÀNH ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN HÔM NAY:
Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a
Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, ra thăm mộ đầu tiên
và đã được Chúa
Phục Sinh hiện ra trao
cho sứ vụ loan Tin Mừng cho các tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của
Gio-an đã làm cho ông nhận ra Thầy trước anh em và thấy được ý nghĩa
của những sự kiện
dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa
Giê-su. Lòng mến cũng làm
cho ông Phê-rô luôn gắn bó
mật thiết với Thầy,
hy sinh mọi sự để đi theo làm môn đệ của Thầy. Dù có
lúc yếu đuối sa ngã
phạm tội, nhưng ông
đã sớm hồi tâm
sám hối trở về và
được Thầy tín
nhiệm đặt làm
Đá Tảng đức
tin, có nhiệm vụ
củng cố đức tin cho các anh em (x Lc 22,32), và
còn được Chúa
Phục Sinh trao quyền
chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh.
Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để ta khỏi
bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau
khổ thất bại trên đường đời. Cuộc sống chúng
ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những
gì chúng ta yêu quý nhất
hoặc những người thân yêu nhất của mình không còn, chúng ta
thường chạy đôn
chạy đáo đi
tìm người chết
trong nước mắt đau thương như Ma-ria Mác-đa-la
xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống
đã trỗi dậy
từ cõi chết; Ánh
sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần;Tình yêu
đã chiến thắng hận
thù và Tin Mừng Phục
Sinh của Chúa Ki-tô sẽ
được Hội Thánh loan báo đi khắp thế gian như lệnh Người
truyền trước khi lên trời (x Mt 28,19).
4.THẢO LUẬN:
Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái
ý, bạn cần làm gì
để không chán nản thất vọng, nhưng
luôn đặt trọn
niềm tín thác vào Chúa, hy vọng Người sẽ kíp thời giải cứu và giúp bạn mau trỗi dậy ?
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC
SINH. Sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, lại vừa
lôi cuốn chúng
con hướng tâm hồn lên cao để nhận ra giá trị tương đối của
sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền
trần gian… hầu noi gương các thánh: chúng con sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa
và dám sống chết cho tình
yêu ấy, để quyết
dấn thân đi khắp
nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ
thua thiệt... vì xác tín rằng: “Chính khi hiến
thân là khi được
nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính
khi thứ tha là khi
được tha thứ. Chính
lúc chết đi là khi
vui sống muôn đời”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM
|