CHÚA Ở CÙNG ANH CHỊ EM Ngày 4/4/2020 Ngày Toàn quốc Cầu nguyện xin Chúa chấm dứt đại dịch Ac 3,17-26; Rm 8,31b-39; Mc 4,35-41 Mở đầu lễ chúng ta đã chào nhau: Chúa ở cùng anh chị em. Nhưng có lẽ chúng ta đã chào hỏi theo công thức. Chưa ý thức. Giờ đây chúng ta hãy ý thức việc Chúa ở cùng chúng ta quan trọng đến thế nào. Như hôm nay Chúa cùng đi với chúng ta trên con thuyền bị bão xô sóng đánh. Chúng ta thường sánh ví cuộc đời con người giống như một cuộc vượt biển. Cuộc vượt biển hôm nay vô cùng khó khăn. Con thuyền nhân loại đang lâm nguy. Vì biển đang gào thét trong cơn bão lớn. Bão Covid-19. Như cơn bão lớn, dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội. Khiến cho bao nhiêu thành phố lớn trở nên im lìm vắng lặng. Khiến cho bao chợ búa vắng như chùa bà đanh. Khiến cho bao sân vận động không một bóng người. Khiến cho nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Khiến cho trường học vắng tiếng ê a. Nhưng ác độc nhất là cơn bão dịch đã cướp đi bao nhiêu vạn sinh linh. Hãy nhìn những hàng dài quan tài chất đầy nhà thờ ở Bergamo. Hãy nhìn xem hàng trăm lò hoả thiêu ở Hồ Bắc khói đen mù mịt suốt đêm ngày. Mùi tử khí ô nhiễm mọi thành phố lớn trên thế giới. Đâu đâu cũng trắng mầu khăn tang. Đâu đâu cũng vang tiếng khóc nức nở. Covid-19 tàn phá người chết. Nhưng người sống nó cũng không tha. Nó khiến cho bao người hốt hoảng lo âu. Nhiều người hoảng loạn rơi vào tuyệt vọng đến nỗi trầm cảm, thậm chí còn tự tử. Nó làm cho bao gia đình ly tán. Nó làm cho bao người mất hết công ăn việc làm. Nó khiến cho bao người tán gia bại sản. Nó xua đuổi bao nhiêu người ra khỏi nơi êm ấm, sống nhờ màn trời chiếu đất. Nó bắt người ta trở về nhà. Nhưng biết bao người chẳng có nhà mà về. Nó còn hơn thời bắt bớ cấm đạo tàn khốc nhất khi ngăn cản tín hữu đến nhà thờ cầu nguyện, lãnh nhận bí tích. Con bão Covid-19 cuốn đi sự an toàn của đời sống . Cuộc sống tưởng trong tầm tay phút chốc trượt ra ngoài tầm kiểm soát. Cuộc sống đang ổn định, phút chốc thành bấp bênh. Đất nước nông nghiệp bỗng nhiên thiếu lúa gạo. Siêu thị đang khuyến mãi bỗng trống rỗng hết hàng. Đến giấy vệ sinh tầm thường cũng trở thành hàng quí hiếm. Bệnh viện là nơi chữa bệnh phút chốc trở thành ổ dịch gây bệnh. Và ghê gớm hơn nữa, dụng cụ xét nghiệm bệnh trở thành phương tiện truyền lây bệnh. Chưa bao giờ con người lâm cảnh khốn cùng như thế. Vì chưa bao giờ con người đánh mất niềm tin vào cuộc sống như thế. Cũng như các tông đồ ngày xưa, chúng con tự hỏi: Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao không ra tay cứu giúp chúng con? Thực ra Chúa vẫn đang ở trên thuyền với chúng ta. Cũng như xưa Chúa ở trên thuyền với các môn đệ. Nhưng trong cơn hốt hoảng chúng ta không nhận ra. Chúa đã xuống thế làm người để đồng hành với con người. Để chia sẻ với con người trong tất cả buồn vui sướng khổ con người gặp phải. Chúa đã sinh ở trong chuồng bò. Đã trốn chạy Hêrôđê. Đã làm thợ mộc. Đã phải đói khát. Đã không có nơi tựa đầu. Đã chịu xét xử kết án oan ức. Đã chịu chết giữa hai người trộm cướp. Đó là để cho thấy không có cảnh ngộ nào của con người là xa lạ với Chúa. Không có đau khổ nào của con người mà Chúa không cảm thông. Trong cơn đại dịch khốn khổ, Chúa vẫn đang ở đây với chúng ta. Chúa lẫn trong những người bị cưỡng bức cách ly trong những chung cư ở Vũ hán. Trong những người chết cô đơn không có một người thân bên cạnh. Trong những người sợ hãi kêu la khóc lóc. Trong những người vô gia cư muốn về mà không có nhà. Đó là những ngọn Núi Sọ. Trên đó Chúa vẫn đang treo mình với chúng ta. Ta cũng có thể thấy Chúa trong Đức Thánh Cha với trái tim chạnh lòng thương cầu nguyện cho tất cả mọi người. Trong những y bác sĩ tận tâm chăm sóc bệnh nhân. Trong các linh mục phục vụ anh em đến quên mình. Trong những người quảng đại nhường máy thở cho người khác. Trong những người đứng ngoài ban công để ca hát giúp cho người hàng xóm an lòng vì có bạn ở bên. Chúa đã yêu ta đến chịu chết vì ta. Nên không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa. Như lời thư Rôma hôm nay: “Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay quỷ thần, dù hiện tại, tương lai hay bất cứ quyền lực nào, dù chiều cao, chiều sâu, hay bất cứ thụ tạo nào, cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Sau cơn bão táp, các tông đồ càng thêm tin tưởng vào Chúa. Cũng thế trong cơn bão, Chúa dạy ta biết nhiều bài học. Biết tất cả những gì yếu ớt, rệu rã, hời hợt, phù phiếm đều bị bão cuốn bay. Biết những gì vững chãi, sâu xa, nền tảng, chính yếu mới tồn tại. Trong cơn bão Covid-19 ta học được nhiều điều. Biết con người mong manh, nên ta cần phải trở về với Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống. Biết những thành tựu khoa học so với những gì chưa biết thì như muối bỏ biển. Biết sự sống quí hơn của cải. Biết sự sống quí hơn lợi nhuận. Biết gia đình trọng hơn sự nghiệp. Biết tình thân quí hơn thành đạt. Qua khỏi đại nạn này, chúng ta sẽ phải sống một cách khác. Sẽ biết trân trọng và vun đắp những giá trị đích thực. Sẽ không tốn thời giờ cho những gì phụ thuộc, vô ích và chóng qua. Đặc biệt chúng ta xác tín một điều là Chúa luôn ở với chúng ta. Vì thế lời chào: “Chúa ở cùng anh chị em” chúng ta nói và nghe như một công thức, giờ đây hãy nói và nghe với tất cả niềm xác tín. Đây là một lời cầu nguyện để Chúa ở với mọi người. Đây cũng là một lời cầu chúc để mọi người thực sự cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Như thế dù mọi người không thể đến nhà thờ nhưng Chúa vẫn ở với mọi người. Và hãy tin tưởng. Có Chúa mọi sự sẽ bình an. Sóng gió sẽ hết. Chúng ta lại vui hưởng sự hiện diện của Chúa. Được sống với Chúa. Đó chính là điều quí giá nhất và quan trọng nhất đời ta. Trong tâm tình đó, xin nhắc lại câu chào chúng ta đã nói ở đầu lễ. Và xin mọi người hãy nghe và thưa lại một cách xác tín. CHÚA Ở CÙNG ANH CHỊ EM. VÀ Ở CÙNG CHA. ĐTGM Ngô Quang Kiệt
--
|