CÕI LẶNG
Cuộc sống càng ngày càng ồn ào, náo nhiệt, người ta “chạy đua” trong
mọi lĩnh vực. Vì thế, “khoảng lặng riêng”
càng cần hơn, để
tự cân bằng cuộc sống.
Tĩnh lặng thể lý có thể giúp tĩnh lặng tinh thần. Những người mạnh
mẽ lý trí có thể tự tạo
“cõi lặng” ngay giữa
những đám đông ồn ào náo nhiệt. Nếu cảm thấy khó thì
phải tìm nơi tĩnh lặng thực sự.
Mùa Chay là cơ
hội tốt để tĩnh lặng,
cụ thể là thời
gian tĩnh tâm – cấm
phòng. Cõi lặng thực
sự rất cần, chính Chúa Giêsu đã có lần khuyên các môn đệ: “Anh em hãy
lánh riêng ra đến
một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi
chút.” (Mc 6:31)
Tĩnh lặng để dễ nhận diện chính
mình, rất cần thiết:
“Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa
đi; đừng lần
lữa hết ngày này qua ngày khác, vì thình lình
Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và
trong thời trừng phạt,
con sẽ phải tiêu vong.” (Hc
5:7) Tất nhiên
đây không là lời hù dọa, mà là hệ lụy tất yếu – tương tự
luật nhân quả
mà chúng ta thường
đề cập.
Chúng ta càng tìm về ánh sáng thì ma quỷ càng tìm cách níu kéo chúng ta theo nó. Sau
khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu vào “cõi lặng” để ăn chay 40 ngày –
trước khi công
khai sứ vụ. Khi đó, ma
quỷ đã bày đủ chiêu trò để cám dỗ Ngài. Một trong ba mưu chước nó bày
ra là chuyện ăn uống,
nhưng Ngài đã thẳng thắn nói với nó: “Người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh,
nhưng còn nhờ
mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt
4:4)
Thánh Vịnh gia tâm niệm: “Lời Chúa là
ngọn đèn
soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ
đường con đi.”
(Tv 119:105) Không có Lời
Chúa, người ta sẽ
lầm đường lạc lối. Thật vậy, có lần ngư phủ Phêrô
xác định với Chúa
Giêsu: “Thưa Thầy,
bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới
có những lời
đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68) Lời Chúa thực sự vô cùng quan trọng trong đời sống tín
nhân.
Chắc chắn không ai lại không cần Lời Chúa – Lời Hằng Sống. Quả thật, Lời
Chúa vô cùng quan trọng,
đến nỗi Thánh TS Giêrônimô xác định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.” Kinh
Thánh là Lời Chúa, Lời Chúa là Tin Mừng, Tin Mừng gắn liền với
lời mời gọi sám hối, sám hối gắn liền với Mùa
Chay – và suốt cuộc đời
chúng ta.
Khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã
loan báo và mời gọi: “Thời
kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên
Chúa đã đến
gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
(Mc 1:15) Tin Mừng Cứu Độ và
lòng sám hối không
thể tách rời, đồng thời cũng gắn
liền với việc canh tân – sửa đổi tâm hồn và lối sống.
Với lời mời gọi của Chúa
Giêsu, chúng ta biết chắc
rằng chúng ta đang sống trong Thời Cuối Cùng –
thời chúng ta đang sống, mỗi phút qua đi là thời gian ngắn hơn một chút,
nghĩa là càng gần thời
điểm tận thế. Không ai biết lúc nào sẽ xảy ra “khoảnh khắc” đó, nhưng
rất cụ thể là khi
chính mình trút hơi thở
cuối cùng. Vì thế,
chuẩn bị sẵn sàng là thượng sách, noi gương
năm trinh nữ khôn
ngoan. (x. Mt 25:1-13) Kinh Thánh xác định: [1] Sự khôn ngoan làm cho gương
mặt con người ngời sáng,
và nét cứng cỏi nên dịu dàng. (Gv 8:1) [2] Trí khôn
ngoan là cội rễ không
thể nào hư hoại. (Kn 3:15)
Sự khôn ngoan rất cần thiết, giúp người ta tỉnh thức và sẵn sàng. Làm sao có thể chuẩn bị và sẵn sàng? Chúa Giêsu đã cho
biết: Sám hối và canh tân đời sống. Nhiều lần Đức
Mẹ hiện ra cũng thường nhắc nhở điều
đó. Sám hối là chấn chỉnh lối sống, bỏ
đường tà, theo đường ngay nẻo chính.
Có lần Chúa Giêsu đã nói với ông Simôn Cùi về người phụ nữ tội lỗi
đang ngồi khóc bên chân Ngài: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng
đã được tha, bằng cớ là chị đã YÊU MẾN NHIỀU. Còn ai
được tha ít
thì yêu mến ít.”
(Lc 7:47-48) Tình yêu bù đắp
tội lỗi. Nước mắt của phụ nữ này
đã làm trôi bao tội tày trời của chị. Chị sám hối nên được Chúa thứ tha – tức là chị đã can đảm xưng thú tội lỗi. Chúng ta cũng không thể làm gì khác hơn là đến với Bí tích Hòa Giải – Bí tích của Lòng Chúa Thương
Xót.
Thánh nữ tiến sĩ Teresa Avila xác
định: “Cho dù
đang mắc tội
trọng đi nữa, anh chị em cũng cứ cầu
nguyện. Tôi xin bảo đảm rằng anh chị em sẽ
đạt đến bến cảng phần rỗi.” Dù cho tội
lỗi đến mức nào cũng đừng thất vọng, đó là
vấn đề thực sự quan
trọng. Gương sám hối của nhiều vị thánh
đã minh chứng điều
đó: Đavít, Dismas (người
trộm lành), Phêrô, Phaolô, Augustinô, Bartolo Longo,...
Vả lại, chính
Chúa Giêsu đã xác định:
“Con Người đến để TÌM và
CỨU những gì
đã mất.” (Lc 19:10)
Thật vậy, cả dân
thành Ninivê được
tha thứ nhờ biết nghe lời ngôn sứ Giôna mà sửa đổi lối sống, bỏ tà
theo chính. Đó là chứng
cớ điển hình về vấn đề thay đổi số
phận, hoán chuyển
định mệnh.
Qua Thánh nữ Faustina Maria Kowalska (1905-1938), chính
Chúa Giêsu đã cho biết:
“Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của
con và của
cả nhân loại.” (Nhật
Ký, số 1485) Như vậy,
đừng dại dột hoặc ngu xuẩn mà nằm lì trong “vũng lầy tội lỗi.” Hãy
đứng dậy, trở
về và thú tội chân
thành: “Lạy Thiên
Chúa, xin lấy lòng
nhân hậu xót thương
con, mở lượng hải
hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi
lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv
51:4-5)
Con chiên lạc đen đủi, xấu xa, yếu
ớt mà được tìm thấy sẽ là con chiên trắng tinh, đẹp đẽ, mạnh
khỏe. (Lc 15:4-7) Đồng bạc mất rồi được
tìm thấy sẽ là
đồng bạc vô
giá. (Lc 15:8-10) Đứa
con hoang đàng chi địa mà biết trở về sẽ là
đứa con cưng. (Lc
15:11-31) Thiên Chúa vẫn
ngày đêm kiên trì chờ
đợi mỗi tội nhân chúng ta, nhất là trong Mùa Chay Thánh này.
Hãy vững tin, đừng
nghi ngờ chi cả!
Cha ơi, con về đây!
TRẦM THIÊN THU
Miền Sám Hối, Tháng Ba – 2020
|