MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 6 Tn A
Thứ Năm, Ngày 13 tháng 2-2020
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 6 TN A

Hc 15,16-21; 1 Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

THỰC HÀNH LUẬT MỚI YÊU THƯƠNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 5, 17-37.

(17) "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.  (19) Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. (20) "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. (21) "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; Ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.  (22) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. (23) Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, (24) thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (25) Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. (26) Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng. (27) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (29) Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. (30) Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục. (31) "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. (32) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình ; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình. (33) "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (35) Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. (36) Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. (37) Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại các lời dạy của Đức Giê-su trong nhiều thời điểm khác nhau liên quan đến Tám Mối Phúc Thật làm thành một bài giảng dài gọi là Bài Giảng Trên Núi. Qua đọan này Người dạy dân chúng về tương quan giữa Người với Luật Mô-sê: Người đến không phải để hủy bỏ, nhưng để kiện tòan Luật Cũ của Mô-sê bằng Luật Mới của Người là mến Chúa yêu người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 17-19: + Luật Mô-sê: Gồm 5 cuốn đầu của bộ Kinh Thánh Cựu Ước gọi là Ngũ Kinh như sau: Sáng Thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ Nhị Luật. + Lời các ngôn sứ: Là các sách ghi những lời tuyên sấm của các ngôn sứ. Kiểu nói Luật Mô-sê và lời các ngôn sám chỉ tòan bộ Kinh Thánh Cựu Ước. + Thầy đến không phải là để bãi bỏ…: Vì Đức Giê-su dạy một số điều xem ra không giống như Luật Mô-sê và lời giáo huấn của các ngôn sứ mà các Luật sĩ vẫn giải thích khi giảng dạy trong các hội đường Do thái. Chẳng hạn: Rượu mới bình mới (x Lc 5,37-39), Con Người làm chủ ngày sa-bát (x Mt 12,8), Con Người có quyền tha tội (x Mt 9,6), Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền (x Mt 7,29)… nên nhiều người nghĩ rằng Đức Giê-su đã  hủy bỏ Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ. Do đó, trong đọan này Đức Giê-su khẳng định Người đến không phải để hủy bỏ mà để kiện tòan Luật Mô-sê, bằng cách dạy người ta giữ Luật với tinh thần yêu mến Thiên Chúa thay vì vụ vào Luật theo nghĩa đen trong từng chi tiết. + nhưng là để kiện toàn: Đức Giê-su kiện tòan bằng cách Người thực hiện các lời ngôn sứ tiên báo về Đấng Thiên Sai (x Mt 2,23); Người rút lại điều khoản Luật cho phép ly hôn (x Mc 10,5-12); Người cố ý chữa bệnh trong ngày sa-bát, nhằm dạy môn đệ phải làm các việc tốt là chia sẻ phục vụ tha nhân, thay vì không được làm bất cứ việc gì (x Mc 2,27-28); Người cố ý không rửa tay trước khi dùng bữa nhằm dạy phải tẩy rửa tội lỗi trong lòng thay vì chỉ rửa tay chân hay tắm rửa ngoài thân xác mà thôi (x Mt 15,1-9.10-20)… + Một chấm một phết trong Lề Luật: Sau khi đã loại bỏ những điều Luật không phù hợp hoặc những điều nhỏ nhặt vụ hình thức, Đức Giê-su dạy môn đệ phải tôn trọng mọi điều khoản còn lại trong từng chi tiết của Luật Mô-sê (x Mt 9,17). + Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời: Nhỏ hay lớn ở đây không phải về cấp bậc cao thấp, mà về lối sống được chấp nhận hay không trong Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập.

- C 20-26: + Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời: Sự công chính theo các kinh sư và người Pha-ri-sêu dạy là do sự tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết, bất kể chỉ ở hình thức bề ngòai và thiếu mất tâm tình bên trong. Còn sự công chính Đức Giê-su đòi môn đệ phải giữ Luật vì lòng yêu mến và nhằm tôn vinh Thiên Chúa. + Anh em đã nghe Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Đức Giê-su nêu ra 6 điều được Người kiện tòan trong Luật Mô-sê. + Chớ giết người… Ai giận anh em mìn…. Ai mắng anh em mình… Còn ai chửi anh em mình…: Luật Mô-sê chỉ cấm giết người thực sự. Nhưng Đức Giê-su kiện tòan bằng việc cấm gây đau khổ tinh thần như không được mắng chửi anh em, vì cũng có tội giống như thực sự đã giết hại và làm đổ máu người anh em mình. + đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng… đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt: Tuy những lời mắng chửi anh em là “ngốc, khùng” không đáng bị phạt nặng, nhưng chính sự giận ghét căm thù anh em mới đáng bị kết án và trừng phạt ở đời sau. + Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ: Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là một cuộc sống mến Chúa yêu người. Do đó, trước khi dâng lễ vật trên bàn thờ, phải lo hòa giải với những ai đang bất hòa với mình. Việc làm hòa là điều kiện để lễ vật dâng lên xứng đáng được Chúa vui nhận. + Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công…: Cần làm hòa ngay khi còn sống. Đừng đợi đến lúc chết mà vẫn còn giận ghét anh em, vì bấy giờ họ sẽ bị kết án và phải đền tội  cân xứng là “trả hết đồng xu cuối cùng”.

-C 27-32: + Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình…Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết:…: Luật Mô-sê cấm ngọai tình (x Xh 20,14; Ds 5,18). Tuy nhiên người ngọai tình thực sự bằng hành động mới có tội. Còn những việc trong đầu như ước muốn ngọai tình mà thôi thì chưa thành tội. Đức Giê-su kiện tòan bằng lời dạy: Ước muốn tà dâm trong tâm trí mà thôi cũng là phạm tội giống như đã phạm thực sự rồi. Do đó, người ta phải tránh mọi tư tưởng xấu và phải xa lánh dịp tội là những nguyên nhân dẫn đến hành động phạm tội. + Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã…: Kiểu nói cường điệu “móc mắt, chặt tay” ở đây nhằm nhấn mạnh phải tránh mọi dịp tội, thà chết chẳng thà phạm tội, thà hy sinh một phần thân thể mà được ơn cứu độ còn hơn có đầy đủ các phần thân thể mà toàn thân phải sa vào hỏa ngục. + Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Luật Mô-sê cho phép chồng ly dị vợ bằng cách trao cho vợ tờ giấy ly thư (x Đnl 24,1). Nhưng Đức Giê-su đã rút lại điều khoản này. Theo Người, sở dĩ Luật Mô-sê phải tạm thời cho phép ly hôn là do lòng dạ chai đá của người đương thời (x Mt 19,8-9). Đức Giê-su kiện tòan điều này qua lời dạy: Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình và ai cưới người đàn bà bị bỏ kia, cũng phạm tội ngoại tình”. + Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp: Câu này không có trong Tin mừng Mác-cô (Mc 10,11-12) và Lu-ca (Lc 16,18). Hội Thánh không chấp nhận ly hôn vị muốn bảo vệ đặc tính vĩnh hôn như Lời Chúa dạy: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, lòai người không được phân ly” (Mt 19,6b). Người Tin lành và Chính Thống giải thích Chúa cho phép ly hôn nếu một bên ngọai tình. Còn các nhà chú giải Kinh Thánh Công Giáo giải thích trường hợp nói đây là hôn nhân bất hợp pháp, nghĩa là kết hôn trái với luật Chúa nên không được Hội Thánh công nhận. Do đó hai người không được tiếp tục chung sống như vợ chồng. Nếu Đức Giê-su cho phép vợ chồng ly dị vì lý do ngọai tình thì giáo lý của Người cũng đâu có gì khác và trổi vượt so với Luật Mô-sê. Thánh Phao-lô cũng cấm sự ly hôn và chỉ cho hai vợ chồng sống “ly thân”, nghĩa là không còn sống chung với nhau nhưng đồng thời cũng không được kết hôn với người khác (x 1 Cr 7,10-11).

-C 33-37: + Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả: Luật Mô-sê cho phép thề với điều kiện phải giữ trọn lời đã thề hứa. Nhưng Đức Giê-su kiện tòan điều này khi dạy không được thề. Tuy nhiên đậy chỉ là lời khuyên chứ không cấm vì lý do sau: Một là chính thánh Phao-lô cũng đã nhiều lần lấy danh Chúa mà thề như:” Phần tôi, có Thiên Chúa chứng giám, tôi xin lấy mạng sống mà thề rằng: …”(2 Cr 1,23; Rm 1,9; Gl 1,20…). Hai là Đức Giê-su có lần mặc nhiên chấp nhận lời thề của Thượng tế khi ông ta nói: “Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống, mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: Ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không ?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó…” (Mt 26,63-64). Ngày nay trong một vài trường hợp đặc biệt không biết rõ thực hư, Hội Thánh cũng đòi các tín hữu phải đặt tay trên Sách Thánh Kinh để thề, và phải tuân giữ lời đã thề (Sách GLCG Tân Định số 309 về điều răn thứ II).

4. CÂU HỎI:

1) Hãy trưng dẫn Đức Giê-su đã kiện tòan Luật Mô-sê trong những trường hợp nào ? 2) Phải chăng Đức Giê-su cho phép vợ chồng được ra tòa ly hôn để lấy người khác khi một trong hai người phạm tội ngọai tình ? 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHIẾC NHẪN KỲ DIỆU:

Truyện cổ Đông phương có câu chuyện như sau: Ngày xưa có một vị đạo sĩ dâng cho vị Đại vương một chiếc nhẫn thần kỳ diệu và quý giá. Nó vô giá vì được làm bằng vàng mười và trên mặt nhẫn có gắn nhiều viên kim cương chiếu sáng lấp lánh. Ngoài ra chiếc nhẫn này còn kỳ diệu ở chỗ: Người nào đeo nó mà làm điều tốt thì chiếc nhẫn đang đeo trên ngón tay sẽ vừa khít và viên các kim cương sẽ phát ra ánh sáng lấp lánh. Nhưng nếu người đeo nhẫn làm điều gì thất nhân ác đức, thì chiếc nhẫn sẽ xiết chặt lại làm ngón tay đeo nó sưng to đau đớn. Từ ngày có đeo chiếc nhẫn thần này, vị Đại vương do luôn được nhẫn cảnh báo nên đã trở thành một vị vua anh minh nhân hậu, khiến thần dân kính phục yêu mến, và đất nước ngày một cường thịnh.

Mỗi người trong chúng ta cũng có một chiếc nhẫn kỳ diệu và quý giá là Lời Chúa và sự cáo trách của lương tâm. Nếu chúng ta làm điều thiện thì lương tâm sẽ bình an hạnh phúc. Nhưng nếu ta phạm tội có lòng thù ghét tha nhân thì dù không có ai khác hay biết, nhưng tiếng lương tâm vẫn cáo trách chúng ta. Tiếng ấy chính là tiếng Chúa khuyên ta làm lành lánh dữ.

2) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU VÀ SỰ KHIÊM TỐN:

Gần đây tạp chí Reader’s Digest có đăng một câu truyện cảm động về tình yêu giữa hai vợ chồng như sau:

Có đôi vợ chồng nhà kia thường tranh cãi hơn thua với nhau. Lần kia, trong lúc đang to tiếng tranh cãi thì người chồng đột nhiên im lặng và ôn tồn nói với vợ rằng: “Thôi, chúng ta đã cãi nhau nhiều lần rồi mà đâu có ai chiến thắng. Vậy bây giờ thay vì cãi nhau, mỗi người chúng ta hãy lấy giấy bút viết ra những lỗi lầm của nhau trong một thời gian mười phút, xem ai có nhiều sai lỗi hơn nhé”. Người vợ liền đồng ý. Sau đó anh chồng lấy giấy ra và bắt đầu ngồi viết. Thấy vậy, cô vợ không chịu thua cũng ngồi xuống viết liên hồi. Cô kể ra mọi sai lỗi của chồng trong quá khứ mà cô vẫn còn nhớ. Cô cảm thấy rất hả hê khi trang giấy của cô mỗi lúc một nhiều thêm những sai lỗi của chồng. Sau mười phút, hai người trao bản cáo trạng cho nhau. Nhưng rồi sự lạ xảy ra là khi cầm đọc tờ giấy của chồng, nét mặt cô vợ từ vẻ hả hê đã biến đổi vì hối hận. Cô vội chạy lại giật lấy tờ giấy vừa trao cho chồng và ôm choàng lấy anh mà khóc. Sở dĩ kết quả bất ngờ tốt đẹp như vậy là do trên tờ giấy của anh chồng, cô chỉ đọc thấy dòng chữ như sau: “Anh rất yêu em và nhiều lần đã có lỗi với em. Anh rất hối hận và ngàn lần xin lỗi em. Hãy tha thứ cho anh nhé em yêu!”.

3) PHẢI NÊN THÁNH CÁCH TRỌN VẸN:

Một hôm, một người tín hữu gặp một người bạn vô tín. Người bạn vô tín lên tiếng hỏi:

- Anh mới đi đâu về vậy?

- Tôi vừa từ nhà thờ về.

- Hôm nay, ở nhà thờ anh nghe giảng về đề tài gì?

- Giảng về vấn đề người tín hữu phải nên thánh.

- Vậy anh đã nên thánh chưa?

Anh tín hữu đáp:

- Anh cứ coi mặt tôi đây thì sẽ biết.

- À để tôi coi thử.

Nói rồi, anh ta tát một cái thật mạnh vào mặt anh tín hữu. Anh này liền nổi giận chửI mắng anh bạn vô tín kia và còn muốn đánh lại. Anh bạn vô tín liền nói:

- Anh nên thánh thì lẽ ra đã phải nên giống như Chúa Giê-su để có lòng từ bi thương xót và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ thù ghét bách hại mình mới phải. Thế tại sao anh lại chửi mắng và muốn đánh tôi khi tôi mới chỉ tát anh có một cái? Anh tín hữu trả lời:

- Tôi đã nói với anh là tôi mới chỉ nên thánh ở trên mặt. Còn cái miệng và tay chân thì vẫn chưa nên thánh, nên tôi có quyền đánh anh được.

Anh bạn vô tín liền vui vẻ nói:

- Ôi, tôi tưởng anh đã nên thánh trọn vẹn. Chứ nếu anh mới nên thánh nửa vời như vậy thì anh đâu có hơn gì tôi ? Tôi đề nghị nếu đã quyết tâm nên thánh thì anh đã phải nên thánh cả hồn lẫn xác, nên thánh từ tư tưởng đến lời nói và việc làm nữa mới đúng.

4) HẬU QUẢ CỦA LỐI SỐNG THIẾU KHOAN DUNG:

Trong một trường nội trú kia, một số học sinh thường hay to tiếng cãi lộn và đánh nhau làm mất trật tự và gây náo loạn trong trường. Một hôm thầy giám thị yêu cầu mỗi học sinh phải đeo một chiếc túi ny-lông và nhà trường sẽ cung cấp một bao đầy các củ khoai tây nhỏ để ở sọt cuối hành lang. Sau đó, thầy giám thị yêu cầu các em mỗi khi bị bạn bè xúc phạm, thay vì tranh cãi hoặc đánh lộn nhau như trước, thì hãy lẳng lặng đến sọt cuối hành lang lấy ra một củ khoai, lột vỏ và viết ngày giờ cùng tên người kia trước khi bỏ củ khoai đó vào túi ny-lông đeo luôn bên mình. Trong ngày các em phải luôn đeo túi ny-lông: khi đi học, ăn cơm hay cả lúc đi ngủ… Sau vài ngày, túi của nhiều em học sinh đã có nhiều khoai tây. Sự phiền phức khi phải mang vác túi khoai khiến các em cảm nghiệm được gánh nặng tinh thần đang phải chịu đựng. Sau mấy ngày, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ nhầy nhụa hôi hám và các em chỉ muốn mau vứt được nó đi.

Bấy giờ, thầy giám thị mới tập trung và nói: Các em thấy đó. Sự giận dữ một ai đó chỉ là một gánh nặng cho bản thân chúng ta, nó làm chúng ta mất nhiều thời gian để quan tâm tới nó; Nhiều khi còn gây cho người chung quanh chúng ta phải bực bội nữa… Như vậy tha thứ chính là cách làm cho tâm hồn chúng ta được thanh thản, giúp cuộc sống của chúng ta luôn bình an, và là phương thế mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng làm thật không dễ chút nào. Vì tính tái, vì thiếu lòng quảng đại, nên chúng ta thường nuôi dưỡng sự hận thù và như vậy là ta đã tự làm khổ mình và tha nhân bên cạnh.

5) GIỮ ĐẠO VỚI TRÁI TIM CỦA MỘT CON HEO HAY CỦA MỘT VỊ THÁNH ?

Cha Anthony de Mello đã viết một câu chuyện ngắn như sau. Một ông vua nọ rất trác táng, suốt ngày chỉ lo nhậu nhẹt và lao vào những cuộc ăn chơi trụy lạc, chẳng lo gì cho dân. Khuôn mặt của ông lúc nào cũng đỏ gay và sặc sụa mùi rượu. Một bữa nọ, nhà vua cưỡi ngựa đi ra ngoài thành. Ông gặp một tu sĩ già với áo quần cũ kỹ, nhầu nát, còn khuôn mặt thì nhợt nhạt và xanh xao. Nhà vua dừng lại và trịch thượng chào vị tu sĩ với giọng điệu mỉa mai: “Xin chào ông tu sĩ già. Nhìn áo quần lếch thếch và gương mặt cáu bẩn của ông, tôi thấy ông chẳng khác gì một con heo”. Vị tu sĩ cúi đầu lắng nghe, gương mặt bình thản và cũng chẳng tỏ vẻ khó chịu chút nào. Một lát sau, Ngài ngẩng đầu lên, nhìn chăm chú vào đức vua và đáp lễ: “Thần xin cám ơn bệ hạ, còn thần thì thấy mặt bệ hạ giống như một vị thánh.” Nhà vua kinh ngạc hỏi lại: “Ta miệt thị ngươi, ngươi không buồn cũng chẳng giận, còn khen ta có khuôn mặt giống một vị thánh là sao ?” Vị tu sĩ điềm nhiên và thong thả trả lời: “Tâu đức vua, một người sống với trái tim và tâm hồn của loài heo, thì nhìn ai cũng thấy họ giống như heo. Ngược lại, một người có tâm hồn và trái tim của một vị thánh, sẽ thấy người chung quanh giống như các vị thánh”. Nói xong, vị tu sĩ lặng lẽ bỏ đi còn nhà vua đứng chết lặng.

6) THẾ NÀO LÀ MỘT VỊ THÁNH HOÀN HẢO ?

Có một thanh niên đến xin tu học với một vị ẩn sĩ trên núi nổi tiếng nhân đức thánh thiện. Sau vài năm theo học, một hôm anh ta đến xin thầy cho xuống núi hành đạo, vì thấy mình đã trở thành một người thánh thiện. Bấy giờ vị thầy mới hỏi: "Từ ngày lên núi ở với thầy đến nay con đã đạt được mức độ thánh thiện thế nào rồi?". Anh tu sĩ nhanh nhảu khoe: "Con đã sống rất khổ hạnh, đã làm nhiều việc hành xác như: không ăn thịt cá mà chỉ ăn rau cỏ, kiêng cữ uống rượu, các lạc thú xác thịt và tránh những món ăn ngon. Ban đêm con nằm ngủ trên nền đất lạnh giá và còn đánh tội 3 lần mỗi ngày!". Nghe vậy, vị thầy liền mỉm cười và ôn tồn nói: "Sự thánh thiện của con cũng khá đó. Tuy nhiên, con hãy nhìn ra sân sau nhà mà quan sát con lừa của chúng ta: Ban ngày nó cũng chỉ ăn cỏ ngoài cánh đồng, ban đêm cũng chỉ nằm ngủ trên nền đất lạnh giá. Nó cũng không uống rượu không hưởng lạc thú xác thịt. Thân thể của nó cũng bị người chăn đánh đòn ít nhất 3 lần mỗi ngày. Thầy nói thật cho con biết: Hiện giờ sự thánh thiện của con chỉ ở mức thấp nhất, và đừng nói là đã trở nên một vị thánh! ».

Anh tu sĩ nghĩ lầm rằng: khi anh tuân giữ một số hình thức tu đức là đã đạt được một mức độ thánh thiện cao, đang khi theo thầy thì sự thánh thiện của anh mới chỉ bằng con lừa mà thôi!

3. SUY NIỆM:

1) ĐỨC GIÊ-SU LUÔN GIỮ LUẬT MÔ-SÊ:

-Trong thời thơ ấu, khi mới sinh được 8 ngày, Hài Nhi Giê-su đã được cha mẹ làm lễ cắt bì như Luật Mô-sê dạy và được đặt tên là Giê-su (x Lc 2,21). Rồi bốn mươi ngày sau, cha mẹ lại đem Hài Nhi Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Lụật Chúa (x Lc 2,22-24). Năm 12 tuổi, trẻ Giê-su đã theo cha mẹ đi hành hương lên thủ đô Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua (x Lc 2,41-42).       

-Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su tiếp tục tuân giữ Luật Mô-sê: Người dạy việc giữ Luật là điều kiện để được vào Nước Trời: “Nếu anh muốn vào cõi sống thì hãy giữ các điều răn.” (Mt 19, 17). Người tóm gọn Lề Luật trong hai điều chính yếu là mến Chúa hết lòng và yêu người như mình (x Lc 10,25-28). Người ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ theo Luật Mô-sê dạy ngay trước cuộc khổ nạn (x Lc 22,7-8).

2) ĐỨC GIÊ-SU ĐẾN KHÔNG HỦY BỎ NHƯNG KIỆN TÒAN LUẬT MÔ-SÊ:

- Tin Mừng hôm nay đề cập đến miệng lưỡi và con mắt là hai cơ quan khiến người ta phạm tội: Vì từ miệng lưỡi, người ta có thể nói ra những lời dối trá, xúc phạm kẻ khác. Vì « Lòng có đầy thì miệng mới nói ra » (x.Mt 12,34 b). Cũng do nhìn xem nên vua Đa-vít đã phạm tội « giết chồng đoạt vợ ».

- Đức Giê-su kiện toàn Luật bằng việc cấm cả nguyên nhân dẫn đến giết người như tức giận chửi rủa. Người đòi môn đệ phải sẵn sàng tha thứ làm hòa khi đi dâng lễ, để lễ vật xứng đáng được Thiên Chúa chấp nhận. Người cấm cả nguyên nhân dẫn đến tội ngoại tình như nhìn xem và ước ao phạm tội. Người đòi luôn nói thật và tránh sự thề thốt.

3) ĐỨC GIÊ-SU KIỆN TOÀN LUẬT MÔ-SÊ BẰNG LUẬT MỚI YÊU THƯƠNG:

- Luật được lập ra vì ích lợi cho lòai người: Đức Giê-su dạy các môn đệ phải ưu tiên thực hành giới luật yêu thương. Người đã khen người luật sĩ đã phát biểu: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như yêu chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh” (Mc 12,33).

- Ngày nay sự công chính thánh thiện không hệ tại ở việc giữ Luật Mô-sê, mà  đức tin vào Đức Giê-su thể hiện qua thực hành đức cậy và đức mến giữa đời thường.

Tông đồ Phao-lô đã viết: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28). Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hóa ra Đức Ki-tô đã chết vô ích hay sao? “(Gl 2,21). Vì “Ai yêu người thì đã chu tòan Lề Luật” (Rm 13,8).

4) THỰC HÀNH LUẬT YÊU THƯƠNG CỤ THỂ:

Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời trao cho ông Mô-sê có điều thứ Năm: “Chớ giết người. Ai giết người là phạm tội nặng và sẽ phải đền tội” (x. Lv 24,17).

- Còn Đức Giê-su còn đòi môn đệ tránh cả sự giận ghét mắng chửi tha nhân: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 22-23). Người dạy yêu thương tha nhân bằng thái độ bao dung nhân hậu, cảm thông thứ tha, lịch sự hòa nhã, không la mắng chửi rủa…, nhưng sẵn sàng tha thứ và đi bước trước để làm hòa khi đi dâng lễ tại nhà thờ.

- Nhìn thực tế cuộc sống hôm nay, hầu như mọi người chúng ta đều vẫn giữ luật « Chớ giết người ». Nhưng chúng ta lại chưa biết tôn trọng tha nhân. Nhiều người tín hữu đã chửi bới nhau trên các phương tiện truyền thông cách hồ đồ ... khiến những kẻ thù ghét đạo nói với nhau rằng : « Xem kìa, bọn Ki-tô hữu đang chia rẽ, chống đối và thù ghét nhau là dường nào ! ».

4. THẢO LUẬN: Có hai lọai thước đo lòng đạo đức: Thước đo của người Biệt phái dựa vào việc tuân giữ Luật trong từng chi tiết, và thước đo của Chúa Giê-su dựa vào tình yêu thương. Vậy bạn sẽ chọn lọai thước đo nào?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật trong Tin Mừng hôm nay bằng việc thực thi Đức Ái cụ thể theo Lời Chúa dạy. Xin cho chúng con sẵn sàng tuân giữ 10 Điều Răn Đức Chúa Trời và 5 Điều Luật Hội Thánh trong tâm tình yêu mến. Nhờ đó việc giữ Luật của chúng con sẽ làm vinh danh cho Thiên Chúa và giúp nhiều người được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

-X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thực Hành Mùa Chay (2/24/2020)
Ăn Năn (2/21/2020)
Thuật Ngữ Hy Lạp (2/21/2020)
Thanh Toán Nợ Đời (2/21/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 7 Tn A (2/21/2020)
Tin/Bài cùng ngày
Nhiễm ! (2/13/2020)
Tin/Bài khác
Đâu Là Căn Tính Của Người Kitô Hữu? (2/10/2020)
Mặn Và Sáng (2/7/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 5 Thường Niên A (2/7/2020)
Tuyên Ngôn Tâm Linh (1/31/2020)
Tình Yêu Kỳ Diệu (1/31/2020)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768