HIỆP SỐNG
TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C
Hc 35,15b-17.20-22a; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14
KHIÊM HẠ - ĐIỀU
KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ
I.HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG:
Lc 18,9-14
(9) Đức
Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một
số người tự hào cho mình là
công chính mà khinh chê người khác: (10) “Có
hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc
nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề
thu thuế”. (11) Người Pha-ri-sêu đứng
riêng một mình cầu nguyện rằng: “Lạy
Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như
bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình,
hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi
tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười
thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế
thì đứng đàng xa, thậm chí
chẳng dám ngước mặt lên trời,
nhưng vừa đấm ngực vừa thưa
rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót
con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các
ông biết: Người này, khi trở xuống
mà về nhà, thì đã được
nên công chính rồi. Còn người kia thì
không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được
tôn lên”.
2. Ý
CHÍNH:
Nhằm dạy
bài học khiêm nhường, Đức Giê-su
đã kể dụ ngôn về hai người lên
đền thờ cầu nguyện. Trong đó người
Pha-ri-sêu đã kiêu ngạo khi cầu nguyện chỉ
trích tha nhân và tự đề cao bản thân. Đang khi người thu thuế
khiêm tốn xin Chúa tha tội và chỉ biết cậy trông vào lòng thương
xót của Thiên Chúa. Cuối cùng Đức
Giê-su kết luận: người
Pha-ri-sêu kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống,
còn người thu thuế khiêm hạ sẽ được
Thiên Chúa tôn vinh.
3. CHÚ
THÍCH:
- C
9-10: + Có hai người lên đền thờ
cầu nguyện: Đền thờ là nơi người
Do thái cầu nguyện. Người ta tụ tập
ở Đền thờ vào các ngày Sa-bát,
ngày Lễ, ngày Chay... để nghe đọc Thánh
kinh, hát Thánh vịnh và cầu nguyện chung.
Tuy nhiên mọi người đều có thể vào
Đền Thờ cầu nguyện riêng khi mở cửa.
+Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu:
Đây là nhóm người tự tách mình
ra khỏi quần chúng. Họ giữ Luật
cặn kẽ chi tiết và thường tự
hào cho mình là công chính. Tuy nhiên họ làm
mọi điều tốt nhằm tìm tiếng khen
hơn là vì lòng mến Chúa thực sự.
Vì thế họ cố tình đeo những hộp
kinh thật lớn, mang những tua áo thật
dài, ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc,
chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,
ưa được chào hỏi ở nơi
công cộng và muốn được dân chúng xưng
hô là “Thầy” (Rápbi) (x. Mt 23,5-7). +Còn người
kia làm nghề thu thuế: Đây là hạng
người bị dân chúng đồng hóa với
những kẻ tội lỗi và bị khinh dể
xa lánh, vì đã cộng tác với chính
quyền Rô-ma. Đồng thời còn tham lam, thường
ăn chặn tiền thu thuế của người
dân đóng để làm giàu bất chính.
- C
11-12: + Người Pha-ri-sêu đứng riêng một
mình...: Pha-ri-sêu có nghĩa là tách biệt.
Ở đây người Pha-ri-sêu đã tự
tách ra khỏi những người Do thái
khác khi đến cầu nguyện tại Đền
thờ. + Xin tạ ơn Chúa vì con không như
bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình,
hoặc như tên thu thuế kia...: Người
Pha-ri-sêu này đã cầu nguyện phê phán người
khác về các tội cụ thể như tham lam,
bất công, ngoại tình hay tội làm đầy tớ
cho ngoại bang như người thu thuế đang
đứng cuối Đền thờ. + Con
ăn chay mỗi tuần hai lần: Luật chỉ
buộc người Do thái ăn chay vào lễ
Xá Tội tức là ngày 10 tháng 7 hàng
năm (x. Lv 16,29). Tuy nhiên, mỗi tuần những người
Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm hai ngày
khác là thứ Hai và thứ Năm, và
họ hãnh diện cho mình đạo đức
hơn người khác về việc này (x. Lc
5,33). + Con dâng cho Chúa một phần mưới
thu nhập của con: Người Do thái công
nhận Thiên Chúa đã ban lương thực
cho mình, nên họ bày tỏ lòng biết ơn
bằng việc dâng lên Chúa những hoa quả
đầu mùa. Luật qui định phải nộp
thuế “thập phân” (một phần mười),
đánh trên các hoa màu như lúa mì, rượu
mới, dầu tươi và cả những con
vật đầu lòng trong đàn bò và chiên dê (x. Đnl 14,22-23). Ngoài ra họ
còn tình nguyện nộp thêm phần thuế về
các thứ rau quả khác nữa (x. Lc 11,42).
Tóm lại, người Pha-ri-sêu này lên Đền
thờ không phải để xin Chúa tha tội mà
để kể công về những
điều ông ta đã làm được hơn
người khác để đòi Chúa phải
trả công cho mình.
- C
13-14): + Còn người thu thuế thì đứng
đàng xa...: Người thu thuế chỉ biết
thú nhận những tội lỗi đã phạm.
Ông cảm thấy xấu hổ nên không dám đến
gần gian thánh, đứng cúi mình trước
bàn thờ không dám đứng thẳng
như người Pha-ri-sêu. + Lạy Thiên Chúa,
xin thương xót con là kẻ tội lỗi: Ông
ta chỉ biết đấm ngực ăn năn về
các tội lỗi đã phạm và xin Chúa
tha thứ tội lỗi như lời Thánh vịnh
50 của vua Đa-vít. Chính nhờ thái
độ khiêm tốn ấy mà ông đã được
Chúa ban ơn cứu độ. + Phàm ai tôn
mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình
xuống sẽ được tôn lên: Câu này
đã có ở Lc 14,11 và được
Lu-ca thêm vào đây để kêu gọi người
ta khiêm hạ để dựa
vào ân sủng của Thiên Chúa hơn tài sức mình. Vì trong lịch sử Ít-ra-en,
Đức Chúa thường hạ bệ những
ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhu (x. Lc
1,25).
4. CÂU
HỎI: 1) Phân biệt lối sống của người
Pha-ri-sêu (Biệt phái) và người thu thuế
thời Đức Giê-su giống và khác nhau
thế nào ? 2) Lời người Pha-ri-sêu cầu
nguyện trong Tin Mừng hôm nay có đẹp lòng
Chúa không ? Tại sao ? 3) Lý do khiến Đức Giê-su tỏ lòng khoan dung nhân hậu
với người thu thuế tội lỗi,
và nghiêm khắc
với người Pha-ri-sêu là gì ?
II.SỐNG LỜI
CHÚA
1.LỜI
CHÚA: Còn người thu thuế thì đứng
đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước
mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực
vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương
xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).
2. CÂU
CHUYỆN:
1) TẠI SAO MA QUỶ KHÔNG ĐƯỢC CHÚA THỨ THA ?
Một hôm một
tên quỷ kia chạy đến trước mặt
Thiên Chúa mà thưa rằng: “Tôi thấy Chúa
đối xử không công bằng chút nào!”. Chúa liền hỏi nó: “Tại sao ngươi
lại dám bảo Ta đối xử không công
bằng ?” Tên quỷ đáp: “Chúa thấy đó,
loài người phạm rất nhiều tội lỗi
lớn lao, và chúng đều phạm đi phạm
lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa
cũng tha thứ cho chúng và còn hứa ban hạnh phúc thiên đàng đời đời cho chúng. Còn lũ quỷ chúng tôi chỉ phạm tội một lần
duy nhất. Thế mà Chúa không tha mà còn phạt
chúng tôi phải sa hỏa ngục đến muôn đời. Như vậy chẳng
phải là Chúa đã thiên vị và bất
công lắm sao ?” Bấy giờ Chúa mới
ôn tồn nói với tên quỷ: “Loài người
tuy phạm tội không vâng lời Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng
còn sai phạm nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi
lần phạm tội, chúng đều hồi tâm sám
hối và khiêm tốn chạy đến xin Ta tha thứ. Còn lũ quỷ các ngươi, có bao giờ các ngươi chịu hồi tâm sám hối và cầu xin Ta tha tội cho chưa ?” Nghe thấy Chúa
đòi phải ăn năn sám hối
và cầu xin tha tội, tên quỷ
liền thét lên: “Lòai quỷ chúng ta không đời
nào chịu hèn hạ ăn
năn sám hối và cũng không cần xin ai tha tội
cả”. Nói thế rồi quỷ liền cong đuôi
chạy mất.
2) PHẢI TRÁNH CÁI TÔI ÍCH KỶ:
Có một câu chuyện cho thấy con người thường
ích kỷ, chỉ nghĩ phần
lợi cho mình hơn là cho Chúa
và tha nhân; Một cậu bé kia mỗi lần
đi đến nhà thờ dự lễ
Chúa nhật, cậu đều
được mẹ tập thói
quen ý thức
góp phần vào việc chung, bằng cách trao cho cậu hai đồng đôla bằng kim loại và nói: “Một đồng cho con ăn sáng, còn đồng kia để con bỏ vào giỏ tiền thau nhà thờ trong giờ lễ, để làm của lễ dâng
cho Chúa”. Cậu bé nắm chặt hai đồng
tiền trong bàn tay và đi bộ đến
nhà thờ. Khi băng qua
đường, cậu không
may bị
vấp ngã bên lề đường.
Theo bản năng, cậu mở bàn tay ra chống đỡ khi ngã
trên đất và hai đồng tiền bị
vuột khỏi bàn tay: Một đồng
nằm trên lề đường,
còn đồng kia rơi xuống
hố ga gần bên. Cậu bé liền nhặt đồng tiền lên và nhìn xuống hố ga để tìm đồng tiền thứ hai, nhưng
trong hố ga tối thui không
thấy
gì. Một cuộc chiến
nội tâm diễn ra. Cuối cùng cậu bỏ đồng tiền nhặt
được vào túi, nhìn lên
trời
và thưa với Chúa: “Chúa ơi. Con rất tiếc, vì đồng tiền của Chúa hôm nay đã bị rơi xuống hố
ga mất rồi!”
3) PHẢI QUỲ XUỐNG
CẦU XIN MỚI ĐƯỢC ƠN THA THỨ :
Tại đền thờ
thánh Phê-rô ở Rô-ma, có một bức tượng Chúa chịu nạn do Thóc-van-sen (Thorvaldsen) một nhà
điêu khắc Đan mạch nổi tiếng thực hiện.
Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng. Ông ta đứng nhìn
bức
tượng một lúc rồi lắc
đầu nói:
- Tôi nghe đồn bức tượng
nầy nổi tiếng là rất đẹp,
nhưng sao tôi nhìn mãi mà chẳng thấy có gì đẹp cả.
Bấy giờ một khách hành hương đang quì phía sau ông
nói:
- Ông phải quì gối xuống mới có thể nhìn thấy vẻ
đẹp của tượng Chúa.
Ông du khách liền quì gối xuống và đã khám phá ra vẻ đẹp bao dung nhân ái rất lôi cuốn của bức
tượng Chúa chịu nạn.
Muốn gặp Chúa và nhận được ơn cứu
độ của Chúa, mỗi người
chúng ta cũng phải khiêm hạ quỳ gối xuống và mở miệng cầu xin Chúa tha tội như người thu thuế
trong Tin Mừng hôm nay: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”
(Lc 18,13).
4) KHIÊM HẠ : ĐIỀU KIỆN ĐỂ GÂY THIỆN CẢM VỚI THA NHÂN:
Sách Trang Tử thuật
câu
chuyện về hai nàng hầu:
Nhà kia ở nước
Tống có hai nàng hầu, một đẹp
một xấu. Một hôm Dương Chu đến trọ,
quan sát và nhận thấy trong nhà ai cũng
quí yêu nàng hầu xấu mà khinh thường nàng hầu đẹp. Lấy làm lạ, Dương Chu gọi hỏi cậu bé trong nhà, cậu ta trả lời:
- Nàng hầu đẹp
kia tự cho mình là đẹp và khinh chê
nàng hầu xấu nên mất đi cái đẹp. Chẳng ai còn nhìn thấy nét đẹp của nàng nữa! Còn nàng hầu xấu tự biết mình là xấu mà khiêm nhu và kính trọng mọi người, nên không ai còn nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu liền gọi môn sinh đến và dặn: Các con nhớ ghi bài học này. Giỏi hay đẹp mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi và đẹp thì đi
đâu mà chẳng được người
ta yêu
mến, tôn trọng.
Trong Tin Mừng hôm nay, nhận thấy "một số người
tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác", Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện để dạy bài học khiêm nhường. Đây là nhân đức
đứng đầu, không những chinh phục được thiện cảm của
người chung quanh, mà còn nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nữa.
3. SUY
NIỆM:
Khi nghe Đức
Giê-su kết luận người thu thuế tội lỗi ra về được nên công chính,
còn người biệt phái nhiều công đức thì không, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta phải ngạc
nhiên. Vì người biệt phái xem ra mẫu mực tuân giữ
Lề Luật và không sai phạm các tội ác xấu
xa. Ông ta còn làm nhiều hơn điều Luật dạy khi tự nguyện ăn chay và bố thí. Vậy
tại sao Đức Giê-su lại không chấp nhận lời cầu
của ông ta ? Tại sao Chúa lại ưu ái người
thu thuế tội lỗi, ngay trong lúc anh ta chưa từ
bỏ cái nghề tồi tệ đó, và không nói
đến
việc đền bù thiệt hại đã gây ra ?
1.Nguyên
nhân khiến lời cầu của người biệt phái không được chấp nhận:
-Phải thừa nhận rằng: Người
biệt phái trong Tin Mừng
hôm nay là một
người tốt, một tín hữu trung thành với Lề Luật. Chỉ tiếc một
điều là do kiêu ngạo tự mãn mà bao nhiêu việc tốt anh làm
đươc đã không có giá trị trước
mặt Chúa. Do anh chỉ
nhìn thấy
“cái tôi” của
mình nên đã không thấy Chúa. Anh coi thành quả đạt được là
do tài đức của mình,
chứ không
do ơn Chúa giúp.
-Lời cầu
nguyện của người biệt phái đã không được Chúa chấp nhận
là
do anh đã “đứng riêng một mình” và cầu
nguyện cách khoe khoang. Nội dung
lời cầu cho thấy anh đã khinh thường người khác và tự mãn về thành tích của mình qua việc đòi được Thiên Chúa trả công: “Con xin
tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác:
tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như
tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần.
Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập
của con” (Lc, 8,11).
-Tuy nhiên, người Biệt Phái không ý thức rằng:
“Nhân
vô thập toàn”: Anh ta cũng
có các thói hư như: tự mãn, kiêu
căng, khinh thường tha nhân… Nhưng
anh lại không ý thức về các tội đó. Anh ta không nhận ra mình cũng
là tội nhân như người thu thuế mà anh đang khinh thường. Anh đã không biết rằng
sự công chính người ta có được là do ơn Chúa ban như lời thánh Phao-lô dạy: “Tôi được như
vậy không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do Luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do
lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do
Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin”
(Pl 3,9).
- Tóm lại, người
Biệt phái đã không biết rằng:
Khi chê bai người thu thuế là anh ta đã gián tiếp cho mình là công chính. Nói xấu người thu thuế là anh đã tự đánh giá mình là người tốt. Lên tiếng phê bình chỉ trích người thu thuế là anh đã tự coi mình là quan tòa kết án hơn là tội nhân bị xét xử. Làm như thế là người Biệt phái đã tự làm hại mình, và không
đáng được ơn tha
thứ như lời Đức Giê-su kết luận: “Người này,
khi trở xuống mà về
nhà, thì đã được nên công chính rồi.
Còn người kia thì
không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
2. Nguyên nhân người thu thuế
được Chúa xót thương:
-Người thu thuế cảm thấy xấu hổ
về tội lỗi của mình, nên chỉ dám đứng đàng
xa, thậm chí chẳng dám ngước
mặt lên trời. Anh ta vừa đấm ngực
vừa thưa với Chúa rằng:
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ
tội lỗi”. Anh ta cảm thấy mình bất lực và chỉ biết phó thác cho lòng Chúa
thương xót. Chính nhờ
tâm tình ấy
mà Chúa đã đoái thương nhìn đến anh và ban ơn thánh giúp anh
hoán cải trở nên
công chính.
-Thái
độ khiêm cung và lời cầu nguyện sám hối của người thu thuế cho thấy
anh đã sẵn sàng mở cửa lòng
ra để
đón rước Chúa vào nhà. Chúa đã vào nhà linh hồn anh để
ban ơn tha thứ và
biến đổi anh nên công chính
đẹp
lòng Chúa. Nhờ ý thức về tình trạng tội
lỗi của mình qua thái độ khiêm tốn cúi đầu đấm
ngực ăn năn, mở miệng nài xin Chúa thương, mà người thu thuế
đã được biến
đổi nên công
chính như lời Đức Giê-su: “Người này, khi trở
xuống mà về nhà, thì đã được
nên công chính rồi”.
3. Chúng
ta phải làm gì ?
a) Cần tránh lối cầu nguyện của biệt
phái: Có lẽ nhiều người trong chúng
ta cũng có thái độ
tự mãn như người biệt phái
xưa đã thưa với
Chúa: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Nhiều lần chúng ta đã đổ lỗi cho người khác hơn
là khiêm tốn nhận
tội của mình như lời kinh cáo mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhiều lần trong tòa
xá giải chúng
ta đã dài dòng kể
tội của người thân trong gia đình
hay tội của
người hàng xóm đã phạm đến mình,
đang khi lẽ ra ta phải
khiêm nhường
xưng thú tội
mình để
xin ơn tha thứ.
b) Cần cầu nguyện khiêm
hạ như người
thu thuế: Người thu
thuế trong Tin Mừng hôm nay đã muốn được Chúa
ban ơn tha thứ bằng
việc lên Đền
thờ cầu nguyện. Tuy nhiên, anh cũng ý thức các tội lỗi của mình
khó được Chúa
thứ tha, vì
theo Luật Mô-sê:
một người lỗi
phép công bình muốn
được tha thì trước hết phải thanh toán
hết số nợ. Ngoài
ra còn phải bồi thường
thiệt hại cho chủ nợ thêm 1/5 nữa. Anh thu thuế này
không có khả năng làm
như thế. Dù vậy, anh đã không tuyệt vọng, mà
đã cậy trông
vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Noi gương
tác giả Thánh
vịnh 50, anh đã
xin Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ
tội lỗi” (Lc 18,13). Vì vậy anh đã được Chúa tha tội và biến đổi nên công chính (x. Lc 18,14).
c) Cần tránh thói kiêu căng tự mãn:
Kiêu ngạo là thói xấu đứng
đầu và hầu như mọi
người chúng ta ít nhiều đều
mắc phải. Đây là thói
xấu
nguy hiểm nhất và là
mẹ
phát sinh ra các thói hư
khác. Người kiêu ngạo tự cho mình là trung tâm điểm thay thế Thiên Chúa. Anh muốn mọi người phải quan tâm phục vụ mình và
luôn tạo
ra hàng rào tách biệt với tha
nhân… Kiêu ngạo phát sinh tự ái cao nên dễ nổi giận
khi có ai dám chê trách nói phạm đến mình. Đây cũng là
thói xấu khó chừa cải nhất. Tuy nhiên kinh “Cải tội bảy mối” đã cho chúng ta phương thế hữu hiệu
diệt trừ được thói hư này như sau: “thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo”. Như vậy muốn loại
trừ thói kiêu ngạo thì cần tập nhân đức khiêm nhường. Khiêm nhường trong lòng đương nhiên sẽ biểu lộ
ra ngoài bằng lời nói và hành động.
d) Cần tập
đức tính khiêm nhường: Ai trong chúng ta cũng đều yêu thích người khiêm tốn, nhưng rất ít người thực hành được nhân đức này. Thực ra khiêm nhường là can đảm nhìn thẳng vào con người thật của mình. Khổng Tử đã
nói: “Cái gì biết thì nói
biết, cái gì không biết thì nói không biết. Đó mới thật là biết vậy”. Khiêm nhường tự hạ, quên
mình phục vụ luôn được coi là nền tảng của sự thánh
thiện.
Tất
cả những tài năng, nhân đức sẽ gia tăng giá trị lên gấp bội nếu kèm
theo đức khiêm nhường. Cũng
như những số 0 (số không) dù nhiều tới đâu cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bằng một
con số như số 1 chẳng hạn, thì lập tức những số 0 kia sẽ
tăng giá trị
lên gấp bội. Cần
tập khiêm nhường
bằng cách tránh nói ra các ưu điểm thành tích của mình và biết rộng rãi
nói lời khen ngợi tha nhân. Cần năng nói: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” rồi
sau đó phục vụ cách
chân thành và vô vụ lợi.
4. THẢO
LUẬN: 1) Bạn đã bao giờ khen người dưới khi thấy họ làm được việc tốt chưa? 2) Khi được
người khác khen một ưu điểm có
thật, bạn nên phản ứng thế nào để
thực hành đức khiêm nhường noi
gương Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a trong Tin Mừng
(x. Lc 1,45-49) ?
5. NGUYỆN
CẦU
LẠY CHÚA
CHA TỪ ÁI. Xin giúp chúng con ý thức về
thân phận tội lỗi yếu hèn của mình.
Xin giúp chúng con tránh thói kiêu căng tự mãn
của người biệt phái.
Xin cho chúng con biết tôn trọng mọi người và
không khoe khoang thành tích đã làm được. Xin cho chúng con biết luôn cảm tạ Cha về
những ơn lành Cha đã thương ban. Xin cho
cuộc sống của chúng con trở thành một bài ca
tạ ơn: khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất
bại, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm... Vì chúng con biết
rằng mọi sự Cha để xảy đến
cho chúng con đều là hồng ân của Cha và
đều mang lại ích lợi cho phần rỗi
đời đời của chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ
MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
|