MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hai Hướng Đời
Thứ Ba, Ngày 10 tháng 9-2019
HAI HƯỚNG ĐỜI

Có lẽ chữ T đặc biệt nhất trong các mẫu tự – đối với các ngôn ngữ dùng mẫu tự Latin. Chữ T là chữ Thập – Thập Giá, Thập Tự, Thập Hình, Thánh Giá. Chữ T cũng là chữ Tình – tình yêu, tình thương, tình mến. Khi chúng ta đứng dang ngang hai tay cũng có hình chữ T. Thật kỳ diệu!

Thảo nào Chúa Giêsu đã bảo: “Ai KHÔNG VÁC thập giá mình mà theo Thầy thì KHÔNG XỨNG với Thầy.” (Mt 10:38) Và Ngài khuyến cáo như một mệnh lệnh: “Ai MUỐN theo Thầy, PHẢI từ bỏ chính mình, VÁC thập giá mình mà THEO.” (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23) Thật lô-gích với lời Ngài xác định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 4:16)

Chúa Giêsu là Con Đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha, chắc hẳn Con Đường Giêsu có hình Thập Giá – con đường hẹp mà là con đường thật, con đường sáng, con đường sống. Thế thì không ai có thể đi qua bất cứ con đường nào khác để đến với Chúa Cha, để vào Nước Trời. Xác định như vậy để có thể sống thanh thản, và dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Ngài, vì Ngài đã dùng cây Thánh Giá mà cứu chuộc chúng con.”

Hoàn toàn khác người, không hề giống ai, Thánh Phaolô đã có ước muốn “nổi da gà” và “rợn tóc gáy” thế này: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). Ôi chao, hãnh diện về thập giá ư? Chẳng lẽ hãnh diện vì chịu đau khổ và bị nhục nhã sao? Đúng là chuyện ngược đời, điên rồ thật!

Còn nữa, cố giám mục Lambert de la Motte (1624-1679), vị thừa sai người Pháp, cũng có ý tưởng “không giống ai” nên mới sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Chắc hẳn ngài phải cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới dám có “sở thích” kiểu đó. Các thánh tử đạo, cách riêng là các thánh tử đạo Việt Nam, là những con-người-điên-rồ đáng yêu biết bao!

Trình thuật Ds 21:4-9 cho biết dân Israel xưa đi qua sa mạc về Đất Hứa, cực khổ lâu ngày dày tháng với món manna chán ngấy, họ khiến mất kiên nhẫn nên kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Chúa cho rắn độc đến hại họ, khiến nhiều người phải chết. Sợ quá, họ nói với ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” Ông Môsê khẩn cầu cho dân, và được Đức Chúa cho biết: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Đúng như vậy, bất cứ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống.

Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Ỷ lại, tưởng mình ngon, rồi ngang ngược, coi trời bằng… nắp bia. Tai họa ập đến rồi rung hơn cầy sấy. Thế mà vẫn chảnh. Thật tồi tệ!

Ai cũng biết rằng thập giá là biểu tượng của sự đau khổ hoặc bất hạnh, vì đó là hình phạt tồi tệ và ghê gớm nhất thời xưa – như ngày nay là án tử hình. Cuộc sống thường nhật cũng chẳng ai “mê” đau khổ, mà cố tránh còn hơn tránh quái vật hoặc ma quỷ. Thế mà những người thực sự yêu mến Đức Kitô lại “khoái” đau khổ, kiểu sống như vậy thì “ngược đời” thật. Đối với những người không có niềm tin vào Đức Kitô, thậm chí có thể ngay cả một số người nhận mình là người Kitô giáo, cũng khó có thể hiểu được ý nghĩa của thập giá, và họ cho như thế là dại dột, ngu xuẩn, hoặc điên rồ. Nếu nói theo kiểu thời @ thì là “bó tay chấm cơm, chấm cháo”. Chấm gì thì chấm, miễn sao có thể tạo dạng “go viral” trên các trang web, nhất là các trang mạng xã hội.

Nghĩ tới thập giá là nổi gai óc, rùng mình, đừng nói chi đứng trước thập giá. Đau khổ ớn thật! Thế mà đã có những con người vẫn hiên ngang trước cái chết. Chẳng hạn, Thánh Tôma Đinh Viết Dụ hiên ngang nói: “Sức tôi tuy đã giảm, nhưng còn chịu đựng được. Chúa đã chịu bao khổ hình để cứu độ nhân loại. Tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khó này để nên giống Chúa Kitô phần nào.”

Thánh Phaolô cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:6-8) Thế nên không lạ gì khi “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2:9) Danh thánh Giêsu cao cả và uy quyền đến nỗi khi nghe nhắc tới thì cả trên trời dưới đất và trong âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô là Chúa” để tôn vinh Thiên Chúa Cha. (Pl 2:10-11)

Cứ lặp đi lặp lại, cứ nhắc tới nhắc lui, Chúa Giêsu vẫn bảo phải “từ bỏ mình” và “vác thập giá mình hằng ngày” (Mt 10:37-38; Mc 8:34; Lc 14:26-27), phải “qua cửa hẹp” (Mt 7:13), phải ăn chay, hãm mình, nhịn nhục, chịu đựng,… Toàn những điều “làm khổ mình” thôi. Thật là khó! Chúa không “chơi khăm” chúng ta mà chỉ muốn chúng ta “nên người”, thực sự trưởng thành tâm linh. Chứ Ngài “hô biến” một cái là chúng ta vào Thiên đàng cả đám ngay, nhưng Chúa muốn chúng ta tự cố gắng để có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa và giá trị của sự đau khổ, vậy mới xứng đáng nhận phần thưởng. Có ăn lạt mới biết thương mèo. Có khổ mới biết thương người khác. Bình thường thôi!

Trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là thiên tài cũng vẫn phải khổ luyện. Đơn giản như một nghệ sĩ biểu diễn (ca, múa, chơi đàn,…) cũng phải tập luyện nhiều chứ không thể cứ tà tà mà được. Thật vậy, hằng ngày tự khổ luyện mới là thật lòng theo Chúa, không thể cứ ung dung tự tại. Nếu có chờ sung rụng thì cũng phải nhặt lấy, bỏ vô miệng, chứ chẳng bao giờ có trái sung nào có thể rơi trúng ngay miệng mình – mà nếu nó có rơi trúng ngay miệng thì cũng vẫn phải nhai, nuốt, và tiêu hóa. Chỉ đơn giản thế mà vẫn… mệt mỏi lắm đấy!

Có gian nan mới thành nhân, có bị khốn mới nên khôn, có thất bại mới biết cố vươn lên, như tục ngữ Việt Nam nói: “Thất bại là mẹ thành công.” Đức Phật được người ta kính trọng vì ông đã cảm được nỗi đau khổ của con người (Tứ Diệu Đế). Các vĩ nhân cũng là những người đã từng nếm mùi gian khổ, các chính khách được thế giới tôn vinh cũng là những người đã kiên trì chịu đựng, như người ta nói là “nằm gai, nếm mật”. Thật vậy, chẳng nếm mùi gian khổ thì khó nên bậc siêu quần!

Nhưng phàm nhân chúng ta quá yếu đuối, ưa nhàn rỗi chứ không muốn “động chân, động tay”. Kinh Phật có câu: “Con người là nô lệ vì chưa hủy diệt được ý tưởng về bản ngã trong nội tâm”. Tu thân khó nhất, vì có thể tu thân thì mới đủ trình độ để tề gia, trị quốc, và bình thiên hạ. Người ta nói: “Đời là bể khổ.” Nhưng có lúc chính chúng ta tự làm khổ mình chứ chẳng ai làm khổ mình. Đời càng khổ thì chúng ta càng cần Chúa: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 84:3).

Có lần Chúa Giêsu nói: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi” (Lc 6:40). Ôi, Ngài quá bình dân, Ngài thực tế mà có duyên, nghiêm chỉnh mà cũng có đậm chất hài hước. Chính Ngài đã chịu đau khổ đến tột cùng, và rồi chịu chết nhục nhã. Là Kitô hữu, mệnh danh là môn đệ của Ngài, chắc chắn chúng ta không thể tránh né đau khổ, đi đường tắt hoặc đi đường khác. Thập Giá là độc đạo tới vinh quang Nước Trời.

Khi đàm đạo với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã minh định: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:13-15) Con Đường Giêsu là Con Đường Thập Giá, Con Đường Thập Giá là Con Đường Đau Khổ. Và Chúa Giêsu cho biết rõ ràng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3:16-17)

Theo Chúa Giêsu thì phải “vác thập giá mình” lên Can-vê với Ngài. Lên đó không phải để chơi, ngắm trời, ngắm đất, hoặc hóng gió mát rồi ngâm thơ và ca hát, cũng không phải lên đó đốt lửa trại, mà lên đó để… “chết”. Chết thật, không chết giả. Nhưng rồi mọi đau khổ sẽ biến thành vinh quang, và người chết sẽ sống lại để được trường sinh. Muốn đến Miền Ánh Sáng, chỉ có cách duy nhất là đi qua Con Đường Thật Giá – con đường mà chính Thầy Giêsu đã đi qua.

Đất trời có tám hướng, mười phương. Cuộc đời tín nhân có hai hướng theo hình Thánh Giá – với hướng Tung và Hoành: Nhánh đứng để đến với Thiên Chúa, nhánh ngang để đến với tha nhân.

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, Đấng quan phòng và tiền định, xin giúp chúng con đi đúng phương và đúng hướng để có thể gặp được Ngài – hôm nay và ngày mai. Xin giúp chúng con hiểu được ý nghĩa đau khổ để có thể say mê Thánh Giá, sẵn sàng dám chết cho tội mình và vì chân lý. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

HÀNH TRÌNH ĐAU KH

1. Đường Lên Thánh Giá – https://www.youtube.com/watch?v=VJ-2CkFUhBI

2. Đỉnh Cao Thập Giá – https://youtu.be/ciO4T04-r2U

3. Mầu Nhiệm Thập Giá – https://www.youtube.com/watch?v=oXhiEd1PmhY

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Tinh Thần Của Thánh Charles Borromeo (9/13/2019)
Thiên Chúa Muốn Chúng Ta Phục Vụ Ở Đâu? (9/13/2019)
Nhà Truyền Giáo Can Đảm Của Đức Kitô (9/13/2019)
Mười Nhân Đức Của Đức Mẹ (9/13/2019)
Ngày 12 - 09 Lễ Danh Thánh Đức Maria (9/12/2019)
Tin/Bài cùng ngày
Lửa Mến Trong Luyện Hình (9/10/2019)
Liệu (9/10/2019)
Thương Và Xót (9/10/2019)
Điều Chúa Muốn Khi Chúng Ta Cầu Nguyện (9/10/2019)
Còn Chưa Đủ (9/10/2019)
Tin/Bài khác
Mẹ Teresa Không Nói (9/6/2019)
Chín Phẩm Thiên Thần (9/4/2019)
Bí Quyết Chiến Đấu Thiêng Liêng (9/4/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 23 Thường Niên C (9/4/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 22 Thường Niên C (8/31/2019)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768