MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Máu Công Lý
Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 8-2019
MÁU CÔNG LÝ

MÁU ĐỎ TƯƠI MÀU CHÂN LÝ ĐỨC CHÚA

TÌNH HỒNG THẮM SẮC NGHĨA NHÂN CON NGƯỜI

Công lý và chính nghĩa có ý nghĩa tương tự, gần như đồng nghĩa. Công lý là lẽ phải, lẽ chung của mọi người; chính nghĩa là ý nghĩa chính đáng. Đó là lý lẽ đúng đắn theo lương tâm chính trực, là cái người ta phải theo, phải giữ. Những người tốt luôn tranh đấu cho chính nghĩa, đòi hỏi công lý, chống lại bất công.

Chính nghĩa cũng đa dạng, nếu được hiểu là chủ nghĩa thì có tốt và có xấu: Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tôn giáo, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa dân chủ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa chuyên chế, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quân phiệt,... Người ta cũng gán cho chúng các màu sắc như xanh, đỏ, đen, trắng,...

Ở đây, chúng ta chỉ đề cập công lý hoặc chính nghĩa theo nguyên tắc chân lý của Thiên Chúa, bởi vì chỉ có chân lý mới thực sự giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ kiềm chế, như Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết SỰ THẬT, và SỰ THẬT sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:31-32).

Người ta rất sợ sự thật. Người ta càng sợ hơn khi mình gian dối lọc lừa mà bị phanh phui. Gian dối, thêm bớt là ác quỷ (Mt 5:37), ác quỷ là bóng tối (màu đen); thẳng thắn, nghiêm túc là ánh sáng (màu trắng). Thánh Vịnh nhắn nhủ: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. CHÍNH NGHĨA bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, CÔNG LÝ bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37:4-6). Như vậy, “chính nghĩa” và “công lý” không xa nhau, tức là gần nhau – đặc biệt là hiểu theo nghĩa Kinh Thánh, và tất nhiên có liên quan sự thật.

Như chúng ta đã biết, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả là “dị nhân đặc biệt”, dạng “con cầu con khấn” của ông Dacaria (tư tế đền thờ Giêrusalem, dòng tộc Aharon) và bà Êlidabét (chị họ của Đức Maria, cũng dòng tộc Aharon). Gioan là “đứa trẻ lạ” về nhiều thứ (x. Lc 1:5-23), là anh họ và chỉ hơn Chúa Giêsu 6 tháng tuổi, là “dấu cộng” của Cựu Ước và Tân Ước, có lối sống “bụi đời” chẳng giống ai: Mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da; dùng loại ẩm thực cũng khác người: Châu chấu và mật ong rừng (Mt 3:4; Mc 1:6). Món ăn lạ và cũng là “hàng hiếm” đấy.

Gioan vốn dĩ có bản tính cũng khác thường là thật thà và thẳng thắn, thế nên ông cũng bị thua thiệt và te tua tơi tả – nói theo kiểu bình dân của người miền Bắc là “thua tất tần tật” hoặc của người miền Nam là “thua tuốt luốt” – kiểu nào cũng toàn là mẫu tự T (chữ Tê, âm Tờ). Cũng là lẽ tất nhiên thôi. Đời là thế mà! Mặc dù biết rõ như vậy, nhưng ông nhất định không a dua, không tâng bốc, không xu nịnh, không ngả theo chiều gió, quyết tâm bảo vệ LẼ PHẢI và CÔNG LÝ tới cùng bằng mọi giá, như ca dao Việt Nam có câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Quả thật, Gioan là ngôn sứ luôn sống và đấu tranh cho sự thật, theo công lý của Thiên Chúa.

Những người “không giống ai” có hai loại – một là “siêu nhân” đúng nghĩa, hai là “chạm mạch”. Nhưng Gioan Tẩy Giả là dạng đặc biệt, là “dị nhân” chính hiệu, khác người từ bên trong đến bên ngoài. Tuy nhiên, ông không cý tạo “phong cách” đó để “chơi nổi” hoặc “tạo sự chú ý”, mà ông thật lòng khiêm nhường, không cần gì bề ngoài, và ông làm mọi thứ chỉ để tôn vinh Thiên Chúa, vì ông có tâm nguyện: “Chúa Giêsu phải NỔI BẬT lên, còn tôi phải LU MỜ đi” (Ga 3:30). Điều tâm nguyện của ông khiến mỗi chúng ta phải tự “sờ gáy” mình để có thể tự chấn chỉnh trước khi quá muộn. Thánh Gioan sống như vậy chứng tỏ ông là người rất khôn ngoan: Chọn ích lợi cho Chúa, không chọn ích lợi cho mình hoặc cho bất cứ ai. Sự đơn giản của ông rất phức tạp, cái nghèo nàn của ông rất phú quý, tính bình dân của ông rất sang trọng. Thật lạ lùng!

Phúc thay người biết sống khôn ngoan, vì Đức Khôn Ngoan vô giá. Kinh Thánh cho biết: “Đức Khôn Ngoan quý trọng hơn cả vương trượng, ngai vàng, trân châu bảo ngọc; so với Đức Khôn Ngoan, vàng trên cả thế giới cũng chỉ là cát bụi, và bạc cũng kể như bùn đất” (Kn 7:8-9). Con người luôn sai lầm nên rất cần sự khôn ngoan, thiếu khôn ngoan rất nguy hiểm: “Người thiếu khôn ngoan là kẻ ngu đần” (Hc 19:23). Ai cũng cần phải cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan – một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần.

Người khôn ngoan là người biết sống theo Thánh Ý Chúa. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ngôn sứ Giêrêmia: “Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi ĐỪNG RUN SỢ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (Gr 1:17). Thắt lưng, chỗi dậy, nói và không sợ – một loạt các động từ cần thực hiện một lượt. Phải dứt khoát mới khả thi. Không can đảm “đứng thẳng” theo lời Chúa mà lại “khom lưng” thì… chết chắc, vì sẽ bị phản tác dụng. Cái gì phản tác dụng hoặc phản ứng phụ thì đều nguy hiểm. Khôn thì nghe, dại thì chết. Đó là lẽ thường, nhưng cũng không ngoài ý định của Thiên Chúa.

Đức khôn ngoan và đức vâng lời có liên quan lẫn nhau. Người vâng lời Thiên Chúa là người khôn ngoan, mọi chuyện xuôi chèo mát mái, sức khỏe chợt phi thường, vì sức mạnh đó là sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng toàn năng uy dũng. Thật vậy, Ngài hứa chắc: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để GIẢI THOÁT ngươi” (Gr 1:18-19). Thiên Chúa là Đấng tín thành nên Ngài cũng quý người thành tín.

Thật khôn ngoan khi Thánh Vịnh gia nhận biết rạch ròi: “Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 118:9). Tuy nhiên, đã ẩn náu nơi Ngài thì phải tín thác vào Ngài, tín thách tuyệt đối, đừng “chân trong, chân ngoài”. Có những người nói tin Chúa nhưng vẫn coi trọng tiền bạc, chức quyền, danh lợi,… nếu vậy chỉ là giả vờ, Thiên Chúa và chính nhân cảm thấy sợ hãi và nhạo cười: “Nó đích thị là người chẳng lấy Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng chỉ TIN CẬY vào đống tiền đống của và KHOE KHOANG mưu độc của mình” (Tv 52:9). Lạy Chúa, thế thì kinh khủng quá. Mất Chúa là mất tất cả!

Với kinh nghiệm sống, ai cũng khả dĩ biết rằng tiền bạc có mãnh lực khó chống lại, không chỉ mãnh lực mà là ma lực, thế nên người ta coi nó là một vị thần: Thần Tài. Thật không dễ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “thần tài” đó. Ngay cả các giáo sĩ và tu sĩ, đã thề sống thề chết với Chúa là “sống khó nghèo”, thế mà có những người cứ ngửi thấy mùi tiền là cười tít mắt, vội vàng vơ vét vào. Thật đấy, chẳng oan đâu! Không thể nào kể hết loại này – từ dạng “nặng” tới dạng “nhẹ”, mức độ nào cũng có. Đã có mấy ai thật lòng DÁM “bụi đời” và DÁM thể hiện lối sống đơn nghèo như Gioan Tẩy Giả? Đôi khi chỉ lẻo mép. Vả lại, ngày nay người ta “tinh vi” và có nhiều cách biện hộ lắm, mặc dù Chúa Giêsu đã căn dặn: “Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (Mt 10:10; x. Lc 9:3 và Lc 10:4). Thánh Phanxicô Assisi là người đã thực sự đổi đời nhờ lời dặn đó của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Lời Thánh Vịnh như muốn nhắc nhở chúng ta phải “mở mắt to” để can đảm nhận sai lầm mà có thể kịp sửa đổi: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài” (Tv 71:1-3). Thật là không dễ, vì đôi khi cảm thấy... ái ngại lắm!

Ai có thể nói được như vậy mà không hổ thẹn thì mới có thể tín nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ, khỏi móng vuốt phường nham hiểm và bọn dã man. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con TRÔNG ĐỢI, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con TIN TƯỞNG ngay từ độ thanh xuân. Từ thuở sơ sinh, con NƯƠNG TỰA vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, con CA TỤNG Ngài chẳng khi ngơi” (Tv 71:4-6).

Bất cứ ai biết khôn ngoan tín thác vào Chúa thì khả dĩ nhận biết mọi thứ đều là hồng ân, còn mình vừa vô duyên vừa vô dụng, và rồi họ phải thốt lên: “Miệng con công bố Ngài chính trực, suốt ngày tường thuật ơn cứu độ Ngài ban, ơn của Ngài, nhiều khôn xiết kể!” (Tv 71:15). Những con người khôn ngoan đích thực và không tin cậy gì khác ngoài Chúa thì họ không thể giấu giếm sự thật và không ngại thổ lộ: “Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:17). Phúc đức thay!

Lòng trung thành của họ vẫn một mực như vậy – mọi nơi và mọi lúc, chứ không phải cảm thấy vui thì theo, cảm thấy buồn thì nghỉ. Người đời cũng có kinh nghiệm: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Có “bị” thử lửa mới biết là vàng hay thau. Khi ta cười thì nhiều người vỗ tay, khi ta khóc thì chẳng còn ai ở gần. Cuộc đời cho chúng ta thấy rõ chân tướng thực dụng và xảo trá. Cần ghi nhớ: Người bạn chân thành là người ở bên ta trong lúc ta đau khổ và tuyệt vọng nhất, ngoài ra chỉ là “bè” chứ không là “bạn”. Vì thế, trên hành trình “theo Chúa” cũng không ngoại trừ: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10). Đó mới là hạt lúa tốt.

Người Việt so sánh: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chúa Giêsu so sánh tuyệt đối: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã HY SINH TÍNH MẠNG vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Người đầu tiên là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã liều mạng vì các tội nhân chúng ta. Thánh Gioan Tẩy Giả không là người thí mạng vì người khác, nhưng ông đã liều chết vì sự thật, vì lẽ phải, vì công lý, vì chính nghĩa. Đó cũng là chết vì Chúa, cũng là một dạng tử đạo. Tử đạo thường liên quan việc đổ máu. Với Thánh Gioan Tẩy Giả, đó là Máu Công Lý.

Như chúng ta đã biết, máu có màu đỏ đặc trưng, là chất cần thiết và biểu hiện sự sống, chiếm 7% trọng lượng cơ thể. Người trưởng thành trung bình có khoảng 5 lít máu, bao gồm một số loại huyết cầu khác nhau, còn gọi là thành phần hữu hình, và huyết tương. Huyết cầu gồm hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu. Theo thể tích, hồng cầu chiếm khoảng 45% số tế bào máu, huyết tương chiếm khoảng 54,3%, và bạch cầu chiếm khoảng 0,7%. Các rối loạn về thành phần cấu tạo của máu hoặc ảnh hưởng đến sự tuần hoàn bình thường của nó có thể dẫn đến rối loạn chức năng của nhiều cơ phận, ảnh hưởng sự sống.

Chính Chúa Giêsu đã minh định: “Tôi là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6). Rồi Ngài cũng đã xác nhận trước mặt Tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Nghe vậy, ông Philatô giả ngay giả ngô nên hỏi lại: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Đúng là cáo già, cý né tránh chứ không phải là không biết. Ngày nay cũng tương tự, vẫn thấy xuất hiện những người “di truyền” loại gen Philatô.

Lời thật làm mất lòng. Thuận ngôn gây nghịch nhĩ. Thế nên khi nghe lời can ngăn của ông Gioan, vua Hêrôđê “không lọt tai” nên đã sai người đi bắt ông và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê – chị dâu của mình. Đó là tội loạn luân. Có lẽ “gái một con” đã khiến ông “mòn con mắt” nên ông “mù mắt” và bất chấp tất cả. Có điều lạ là chính phụ nữ này cũng tỏ ra thú vị vì mình đã “cưa đổ” một quốc vương, và cũng lạ nữa là cô con gái của phụ nữ này cũng vào hùa với người chú và người mẹ. Ba con người kỳ cục kết thành “chiếc kiềng ma quỷ”.

Tại sao ngôn sứ Gioan bị án tử? Tội chết của ông là vì ông dám can ngăn vua: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” (Mc 6:18). Rõ ràng bà Hêrôđia có thể một phần cũng “phải lòng” ông Hêrôđê, một phần vì tái phụ nữ bốc lên tới chỏm đầu, tự ái vì không phụ nữ nào chịu mình kém sắc người khác, bà ta đâu thèm “cưa đổ” đám quan lại triều đình mà “cưa đổ” chính nhà vua, thế nên bà ta mới CĂM THÙ và MUỐN GIẾT ông Gioan, nhưng không được. Tự ái dồn dập, máu tức giận bốc cao như lửa cháy phát ra từ tòa nhà cao tầng. Phụ nữ muốn là trời muốn. Và còn hơn thế nữa, như người ta ví von: “Nhất vợ, nhì trời”. Vợ hai lớn hơn vợ cả, bồ nhí còn to hơn nữa. Ngược chiều. Đó là ảo giác ma túy, ngáo đá ma quỷ.

Chính ông Hêrôđê biết rõ ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sông, và còn che chông. Khi nghe ông nói “điều phải”, nhà vua rất PHÂN VÂN mà vẫn THÍCH NGHE. Thế nhưng tình yêu gian tà khiến ông ta điên đảo và mù quáng. Biết ông Gioan công chính mà không dám bảo vệ. Hêrôđê hèn nhát! Ngày nay, hạng người như “con cáo già” này cũng chẳng thiếu, nhưng thời nay người ta có “cách” bí hiểm hơn nhiều, rất khéo léo khi “ném đá giấu tay” hoặc “giật dây”. Nham hiểm khó lường. Kinh khủng lắm!

Ma lực của quỷ rất mạnh, không dễ cưỡng lại. Lòng gian tà như sóng ngầm cứ cuồn cuộn chảy, chưa thực hiện được thì chưa thỏa chí. Và rồi thời điểm thuận tiện đã đến: Đó là dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia có màn biểu diễn một điệu vũ, không biết hấp dẫn thế nào mà nhà vua và các thực khách đều mê ly, mụ mẫm cả đầu óc, mờ mịt cả tầm nhìn.

Theo lẽ thường, dự tiệc thì hẳn có chút men cay, có lẽ nhà vua đã ngà ngà rồi mới hứng chí nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con” (Mc 6:22). Thậm chí lão ta còn thề độc: “Con xin gì, ta cũng cho, dù MỘT NỬA NƯỚC của ta cũng được” (Mc 6:23). Chỉ vì “cái tôi” của mình mà dám bán nước cho một đứa con gái nhãi ranh! Lão già dê Hêrôđê này không phải là tay vừa: Mê say mẹ mà vẫn đắm đuối con gái của mẹ nó. Quái thật!

Vừa nghe “ông chú” Hêrôđê nói vậy, cô gái liền đỏng đảnh đi hỏi mẹ xem nên xin gì. Mẹ cô lạnh lùng gằn giọng chắc nịch: “Đầu Gioan Tẩy Giả” (Mc 6:24b). Phụ nữ nham hiểm còn hơn đàn ông. Sóng ngầm mạnh hơn sóng cồn. Càng nham hiểm hơn khi hai cái đầu phụ nữ liên kết với nhau. Đúng như khoa tâm lý phát hiện: “Khoảng giữa cái muốn và cái không muốn ở phụ nữ, dù chỉ một sợi tóc cũng không lọt”. Ngay lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và ỏn ẻn: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm” (Mc 6:25). Nghe lời xin đó, nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã TRÓT THỀ, mà lại thề công khai trước các thực khách, thế nên không muốn thất hứa với cô. Bản chất hèn nhát hiện rõ. Sĩ diện hão!

Cũng chính vì thứ sĩ diện hão đó mà Hêrôđê không ngần ngại sai thị vệ đi lấy thủ cấp của ông Gioan để làm quà tặng cho hai con quỷ cái. Một lúc sau, thị vệ bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Bi kịch kết thúc não nề quá! Bi kịch về cái chết của ông Gioan có thể là chuyện không lạ lắm, nhưng bi kịch về lòng người độc ác dành cho nhau mới đáng sợ. Người ta có thể vì những thứ nhỏ mọn và vì ích kỷ mà sẵn sàng nhẫn tâm với bất cứ ai. Cuộc sống đã và đang cho thấy như vậy!

Thật buồn khi lẽ phải bị bóp méo, sự thật bị che khuất, công lý bị chà đạp, chính nghĩa bị biến dạng. Không chỉ vậy, người ta cũng vẫn thường xuyên thiếu tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền – đủ dạng và đủ mức độ. Đó là bi kịch của con người tự tạo ra chỉ vì hướng theo cái xấu để thỏa mãn ý riêng. Và người ta cũng luôn có đủ lý lẽ để tự biện hộ cho những động thái sai trái của mình, không muốn phục thiện. Thánh Phaolô đã từng phải than phiền: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7). Điều đó càng dễ nhận thấy rõ nét hơn trong xã hội ngày nay: Bất công, đàn áp, sự dữ,...

Liên quan vấn đề sự thật, lẽ phải, công lý, chính nghĩa,… có nhiều vấn nạn. Một trong các vấn đề liên quan là quyền tự do – tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn luận, biểu tình, hội họp,... Sự thật mãi là sự thật, không thể che giấu, cũng không thể bóp méo hoặc viện cớ bất kỳ lý do nào. Thà chết vinh hơn sống nhục. Nói dễ nhưng khó thể hiện. Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền (TGP Huế, 1921-1988) nhận xét: “Đã có những giám mục chịu tử đạo, nhưng chưa có giám mục nào dám chết vì công bằng xã hội”. Có lẽ ngài là người đầu tiên chết vì công lý như vậy. Và người ta gọi ngài là “tổng giám mục dũng cảm”.

Ngày xưa, danh tướng Trần Bình Trọng vẫn luôn bất khuất ngay cả khi bị giặc bắt, và ông vẫn khẳng khái tuyên bố: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Ông chết vì đại nghĩa, vì công lý của dân tộc. Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng là cái chết vì công lý. Đó là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng sa sút đạo đức của xã hội loài người, là tiếng kêu tỉnh thức những tâm hồn mê muội, là lời thúc giục sám hối và tin yêu “vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2; Mt 4:17). Ngày nay, lời thúc giục đó càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin tha thứ và hoán cải chúng con kịp trong Giờ Thương Xót của Ngài. Xin ban thêm lòng can đảm và thúc giục chúng con bảo vệ chân lý và công lý. Lạy Chúa, xin mau phù trợ! (Tv 40:14; Tv 70:2). Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin thương cầu thay nguyện giúp và đồng hành với chúng con trên hành trình đức tin nhiều mưu ma chước quỷ này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 22 Thường Niên C (8/31/2019)
Thì Ra... (8/29/2019)
Lắng Nghe Thiên Thần Bản Mệnh (8/28/2019)
Hai Thái Cực (8/28/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng -- Chúa Nhật 21 Thường Niên C (8/25/2019)
Tin/Bài khác
Nỗ Lực (8/22/2019)
Một Tỷ Phú .... (8/18/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 20 Thường Niên C (8/17/2019)
Bến Mẹ (8/12/2019)
Đốt Lửa Tin Yêu (8/12/2019)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768