MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 14 Thường Niên C
Thứ Ba, Ngày 9 tháng 7-2019
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN C

Is 66,10-14c ; Gl 6,14-18 ; Lc 10,1-12.17-20

                                     NÊN CHỨNG NHÂN LOAN BÁO TIN MỪNG

I.     HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20

(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, thì trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (6) Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy. Bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. (10) Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên, các ông phải biết điều này: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. (12) Thầy nói cho anh em hay: Trong ngày ấy, thành Xơ-đom còn được xử khoan hồng hơn thành đó”. (17) Nhóm Bảy Mươi Hai trở về hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. (18) Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. (19) Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bò cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. (20) Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em. Nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người làm môn đệ và sai họ từng hai người đi thực tập truyền giáo. Các ông làm theo lời Thầy dạy và đã đạt được kết quả mỹ mãn.Cụ thể là ma quỷ đã phải chịu khuất phục trước các ông.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Chúa chỉ định bảy mươi hai người: con số 70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) tượng trưng các tín hữu. Số 72 môn đệ này được Đức Giê-su chọn để cộng tác với Người giống như Mô-sê xưa đã nghe lời góp ý của nhạc phụ chọn ra 72 vị kỳ lão giúp phục vụ dân Chúa trong thời Xuất Hành (x Xh 18,13t). + Sai các ông cứ từng hai người một đi trước: Đi hai người để dễ trợ giúp nhau (x. Gv 4,-12). Thời Giáo hội sơ khai, các Tông đồ đã đi truyền giáo từng hai người: Bác-na-ba đi với Sao-lô (x. Cv 13,2); Giu-đa đi với Xi-la (x. Cv 15,27); Bác-na-ba đi với Mác-cô; Phao-lô với Bác-na-ba (x. Cv 15,35); Ti-mô-thê với Ê-rát-tô (x. Cv 19,22). + Phân biệt hai chức vụ Tông đồ và Môn đệ: Môn đệ là những người nhận Đức Giê-su làm Thầy và đi theo để nghe Người giảng và sống theo Lời dạy của Người. Có bảy mươi hoặc bảy mươi hai môn đệ. Các ông cũng được Đức Giê-su sai đi trước đến những nơi mà chính Người sẽ tới (x. Lc 10,1). Khi Đức Giê-su rao giảng ở đâu, các môn đệ tụ tập đến nghe, rồi sau đó lại trở về với gia đình vợ con và hành nghề của mình sinh sống. Còn Tông đồ là 12 người được Đức Giê-su chọn trong số 72 môn đệ (x. Lc 6,13), được sai đi rao giảng Tin mừng (x. Lc 9,2). Các ông đã được Đức Giê-su yêu cầu bỏ nghề dánh cá biển để đi theo Người làm nghề mới là đánh bắt các linh hồn (x. Mc 1,16-18). Các ông đã được chứng kiến các phép lạ Người làm (x. Lc 7,11); Được tham dự bữa Tiệc ly Vượt qua (x. Mt 26,26-29); Cùng trải qua biến cố Tử Nạn và Phục Sinh với Người (x. Lc 24,36-43); Được Người trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,19), quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17); Sẽ được đồng bàn trong Vương quốc với Người, và được ngồi trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Ít-ra-en (x. Lc 22,30); Cuối cùng các ông còn được Người sai đi để làm chứng cho Người đến tận cùng thế giới (x. Mt 28,19; Cv 1,8). + Lúa chín đầy đồng: Các Ngôn sứ trong Cựu ước đã từng miêu tả ngày phán xét như một ngày gặt hái (x. Is 41,15; Gr 51,33). Ông Gio-an Tẩy giả đã kể ra việc phán xét của Đấng Thiên Sai trong ngày tận thế tương tự như các động tác của người nông dân sau mùa gặt lúa (x. Lc 3,17). Ở đây, Đức Giê-su cho môn đệ tham dự vào công trình của thời Cánh chung của Người bằng sự cầu nguyện và loan báo Tin mừng.

- C 3-6: + Như chiên giữa bầy sói: Các môn đệ của Đức Giê-su sẽ đi vào trần gian đầy những kẻ thù đang tìm cách bách hại các ông. Người chỉ thị cho các ông phải ra đi với hai bàn tay không mang khí giới, lòng đầy nhân ái và cư xử hiền lành như con chiên. Các ông phải đặt trọn niềm cậy trông vào Chúa quan phòng. + Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường: Vì người Do thái và các dân vùng Trung Đông gặp nhau thường chào hỏi hàn huyên lâu giờ. Đức Giê-su muốn các môn đệ đừng để các việc trần thế làm mất nhiều thời gian. Trong các sách của Lu-ca, các sứ giả của Tin mừng đều đi như chạy: Đức Ma-ri-a chạy đi thăm bà Ê-li-sa-bét, các mục đồng chạy đến máng cỏ, hai Tông đồ Phê-rô và Gio-an chạy ra thăm mồ Chúa, Phi-líp-phê chạy để đuổi kịp chiếc xe của một người Ê-thi-ô-pi (x. Cv 8,3). + “Bình an cho nhà này”: Lu-ca lấy lại cách chào hỏi thông thường của Cựu ước (x. 1 Sm 25,6). Đây là một lời cầu chúc phúc lộc an khang, một lời chúc lành. Bình an là mức sung mãn của sự sống, là món quà cao quý nhất mà Đấng Mê-si-a ban tặng (x. Lc 1,79). + Có ai đáng hưởng bình an: Đây là người tin và sẵn sàng đón nhận ơn bình an của Thiên Chúa.

- C 7-9: + Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó: Đây là một sự cởi mở của Đức Giê-su. Người cho phép các môn đệ được ăn mọi thức ăn do người ta dọn cho. + Làm thợ thì đáng được trả công: Ăn những thức người ta dọn cho không phải là ăn của bố thí, nhưng là một thứ lương bổng do sự công bằng đòi buộc, tương xứng với Tin mừng cao quý mà các ông đem đến. Trách nhiệm của Cộng đoàn Hội thánh là phải lo phương tiện sống và hoạt động cho các người rao giảng Tin mừng. Sau này thánh Phao-lô cũng nói rằng: “Quả vậy Kinh thánh có nói: Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công (1 Tm 5,18; Mt 10,10; Đnl 25,4). Nơi khác Ngài còn nói: “Một khi chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, thì nếu chúng tôi có gặt của vật chất nơi anh em, thì đâu có phải là chuyện quá đáng” (1 Cr 9,11). Tuy nhiên thánh Phao-lô lại từ chối quyền gặt hái của cải vật chất ấy cho bản thân ngài (x. 1 Cr 9,12-14 ; 2 Cr 11,7-9). + Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia: Người Tông đồ phải tránh lo lắng tìm sự tiện nghi ăn ở cho mình, nhưng cần chuyên tâm chu tòan sứ vụ. + “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”: Các môn đệ đi trước dọn đường cho Đức Giê-su sắp đến. Người chính là hiện thân của Triều Đại Thiên Chúa.

- C 10-12: + Vào bất cứ thành nào mà người ta không đón tiếp...: Đức Giê-su cảnh báo cho các môn đệ biết họ sẽ bị người ta từ chối Tin mừng. Bấy giờ các ông vẫn phải cho họ biết rằng: Dù họ có muốn hay không, một ngày kia, Thiên Chúa sẽ hiển trị. Đó là ngày Phán xét. Nếu họ cố tình chối từ, họ sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa. + Thành Xơ-đom: Là một địa danh thời Tổ phụ Ap-ra-ham. Thành này đã bị phạt vì đã phạm nhiều tội lỗi (St 10,19).

- C 17-20: + Nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con: Ma quỷ phải chịu xuất ra khỏi người bị chúng ám khi các môn đệ ra lệnh nhân Danh Đức Giê-su (x. Cv 16,18). + Xa-tan từ trời sa xuống: Xa-tan là cái tên ám chỉ ma quỷ, kẻ đối lập và thù ghét Thiên Chúa. Do đó, khi Nước Thiên Chúa xuất hiện, thì quyền lực của Xa-tan sẽ bị lật đổ. + Quyền năng để chà đạp lên rắn rết...: Các loài vật kể ra ở đây là khí giới của Xa-tan. Đức Giê-su chiến thắng Xa-tan thì cũng tước đoạt hết khí giới của chúng và bắt chúng phải phục quyền (Rm 8,37-39 ; Ga 12,31). + Mừng vì tên được ghi trên trời: Ở đây là cuốn sách trường sinh, trong đó có ghi tên những người được ơn cứu độ (x. Đnl 12,1; Kh 3,5).

4. CÂU HỎI: 1) Đức Giê-su sai bao nhiêu môn đệ đi truyền giáo ? 2) Tại sao môn đệ phải đi từng hai người một ? 3) Có bao nhiêu Tông đồ ? 4) Tông đồ khác với môn đệ thế nào ? 5) Tại sao Đức Giê-su lại truyền cho môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường và chúc bình an cho nơi mà các ông đến ở trọ ? 6) Hãy cho biết lý do các môn đệ được ăn mọi thứ người ta dọn cho ? 7) Thành Xơ-đom là thành nào ? 8) Khi nào thì quyền lực của Xa-tan hòan tòan bị sụp đổ?

II.  SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2):

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA GIỮA ĐỜI THƯỜNG:

Tại Thủ đô Ma-ni-la nước Phi-líp-pin, có trường Đại học Công giáo A-ta-di-ô do các cha dòng Tên sáng lập, tọa lạc trên một ngọn đồi. Đây là một trường cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước Phi. Dưới chân trường Đại học này là một khu lao động nghèo, trong đó có một cộng đoàn tu sĩ Tiểu đệ. Đa số các tu sĩ ở đây đã từng ở Việt nam.

Một hôm, một vị linh mục dòng Tên người Mỹ, là Giáo sư Đại học A-ta-di-ô tình cờ đi lạc vào khu lao động ấy và giữa đườngông ta gặp được một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau khi làm quen, vị linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ: “Thầy làm gì ở khu lao động này ?” Tu sĩ người Bỉ kia trả lời: “Hằng ngày tôi đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, đi làm thuê làm mướn cho những ai cần”. Nghe thế, vị linh mục người Mỹ rất lấy làm tiếc về sự hy sinh lãng phí của tu sĩ trí thức người Bỉ kia. Ông cũng cho biết công việc của ông ở đây là: Dạy học cho các sinh viên, đi thuyết trình nhằm rao giảng Tin mừng và đào tạo những nhà trí thức phục vụ Giáo hội Phi-lip-pin.

2) HÃY CHIẾN THẮNG SỰ DỮ BẰNG LÒNG TIN YÊU:

Vào một buổi tối nọ, một diễn giả nổi tiếng là GION KEO-LƠ (John Keller) được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại một vận động trường ở Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp yêu cầu tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.

Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối. Ông John Keller lại nói tiếp: “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm của tôi đốt thì hãy kêu lớn tiếng: “Thấy rồi !” Một que diêm vừa được bật lên, thì cả vận động trường đều vang lên “Thấy rồi!”

Sau đó đèn trong vận động trường được bật sáng trở lại và ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ như một que diêm cũng có thể chiếu sáng trong bóng đêm tăm tối của nhân loại y như thế”.

Rồi một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại vụt tắt và một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc, cả vận động trường đều rực cháy sáng.

Rồi ông John Keller kết luận: “Nếu tất cả mọi người chúng ta đều hợp lực cùng nhau, chúng ta sẽ có thể chiến thắng bóng tối, chiến thắng sự dữ và sự oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.

3) CÂY LÀM MƯA:

Ở Pê-ru có một loại cây rất ngộ nghĩnh, người ta bản xứ gọi nó là “cây làm mưa”. Lá nó hút hơi nước trong không khí, rồi nhỏ xuống như những giọt sương mai. Vì thế, chung quanh nó mặt đất lúc nào cũng ẩm ướt. Và trời càng nóng, thì nó càng nhỏ xuống nhiều nước.
Mỗi người chúng ta cũng phải trở nên như một cây làm mưa hữu ích cho tha nhân chung quanh đang khô khan nguội lạnh. Bằng đời sống đạo đức, chúng ta sẽ hút lấy ân sủng của Chúa, rồi bằng những hành động bác ái, chúng ta gieo ân sủng ấy cho tha nhân chung quanh.

4) ĐỜI SỐNG HƯỞNG THỤ KHÔNG PHÙ HỢP VỚI SỨ MỆNH LOAN BÁO TIN MỪNG:

Một linh mục nọ từ nơi khác đến xin gia nhập vào một giáo phận truyền giáo để sẽ đi phục vụ tại một giáo điểm của đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Trong cuộc trao đổi, linh mục này quen sống trong môi trường thành thị đã hỏi bề trên giáo phận về các tiện nghi như sau:

- Giáo điểm có xe hơi để di chuyển không?

- Nhà ở trong giáo điểm có gắn máy lạnh không?

- Có người giúp việc lo phục vụ nấu ăn và quét dọn vệ sinh hằng ngày không?

- Tiền lương mỗi tháng được bao nhiêu?

- Mỗi năm có được hưởng chế độ nghỉ hè một tháng không? v.v…

Cuối cùng linh mục này đã bị từ chối vì không thích hợp với sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

3. THẢO LUẬN: 1)Thế giới đã nhận biết và ca ngợi điều gì trong cuộc sống và hoạt động của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta ? 2)Ngày nay, muốn làm tông đồ truyền giáo hữu hiệu cho đồng bào Việt nam, chúng ta cần làm gì ?

4. SUY NIỆM:

Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo". Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II cũng qủa quyết: "Không một ai trong những người tin vào Đức Ki-tô. Không một tổ chức nào trong Hội thánh được miễn trách vụ cao cả này: Đó là đi loan báo Đức Ki-tô cho mọi dân tộc".

Thánh Phao-lô đã thốt lên: "Khốn cho thân tôi: nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9,16). Nhưng chính việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, còn lời rao giảng thì chỉ làm sáng tỏ việc làm của ta. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm như Moody đã nói: "Các ngọn hải đăng ở bờ biển không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng mà thôi".

1) Có nhiều cách thức truyền giáo: Qua cuộc đối thoại giữa vị linh mục dòng Tên người Mỹ và vị tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên, chúng ta thấy có nhiều cách truyền giáo trong Hội thánh: Vị linh mục dòng Tên đại diện cho đông đảo các nhà truyền giáo trên khắp thế giới, ngày đêm rao giảng Tin mừng bằng khả năng tri thức và các phương tiện sẵn có. Nhưng bên cạnh đó, còn có các tu sĩ âm thầm sống giữa những người nghèo, chia sẻ sự lao động chân tay cực nhọc với những người nghèo khác... mà tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên là một bằng chứng. Đây là những chứng nhân truyền giáo trong âm thầm, lấy cuộc sống chia sẻ phục vụ để làm chứng cho Chúa. Cả hai đường lối truyền giáo ấy đều có giá trị và thực sự đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Hội thánh.

2) Điều kiện của các thừa sai: Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su đã căn dặn các ông phải sống hiền lành và đơn giản như sau: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Như vậy, một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải đời này, không phí thời giờ vào những chuyện không đâu, trông cậy vào Chúa quan phòng, khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở, cơm ăn... Tôn trọng tự do của tha nhân, chấp nhận có thể bị những kẻ có ác cảm với đạo từ chối xua đuổi... đó chính là những điều mà những ai muốn làm chứng cho Nước Trời cần thực hiện.

3) Sống đạo và truyền đạo: Hiện nay dân số Á châu chiếm gần hai phần ba thế giới. Nhưng số người nhận biết Chúa chưa được 3 phần trăm. Á châu chính là cánh đồng lúa chín đang cần thợ gặt. Là thành phần của Hội thánh, mỗi tín hữu chúng ta cũng phải thi hành sứ vụ tông đồ. Chúng ta phải sống thế nào để những người khác phải bỡ ngỡ giống như người Do thái tại Giê-ru-sa-lem khi quan sát Cộng đoàn Hội thánh sơ khai đã phải thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau là dường nào !”. Ki-tô giáo không phải là một lý thuyết nhưng là sức sống của Đức Giê-su. Sống đạo là sống sức sống của Chúa và truyền đạo là truyền sức sống ấy cho tha nhân.

4) Gây thiện cảm để giới thiệu Chúa cho lương dân: Gần đây hội nghị các Giám mục Á châu đã liệt kê một số điều mà các tín hữu cần học hỏi nơi các dân tộc châu Á như sau: Học tập cách cầu nguyện ăn chay và bố thí của người Hồi giáo. Học tập cách chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học tập sự từ bỏ của cải và tôn trọng sự sống nơi người Phật tử. Học cách xây dựng gia đình và xã hội có trật tự nơi Khổng giáo. Học sống đơn sơ khiêm tốn nơi Lão giáo... Càng học, ta càng nhận ra giáo lý Đức Giê-su tiềm ẩn trong các tôn giáo đó, và nhờ hiểu biết họ ta sẽ gây được thiện cảm với họ, để giới thiệu Đức Giê-su cho họ cách hữu hiệu hơn.

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU, thế giới thật bao la và vòng tay của chúng con lại quá bé nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm chặt tay nhau. Xin cho chúng con biết hợp tác với những người thiện chí dù họ không có cùng niềm tin với chúng con, để mọi người cùng nhau loại trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình và nhân ái theo thánh ý Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A..- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH- HHTM

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chờ Đợi Không Vô Ích (7/30/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 17 Thường Niên C (7/26/2019)
Đức Tin – Vấn Đề Của Tình Cảm Hay Lý Trí ? (7/19/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 15 Tn C (7/19/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 16 Thường Niên C (7/16/2019)
Tin/Bài cùng ngày
Trái Khoán (7/9/2019)
Tin/Bài khác
Chướng Ngại Vật Đối Với Tâm Hồn Trong Sạch (7/4/2019)
Một Tháng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu --- Các Kinh Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (6/30/2019)
Một Tháng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu --- Ngày Hai Mươi Sáu - Ngày Ba Mươi: Dâng Mình Cho Trái Tim Chúa Giêsu (6/30/2019)
Một Tháng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu --- Ngày Hai Mươi Mốt - Ngày Hai Mươi Lăm (6/30/2019)
Một Tháng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu --- Ngày Mười Sáu - Ngày Hai Mươi (6/30/2019)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768