HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
VỀ MỘT SỐ LƯU Ý TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Anh
Chị Em thân mến,
Trong Hội nghị thường niên kỳ I-2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi
đã nhận được những thông tin, thắc mắc, kể cả những lời than phiền và phê phán
về một số sự việc liên quan đến cử hành Phụng vụ và các thực hành đạo đức tại
nơi này, nơi khác. Nay, với trách nhiệm mục tử, chúng tôi gửi thư này đến anh
chị em, để đồng hành và giúp anh chị em sống đức tin một cách đúng đắn theo giáo
huấn của Hội Thánh.
1. Nhìn
chung, có thể nói, sinh
hoạt đạo đức của người Công giáo Việt Nam rất phong phú, được thể hiện ở những
khía cạnh sau đây: Chuyên tâm tham dự các cử hành Phụng vụ, tôn sùng Thánh Tâm
Chúa Giêsu và Lòng Chúa thương xót, sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh,
đặc biệt Thánh Cả Giuse và các Thánh Tử đạo Việt Nam. Cùng với tâm tình yêu mến
Chúa, người tín hữu Việt Nam cũng thể hiện lòng hiếu thảo với các bậc tiền nhân,
qua việc cầu nguyện cho người đã qua đời, chăm sóc mộ phần và tưởng nhớ trong
các ngày giỗ.
Tuy nhiên, chúng
tôi cũng thấy hiện
nay đang tồn tại và
có chiều hướng gia tăng những hiện
tượng và những cách thực
hành đạo
đức không
xứng hợp, cụ thể là: tin
dị đoan, ma thuật, bói toán; phổ biến những tư tưởng lệch lạc như Sứ
điệp từ trời, Lòng
Mẹ thương xót...;
lạm dụng một số cử hành đạo đức của
Hội Thánh như Lòng
Chúa thương xót, đặc
sủng chữa lành bệnh nhân, đặt
tay cầu nguyện...
Trước tình hình trên, dựa trên giáo huấn của Hội Thánh, nhất là hai văn kiện “Hướng
dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ” của
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích (Tháng 12-2001), và “Hướng
dẫn việc cầu nguyện xin ơn chữa lành”
của Bộ Giáo lý Đức tin (Tháng 9-2000), chúng tôi muốn đưa ra những định hướng
mục vụ sau đây.
Về Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân:
2. Phụng
vụ là việc
thờ phượng chính thức của Hội Thánh, do các
thừa tác viên hợp pháp cử hành nhân danh Hội Thánh, nhằm tôn vinh Thiên Chúa,
xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người. Cử
hành Phụng vụ gồm Bảy
Bí tích, Phụng
vụ Các giờ kinh và các Á
bí tích.
Lòng đạo đức bình dân thường
bị hiểu sai là “thứ yếu”, là “tầm thường”, nhưng thật ra, đây là
cảm thức đức tin của Dân Chúa, được Chúa Thánh Thần soi dẫn, biểu hiện qua các
hình thức đạo đức đa dạng, tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hoá. Các
việc đạo đức bình dân cũng thường gắn kết với Năm Phụng vụ, qua việc tôn thờ
Thiên Chúa Ba Ngôi, sùng kính Đức Maria và các Thánh, cầu nguyện cho người đã
qua đời, hành hương đến các nơi thánh...
Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân có
mối tương quan rất chặt chẽ với
nhau. Phụng
vụ là nguồn mạch và chóp đỉnh của lòng đạo đức bình dân. Vì thế, lòng
đạo đức bình dân phải hoà hợp với Phụng vụ, bắt nguồn từ Phụng vụ và dẫn người
tín hữu đến với Chúa.
3. Trong
thực tế, tại một số địa phương, kỷ luật Phụng vụ chưa được tôn trọng đúng mực.
Những thực hành đạo đức bình dân cũng có những lạm dụng tùy tiện, gây hoang mang
nơi người tín hữu và xáo trộn nơi các cộng đoàn đức tin. Vì thế, để chấn chỉnh
những biểu hiện lệch lạc và cổ võ lòng đạo đức bình dân chân chính, chúng tôi
xin anh chị em lưu ý những điểm sau đây:
- Phải tránh
những thực hành mê tín dị
đoan, bói
toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi.
- Đừng
quá coi trọng những hình thức đạo đức bình dân mà coi nhẹ cử hành Phụng vụ.
- Không
được sử dụng,
phổ biến các tài
liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo.
- Phải tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh và quy định của Đấng Bản quyền liên quan
đến Phụng vụ và việc đạo đức bình dân. Những kinh nguyện được sử dụng công khai
và thường xuyên phải được Bản quyền địa phương cho phép.
- Cần hòa hợp những biểu hiện bên ngoài của lòng đạo đức bình dân với tình cảm
chân thật trong tâm hồn, tránh những thực hành theo thói quen, trống rỗng.
Về đặc sủng chữa lành:
4. Bệnh
tật luôn là một sự dữ. Vì thế, việc chữa lành bệnh tật là dấu chỉ sứ vụ giải
thoát của Đấng Cứu thế và là biểu tượng của sự chữa lành con người toàn diện,
gồm thân xác và linh hồn. Trong cuộc sống trần thế, Đức Kitô đã chữa lành nhiều
người khỏi nhiều thứ bệnh tật, thế nhưng ơn giải thoát cuối cùng lại được thực
hiện bằng chính sự đau khổ tự nguyện của Chúa trong cuộc tử nạn và phục sinh.
Như vậy, Ngài mang đến cho bệnh tật và đau khổ của con người một ý nghĩa và giá
trị cứu độ: Mọi người đều có thể hiệp thông vào sự đau khổ sinh ơn cứu độ của
Ngài bằng việc chấp nhận những bệnh tật và đau khổ của bản thân mình.
Theo ý hướng đó, Hội Thánh luôn cầu nguyện xin ơn sức khoẻ cho các bệnh nhân,
đặc biệt qua Thánh lễ, Kinh nguyện và Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Chúa
cũng ban cho Hội Thánh đặc sủng chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên đặc sủng này được
trao ban không phải vì vinh quang và trục lợi cá nhân, nhưng để xác nhận và củng
cố sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Cũng thế, việc cầu nguyện không loại trừ việc sử
dụng những phương pháp y học để phục hồi sức khỏe và gìn giữ sự sống cho bệnh
nhân.
5. Hiện
nay, tại một số nơi đang có những hình thức cầu nguyện và đặt tay xin ơn chữa
lành. Về vấn đề này, chúng tôi xin anh chị em lưu ý mấy điểm sau đây:
- Mọi tín hữu đều được tự do cầu nguyện xin ơn chữa lành. Tuy nhiên, khi việc
cầu nguyện xin ơn chữa lành có tính cách cộng đồng, nhất là trong nhà thờ, thì
cần được các thừa tác viên có chức thánh hướng dẫn.
- Các Kinh nguyện Phụng vụ xin ơn chữa lành phải được cử hành theo đúng Sách
Nghi Thức Rôma. Trong
giáo phận, mọi cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành đều phải có phép rõ ràng của
Bản quyền Giáo phận. Giám mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật cho những
cử hành Phụng vụ xin ơn chữa lành, cũng như từ chối những cử hành này vì lý do
chính đáng.
- Không được phép đưa các nghi thức chữa lành vào Thánh lễ và các cử hành Phụng
vụ. Không được lẫn lộn các buổi cầu nguyện không thuộc Phụng vụ với những cử
hành Phụng vụ. Phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả,
diễn kịch hoặc kích động cảm xúc.
- Việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là trực tuyến, trong các cử
hành xin ơn chữa lành, thuộc Phụng vụ hoặc không thuộc Phụng vụ, đều phải được
Giám mục giáo phận cho phép.
- Trong các cử hành xin ơn chữa lành, nếu ơn được chữa lành xảy ra cho người
tham dự, thì phải giữ sự thận trọng cần thiết và tường trình sự việc cho thẩm
quyền Hội Thánh.
- Giám mục giáo phận có bổn phận giám sát việc thực hành các buổi cầu nguyện xin
ơn chữa lành; đồng thời có quyền can thiệp khi có những lạm dụng gây tai tiếng
cho cộng đoàn tín hữu.
Anh chị em thân mến,
Lòng đạo bình dân được nhìn nhận là “kho tàng vô giá của Hội Thánh” (Đức
Bênêđictô XVI). Tuy nhiên, vì lòng đạo bình dân nghiêng về cảm nhận hơn là suy
lý, quan tâm đến biểu tượng hơn là lô-gích, nên cũng dễ bị lệch lạc, kể cả bị
khai thác vì chủ ý trục lợi. Đồng thời, tại một số nơi, những hình thức cầu
nguyện và đặt tay xin ơn chữa lành chưa thể hiện ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm
cứu độ trong Đức Kitô và sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chính vì thế, Hội Thánh đưa
ra những chỉ dẫn được trình bày tóm tắt trong thư này. Xin anh chị em vui lòng
đón nhận, suy nghĩ và chia sẻ cho nhau những chỉ dẫn trên, để các thực hành đạo
đức của chúng ta thật sự “diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa”, đem lại an bình
trong tâm hồn, duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh, và là khí cụ loan báo Tin
Mừng Nước Trời.
Chúng ta cùng nhìn lên Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, xin Mẹ dẫn dắt chúng ta sống đức
tin tông truyền và nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của
Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em.
Làm tại trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam,
Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hội Thánh, ngày 10 tháng 06 năm 2019.
Nguồn:
http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thu-gui-cong-dong-dan-chua-ve-mot-so-luu-y-trong-doi-song-duc-tin-35055
|