Đấng vô tội phải
chết - Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
Vừa
tảng sáng, hội đồng các niên trưởng trong dân
nhóm họp cùng với các thượng tế và luật
sĩ. Họ cho điệu Đức Giêsu đến
để tra vấn… Mọi người cùng hỏi: “Ông là
Con Thiên Chúa ư?” Ngài đáp: “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên
Chúa.” Nghe thế, nộ khí bừng lên, họ đồng
thanh la lớn: “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa?
Vì chính chúng ta đã nghe từ miệng
hắn.” Đoạn tất cả
bọn họ chỗi dậy và giải Ngài đến
Philatô (Lc 22:66-23:1).
Các
thượng tế và luật sĩ phải đưa
Đức Giêsu đến Philatô bởi vì lúc bấy
giờ người Do thái không có quyền lên án tử cho
bất cứ ai nếu như không được chính
quyền Rôma chuẩn y. Nhưng sau khi hè nhau kéo Chúa
đến trước mặt quan tổng trấn, họ
lại không dám tố Ngài tội lộng ngôn, vì biết
như thế sẽ thất bại chua cay. Philatô sẽ cho
là chuyện mê tín tôn giáo, không thuộc phạm vi xét xử của ông ta. Thế
nên, để có sức thuyết phục, họ không
chơi đòn tôn giáo, song là chính trị.
Chắc hẳn người Do thái còn
nhớ có lần Philatô cho diễn quân vào thành Giêrusalem
với các cờ hiệu có hình hoàng đế dẫn
đầu. Luật Do thái cấm mang hình tượng các
thần ngoại vào khuôn viên thành thánh, vì như thế là
một sự sỉ nhục tôn giáo. Thời
bấy giờ, hoàng đế Cêsarê được xem
như một vị thần. Thế nên
các vị tổng trấn trước đây, mỗi
lần có cuộc diễn quân vào thành, đều cho cất
bức hình của hoàng đế khỏi cờ hiệu.
Nhưng đến thời Philatô, ông đã chẳng coi
luật lệ tôn giáo của người Do thái ra gì, nên
trong một cuộc diễn hành vào thành ban đêm, Philatô
nhất quyết cho quân lính mang tượng hoàng đế
đi đầu, bất chấp sự chống
đối kịch liệt của người Do thái.
Khi
biết Philatô không chú trọng lắm đến vấn
đề tôn giáo, hội đồng người Do thái
đã tố cáo Đức Giêsu về ba điểm
thuộc phạm vi chính trị: thứ nhất, “Tên này,
chúng tôi bắt gặp đã xúi dân nổi loạn;” thứ
hai, “Tên này ngăn cản việc nộp thuế cho hoàng
đế Cêsarê;” thứ ba, “Tên này xưng mình là vua” (Lc 23:2).
Cả ba điều tố cáo
đều dối trá. Họ biết thế. Nhưng
khi mục đích đã mù quáng lầm lạc thì
phương thế đúng sai nào có quan hệ gì. Miễn sao đạt được như ý
mới thôi.
Dầu
rất nhạy bén với bản chất hay làm loạn
của người Do thái, và dầu đã thẳng tay trừng trị những kẻ dấy
loạn, “hoà máu với lễ tế của họ” (Lc 13:1),
Philatô đã không bị hoả mù chính trị che mắt.
Rõ
ràng Philatô thấy Đức Giêsu vô tội (Lc 23:14). Có ít nhất bốn lần ông ta tìm
cách tránh né việc lên án tử cho
Đức Giêsu. Lần thứ nhất, ông
bảo người Do thái hãy tự giải quyết
lấy chuyện nội bộ tôn giáo của mình (Gn 19:6).
Lần thứ hai, ông trao vụ án qua cho
Hêrôđê xét xử. Lần thứ ba, ông muốn thuyết
phục người Do thái tha cho Đức Giêsu theo như quy định cho phép ông thi hành
trong mỗi dịp lễ lớn. Lần thứ tư, ông
đưa giải pháp dung hoà: đánh Giêsu một trận
nên thân rồi thả về (Lc 23:15-23).
Muốn giết Chúa mà quan tổng
trấn cứ đòi tha.
Thấy ba lá bài chính trị không đi tới đâu,
người Do thái quay sang con tẩy cuối cùng: “Nếu
ông tha cho tên ấy là ông thất nghĩa với hoàng
đế. Ai xưng mình là vua, tất làm
phản với Hoàng đế” (Ga 19:12). Theo luật công bình của đế
quốc Rôma, mỗi địa phương đều có
quyền khiếu nại với hoàng đế về tình
trạng cai trị của các quan
chức Rôma. Thế nên, khi thấy chiếc
ghế tổng trấn của mình bị áp đảo, khi
mà tình hình vinh thân phì gia bị đe doạ, Philatô lập
tức đầu hàng. Bên ngoài rất hùng, nhưng bên
trong rất hèn. Công lý đã bị lợi ích
cá nhân vùi dập. Bản án
được thông qua. Chúa Giêsu vô tội mà
phải chết.
Nhưng
nếu chỉ thế thôi thì chẳng có gì lạ lắm, vì
như hôm nay, vẫn còn biết bao người vô tội
phải mang án tử. Biết
bao tù nhân phải lên ghế điện cách oan uổng.
Biết bao thai nhi bị ném vào thùng rác
cách vô tình và vô trách nhiệm. Song điều đáng nói
ở đây là Đức Giêsu, Đấng vô tội, đã
tự nguyện chấp nhận cái chết bất công
đó để giải án bất nhân cho
con người.
Bản
án càng nói lên tính chất hàm hồ, giả dối, ác
độc, ghen tị, ích kỷ nơi con người bao
nhiêu càng làm nổi bật tình thương cứu
độ nơi thập giá của Đức Kitô bấy
nhiêu. Sự sống của ơn cứu
độ đã thật sự tuôn trào từ thập giá.
Những chứng từ sau đây đã khẳng
định điều đó:
Thứ nhất, lời kêu van thống
thiết “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết
việc chúng làm” (Lc 23:34) đã phát ra từ
miệng Đức Giêsu trên khổ giá. Một nhà chú giải Kinh thánh nhận
xét: “Chúa Giêsu đã nói nhiều câu tuyệt vời, nhưng
câu ‘xin tha cho chúng’ trên thánh giá là một trong những câu
tuyệt vời nhất.” Thiên Chúa đã can thiệp
bằng cách đón nhận khổ đau để tha
thứ tội lỗi con người.
Từ
Thánh giá lời hứa Nước Trời cũng
được trao ban. Đức Giêsu nói với
[người trộm lành]: “Hôm nay, ngươi sẽ ở
trên thiên đàng làm một với Ta” (Lc 23:43). Như thế, ơn
cứu độ đã linh nghiệm. Loài người
được ơn thoát khỏi án
chết để tiến vào cõi sống.
Thánh
Luca cũng ghi nhận: đoàn lũ dân
chúng khi nhìn lên thánh giá, chứng kiến cảnh Chúa Giêsu trút
hơi thở đã đấm ngực ăn năn. Cả
viên bách quản cũng phải thốt lên: “Đúng
thật, ông này là người công chính” (Lc 23:47). Như thế, lời
Chúa Giêsu nói “Khi được giương cao lên mặt
đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng
Ta” đã được ứng nghiệm. Người ta đã nhận ra Đức Giêsu là
ai. Và khi tin nhận ra Ngài, họ có
được sự sống đời đời nơi
tâm hồn (Ga 3:15).
Thế đấy, Đức
Giêsu-như lời vị tông đồ dân ngoại xác
quyết-Đấng không hề biết tội, nhưng vì
ta, Ngài đã tình nguyện trở thành tội nhân và gánh
chịu hậu quả của tội là sự chết ô
nhục trên Thập giá. Vậy, chúng tôi nài xin anh em hãy mau làm hoà và trở
về cùng Thiên Chúa. Vì “đây là thời
đại sủng; đây là ngày cứu độ” (2 Cr 5:20 – 6:2).
|