CUỘC KHỔ NẠN HỒNG PHÚC CỦA CHÚA
GIÊSU
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR
Đọc
lại Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng thứ tư
của thánh Gioan, nhân loại sẽ chẳng bao giờ
hết bàng hoàng, xúc động bởi vì một
Đấng cứu tinh lại có thể bị kết án
một cách thảm sầu, chết treo trên thập giá. Tuy
nhiên, càng suy nghĩ, càng chìm sâu trong cầu nguyện, con
người sẽ nhận ra rằng đây là cái chết
hồng phúc của Chúa Giêsu.” Không có tình yêu nào cao vời
bằng tình yêu của người hiến mạng sống
vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).
Vâng, đọc lại Tin Mừng, chúng ta nhận ra một
Đức Kitô đầy lòng nhân ái, một Đức Kitô
luôn yêu thương con người. Do đó, suốt
đời sống công khai rao giảng Tin Mừng,
Đức Kitô đã yêu thương mọi người,
Ngài đã chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, xua
trừ ma quỉ, gần gũi những người nghèo
khó, những kẻ tội lỗi, những người
bần cùng bị xã hội đặt ra bên lề xã
hội, Ngài đã dạy dỗ dân chúng, âu yếm yêu
thương trẻ thơ, tha thứ cho những tội
nhân. Hôm nay, theo ý định của Thiên Chúa Cha, Đức
Kitô đã đi vào giai đoạn cuối cùng của
đời Ngài: Ngài đã quyết định yêu nhân
loại cho tới cùng, yêu cho đến chấp nhận
đau khổ tột cùng và chấp nhận cái chết trên
thập giá.
Đức Kitô đã được Thánh Thần dẫn vào
trong hoang địa ăn chay, tĩnh dưỡng và
chịu để ma quỉ cám dỗ. Tuy nhiên, Tin Mừng
cho hay, Ngài đã chiến thắng ma quỉ khi chúng đánh
vào Ngài bằng ba phương diện hết sức
thực tế, nhưng cũng rất thâm độc.
Đó là vật chất, danh vọng và lòng trung tín
đối với Chúa Cha biểu lộ qua đức khiêm
nhượng của Ngài. Đức Kitô đã chiến
thắng tất cả nhưng Tin Mừng lại viết:
” Quỉ rút lui để chờ dịp khác “ ( Lc 4, 13 ).
Đây là cơn cám dỗ cuối cùng. Dịp khác, đó là
ngày hôm nay, khi ma quỉ nhập vào môn đệ Giuđa,
người tông đồ phản nghịch, ham tiền ham
của đã dùng cái hôn để nộp Thầy mình. Ma
quỉ sàng Phêrô và các môn đệ như sàng gạo,
để Phêrô chối Thầy đến ba lần và các
môn đệ khác thì bỏ Thầy trốn tán loạn.
Vườn Cây Dầu là nơi diễn ra giữa ánh sáng và
bóng tối, giữa sự thiện và sự ác. Chúa Giêsu
đã dùng lời cầu nguyện, liên kết mật
thiết với Thiên Chúa Cha để thắng cám dỗ.
Chúa Giêsu đã phải đương đầu với
cuộc chiến nội tâm thật gay go, căng thẳng.
Ngài đã xin Chúa Cha cất khỏi Ngài chén đắng
nhưng không theo ý Ngài mà theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến
nội tâm ấy đã làm cho Ngài xao xuyến, mồ hôi máu
đổ ra. Đau khổ và đau khổ tột
độ.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu luôn tỏ ra hiền hòa, quảng
đại, bao dung. Ngài đã ra đón Giuđa và nhắc
nhở Giuđa về nghĩa Thầy trò. Ngài chữa lành
tên đầy tớ Mancô bị Phêrô chém đứt tai. Ngài
nhìn Phêrô với ánh mắt nhân hiền, cảm thông và tha
thứ cho Phêrô khi ông đang tâm chối Thầy. Ngài
đứng lại an ủi những người phụ
nữ đi theo khóc than, thương Ngài. Ngài xin Thiên Chúa Cha
tha thứ cho những kẻ làm khổ và đóng đinh
Ngài. Ngài thưởng thiên đàng cho tên trộm lành biết
thống hối ăn năn.
Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng yêu thương
mọi người và đã hoàn thành ý định của
Thiên Chúa Cha. Chúa đã yêu thương nhân loại, yêu
thương mọi người cho đến giọt máu,
cho đến hơi thở cuối cùng.
Cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu là
một cuộc tử nạn hồng phúc bởi vì Chúa
đã hoàn toàn tự do, tự nguyện thực hiện
kế hoạch yêu thương loài người của Thiên
Chúa Cha. Nhờ cuộc tử nạn hồng phúc của
Chúa mà muôn người được ơn cứu
độ. Đúng như lời Ngài nói: ” Khi nào Ta bị
giương cao lên khỏi mặt đất Ta sẽ kéo
mọi người đến cùng Ta “.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng ngày càng hiểu Chúa
hơn để chúng con luôn mến Chúa hơn là yêu bản
thân chúng con vì Chúa đã yêu thương chúng con đến
nỗi hy sinh chính mạng sống vì chúng con. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR
|