Cám dỗ
Nhà
đạo diễn Mỹ Mác-tin Co-sê đã thực hiện
một cuốn phim, có tựa đề là “Cơn cám dỗ
cuối cùng của Chúa Giêsu”, dựa theo cuốn tiểu
thuyết cùng một tựa đề của Ni-kót
Ka-gian-da-kít. Cuốn phim này đã gây nhiều phẫn nộ
trong giới Kitô giáo, bởi vì nó đã bóp méo hoàn toàn khuôn
mặt lịch sử của Chúa Giêsu, như người
ta có thể đọc thấy qua các sách Tin Mừng. Nhà
đạo diễn Mỹ này đã bóp méo như thế nào?
Ông đã tưởng tượng ra một cuộc tình vô
cùng éo le của Chúa Giêsu, để rồi khi thoi thóp
hấp hối trên thập giá, Ngài còn phải trải qua
cơn cám dỗ cuối cùng, đó là muốn bỏ
cuộc để trở về sống với
người tình Mai Đệ Liên.
Sự thật hoàn toàn không phải
như vậy. Chúng ta hãy
ôn lại những giờ phút sau cùng của Chúa Giêsu như
bài Tin Mừng đã thuật lại, để thấy
được đâu là cơn cám dỗ cuối cùng
của Ngài và đâu là tâm tình đích thực của Ngài.
Sau
khi Philatô tuyên án tử hình Chúa Giêsu, binh lính Rôma đã bắt
Ngài vác thập giá đi đến nơi gọi là Núi
Sọ. Tại đây, chúng đóng đinh và treo Ngài lên
giữa hai tên trộm cướp. Trong ba
giờ liền, Ngài đã phải quằn quại trên
thập giá, lãnh nhận tất cả những xỉ
nhục, khinh bỉ, nhạo báng của con người.
Trong khi đó, Thiên Chúa vẫn giữ
thinh lặng. Cơn cám
dỗ trong giờ phút ấy thật là kinh khủng,
bởi vì Chúa Giêsu đã giảng dạy: “Hãy yêu
thương thù địch của ngươi”. Và lúc này đây kẻ thù đã hành hạ Ngài
một cách đau đớn, bỉ ổi, làm sao có thể
yêu thương kẻ thù như thế được?
Đàng khác, khi giảng dạy, Chúa Giêsu
cũng luôn nhấn mạnh đến lòng tín thác vào Thiên
Chúa. Nhưng giờ đây, chính Thiên Chúa
lại để kẻ thù giết Ngài mà không làm gì
để giải thoát Ngài. Làm sao có
thể tin tưởng nơi một Thiên Chúa như
thế? Đó là cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải
trải qua trong những giờ phút cuối đời
của Ngài, chứ không phải là cơn cám dỗ về
cuộc tình mà nhà đạo diễn Mỹ đã
tưởng tượng ra.
Chúa
Giêsu đã đối phó với cơn cám dỗ ấy
thế nào? Sự đối phó của Ngài vẫn luôn luôn
là: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc
chúng làm”. Đó là lời đầu tiên
của Ngài khi vừa bị treo lên thập giá. Đó
là phản ứng của Ngài đối với cơn cám
dỗ thứ nhất: Ngài vẫn yêu thương và tha
thứ, ngay cả những kẻ phản bội, thù ghét và
loại bỏ Ngài.
Rồi
để đáp trả lại cơn cám dỗ thứ hai,
Chúa Giêsu hướng về Cha Ngài và nói: “Lạy Cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con”. Với
niềm tín thác trước sau như một, cũng như
sự vâng lời tùng phục tuyệt đối của
một người con hiếu thảo đối với
Cha, Chúa Giêsu đã nói lên những lời đó rồi cúi
đầu trút hơi thở cuối cùng.
Như
vậy, chúng ta có thể nói: cả cuộc sống của
Chúa Giêsu là một bản tình ca đối với Thiên Chúa
và con người. Cái chết của Ngài là
tột đỉnh của tình yêu ấy. Tình yêu
của một Thiên Chúa yêu thương con người. Viên
sĩ quan điều khiển cuộc hành quyết Ngài,
đứng dưới chân thập giá, chứng kiến cái
chết của Ngài, ông đã cảm nhận
được điều đó và ông đã thốt lên:
“Quả thực, người này là Con Thiên Chúa”.
Qua cuộc khổ nạn và cái chết
trên thập giá, Chúa Giêsu đã nêu cao tấm gương xây
dựng hòa bình. Ngài đã tha thứ cho những kẻ hành hạ
Ngài. Cũng vậy, con người
chỉ có thể xây dựng hòa bình nếu biết thực
sự tha thứ cho nhau. Nhưng hai ngàn
năm qua, nhân loại vẫn chưa hưởng
được hòa bình thực sự, bởi vì nhân loại
chưa đón nhận hay chưa sống đầy
đủ Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đối
với chúng ta, nếu chúng ta sống theo
Tin Mừng của Chúa, chúng ta sẽ có được
sự bình an đích thực trong tâm hồn và sống an hòa
với mọi người.
Hôm
nay chúng ta bắt đầu bước vào Tuần Thánh,
tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Chúa
Giêsu ở trần gian, tuần lễ diễn lại
cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh
của Chúa. Nếu có ai đó nói rằng: yêu là điên
dại, thì trong số những người điên dại
này, điên dại theo ý nghĩa cao
thượng và cao quí, người điên dại nhất
chính là Chúa Giêsu. Ngài chỉ biết yêu thương, yêu
thương tất cả mọi người, kể
cả những con người xem ra không đáng cho Ngài yêu
thương, thế mà Ngài vẫn quan tâm đến họ,
vẫn yêu thương họ. Ngài vẫn
tiếp tục yêu thương, cả trong những lúc
gặp nguy hiểm, và cuối cùng đã hy sinh đến
chết chỉ vì tình yêu thương. Chúa
Giêsu quả thật là một người điên dại
của thế giới.
Mỗi Chúa nhật chúng ta họp nhau
để phụng thờ và tôn vinh Đấng yêu
thương điên dại này. Ngài đã chấp nhận mọi
hiểm nguy, Ngài đã bị thương tích, Ngài đã
chịu hình phạt cuối cùng trên thập giá vì yêu
thương thế giới, một thế giới luôn mơ
tưởng đến tình yêu, nhưng mãi sống trong
hận thù. Chúng ta phụng thờ Chúa
như một người vì quá yêu thương để
chiến bại. Nhưng Ngài vẫn sống
để ban sức mạnh cho tất cả những ai
sẵn sàng chấp nhận đi theo con
đường tình yêu điên dại này: yêu anh, yêu chị,
yêu em, yêu quê hương, yêu đồng loại, và yêu
tất cả mọi người. Đó là con
đường của tình yêu, và cuối cùng, tình yêu sẽ
thắng.
|