Bóng tối và niềm tin – Peter
Feldmeier
(Lm. GB. Văn Hào SDB,
chuyển ngữ)
“Ôi
Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.” (Mc
15,34).
Bước
vào tuần thánh, chúng ta dấn bước theo Đức
Giêsu tiến vào Giêrusalem. Cùng với Ngài, Chúng ta đi từ
vinh quang sáng chói, khi được toàn dân đón chào và tung
hô, đến cái chết bi thương và nhục nhã trên
núi sọ. Thoạt đầu, dân chúng tôn vinh Chúa như
một lãnh tụ oai hùng, nhưng bỗng chốc họ
đã trở mặt. Tất cả đồng thanh
đả đảo và kết án Ngài như một tên
tội phạm đốn mạt nhất.
Đỉnh
điểm của mùa chay là cuộc hành trình tiến vào
Giêrusalem, một thành phố đầy những mâu
thuẫn trái ngược. Giêrusalem là nơi có đền
thờ thánh thiêng để tôn kính Giavê, đồng thời
cũng là nơi sùng bái những ngẫu tượng.
Đây là kinh thành biểu thị niềm tin tôn giáo, nhưng
cũng là nơi đầy gương mù khủng
khiếp. Giêrusalem là nơi chốn của ánh sáng, nhưng
cũng là một thế giới ngập tràn bóng tối. Dân
Do thái từ chỗ đặt niềm tin trọn vẹn
vào Đức Giêsu, nhưng sau đó nơi họ là cả
một sự phẫn nộ đượm tính căm thù.
Giuđa bán đứng vị tôn sư đáng mến. Trò
phản thầy. Các đầu mục tôn giáo thì quá gian ác
đã dàn dựng một phiên tòa rùng rợn. Các môn sinh thân
thiết nhất đã vội quên thầy của mình.
Họ đã ngủ vùi trong mệt mỏi chán chường
và cuối cùng đã tháo chạy. Phêrô thẳng thừng
chối bỏ người Thầy đáng kính. Còn
Philatô, giống như một
kẻ đồng lõa, đã kết án Đức Giêsu, cho dù
ông biết Ngài hoàn toàn vô tội. Lính gác và đám đông thì
tha hồ mỉa mai chửi bới, và không tiếc lời
lăng mạ. Điều trớ trêu nhất, là dân chúng
lại xin tha Baraba và đòi giết Đức Giêsu. Baraba,
theo từ ngữ Aram, có nghĩa là “ con của Cha”. Họ
đã chọn một người “con” với một quá
khứ đan kín tội ác, và đòi kết án người
“Con” duy nhất của Chúa Cha, Đấng hoàn toàn vô tội
đã gánh trên vai mọi tội lỗi khủng khiếp
của cả trần gian. Giêrusalem quả là nơi nhức
nhối đầy những đối nghịch và mâu
thuẫn.
Sự
kiên định trong niềm tin nơi Đức Giêsu
giữa bóng tối của thập giá là một chứng tá
và là khuôn mẫu tuyệt hảo để chúng ta dõi theo.
Trong thơ gửi giáo đoàn Philip mà giáo hội đọc
lên trong phụng vụ lễ lá hôm nay, Thánh Phaolô nêu bật
cho chúng ta khuôn mẫu này. Thánh nhân chiêm ngắm sự tự
hạ và biến mình ra không nơi Chúa Giêsu, để
dẫn đến vinh quang. Các nhà chú giải cho rằng
Phaolô đã trích dẫn một bài thánh thi rất quen
thuộc thời đó. Phần dẫn nhập do chính thánh
nhân biên soạn. Ngài đã viết những câu giới
thiệu như sau “ Nếu Đức Kitô đem lại cho
chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ
chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong
thần khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm
thương nhau… anh em hãy có những tâm tình như chính
Đức Giêsu Kitô (Phil 2,1-5). Sau đó, vị tông
đồ đã viết trọn bài Thánh thi với lời
mở “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không
nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang, mặc lấy thân nô lệ”. Bài Thánh Thi đã mô tả
Thập Gía như là cách diễn bày sự khiêm nhường
và vâng phục sâu thẳm của Chúa Giêsu. Và kết quả
của hành vi tự biến mình ra không, là “Thiên Chúa đã tôn
vinh Người… mọi loài phải mở miệng tuyên
xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa”.
Thông
thường, người ta vẫn hiểu rằng Thánh
Phaolô đề cao chức phận làm con của Đức
Giêsu, được hiện lộ nơi dáng vẻ bi
thương của Thập Gía. Đức Giêsu đã
tự nguyện hạ mình, giấu bỏ thần tính cao
sang để mặc lấy kiếp người hèn
hạ, cho đến chết và chết trên Thập Gía. Tuy
nhiên, ở đây chúng ta thấy có một hình ảnh song
đối, nhưng khác nhau hoàn toàn giữa Đức Giêsu
và Ađam. Ađam được tạo thành, giống hình
ảnh Thiên Chúa (Sáng thế 1,26-28), nhưng lại muốn
trở nên ngang bằng Thiên Chúa, vì kiêu ngạo và bất tuân
( 3,5t). Hệ quả là sự sa ngã trong tội dẫn
đến cái chết. Ngược lại, Đức
Giêsu- Ađam mới, đã
sống khiêm tốn và vâng phục, trút bỏ vinh quang
của một vị Thiên Chúa. Kết quả là Ngài
được siêu thăng và đã mở ra cho nhân loại
một chân trời mới của ơn cứu độ.
Bản văn soi sáng để chúng ta thấu đạt
cả hai cách diễn nghĩa, liên kết với nhau. Chúa
Giêsu như là Ađam mới, và cũng là một
người con thực sự của Chúa Cha. Ngài đã
tự hư vô hoá chính mình, mang lấy tình trạng tội
lỗi của Ađam xưa, đó là tình trạng sống
kiếp nô lệ và tiến nhận cái chết, để
cứu chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ
và thân phận phải chết.
Khi
chúng ta gẫm suy việc Đức Giêsu đi vào mầu
nhiệm tự hủy, chứng tá cho niềm tin mạnh
mẽ vào Thiên Chúa và đã trải qua những giờ phút
hãi hùng trên thập giá, có lẽ chúng ta vẫn nghĩ
tưởng rằng Ngài đã biết trước tất
cả những gì sẽ xảy ra. Nếu quả thật
Đức Giêsu đã biết, và Ngài không thể có một
chọn lựa nào khác, rồi sau đó Ngài biết chắc
chắn Chúa Cha sẽ cho Ngài phục sinh vinh quang, thì những giây phút hấp hối
kinh hoàng của Ngài trong vườn cây dầu chẳng còn ý
nghĩa gì. Tại sao Chúa lại phải khiếp sợ,
phải căng thẳng, mồ hôi và máu tuôn đổ
đến mức thảm thiết như thế? Tại
sao Chúa phải lớn tiếng rơi lệ khẩn xin
với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt
5,7) “ Lạy Cha nếu có thể, xin hãy cất chén
đắng này xa con”? Và nếu như Ngài biết
trước, và phải miễn cưỡng chấp
nhận, thì tại sao trên Thánh giá Ngài phải gào thét lên
một cách não nuột “Cha ơi, sao cha bỏ rơi con”?
Thánh Phaolô đã viết: Vì
Đức Kitô đã hư vô hóa mình, đã tự nguyện
đi sâu vào mầu nhiệm tự hủy, nên Ngài đã hoàn
toàn tín thác vào Chúa Cha, tín thác tận căn, đặc
biệt giữa bóng tối dầy đặc của
mầu nhiệm thập giá và cái chết. Nếu
Đức Giêsu biết trước Ngài sẽ sớm
được phục sinh trong vinh quang, thì ngày thứ Sáu
tuần thánh không còn là một ngày đen tối đầy
u ám nữa. Nhưng, khi mang thân phận con người
giống hệt chúng ta, cho dù có thể Ngài biết, Ngài
vẫn phải trải qua những phút giây khủng
khiếp nhất, kinh hoàng nhất và đã hoàn toàn tín thác vào
Cha Ngài.
Chúng
ta phải nhìn vào bóng tối phủ kín nơi Đức
Giêsu, với tất cả vẻ bi thương trong
kiếp người, mang trên vai mọi tội lỗi loài
người chúng ta, để có thể nhận ra nơi
Ngài một niềm tin sâu thẳm và một sự vâng
phục tuyệt đối giữa những tăm tối
nhất khi bị treo thân trên Thập giá. Đây là nguyên
mẫu đức tin cho chúng ta, khi chúng ta đối
diện trước những bầm dập và tan nát trong
cuộc đời. Có bao giờ chúng ta đã kinh qua
những phút giây bi thương như thế không, khi chúng
ta bị mất mát, chìm lặng trong bóng tối của kinh
khiếp? Khi gặp những thất bại cay
đắng, bị bạn bè xa tránh, bị rơi vào
những chán chường và tuyệt vọng… chúng ta có
cảm thấy như đang bị Thiên Chúa bỏ rơi
hay không? Đức Giêsu đã trải nghiệm như
thế, ở Giêrusalem và trên thập giá. Sự bi
thương của Ngài còn gấp cả ngàn lần,
triệu lần so với những khổ đau mà chúng ta
gặp phải. Trong tuần này, Giáo hội muốn chúng ta
cùng với Ngài đi vào lộ trình lên Giêrusalem, và thông
dự vào những giờ khắc đen tối nhất
trong cuộc đời tại thế của Ngài.
Chiến
thắng sự dữ và tội lỗi – R. Veritas.
Người ta kể lại dưới thời các
hoàng đế trị vì xưa kia.
Cứ sau thánh lễ Phục sinh, bên cạnh cây nến
phục sinh cháy sáng, hoàng đế cho thắp thêm một
cây đèn lớn khác gọi là "Cây đèn ân
xá Phục sinh". Cho tới khi nào ánh đèn còn cháy,
tất cả mọi người có tội nặng đáng
xử tử mà đến đặt tay trên cây đèn
ấy xưng thú tội lỗi mình thì được ân xá,
không phải chịu án phát. Từ một phía cửa hông nhà
thờ, các tội nhân xếp hàng dài. Nào là những
người cướp của giết người,
ngoại tình, phá thai, gian dối, lừa
đảo, làm tiền bạc giả. Sau khi đặt tay
trên Cây đèn ân xá Phục sinh xưng thú lỗi lầm, công
khai trước mặt hoàng đế và đông đảo
tín hữu tò mò đến xem, họ sang chiếc bàn bên
cạnh ghi tên tuổi và nhận chứng thư tha tội,
trong đó có những lời khuyên phải cải tà qui
chánh.
Người sau cùng tiến đến Cây đèn ân xá Phục sinh là một phụ nữ trong
sắc phục sám hối. Trong số các tín hữu tò mò
đứng xem có cả ông chồng, tay
cầm tờ đơn tố cáo tội bà vợ và xin
hoàng đế đừng khoan hồng đối với
bà. Trong nhà thờ im lặng như tờ.
Người đàn bà đưa tay lên
chạm đến Cây đèn ân xá Phục sinh, bà lớn
tiếng thú tội: "Tôi đã phạm tội ngoại
tình với tất cả những người đàn ông nào
tôi ưa thích. Tôi không xứng đáng
được khoan hồng". Nói xong, bà thổi Cây
đèn ân xá Phục sinh tắt ngấm.
Rồi bà nhắm mắt nói về đứa con mà bà đã
có với một sinh viên, sau cùng bà kết luận:
"Tội tôi thì quá lớn không đáng được tha
thứ". Bà mở mắt ra. Thì ô kìa!
Cây đèn ân xá Phục sinh đã lại
cháy sáng từ bao giờ. Chồng bà đứng gần
đó đã dùng tờ đơn tố cáo bà, đốt
trở lại Cây đèn ân xá Phục sinh
mà chính bà đã thổi tắt. Thấy thế, hoàng
đế nghiêm mặt hỏi: "Ngươi là ai mà dám
tự tiện thắp Cây đèn ân xá
Phục sinh?" Ông ta thưa: "Tâu hoàng đế,
hạ thần là chồng của phụ nữ này. Với
tờ đơn tố cáo tôi tự tay
mình viết, hạ thần đốt bỏ nó trên ánh
nến ân xá Phục sinh để lấy lại ánh sáng cho
Cây đèn ân xá Phục sinh đã tắt". Nghe vậy
hoàng đế nghiêng mình trước người chồng
và nói: "Ngươi đã hành động rất đúng,
theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô".
Không kết
án, không vào hùa kết tội người khác, rút đơn
tố cáo, bỏ hòn đá xuống đất. Mỗi người hãy nhìn sâu vào trong tâm lòng mình
để nhận ra các tội lỗi, lầm lẫn
thiếu sót của mình trong cuộc sống. Thống
hối ăn năn và cải thiện,
đó là sứ điệp mà Giáo Hội trao gởi chúng ta
qua các bài đọc hôm nay.
Người đàn bà
bị bắt quả tang đang lúc phạm tội
ngoại tình như kể trong Phúc Âm theo
thánh Gioan, là một ví dụ chứng minh cho chúng ta thấy
cung cách hành xử và lòng nhan từ của Chúa Giêsu
đối với những người có tội. Chiếu
theo luật Do Thái, như ghi trong sách Lêvi
chương 20 câu 10 và sách Đệ Nhị Luật
chương 22 câu 22: "Phụ nữ có chồng bị
bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình
phải bị ném đá cho chết cùng với người
đàn ông đang phạm tội ngoại tình với
bà". Đây là cách thức người
xưa khử trừ cuộc sống hoang dâm khỏi
cộng đoàn. Theo bài Phúc Âm, các biệt
phái và những luật sĩ chỉ dẫn đến cho
Chúa Giêsu người đàn bà mà thôi. Trong thâm tâm,
họ muốn kết tội hai người: người
đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình và Chúa Giêsu, mà họ đang tìm mọi dịp để
lên án.
Tuy nhiên, cung cách hành xử
của Chúa Giêsu theo cái lôgíc của Thiên Chúa, không theo tâm
địa hẹp hòi gian ác và giả hình của con
người, lại cho thấy, Thiên Chúa luôn mở ra cho
người tội lỗi một lối thoát, lối thoát
của cuộc đời hoán cải. Qua cách
hành xử của Thiên Chúa đối với người
tội lỗi là còn nước còn tát, nghĩa là luôn
cống hiến ơn tha thứ và ơn cứu độ
cho họ. Không ai biết Chúa Giêsu đã viết trên cát
điều gì hay Ngài đang cần phải qui chiếu theo một thứ luật lệ khác:
luật lệ của tình yêu thương tha thứ. Chúa
Giêsu không chối bỏ những cái nặng nề và
những hệ lụy do cuộc ái tình trong cuộc
sống con người. Nhưng Ngài muốn
ném cho người phạm tội một sợi dây của
lòng trông cậy. Bởi vì đối với Thiên Chúa,
quá khứ tội lỗi của con người không quan
trọng, điều quan trọng là nỗ lực tìm
lại sự trong trắng, thơ ngây, vô tội trong tâm
hồn từ giây phút này trở lên. Nói cách
khác, trước mặt Thiên Chúa điều quan trọng
duy nhất là ý chí hoán cải tâm lòng và cách mạng cuộc
sống của chúng ta.
Kiểu cách
giải quyết vấn đề của Chúa là một
tiếng sét cách mạng quật ngã mọi người
hiện diện. Theo sách Đệ Nhị Luật 17,7: "Những ai đã bắt
được quả tang người phạm tội
ngoại tình, nghĩa là đã chứng kiến tận
mắt, thì hãy ném viên đá đầu tiên khai mào cuộc
xử kẻ có tội". Nhưng đây Chúa Giêsu nói:
"Ai không có tội, hãy ném đá trước đi", mà
có ai trong gia đình nhân loại là người vô tội
đâu? Bởi vì ai trong chúng ta cũng có
tội cả. Và phạm tội mỗi
ngày, cho nên càng nhiều tuổi thì lại càng phạm
tội nhiều. Đủ thứ tội và
đủ cỡ, đủ cách: tội lớn, tội
nhỏ, tội kín, tội hở. Tâm lòng và thân xác chúng ta rỗ
chằng rỗ chịt, và mọi thứ vi
trùng tội lớp dưới đội lớp trên,
lớp trên đè lớp dưới.
Say giây phút im lặng làm
choáng váng mặt mày, mọi người tố cáo
người đàn bà ngoại tình bắt đầu bỏ
rơi viên đá xuống đất và rút lui có trật tự,
già trước trẻ sau. Được phép
dạy phải sửa chữa tội lỗi, nhưng
mỗi một người phải bắt đầu
từ chính mình trước. Nếu Chúa Giêsu đã
mở ra cho người đàn bà ngoại tình con
đường mới của cuộc sống hoán cải
thánh thiện: "Tôi cũng không kết án
chị. Hãy ra về và đừng phạm
tội nữa". Thì Ngài cũng chỉ cho tất
cả mọi người đã hăng hái tố cáo và
đòi ném đá xử tử chị ta một con
đường mới, con đường của lòng khiêm
tốn, từ nay biết nhận mình là người có
tội.
Hãy cảnh
giác với lương tâm mình để tìm thấy cái
mặt lọ lem của mình, để nhìn thấy tâm
hồn đen đủi, xấu xa của mình. Hãy
cầm lấy cục đá, không phải để ném
người khác mà là để vạch lên ngực, lên tim của mình cho chảy máu ăn năn sám
hối, rồi bỏ nó xuống đất. Phải
làm điều đó một cách công khai trước mặt
mọi người. Nói cách khác, lời nói và cách giải
quyết vấn đề của Chúa Giêsu đã khiến
cho mọi thứ mặt nạ che giấu gương
mặt tâm hồn bệnh hoạn, phong cùi của mỗi
người hiện diện rơi xuống đất cùng
với viên đá trong tay họ. Chúa Giêsu
muốn dạy cho chúng ta biết rằng, chỉ khi nào
chúng ta ý thức được tội lỗi yếu hèn
của chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu
sống trong sạch, vì không còn phải đeo mặt
nạ, để đóng kịch, để bênh vực vai
trò của chúng ta để khỏi mất mặt nữa.
Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy biết có một cái nhìn
mới để hiểu rằng, một tâm hồn dầu
có tội lỗi và xấu xa đến đâu đi
nữa, cũng vẫn còn một góc nhỏ xíu tinh
tuyền, sẵn sàng rộng mở cho những
người biết thương mến họ, và con
đường duy nhất giúp tiến vào đó là con
đường của lòng kính trọng, cảm thông,
chấp nhận và yêu thương.
Đó là phương
thế duy nhất giúp con người biến đổi
từ bên trong, để bắt đầu một cuộc
xuất hành mới ra khỏi tình trạng sống tội
lỗi và tiến bước trên con đường công
chính, thánh thiện. Cuộc xuất hành mới ấy
cũng được tiên tri Isaia nói đến trong
chương 43, tình yêu thương mà Thiên Chúa dành để
cho dân Israel là tình yêu thương giải phóng khỏi
kiếp nô lệ, tôi đòi, đày ải, buồn
thương.
Trong lịch sử
cứu độ, nước và sa
mạc có ý nghĩa đặc biệt. Nước biểu
hiệu cho chướng ngại cản bước
xuất hành của dân Do Thái, biểu tượng cho
mọi sức mạnh chống đối với Thiên Chúa
và với con người. Còn sa mạc
khô cằn không cây cối, không nước uống, biểu
tượng cho sự chết. Nhưng cũng như
xưa kia trong lần xuất hành thứ nhất khỏi Ai
Cập, Thiên Chúa dùng bàn tay uy quyền của Ngài dẹp
nước Biển Đỏ thế nào, thì giờ đây
trong lần xuất hành thứ hai khỏi Babylon, Ngài cùng
giơ tay dũng mạnh loại bỏ sa mạc như
vậy. Nói cách khác, tiên tri Isaia muốn khẳng định
với dân Israel rằng, các biến cố lịch sử
cho thấy Thiên Chúa chiến thắng mọi chướng
ngại, mọi biển sâu, mọi sa mạc mà loài
người đã tạo ra với cuộc sống tội
lỗi của mình. Nhưng trong lịch
sử cứu rỗi, tình yêu thương nhân thứ và
chương trình mà Thiên Chúa đã có đối với con
người khi tạo dựng lên loài người sẽ
chiến thắng sự dữ và tội lỗi.
Chương trình cứu
độ đó Thiên Chúa thực hiện trong cuộc
đời của từng người trong chúng ta, như
thánh Phaolô cho thấy trong thư gởi tín hữu Philipphê,
nhắc lại ơn đời đời mà Chúa Giêsu Kitô
Phụcsinh đã trao ban cho thánh nhân trong cuộc gặp
gỡ trên đường đến thành Đamas xưa
kia. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Lòng tin mà Thiên Chúa
đã ban cho chúng ta phải giúp chúng ta sống theo
một tâm thức mới, với một cái nhìn mới. Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài phải
trở thành trung tâm điểm và là điểm qui chiếu
duy nhất, hướng dẫn kiểu cách sống và hành
xử của chúng ta. Tâm thức mới ấy phát
xuất từ cuộc cách mạng mà lòng tin vào Chúa Giêsu
khơi dậy trong tâm lòng chúng ta, nó giúp chúng ta đảo
lộn bậc thang giá trị cuộc sống và biết
đánh giá mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng mà
thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta noi gương Ngài. Cố
gắng chạy, nghĩa là sống tâm thức mới
ấy trong tươi vui, không nghi ngờ tình yêu của Chúa
Giêsu và lời Ngài, không hối hận vì đã từ bỏ
cuộc sống và kiểu cách suy tư cũ, không chấp
nhận dàn xếp lắt léo với sự dữ và đi
ngược lại giáo huấn Tin Mừng của Chúa.
|