Thức tỉnh
Hôm nay Tin Mừng dẫn
chúng ta tham dự vào một vụ xử án
có thật xảy ra cách đây hơn 2000 năm. Vụ án “Người phụ nữ ngoại tình”.
Một vụ án được xét
xử thật kỳ lạ: vụ xử kết thúc mà
không có một bản án. Chỉ một
lời thẩm vấn của Đức Giêsu, các nguyên cáo
bỏ đi hết chỉ còn lại bị cáo.
Vụ án
không oan uổng đối với bị cáo với
chứng cứ rõ ràng, tưởng chừng nắm chắc
cái chết trong tay, nhưng bị cáo lại tìm
được con đường sống.
Phải chăng mấu
chốt của sự kỳ lạ ấy nằm ở con
người vị thẩm phán tên Giêsu?
Từ sự kỳ
lạ ấy giúp chúng ta khám phá ra sứ điệp của
Tin Mừng hôm nay đó là: Đến với Thiên Chúa
lương tâm ta được thức tỉnh, ta
biết thật về con người mình, và ta
được mời gọi sống đời sống
mới.
Căn cứ trên trang Tin
Mừng trước hết chúng ta thấy các nguyên cáo có
vẻ hăm hở đắc thắng khi mang bị cáo
đến trước Đức Giêsu, với những
chứng cớ rõ ràng: “Thưa Thầy, người phụ
nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội
ngoại tình. Theo luật Môsê thì người
đàn bà này phải bị ném đá. Còn Thầy,
Thầy xử thế nào?”. Thế nhưng sự việc đã không xảy ra
như dự đoán và mong muốn của họ.
Sự thinh
lặng của Đức Giêsu cùng với cử chỉ
viết trên đất cho câu trả lời, đó như
một sự nhắc nhở khéo léo nhẹ nhàng và tế
nhị đối với những người kết
tội. Một khoảng lặng
để cho họ bình tĩnh nhìn lại mình. Một khoảng lặng để họ xét
lại những việc họ đang làm. Thế
nhưng họ như không hay biết điều đó
hoặc cố tình lờ đi để rồi tiếp
tục ép buộc Chúa lên tiếng.
“Ai sạch
tội thì hãy ném đá người này trước đi”.
Đức Giêsu trả lời. Một câu trả lời thay vì xét xử và kết
tội phạm nhân thì lại là một câu thẩm vấn
đánh sâu vào lương tâm các nguyên cáo để họ có
thể nhận ra chân tướng của mình, con
người thật của mình với đầy tội
lỗi chẳng kém. Chính họ cũng
đã đồng loã liên kết với nhau,
dùng mưu mẹo để hại người, để
loại trừ kẻ mà họ không ưa, một
người đang có ảnh hưởng trong dân có vẻ
như lấn át vị thế của họ. Lại một khoảng lặng nữa bắt
đầu.
Và thái
độ “bỏ đi hết, kẻ trước
người sau bắt đầu từ những
người lớn tuổi” cho thấy rõ lương tâm
của các nguyên cáo đã được đánh động
và thức tỉnh họ như đã dần dần
nhận ra con người thật của mình.
Còn với bị cáo:
Người phụ nữ ngoại tình? Tội
đã rõ rành rành, chẳng cần chứng cớ, không
chạy đâu được. Nếu như ta
thử đặt câu hỏi: giả như chị ta không
bị bắt quả tang phạm tội, thì hỏi
rằng chị sẽ còn làm sự tội ấy nữa
không? Điều đó sẽ cho chúng ta nghĩ rằng: có
lẽ chị cho rằng chuyện tội lỗi chị
làm trước đây khi chưa bị phát hiện,
chẳng tội lỗi gì? Khi đến trước
Đức Giêsu lương tâm của chị cũng đã
được thức tỉnh bởi lời của Ngài:
“Chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Đừng phạm tội nữa, một lời
khẳng định cho chị thấy rõ chuyện chị
làm là tội lỗi.
Vâng! Con người ngày
hôm nay cũng đang có những cách sống và thái
độ sống không khác gì các kinh sư và Pharisêu hoặc
như người phụ nữ ngoại tình. Đó là thái
độ dửng dưng trước tội. Làm sự tội mà không biết mình tội. Sống trong sự tội mà cho rằng mình không
mắc tội. Lương tâm của
họ xem ra như chai lì hoặc bị ngủ mê. Hầu như vô tư trước những
tội lỗi của mình xúc phạm đến Thiên Chúa và
tha nhân.
Thật vậy có
những người bỏ việc thờ phượng
Thiên Chúa nhất là thánh lễ Chúa nhật với những
lý do biện hộ rất đơn giản khi nại vào
công việc hoặc đạo tại tâm, hoặc có tham
dự cũng chỉ máy móc cho qua.
Có những người
đang sống thiếu thành thật trong lời nói,
thiếu ngay thẳng trong công việc làm ăn: gian lận
thủ đoạn, lừa gạt… nhưng vẫn coi
đó là bình thường chẳng tội lỗi gì.
Có những bạn
trẻ hôm nay đang lao đầu vào
những thú vui giải trí thiếu lành mạnh nhưng
vẫn nghĩ rằng xã hội nhiều người làm
được như thế, nên tôi làm cũng chẳng sao.
Họ tự do yêu đương, tự do quan hệ, tự do luyến ái.
Có những người
cho rằng rất bình thường chẳng có tội
lỗi gì khi nói xấu, lên án
người khác hoặc có thái độ cố chấp
không cho rằng mình có lỗi khi gây ra những tổn
thương cho tha nhân.
Ngay trong
cuộc sống gia đình cũng vậy, chồng hoặc
vợ xúc phạm đến nhau mà chẳng ai chịu
nhận lỗi về mình.
Vâng, còn rất nhiều
nếu đi vào từng chi tiết ngõ ngách của cuộc
sống, chúng ta sẽ thấy chẳng thiếu những
cung cách sống và thái độ sống thiếu ý thức
về tội như vậy, đến nỗi Đức
Thánh Cha trong Tông huấn “Sám hối và hoà
giải” đã phải lên tiếng: “Con người ngày nay
gần như mất cảm thức về tội, họ
làm điều tội mà không biết là tội, họ
sống trong tội mà không biết mình mắc tội”.
Trước
mặt Thiên Chúa, không ai không là tội nhân. Chẳng ai
có thể tự vỗ ngực nói rằng mình không có
tội, như thánh Gioan nói: “Ai bảo mình không có tội là
kẻ nói dối tự lừa dối mình”. Điều
quan trọng tôi có ý thức mình là tội nhân không? Hãy có những khoảng lặng để gặp
Chúa, để cho lời Ngài thức tỉnh chúng ta như
Ngài đã thức tỉnh các kinh sư, người Pharisêu
và người phụ nữ ngoại tình để chúng ta
có thể nhận ra mình là tội nhân.
Thiên Chúa
không chỉ thức tỉnh lương tâm chúng ta, nhưng
Thiên Chúa còn mời gọi và đề nghị chúng ta
sống một đời sống mới.
“Ta không kết tội
chị, chị hãy về và đừng phạm tội
nữa”. Một lời thức tỉnh, tha
thứ nhưng cũng là một lời đề nghị.
“Hãy đi và đừng
phạm tội nữa” cũng là lời đề nghị
và mời gọi của Thiên Chúa đối với chúng ta
hôm nay khi đã nhận ra lỗi lầm và sám hối
rồi, chúng ta không chỉ dừng lại ở đó,
nhưng phải tiến xa hơn, vượt lên trên
bằng một sự thay đổi tận gốc rễ
với một cuộc sống mới. Một
lời xin lỗi xong chưa đủ, nhưng là
đừng để cho điều lỗi xảy ra
nữa. Đời sống mới là
đời sống không còn như đời sống cũ
trước đây đang sống tội nữa. Ví như trước đây tôi sống gian
dối, nay tôi sống thành thật và ngay thẳng.
Trước đây tôi hay vu khống kiện cáo, nay tôi
sống khiêm tốn hoà nhã với tha nhân.
Mùa chay
đã bước vào tuần thứ năm. Những ngày đại thánh mừng cuộc
khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô sắp
đến gần. Thiên Chúa đang rộng mở bàn tay đón chờ và mời gọi chúng ta
đến với Ngài để lãnh nhận ân phúc. An phúc
trước hết đó là chúng ta được Thiên Chúa
đánh động và thức tỉnh lương tâm; ân phúc
được ơn giao hoà với Thiên Chúa
và được mời gọi sống đời
sống mới qua việc tham dự các bí tích, nhất là bí
tích Thánh Thể và Giải tội. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban
cho chúng ta ơn can đảm, lòng khiêm nhường
để chúng ta mạnh dạn đến gặp Chúa.
|