Khoan dung
Những
người Pharisêu và kinh sư thời Chúa Giêsu luôn cố
gắng tìm mọi cách để tố cáo và hạ bệ
Ngài. Ngài là một chướng ngại, một cái gai
rất khó chịu trước mắt họ, vì họ
thấy Ngài đối xử nhân từ với những
người thu thuế, những người tội
lỗi, những phụ nữ xấu nết và những
người sống ngoài luật Môsê. Để
đối đầu với Ngài, nhiều lần họ
đã giương cao cạm bẫy, nhưng lần nào
cũng vậy, họ đều thất bại và phải
xấu hổ bỏ đi. Vì thế, lần này,
họ nhất định ăn thua
đủ với Ngài. Họ đã kinh nghiệm rồi,
họ không đặt ra những vấn đề lý
thuyết như việc đóng thuế cho hoàng đế
Xêda hay những trường hợp giả tưởng
như chuyện người đàn bà goá
lấy bảy anh em làm chồng. Trái lại, lần này là
một việc cụ thể, với những vai chính
sống động, rõ ràng, chắc chắn.
Đó là
trường hợp một phụ nữ phạm tội
ngoại tình bị bắt quả tang. Theo luật Môsê
thì tội này bị kết án tử hình
ném đá. Như vậy, người phụ
nữ này có thể bị giết chết mà không cần
một lời tố cáo nào và cũng chẳng cần cho
người có dịp bào chữa, vì đã trở thành
đồ bỏ rồi. Vậy tại sao họ còn
đem người phụ nữ này đến để
hỏi Chúa Giêsu về cách trừng phạt, vì tội bà ta
đã rõ ràng và hình phạt đã được luật pháp
qui định cũng rõ ràng? Thưa, họ
muốn gài bẫy Chúa để loại trừ ảnh
hưởng của Ngài và bêu xấu Ngài. Hoặc là Ngài phải đứng về phía
luật pháp với tất cả sự gay gắt của
nó, điều đó trái ngược với thái độ
nhân từ Ngài thường có. Hoặc là
Ngài xác định sự biệt lập của mình
để trở thành kẻ bất trung và lạc giáo vì
chống lại luật Môsê. Nói rõ
hơn, nếu Chúa tuyên bố không ném đá, tức là Ngài
chống lại luật Môsê. Còn nếu Chúa tuyên bố
ném đá, thì họ sẽ tố cáo Ngài là phạm
đến quyền của đế quốc Rôma, vì
người Do thái lúc đó đang sống dưới sự
đô hộ của Rôma, họ không có quyền xử
tử ai, chỉ quan toàn quyền Rôma mới có quyền
đó. Thật không dễ gì trả lời.
Chống lại luật Môsê thì sẽ bị
dân phản đối, chống lại quyền của
đế quốc thì sẽ bị đế quốc
trừng trị. Chúa Giêsu sẽ chọn
đàng nào? Chúa xử trí vụ này ra sao?
Chúa không nói lời nào, Ngài
im lặng và cúi xuống lấy ngón tay
viết trên mặt đất. Đây là
lần đầu tiên Tin Mừng ghi lại Chúa Giêsu
viết nhưng không nói Ngài đã viết gì. Người ta đã tìm đủ cách để
đoán xem Chúa viết gì. Có người
cho rằng Chúa chỉ nguệch ngoạc, không viết rõ
chữ gì để tỏ thái độ không muốn dây
mình vào việc xét xử ai. Có
người cho rằng Chúa viết những lời than
trách của ngôn sứ Giêrêmia về tội dân Do thái
phản bội Chúa còn nặng tội gấp mấy
người phụ nữ này. Có người cho
rằng lần nhất Chúa viết số thứ tự
của mười điều răn, lần hai Ngài
viết các tội nặng của những kẻ
đứng ra tố cáo về ngày giờ, nơi chỗ và
lý do phạm tội với ai. Nhưng tất
cả chỉ là phỏng đoán mà thôi. Bản văn
Tin Mừng đã cố ý không nói Chúa Giêsu viết gì. Có
thể Chúa chỉ lấy tay vạch
vẽ trên đất mà chẳng viết chữ gì cả. Đây chỉ là cách Chúa tạo một khoảng
thinh lặng chờ đợi để cho những
kẻ tố cáo người phụ nữ này kịp suy
nghĩ lại.
Những
người Pharisêu và kinh sư thấy thái độ
của Chúa có vẻ như không quan tâm gì đến vấn
đề họ đặt ra, nên họ phải nhắc
đi nhắc lại câu hỏi. Và bây
giờ Chúa mới đưa ra quyết định. Ngài không trả lời câu hỏi của họ,
nhưng lời Ngài nói ra làm cho họ ngạc nhiên
đến choáng váng. Chúng ta thấy Chúa không nói:
“Đừng ném đá chị ta”, vì Ngài không muốn tỏ
vẻ chống lại luật pháp. Và Ngài cũng không nói:
“Hãy ném đá chị ấy”, vì Ngài đến không phải
để làm mất đi những gì Ngài đã tìm lại
được, nhưng là để tìm kiếm những gì
đã hư mất. Vì vậy Chúa nói với họ: “Ai trong
các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném
trước đi”. Chúa không phủ nhận tội của
người đàn bà kia, cũng không
phủ nhận luật Môsê, nhưng Chúa đưa ra một
quan điểm mới: hãy tự xét xử mình trước
khi xét xử người khác. Họ đang
dựa vào luật Môsê để xét xử người khác,
thì Chúa bảo họ hãy dựa vào đó mà xét xử chính
mình trước đã. Ngài yêu cầu
họ hãy trở về với chính mình. Họ
mưu toan bên ngoài nhưng họ lại không nhìn vào đáy
lòng mình. Họ trông thấy người
ta ngoại tình nhưng họ không nhìn vào chính mình, vì hễ
ai chú ý xét mình, người ấy sẽ thấy mình là
kẻ tội lỗi. Vậy hoặc là trả tự
do cho người phụ nữ ấy, hoặc hãy cùng
với bà ta chịu sự trừng phạt của lề
luật đi. Nói rõ hơn, họ đang
đòi xử tội người đàn bà này vì tội
ngoại tình, nhưng thật sự ý đồ của
họ là đang tìm cách mưu giết Chúa. Những
lời của Chúa Giêsu đã đánh trúng tim
đen của họ. Thế là họ lần
lượt bỏ đi, vì họ nhận ra rằng chính
họ cũng là những kẻ có tội.
Cuối cùng, chỉ còn
lại một mình người đàn bà đứng
trước mặt Chúa, chỉ còn lại hai bên: kẻ
đáng thương đối diện với tình
thương. Kẻ đáng thương
chờ đợi tình thương xót; và tình thương
xót chờ đợi kẻ đáng thương. Chúa
Giêsu ngẩng đầu lên và nói với người đàn
bà: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án
chị sao?”. Chị ta thưa lại:
“Thưa ông, không có ai cả”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Tôi
cũng vậy, tôi không lên án chị
đâu! Thôi chị cứ về đi, và
từ nay đừng phạm tội nữa”. Đó là
lời của tình thương, tôi đến để kêu
gọi người tội lỗi ăn năn
sám hối chứ không phải để lên án.
Tóm lại, Chúa Giêsu
đến trần gian để kêu gọi người
tội lỗi ăn năn sám hối
chứ không phải để kết án. Câu
chuyện người phụ nữ ngoại tình là một
bằng chứng. Và Chúa dạy chúng ta hãy theo
gương Chúa mà đối xử với nhau như
thế: đừng bao giờ kết án ai hay vào hùa với
ai để kết án người khác; đừng
đấm ngực ai, nhưng hãy đấm ngực mình,
nhìn nhận mình cũng chẳng khá hơn ai, mình cũng
đầy những tội lỗi và thiếu sót, cần
ăn năn sám hối để được tha
thứ. Đó cũng là lời kêu gọi tha
thiết cho mỗi người trong Mùa Chay này.
|