Đức Giêsu và người phụ nữ ngoại
tình
(Chú giải và suy niệm
của Lm. PX. Vũ Phan Long)
Nếu chúng ta có được
sự thẳng thắn để nhìn nhận rằng chúng
ta cũng là những kẻ bị mất, bị đau
ốm, chúng ta sẽ biết mở lòng ra đón tiếp
Đức Giêsu.
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn này nằm
trong Phần I của TM IV ("Sách các Dấu lạ của
Đức Giêsu", tức ch. 2–12), nhưng
được coi như một bản văn không
thuộc về bản gốc TM IV. Lý do: bản
văn này không có trong những thủ bản Hy Lạp quan
trọng phát xuất từ Đông phương (chẳng
hạn bản Papyrus Bodmer II = P66, năm 200); các tác giả
Hy Lạp viết về TM Ga thuộc thiên niên kỷ I không
hề bình luận bản văn này; nó chỉ xuất
hiện vào khoảng năm 900 trong bản văn Hy Lạp
chuẩn. Ngoài ra, còn có những tiêu chuẩn văn
chương: bản văn có từ vựng và văn phong
của các TMNL, đặc biệt của TM Lc; nó có vẻ
không ở đúng chỗ, dù là tại chỗ hiện nay
(giữa Ga 7,52 và Ga 8,12), hay ở trong
ngữ cảnh tổng quát là TM IV.
Giai thoại này được đặt
ở đây có lẽ để minh họa lời khẳng
định của Đức Giêsu ở Ga 8,15:
"Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả". Chúng ta
thấy như thế trong một số thủ bản
chữ hoa Hy Lạp, nhất là bản D (Codex Bèze), trong các
thủ bản La-tinh cổ và tốt, và dĩ nhiên trong
bản Phổ thông.
Bản văn này chứa một truyền
thống Tin Mừng về cuộc sống công khai của
Đức Giêsu: cách thức xử sự của các
người tố cáo được các đoạn khác của
TM làm chứng; thái độ quen thuộc của
Đức Giêsu khi đối diện với Luật Môsê,
và sự tha thứ Người ban cho những kẻ
tội lỗi. Do đó, ta không thể hoài nghi về sử
tính của bản văn. Đàng khác, từ
vựng cũng như xu hướng thần học
khiến ta nghĩ rằng đây là công trình của tác
giả Luca. Chính vì thế, có một loạt thủ
bản chép đoạn văn này vào sau Lc 21,38.
Người ta cũng đoán lý do khiến
bản văn này không thuộc về các TM ngay từ
đầu: rất có thể lý do mạnh nhất, đó là
khó mà dung hòa sự tha thứ quá trọn vẹn Đức
Giêsu ban cho người phụ nữ với việc
đền tội nghiêm khắc mà Hội Thánh sơ khai quy
định cho tội ngoại tình.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Khung cảnh (8,1-2);
2) Vụ "Người phụ nữ
ngoại tình" (8,3-11):
a) Các kinh
sư/Pharisêu – Người phụ nữ "đứng
ở giữa" – [Đức Giêsu] (c. 3),
b) Các kinh
sư/Pharisêu – Đức Giêsu – [Người phụ nữ]
(cc. 4-6),
c)
Đức Giêsu và các kinh sư/Pharisêu: câu nói tạo khúc quanh
(cc. 7-8),
b') Đức Giêsu – Các kinh sư/Pharisêu –
[Người phụ nữ] (c. 9a),
a') Đức Giêsu – Người phụ nữ
"đứng ở giữa" – [Các kinh sư/Pharisêu]
(cc. 9b-11).
3.- Vài điểm chú giải
- vừa tảng sáng (2):
Ngoại trừ chỗ này trong TM IV, từ orthros, "bình
minh" (orthrou, "lúc bình minh, lúc tảng sáng") chỉ
xuất hiện trong TM Lc và Cv thôi (x. Lc 24,1; Cv 5,21). Riêng Lc 21,38 dùng động từ orthrizô, "dậy
sớm".
- các kinh sư và người
Pharisêu (2): Đây là một công thức quen thuộc
của các TMNL, còn TM Ga thì chuộng kiểu nói "các
thượng tế và người Pharisêu" (x. 7,32.45;
11,45.57); ngoài đoạn văn này, TM Ga không bao giờ nói
đến các kinh sư.
- bị bắt gặp đang
ngoại tình (3): Câu 4 sẽ xác định rõ hơn:
"bị bắt quả tang đang ngoại tình". Theo
Đnl 19,15, phải có ít ra hai
người làm chứng rằng đã thấy sự
việc, không kể người chồng. Không
chỗ nào nói đến anh tình nhân, có lẽ anh này đã
trốn mất. Có thể so sánh truyện này với
truyện bà Susanna (Đn 13,36-40 Vg).
- Thưa Thầy (4): Danh xưng didaskalos ở
hô-cách[1] này rất quen thuộc với
truyền thống Nhất Lãm; còn trong Ga, tác giả
thường dùng từ Rabbi để thưa với
Đức Giêsu (Ga 1,38).
- trong sách Luật, ông Môsê truyền
(5): Các kinh sư và người Pharisêu đang quy chiếu
về Lv 20,10 và Đnl 22,22-24 để lý luận.
- Họ nói thế nhằm thử Người
(6): Câu này hầu như cũng là câu Ga 6,6
trong tiếng Hy Lạp.
- để có cớ tố cáo
Người (6): Câu này hầu như cũng là câu Lc
6,7 trong tiếng Hy Lạp.
- viết trên đất (6):
Có nhiều gợi ý về điểm này.
1) Thánh Giêrônimô cho rằng
Đức Giêsu đã viết tội của những
người tố cáo người phụ nữ. Ngài
nghĩ như thế vì dựa trên Gr 17,13;
2) Theo J.D.M. Derrett, người chồng đã
lập mưu với các người chứng để
bắt quả tang vợ phạm tội; do đó dựa theo c. 6, Đức Giêsu đã viết lên
đất câu Xh 23,1b: "(để làm chứng gian)",
và dựa theo c. 8, Người đã viết Xh 23,7a. Với
lại sách Đn đã quy chiếu về câu Xh này trong
truyện bà Susanna (Đn 13,53);
3) T.W. Manson lưu ý rằng trong cách thực
hành của Luật Rôma, trước tiên vị thẩm phán
viết bản án ra, rồi mới
đọc to lên. Như thế, hẳn là c. 6 cho thấy
Đức Giêsu đã viết bản án ra, rồi công
bố ở c. 7; rồi ở c. 8, Người lại viết
những gì sẽ công bố ở c. 11.
Cách giải thích hợp lý nhất, đó là
Đức Giêsu chỉ vạch các đường nét trên
mặt đất trong khi Người suy nghĩ, hoặc
muốn tỏ ra không nao núng hay Người đang kềm
hãm các cảm giác chán ngán về sự hăng hái đầy
gian ác của những người tố cáo. E. Power ghi
lại nhiều trường hợp từ nền văn
chương Ả-rập cho thấy thói quen Sê-mít vẽ
trên đất khi không muốn can thiệp vào vụ
việc nào đó. Dù sao, chúng ta có cảm
tưởng là nếu là chuyện quan trọng hơn, thì
nội dung của những nét vẽ đó đã
được kể lại.
- Ai trong các ông sạch tội,...
ném trước... (7): Đức Giêsu cũng trích
dẫn Đnl 13,9-10 và ch. 17. Đnl 17,7 nhìn nhận rằng người làm
chứng chống lại bị cáo có một trách nhiệm
đặc biệt đối với cái chết của
kẻ ấy.
- họ đâu cả rồi? Không
ai lên án chị sao? (10): Đức
Giêsu hỏi vì ngạc nhiên hay là có ý châm biếm? Có lẽ
phải nói lời này vừa có ý minh giải hoàn cảnh
vừa tạo sự yên tâm cho người phụ nữ,
và như thế tương đương với câu:
"Như vậy, họ đã bỏ rơi vụ này
rồi". Vì những người chứng
và những người tố cáo đã bỏ đi, vụ
việc đã hỏng rồi. Động từ
"lên án" ở đây là động từ chuyên môn
katakrinein; ở những chỗ khác, khi nói về sự phê
phán, phán đoán, tác giả Ga luôn luôn sử dụng động
từ trung lập hơn, đó là krinein (Ga 3,17.18;
5,22.30; 8,15.16...).
4.- Ý nghĩa của bản văn
Cách thức Đức Giêsu
đối xử với những người tội
lỗi lâu nay chắc chắn không được các
đối thủ của Người chấp nhận.
Người đã ăn uống
đồng bàn với những người tội lỗi,
đã loan báo cho họ biết Thiên Chúa từ bi
thương xót, sẵn sàng tha thứ cho họ. Trong khi đó, các đối thủ của
Người tỏ một thái độ khinh bỉ,
giữ khoảng cách với những người tội
lỗi, không muốn bị họ làm cho ra "nhơ
uế". Họ phản đối cách thức
xử sự của Đức Giêsu và muốn chứng
tỏ cho Người thấy rằng chỉ lối
sống của họ mới tương ứng với
Lề Luật, nghĩa là với ý muốn của Thiên Chúa
đã được mạc khải.
Hôm nay, lại có một sự
cố xảy ra để cho thấy những điểm
này.
* Khung cảnh (1-2)
Đức Giêsu đang giảng
dạy tại Đền Thờ trong tuần lễ
cuối cùng của đời Người. Nhiều
chi tiết cho biết như thế: Núi Ôliu, Đền
Thờ, giảng dạy có uy quyền chung
quanh Đền Thờ. Dân chúng vây quanh, lắng nghe
Người. Tác giả nói "toàn dân"
để cho hiểu là lời rao giảng của
Đức Giêsu gây một ảnh hưởng lớn trên
người Do Thái.
* Vụ "người phụ nữ ngoại
tình" (3-11)
Lần này, các kẻ thù của
Người tưởng là cuối cùng họ đã có
thể đưa Người vào bẫy để tiêu
diệt Người. Họ không tranh
luận với Người nữa, mà họ điệu
đến cho Người một phụ nữ bị
bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Vụ
việc đã quá rõ: bà này có tội. Để
xác định tội trạng, thì đã có những
người có uy tín nhất trong xã hội, những
người biết giải thích Luật. Ở
đây chúng ta thấy có các kinh sư và người Pharisêu:
các kinh sư là những chuyên viên về Luật; còn các
Pharisêu là những người ra sức bảo vệ
việc áp dụng Luật theo mặt
chữ. Họ trích Luật liên hệ
đến trường hợp này. Lề Luật
tuyên bố minh nhiên: "Khi người đàn ông nào
ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình
với vợ người đồng loại, thì cả
đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải
bị xử tử" (Lv 20,10; x. thêm
Đnl 13,7-10; 17,2tt). Trường hợp ở
đây thì quá rõ, vì đây là ca bắt quả tang.
Các đối thủ của
Đức Giêsu tận dụng tình thế này để gây
khó khăn cho Người. Họ đưa
người đàn bà ngoại tình đến và xin
Người cho ý kiến: "Trong sách Luật, ông Môsê
truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà
đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Đức Giêsu
còn có thể làm gì nếu không phải là đồng
thuận đi theo cách thực hành
của các đối thủ, tức là yêu cầu ném đá
người đàn bà tức khắc? Hoặc là
Người ưng theo cách thực hành
của họ, hoặc là Người chứng tỏ
Người khinh thường Lề Luật. Tất cả mọi chuyện này xảy ra nơi
thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng
kiến của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.
Nếu Người đồng thuận với các xử
sự của các đối thủ, Người cũng
đồng thuận với lập trường của
họ đối với những người tội
lỗi, Người sẽ bị buộc phải phủ
nhận cách xử sự của Người và thế là
Người sẽ bị lật mặt nạ ra như là
vị thầy giả hiệu. Ngược lại, nếu
Người không chấp nhận lối xử sự
của họ, Người sẽ phủ nhận một
khoản luật rất rõ ràng và cũng sẽ bị toàn
dân coi là kẻ vị phạm Lề Luật. Đức
Giêsu sẽ ứng xử thế nào trong hoàn cảnh có
vẻ không ngõ thoát này?
Hết sức bình thản,
Đức Giêsu cúi xuống viết, hoặc vẽ
những dấu trên mặt đất. Người
chẳng hề liếc nhìn họ hay trả lời họ
gì cả. Dường như Người hoàn toàn chỉ lo
làm công việc là dùng ngón tay vẽ trên
đất. Mọi người cứ chờ một
lời nói của Người: các đối thủ thì
rất tự tin, người phụ nữ thì cam chịu,
dân chúng thì căng thẳng. Người
vẽ như thế để làm gì? Người
muốn làm cho các đối thủ phải mệt mỏi
hoặc bực bội chăng? Đây là
một cử chỉ biểu tượng chăng?
Ở Gr 17,13, chúng ta đọc
được: "Ai tráo trở với Người
sẽ có tên viết mặt đất, vì chúng đã bỏ
Yavê, mạch nước hằng sống" (Bd NTT). Phải chăng Đức Giêsu muốn nhắc
cho họ nhớ rằng họ đã thất trung với
Thiên Chúa, nên tên họ đáng bị viết trên mặt
đất để rồi xóa đi? Dù
sao, họ cũng nôn nóng, thúc bách Người cho câu trả
lời.
Từ đầu đến
giờ Đức Giêsu chưa nói lời nào.
Đến đây câu chuyện chuyển sang hướng
khác, do lời đầu tiên Người nói với các kinh
sư và người Pharisêu. Bấy giờ Đức Giêsu
mới ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông
sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném
trước đi" (8,7). Họ đã chỉ nhìn đến Lề Luật
và tội lỗi của người đàn bà; họ
tự tin, họ ngạo nghễ dương dương
tự đắc. Ngược lại, Đức
Giêsu lại nhắc họ nhớ đến tội
lỗi của họ: họ không thể đề mình ra
như những kẻ vô phương trách cứ và không có
tội; chính họ cũng cần chạy đến xin
Thiên Chúa kiên nhẫn với họ và thương xót họ.
Làm sao mà họ có thể vội vã yêu cầu
xử tử người đàn bà này như thế, mà không
hề nghĩ lại? Họ đã chỉ muốn
xử người phụ nữ chỉ như một
"ca" đơn thuần, cách lạnh lùng, y như một bài toán thôi. Đức Giêsu
không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của
họ; trái lại, Người kéo họ chú ý đến
một sự kiện họ đã quên mất, đó là tình
trạng thật của họ trước mắt Thiên
Chúa: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc
lấy đá mà ném trước đi" (c. 7). Đức Giêsu bắt họ phải đưa
bản thân ra mà xét đoán. Và Người cho họ có
thì giờ: Người lại cúi xuống, và viết
nữa. Thế là xảy ra một kết quả: các
đối thủ của Đức Giêsu đủ lương
thiện để chấp nhận lời Đức Giêsu
trong lòng. Không một ai dám khẳng
định là mình không có tội; không một ai dám cầm
đá mà ném trước cả. Tất
cả đã bỏ đi.
Khi Đức Giêsu ngẩng lên
lần nữa, thì chỉ còn lại người phụ
nữ đứng đó. Cho tới
đây, Người chỉ quan tâm đến các kẻ
tố cáo người phụ nữ; bây giờ
Người ngỏ lời với bà. Hai câu hỏi
của Người đã làm sáng tỏ hoàn cảnh mới
này: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" (c. 10).
Tất cả mọi kẻ tố cáo đã bỏ đi,
không ai kết án bà phải chịu ném
đá. Đến đây Đức Giêsu mới lấy
lập trường: chính Người cũng không kết án bà phải chịu ném đá, nhưng
Người khuyến cáo: "Chị cứ về đi,
và từ nay đừng phạm tội nữa" (c. 11). Đức Giêsu không hề chuẩn nhận cho
lối sống của người phụ nữ này
hoặc giảm thiểu mức độ của lối
sống đó. Những gì bà đã làm là
tội lỗi, là những điều đi ngược
lại thánh ý Thiên Chúa. Đức Giêsu
mạnh mẽ khuyến khích bà tránh đi lối sống
đó. Người tha thứ cho bà và
chỉ cho bà thấy trách nhiệm mới của bà.
+ Kết
luận
Một giai thoại thật
tuyệt vời để diễn tả sâu sắc
chương trình và cách thức Thiên Chúa cứu độ
loài người. Cả những kẻ
tố cáo cũng như người phụ nữ bị
tố cáo đều trải nghiệm nơi Đức
Giêsu lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Những người tố cáo thì hiểu rằng
chính họ cũng cần đến lòng từ bi
thương xót của Thiên Chúa, nên họ không
được cư xử cách tự phụ và thiếu
lòng từ bi với người thân cận. Người phụ nữ đã được
Đức Giêsu cứu thoát khi bà rơi vào hoàn cảnh nguy
hiểm và qua Đức Giêsu, đã trải nghiệm
được ơn tha thứ từ bi của Thiên Chúa.
Hẳn là những người chứng
kiến sự cố hôm ấy có thêm một lý chứng
để xác tín về giáo lý cứu độ của
Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Qua vụ việc này, chúng ta thấy
rằng các kinh sư và người Pharisêu thiếu lòng
từ bi thương xót: họ nằng nặc tố cáo
người phụ nữ; họ nôn nóng đưa
Đức Giêsu vào bẫy. Khi mục đích là tiêu diệt
kẻ khác, thì mọi sự việc, kể cả con
người, đều có thể trở thành phương
tiện cho người ta thực hiện ý đồ gian
ác. Luật lệ có thể trở thành
phương thế để gây áp lực; con người
có thể trở thành cái bẫy để ám hại kẻ
khác. Các kinh sư và người Pharisêu coi người
phụ nữ ngoại tình như một "ca"
đơn thuần, cách lạnh lùng, y như thể là
một bài toán phải tìm ra đáp án. Đức Giêsu
mời gọi chúng ta: khi hành động, cần phải
xem ý hướng chúng ta thế nào. Ở đây, chúng ta
gặp lại các giáo huấn của Đức Giêsu trong
Bài Giảng trên núi (Mt 7,1-5).
2. Bài Tin Mừng này cũng cho thấy
rằng Đức Giêsu đã đưa mạc khải
về lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa trong
Cựu Ước đến chỗ hoàn tất. Là Con Thiên
Chúa, Đức Giêsu đã đến để làm chứng
về tình thương này; là Đấng Cứu Thế, Người
đã đến để cứu những gì đã
mất; là thầy thuốc, Người đã đến
để chữa các bệnh nhân. Nếu chúng
ta có được sự thẳng thắn để nhìn
nhận rằng chúng ta cũng là những kẻ bị
mất, bị đau ốm, chúng ta sẽ biết mở
lòng ra đón tiếp Người.
3. Là những con người cũng mắc
vô số thiếu sót và lầm lỗi, chúng ta cũng
cần chạy đến với lòng kiên nhẫn và từ
bi thương xót của Thiên Chúa. Thế thì vì sao chúng ta
lại có thể vội vàng và không hề áy náy xin kết án kẻ khác? Chúng ta có chia sẻ thao thức
của Đức Giêsu là cứu chữa, hay chúng ta có
một niềm vui thiếu lành mạnh trong lòng khi kết
án kẻ khác, vì lúc đó chúng ta có cảm tưởng mình
không có tội (x. 1 Cr 13,6)? Chúng
ta khó chịu với các kinh sư vì họ định ném
đá người phụ nữ, nhưng chúng ta lại
không giống họ sao? Chúng ta lại
không nói với người ta những điều y như
ném đá vào họ đó sao? Chúng ta cần ý thức
rằng ơn gọi của chúng ta vừa là ra đi
đưa lại ơn cứu chữa như Đức
Giêsu đã làm xưa kia, vừa là làm
chứng về ơn cứu chữa mà chính chúng ta liên
tục đón nhận.
4. Đã có những lần chúng ta
được Đức Giêsu tha thứ. Điều
đó không có nghĩa là Người chuẩn nhận cho cách
sống chúng ta vẫn theo lâu nay. Ơn
tha thứ cũng kèm theo một
khuyến khích mãnh liệt, thậm chí một đòi
hỏi, hãy thay đổi đời sống. Nếu hôm
nay, chúng ta vẫn còn thấy nơi mình một xu
hướng mãnh liệt kết án người khác, thì cách
chữa trị xu hướng bệnh tất đó hay
nhất là xem chúng ta đã đi xưng tội bao nhiêu lần,
đã bao nhiêu lần nhận được ơn tha
thứ, và rồi đã sống theo lời khuyến cáo
của Đức Giêsu đến đâu: "Hãy đi, và
từ nay đừng phạm tội nữa". Tại sao lại có khá nhiều Kitô hữu có
vẻ thích thú khi tìm ra và công khai hóa các lỗi lầm
của người khác?
5. Tội là điều nghiêm trọng, vì nó
làm cho chúng ta không hạnh phúc và phá hỏng cuộc
đời chúng ta. Đức Giêsu không bảo người
phụ nữ: "Chị cứ đi bình an, chị có lý
khi phản bội chồng chị, cứ tiếp tục
đi!", nhưng dường như
muốn bảo: "Chị hãy ngưng gây hại cho chính
chị, đừng phá hỏng đời sống chị
nữa chỉ vì một ít khoảnh khắc lạc
thú". Không ai ghét tội cho bằng
Đức Giêsu, bởi vì không ai yêu thương chúng ta cho
bằng Đức Giêsu. Thế nhưng Người
không kết án những kẻ phạm
lỗi, cũng không góp thêm phần tàn phá vào những gì
kẻ tội lỗi đã làm nơi chính họ.
Người bảo: "Từ nay đừng phạm tội
nữa!"
-------------------------
[1] Vocative:
một sự thay đổi về ngữ pháp trong danh
từ để diễn tả việc xưng hô.
|