Hai người con, hai cuộc
trở về – Radio Veritas Asia.
(Trích trong ‘Suy Niệm
Lời Chúa’)
Hôm nay chúng ta
đang ở vào thời điểm gần kề lễ
Phục sinh. Giáo Hội muốn cho con cái mình tìm
thấy được niềm vui sống, được
kinh nghiệm hạnh phúc của một người
được ơn tha thứ. Trên thực tế trong
đời sống hằng ngày, có bao giờ chúng ta sống
được niềm vui, niềm hạnh phúc của
một người vừa thoát một hoạn nạn,
một đau buồn, một cơn ác mộng và hiện
đang sống trong một thực tế an
toàn và thanh thản chưa? Tôi biết có một
người tưởng mình mắc bệnh nan
y ung thư đến thời trầm trọng chỉ còn
chờ chết mà thôi. Đương sự buồn và
người thân cũng rất buồn, nhưng sau khi
giải phẫu cầu may, bác sĩ lại bảo là không
phải ung thư, sẽ khỏi
hẳn. Ai tả được sự vui
mừng và hạnh phúc của người đó cũng
như của thân nhân họ? Riêng cá nhân
tôi, tôi cũng có kinh nghiệm của những giờ phút
đó. Tôi xin được chia sẻ.
Đó là trong những
năm vừa qua, thường trong giấc ngủ tôi hay có
những cơn ác mộng, là thấy mình sống trong
một hoàn cảnh bị đủ mọi thứ kìm kẹp
hãi hùng, đến chừng giật mình hoàn hồn lại,
nhận ra mình đang ở một thời đại tiên
tiến. Như thế thì phải hiểu sự thoải
mái, khoan khoái nhẹ nhàng đó còn lớn lao
biết chừng nào. Khi con người thoát khỏi sự
nguy hiểm đời đời là tội lỗi
để trở thành con cái Thiên Chúa, khi con người
được từ bờ diệt vong đời
đời trở về sống trong ân
sủng và tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hôm nay
gần đến lễ Phục sinh, phụng vụ
mời gọi mọi người chúng ta trên con
đường trở về cùng Chúa, hãy có một kinh
nghiệm của niềm vui đó, sự thanh thản
đó, cùng chung bối cảnh đó.
Bài
đọc thứ nhất hôm nay cho chúng ta thấy sự
vui mừng hạnh phúc của dân Chúa, sau khi thoát khỏi nô
lệ Ai Cập và nhất là được đặt chân
trên miền Đất Hứa. Không còn nữa
những ngày nô lệ cực nhọc, nhục nhã, hãi hùng.
Không còn nữa những ngày lang thang trong
sa mạc gian lao, nguy hiểm. Thánh Phaolô, nơi bài
đọc thứ hai cũng nhắc nhở chúng ta,
những người có đức tin hãy ý thức và hãy
sống được cái kinh nghiệm thoát khỏi hãi hùng
đến bến bờ cứu độ bình an đó. Ngài nhắc nhở rằng: "Anh
chị em thân mến, nếu ai ở trong Đức Kitô thì
người đó là một thụ tạo mới,
những gì cũ đã qua đi rồi". Nói chung, tất cả Lời Chúa hôm nay
đều mời gọi chúng ta đổi mới, trở
về nhà Chúa để sống niềm vui gia đình và
hạnh phúc trong tình cha con, anh chị em với nhau. Rõ ràng
nhất, cảm động nhất phải là lời
mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm. Và
chúng ta phải thấy rằng, muốn thực hiện
cuộc trở về thật sự để sống
trong niềm vui trọn vẹn, hạnh phúc hoàn toàn, mỗi
người phải thi hành hai khía cạnh của một
cuộc trở về. Đó là trở về cùng Chúa
và trở về cùng anh chị em của mình, cùng những
người chung sống với mình.
Hai người con trong bài
Phúc Âm là hình ảnh của hai cuộc trở về đó.
Chúng ta hãy cùng nhau nhìn rõ hơn vào dụ ngôn nổi tiếng
và tuyệt vời này của Chúa Giêsu, để thấy
chính tình yêu, sự tha thứ, sự tìm về lại
với nhau tạo niềm vui hạnh phúc cho con
người. Trước tiên là tình yêu, tình yêu
của người cha đối với cả hai
người con bao la vô tận. Với người con
phung phá trở về ông bảo: "Con ta đã chết nay
sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".
Với người con phân bì ghen ghét kia
ông bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, mọi
sự của cha đều là của con". Như
thế trước sự phung phá hư thân của
đứa em, cũng như trước sự ganh tỵ
bướng bỉnh của người anh, người cha
không rầy la trách móc chi cả, ông chỉ biết yêu
thương, tha thứ để tạo lại niềm
vui gia đình.
Kế
đó, sự trở về của đứa con phung phá
hoang đàng là động lực chính tạo ra niềm vui.
Biết rằng dẫu anh trở về không
vì thương cha, nhưng vì không còn chịu đựng
được nữa cảnh nghèo đói túng thiếu, anh
lại nhớ đến sự no đủ thoải mái
ở nhà cha và nhất định đứng dậy
trở về. Nhưng đối
với lòng cha bao nhiêu đó đủ rồi. Người cha không cần chi nữa, miễn con
mình đầy đủ, hạnh phúc vui tươi là
được. Và niềm vui sum họp đó chỉ
được trọn vẹn khi người con cả
biết sẵn sàng tha thứ. Thật ra,
người con cả ở nhà với cha nhưng cũng
chẳng yêu thương gì cha anh. Nếu thương
cha, anh phải cảm thấy lòng anh cùng một nhịp
đập với cha vui mừng đón em về,
đừng để cha phải chạy ra năn
nỉ. Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao trong
dụ ngôn, Chúa Giêsu không nói người con cả có chịu
vào nhà sum họp không, để người nghe thấy
được niềm vui trong gia đình có trọn vẹn
hay không? Thật ra, giải đáp cuối cùng
đó Chúa để cho những người biệt phái và
luật sĩ trả lời. Họ phàn nàn vì Chúa Giêsu
tiếp đón những kẻ tội lỗi và không bao
giờ chịu vào ngồi chung bàn. Vậy tùy họ kết luận. Nếu
họ tha thứ và vào, đó là người con cả vào
nhà; nếu họ cứ tiếp tục phàn nàn: "Ông này
tiếp đón kẻ tội lỗi" tức là anh ta
vẫn ganh tỵ và bướng bỉnh, nhất
định đứng ngoài cuộc.
Trong Mùa Chay,
để chuẩn bị sống lại với Chúa và
hưởng hạnh phúc niềm vui mà phụng vụ hôm nay
mong muốn chúng ta phải có được, mỗi người
chúng ta phải trở về nhà cha. Muốn
được một đời sống sung túc, chúng ta
phải cày sâu cuốc bẩm, vất vả suốt ngày
mới có; thì đời sống thiêng liêng vô cùng quí giá, không
thể ngồi không mong hưởng được.
Dầu đồng hóa mình với người con thứ
nhất hay người con thứ hai, tất cả chúng ta
hãy cùng bước chân vào nhà để chúc tụng lòng
thương xót muôn đời của Chúa, và tận
hưởng niềm vui, sự an bình,
quên đi những ngày buồn sầu đói khổ, nguy
hiểm, hận thù, ganh ghét đã qua.
|