Cha ơi, con đã về - Lm
Phêrô Bùi Quang Tuấn
Nếu
nói mùa Vọng là mùa con người trông chờ Chúa
đến thì mùa Chay hẳn là thời gian Chúa đợi
mong người ta trở về. Trông
đợi nào cũng là tác động của nhớ
thương. Bởi lẽ có
thương mới nhớ. Có nhớ
mới tha thiết trông mong, đợi chờ.
Nhưng dường như trong sự trông đợi
của con người vẫn phảng phất một
nỗi nhớ nhung chưa trọn vẹn. Có thể vì con
người còn thương mình hơn thương Chúa. Trong khi đó, nỗi đợi chờ của
Chúa lại chất chứa cả một bầu trời
yêu thương bao la, vời vợi.
Đọc câu chuyện “Tình Cha” tôi
nhận ra điều đó. Người con thứ khát vọng một chuyến
ngao du cho thoả chí tang bồng. Anh bỏ rơi cha già, ra
đi theo tiếng gọi xa xăm. Người cha âm thầm chấp nhận. Ông không nuối tiếc vì phải chia bớt
một số gia sản, nhưng đau khổ vì mất
đi người con dấu yêu bồng bột. Nỗi khổ còn nhân thêm khi đời mình đang
bị kết liễu ngay trong tâm trí của đứa con.
Thường thì cha mẹ chỉ chia gia tài lúc
biết mình sắp chết. Và con cái sẽ nhận
phần khi bố mẹ đã qua đời. Nhưng
đứa con đó lại đòi chia tài sản và thu gom tất cả, ra đi khi người
cha còn khoẻ mạnh. Bản án tử
hình được công bố. Người cha xót xa nhìn bóng
con xa mờ.
Không phải chỉ có tội bất
hiếu khi đày đoạ lòng cha, người con còn làm
bại hoại gia phong khi giao du với quân đàng
điếm. Có cha mẹ
nào lại không muốn con khôn lớn, nên người
đức hạnh, ăn học thành
tài, mang lại thanh danh cho gia đình dòng họ. Thế
nhưng, thay vì danh thơm tiếng
tốt, đây chỉ là nỗi tủi nhục cay
đắng vì đứa con mất nết hư thân.
Đã vậy, nó còn làm nhơ uế
cả thuần phong mỹ tục. Với một truyền thống thanh
sạch khởi đi từ bao đời, với
những mẫu gương anh hùng của tiền nhân: thà
chết còn hơn ăn thịt heo,
như cụ già Êlêasar hay “Người Mẹ với
Bảy Đứa Con” trong sách Macabê. Ấy thế
mà giờ đây, phẩm giá của hắn còn thua cả
giống heo. Muốn ăn
đồ ăn của loài súc sinh bẩn thỉu mà cũng
không ai cho. Thê thảm thay!
Thế rồi khi cơn đói giày xéo
đến cực độ, người con bắt
đầu sực tỉnh. Nó băn khoăn tự nhủ: những người
làm công cho cha mình đâu có bị đối xử tàn tệ
như thế này. Họ được ăn
uống dư dật, còn mình lại bị chết đói
nơi đây. Nó ước mong trở về.
Nhưng động lực của mong
ước đó không phải vì thương nhà, nhớ cha,
song vì đói quá. Sự bồn chồn khát khao thúc
đẩy bước chân người con trở về
không phải vì lương tâm cắn rứt, nhưng vì bao
tử cào cấu quá mạnh. Dẫu sao thì cũng đã có
một động cơ thúc đẩy người con
trở về, dù rằng không đẹp lắm.
Nhưng
động cơ thúc đẩy nơi đứa con càng
tiêu cực thì lại càng làm nổi bật tình thương
vô cùng nơi người cha. Đọc lại đoạn
văn tả cảnh “cha con đoàn tụ” thì mới
thấm thía được tình Chúa bao la làm sao!
Luca, người chép chuyện, không nói
rõ đứa con bỏ nhà đi từ bao lâu. Chỉ biết khi đi nó mang theo nhiều tiền. Chắc
phải tiêu sài một thời gian mới hết. Sau đó còn phải đi chăn heo, túng thiếu,
đói khát, tiều tụy lắm. Tức
là vừa có thời gian dài của xa nhà vừa có sự thay
đổi của hình hài thân xác. Ấy
thế mà khi “nó còn ở đằng xa, thì cha nó đã
thấy nó” (Lc 15:20). Nhận ra dáng con từ đằng xa
bằng đôi mắt già lão của mình hẳn phải
nhờ tác động của tình thương. Có biết
bao cha mẹ có con trong tầm tay với
mà không nhận ra hay cũng chẳng muốn nhìn nhận.
Phải chăng vì họ thật tình không thấy, hay con
mắt yêu thương đã bị nhạt nhoà mù tối:
mù tối bởi những hưởng thụ bất chính
và ích kỷ đam mê?
Khi
thấy con, người cha đã “chạnh lòng
thương.” Không hiểu tại sao ông ta
lại chạnh lòng thương? Nguyên do nào lại
quặn lòng đau xót trước thân hình tiều tụy
của một kẻ hư thân bất hiếu, làm tán gia
bại sản, gây ố nhơ cả thuần phong mỹ
tục? Tại sao không đợi nó dẫn
xác vô nhà mà giáng cho một trận nên thân, hay dạy cho
một bài học nhớ đời, trái lại, ông đã
chạy ra với nó? Phải chăng vì tình
thương của ông quá lớn, ấp ủ bao tháng ngày
đợi trông, nay bị vỡ tung qua
hành động chạy đến với con.
Thế ra, tình yêu chân chính và tuyệt
hảo không chờ đối tượng được
yêu tìm đến với mình, nhưng luôn đẩy mình
đến với người được yêu. Chính tình yêu chân chính và tuyệt hảo
đã đẩy Thiên Chúa đến với con
người.
Thế rồi, khi gặp con, “ông bá
lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để”. Đây không phải là
nụ hôn phản trắc, lạnh lùng, bán đứng
người được hôn như của Giuđa.
Song là cái hôn cuống cuồng nhớ
thương, sau bao khao khát mong chờ.
Trước
thái độ và hành động chan chứa ân
tình của cha, người con chỉ biết thốt lên:
“Con đã trót phạm tội nghịch với Trời và
trước mặt cha, con không đáng gọi là con cha
nữa” (Lc 15:21). Người con muốn nói thêm. Nó
tính nói lên cái ước vọng được trở thành
người làm công cho cha, hầu có được
miếng ăn. Như một người đi xin
việc, nó muốn trình bày một chút quá khứ và khẩn
cầu một chút ân huệ. Quá khứ đó khiến nó “không đáng
được gọi là con cha nữa”. Cuộc
đời từ nay chỉ cầu sao được “làm
công cho cha thôi” cũng là mãn nguyện lắm rồi.
Nhưng người cha đã nói át
điều hắn sắp sẵn. Quá khứ của hắn,
ông không màng. Ước nguyện đơn sơ của hắn, ông đáp ứng còn
nhiều hơn điều hắn có thể tưởng
tượng ra. Ông gọi đầy tớ cấp tớ
cấp tốc đem áo choàng thượng hạng thay cho
bộ áo tả tơi rách nát của hắn, lấy
nhẫn vàng đeo vào ngón tay khẳng khiu
vì đói, lại còn mang giày vào đôi chân vương
lắm bụi đời của hắn nữa. Ôi, toàn là
những thứ biểu trưng cho hạnh phúc giàu sang: áo
choàng cho danh dự, nhẫn vàng cho quyền lực, và
đôi giày cho hạng người tự do! Phải
chăng chỉ có tình thương mới phục hồi
nhân phẩm con người cách trọn vẹn nhất?
Phải chăng tình thương của Thiên Chúa mới xoá
hẳn quá khứ tội lỗi xấu xa, và hoàn lại cho
đời ta phẩm giá cao đẹp nhất của
người con Nước Trời?
Cảm nhận được tình Chúa,
cuộc trở về của tôi mới thật chân thành. Nếu đi xưng tội trong mùa Chay
vì sợ sa hoả ngục, hay hãm mình trong mùa Chay vì sợ sa
hoa ngục, hay hãm mình trong tuần thánh chỉ muốn lên
thiên đàng, không chút cảm nhận tình yêu của Cha trên trời,
thì tôi vẫn còn thiếu sót lắm.
Thế nhưng, lạy Chúa, dù sợ
hoả ngục hay ước mơ thiên đàng thì con
vẫn muốn đứng lên trở về. Dù động cơ thúc đẩy con
về là miếng ăn hay cơn đói,
con vẫn biết tình thương của Chúa sẽ làm
đẹp tương lai đời con. Con tin rằng
cứ lên đường trở về là thoát cảnh “chăn
heo”. Sà vào lòng Cha là tìm được nguồn
ơn tha thứ. Ở bên Cha sẽ không
phải đói khát bao giờ. Cha ơi, nay con đã
về!
|