Cha nhân lành vòng tay
rộng mở - Achille Degeest
Trả lời những
câu nói xa nói gần ác ý của những người Biệt
phái, Đức Giêsu nêu ra những dụ ngôn đẹp
lạ lùng về lòng từ ái, nhất là dụ ngôn
đứa con phá gia. Biệt phái và Ký lục là những
kẻ có “môn bài” giải thích Lề Luật, tự cho
quyền xét đoán kẻ khác về phạm vi Lề
Luật. Họ rất bất bình thấy Chúa
nói chuyện, hơn nữa, tỏ ra thân mật với
những kẻ tội lỗi. Chúa công khai ghét sự
tội vô cùng, lên án sự tội dù nó mai
phục trong những chốn hiểm hóc nhất là tâm và trí
con người. Vậy mà Chúa lại dễ tính để
người ta gọi Người là bạn của
những kẻ thu thuế và những
kẻ tội lỗi. Thật ra Chúa có làm
bạn với hạng người ấy, vì bản thân
Chúa hoàn toàn trong sạch cho nên Chúa có thể thương yêu
trong sự thật hạng người tội lỗi.
Bài dụ ngôn được thánh chép sử thuật
lại theo một mạch lạc trong
sáng, chẳng cần giải thích thêm. Chúng ta
nhặt ra mấy đoạn có giá trị gợi cảm.
1) Hồi tâm lại, nó tự nhủ…
Anh thanh niên khinh bạc và
ích kỷ nhận ra hơi muộn, nhưng không quá
muộn, là những hành vi của anh
đưa đến những hệ luỵ. Trước
đây anh không muốn nghĩ đến điều đó,
nhưng bây giờ những hệ luỵ tai
hại xiết chặt lấy anh. Anh nhận thấy,
hưởng thụ bằng cách chỉ vung tiền mà không lao động tiết kiệm tất
đưa đến khốn khổ. Tuy nhiên
còn có điểm đáng khen là anh không tuyệt vọng
về cha anh. Nguyên tắc hồi tâm
trở lại là không được tuyệt vọng
về Thiên Chúa. Hơn nữa trong thâm tâm
phải nhìn nhận mình bất xứng và chỉ trông
cậy vào tình yêu của Cha.
2) Người con cả liền nổi giận và
không thèm vào nhà…
Trên bình diện con
người, phản ứng như người anh cả
rất dễ hiểu. Nhưng Đức
Giêsu dạy rằng trong Nước Trời, phản
ứng như vậy không được. Những
kẻ lành ăn ở ngay thẳng là
đúng bổn phận, phải quyết chí trung kiên trong kinh
nguyện và cố gắng đạo đức. Tuy nhiên họ không có quyền đặt một
giới hạn cho lòng từ bi của Thiên Chúa. Hơn
nữa, phải độ lượng theo
lượng cả khoan dung của Người. Giả
sử Thiên Chúa vui mừng thấy một đứa con
hư trở về nhà Cha, thì những kẻ xưa nay
vẫn hiếu thảo được mời gọi chung vui đón mừng kẻ sám hối.
3) Truyền thống Kitô giáo từ xưa đã
cảm thấy điểm trung tâm của dụ ngôn này là
lòng độ lượng của Cha.
Tất nhiên, điều
cần thiết tuyệt đối phải có, là kẻ
tội lỗi phải ăn năn
hối hận. Dẫu sao, thực tại
trước hết là Thiên Chúa dành cho kẻ có tội
một sự quan tâm âu yếm thương xót.
Đứa con hư khỏi mất công gõ cửa vì cửa
mở sẵn chờ ý. Người cha chạy vội ra xa
đón chờ con. Tới đây chúng ta thấy Thiên Chúa nhân
lành không biết đến những hạn chế con
người đặt cho sự tử tế của mình,
những hạn chế có tên là tự ái, tự trọng,
công bằng, v.v… Điều chắc là Thiên Chúa cầm cân
nảy mực, duy trì trật tự trong mọi sự
mọi việc, và chẳng thấy chỗ nào trong Phúc Âm nói
rằng đứa con lãng tử khỏi phải tạ
tội, khỏi phải làm điều gì để hàn
gắn thiệt hại y đã gây ra cho gia đình –nhưng
một vòng tay rộng mở chờ y.
|