Bóng Thái sơn – Lm. Giuse Tạ Duy
Tuyền
Một người phú hộ giàu có
nọ, khi đến tuổi già yếu, biết mình đã
gần đất xa trời, ông liền gọi những
người mắc nợ đến để yêu cầu
thanh toán nợ nần.
Ông phán bảo những con nợ
rằng: nếu các ngươi không thể trả nợ
cho ta ở đời này thì các ngươi phải cam
kết thề hứa một cách trọng thể là sẽ
hoàn trả các món nợ của các ngươi ở
kiếp sau, ta sẽ đốt hết các tờ khế
ước mà các ngươi đã ký kết với ta. Nghe
vậy, người thứ nhất mắc nợ ông 10
lượng vàng đến qùy gối thưa:
- Thưa ông, trong kiếp sau con hứa
trả nợ cho ông bằng cách làm con ngựa để ông
cưỡi lên và con sẽ đưa ông đi bất
cứ nơi nào ông muốn.
Người thứ hai mắc nợ ông
100 lượng vàng cũng đến qùy gối và thưa:
- Thưa ông, trong kiếp sau con xin
chấp nhận làm trâu kéo cày, kéo xe chở đồ cho ông
để hoàn trả món nợ đời này.
Người phú hộ ưng nhận
lời hứa của hai người này và bằng lòng
đốt tờ khế ước xóa nợ cho họ.
Sau cùng, người thứ ba với món
nợ cũng rất khổng lồ là 1000 lượng vàng
cũng đến qùy gối trước mặt ông và
thưa:
- Thưa ông, để hoàn trả món
nợ khổng lồ của con với ông từ
trước đến nay, kiếp sau con sẽ làm cha
của ông.
Nghe vậy, người phú hộ
tức giận, ông truyền đem roi sắt đến
đánh cho một trận nhừ tử vì tội vô lễ
và bất kính, nhưng người này bình tĩnh giơ tay
ngăn cản người phú hộ và xin được
phân trần sự việc. Ông nói:
- Thưa ông, con vốn biết món
nợ của con lớn lao lắm, cho dù kiếp sau con có
làm thân trâu ngựa cũng không đủ trả nợ cho
ông, nhưng con sẵn sàng làm cha của ông, vì chắc
hẳn ông cũng quá rõ trách nhiệm nặng nề của
cha mẹ đối với con cái mình. Con sẽ làm việc
ngày đêm để lo cơm ăn áo mặc cho ông. Con
sẽ che chở cho ông như cha mẹ che chở
đứa con thơ và chăm sóc ông những khi ông đau
ốm cho tới tuổi già, con sẽ không ngại bao gian
khó hy sinh nào, cho dù có phải hy sinh tính mạng để ông
được no ấm và không thiếu thốn gì, và khi
chết, con sẽ để lại cho ông tất cả gia
tài mà con đã thu tích được với sức lao
động và mồ hôi nước mắt của con. Ông
thử nghĩ xem đó có phải là cách đẹp nhất
để con trả món nợ khổng lồ kia cho ông sao?
Người giàu có lim dim đôi mắt
trầm tư lắng nghe. Một lúc sau ông gật gù
mỉm cười rồi đứng dậy đốt
bỏ khế ước, tha món nợ khổng lồ
của hắn như đã tha cho hai người
trước.
Câu
chuyện trên đây phản ánh phần nào về tình yêu và
trách nhiệm của người cha trong gia đình. Khi con
còn thơ “cha là con ngựa con cỡi con chơi”, và khi con
đã khôn lớn cha là chỗ dựa vững chắc cho con
niềm tin, nghị lực dấn thân vào đời. Tình
cha thật ấm áp, thật thân thương trìu mến.
Tình cha là một tình yêu không thể thiếu cho con cái sự
tự tin, tính ngay thẳng để bước đi trong
cuộc đời như lời bài hát “Tình cha” đã
diễn tả:
Tình Cha ấm áp như vầng Thái
Dương
Ngọt ngào như giòng nước tuôn
đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan,
Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi
Cha già dấu yêu
Và con nhớ mãi những ngày tháng qua
Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng
Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha, gian
khổ ngày đêm chăm lo
Mong muốn con được lớn
khôn
Còn nhớ những ngày ấy, những
đêm trường giá lạnh
Và Cha nằm ôm con sưởi ấm
những canh dài
Nhè nhẹ hôn con và Cha khẽ nói: Này con
yêu ơi...
Con hãy nhớ.. hãy nhớ... lời Cha
sống cho nên người
và con hãy chớ bao giờ dối gian
Nghèo thì cho sạch rách sao cho thơm!
Những lời của Cha năm xưa
Con nguyện ghi sâu trong tim
Cha hỡi Cha già dấu yêu...
Vâng,
chấp nhận trở nên người cha, người
mẹ của ai là như tự gánh lấy cho mình một
món nợ khổng lồ mà chỉ có thể hoàn trả
đầy đủ bằng tình thương mà thôi.
Thật vậy, tình thương của người cha là
tình thương không tiền bạc nào có thể mua
được. Nó là thứ tình thương chân thật và
sâu xa, là phản ánh tình thương bao la của Thiên Chúa
với nhân loại. Cho đi cách nhưng không và không mong được
đền ơn báo đáp. Nó là thứ tình thương nhân
hậu và kiên trung luôn yêu con và tha thứ cho con khi con quay
đầu trở về.
Tình
thương đó được Chúa Giê-su diễn tả
qua dụ ngôn: “Người cha nhân từ”. Một
người cha quá đau khổ vì có đứa con thứ
phung phá, trụy lạc. Một người con phản
loạn đã đòi Cha chia gia tài để ăn chơi
trác táng. Nó rời khỏi ngôi nhà thân thương. Nó
trẩy đi miền xa, mang theo nỗi khát khao mãnh liệt
là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới
mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là gần gũi
quê nhà.
Anh
đã bỏ nhà ra đi với tiền bạc và lòng kiêu
ngạo, quyết sống thoát ra khỏi sự ràng buộc
của gia đình. Anh ra đi không phải để
học hành, tìm việc làm mà là ăn chơi đàng
điếm, phung phí hết tài sản, sức khoẻ,
bất kể đó là mồ hôi nước mắt của cha
mẹ, bất chấp tiếng tốt của gia đình.
Chơi bời nên mau chóng suy sụp. Anh sa cơ thất
thế. Anh ta trở nên hèn hạ khi đi chăn heo và thèm
ăn thức ăn của heo.
Khi
trở về chẳng còn gì: tiền bạc, sức
khoẻ, danh giá, lòng tự trọng... mọi thứ đã
bị tiêu xài hoang phí. Anh ta chỉ còn lại một
điều duy nhất là “đứa con nhỏ của cha
nó”.
Động
lực nào đã khiến anh trở về? Thánh Lu-ca
viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: biết bao
người làm công cho Cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn
tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi, đứng
lên, tôi sẽ về cùng Cha tôi”. Như vậy động
lực anh trở về là đói, vì miếng ăn.
Trước khi bị đói chắc chắn anh không bao
giờ nhớ đến Cha, không bao giờ sám hối vì
bỏ Cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm
về mái ấm gia đình, nơi còn có Cha già chẳng
biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì
phá tan cả sự nghiệp của Cha. Khi bị cơn
đói hành hạ, phải đi chăn heo, anh mới
băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái
băn khoăn của anh là làm sao để được
ăn. Anh dự tính nói với Cha là trót phạm lỗi
nghịch với trời, không còn đáng gọi là con,
chỉ xin được đối xử như
người làm công.
Tất
cả ý nghĩa của cuộc trở về
được diễn tả cách cô đọng trong
những lời: “Cha ơi... con không đáng gọi là con Cha
nữa”.
Nhưng,
người cha dường như đã bỏ ngoài tai
những lời người con. Ông chỉ thấy vui
mừng vì con trở về. Ông quên hết lầm lỗi
xưa. Ông thiết đãi tiệc vui vì con đã chết nay
sống lại...
Thiên
Chúa cũng luôn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu
vô bờ bến như thế. Tình yêu Chúa không chấp
tội chúng ta. Vì nếu Chúa chấp tội thì nào ai
đứng vững. Thiên Chúa luôn bao dung và tạo
điều kiện cho chúng ta làm lại cuộc
đời. Điều này được thể hiện
qua bí tích hòa giải. Nơi đây biết bao tội nhân tìm
lại được bình an tâm hồn. Có những
người đã bỏ Chúa 10 năm, 20 năm. Có những
người đã hoang phí tuổi trẻ trong đam mê
tứ đổ tường, nhưng dường như
cuộc đời đã xô đẩy khiến họ luôn
cảm thấy chán chường, bất an khi xa Chúa.
Chỉ có khi nào mạnh dạn đứng lên quay
đầu trở về lúc đó mới tìm thấy
niềm vui và bình an tâm hồn.
Xin
cho chúng ta luôn nhận ra tình thương của Chúa
để quay đầu trở về. Cuộc trở
về không bao giờ là muộn và tình thương Chúa
vẫn mãi mãi dành cho chúng ta một chỗ trong lòng
thương xót của Chúa. Amen.
|