BÀI 30: Hạt lúa miến rơi vào lòng đất…
Sau giây phút nhận tội thay em, từ đây thầy Lê Thế Cao và người em thầy Lê Duy Lượng tiếp tục sống mãnh liệt triệt để triết lý sống ‘hạt lúa miến’ theo hai cách thế khác nhau. Thầy Lượng trở lại chủng viện tu luyện, đêm ngày làm bạn với đèn sách, mong đến ngày bước lên bàn thánh. Còn thầy Cao bị gông cùm, di chuyển hết nhà tù này đến nhà tù khác, nhưng thầy không một chút nao núng hay than van. Đường đến traij giam Cổng Trời (Hà Giang) tuy heo hút, chốn rừng thiêng nước độc, nhưng trong lòng thầy Cao luôn trào dâng một niềm hy vọng: – Em tôi sẽ trở thành Linh mục!
Sự khát mong của thầy Cao đã được Chúa đoái thương nhìn đến. Cuối năm 1963, thầy Phêrô Lê Duy Lượng được thụ phong linh mục. Chức Linh mục đó là nhờ “kết tinh nguồn phước lộc ơn trên/là thành quả chuỗi kinh dài vô tận” (Thơ của thầy Tôma Lê Văn Lộc), trong đó nhờ sự hy sinh to lớn của chính thầy Cao. Có thể nói rằng: sự giang dở đời tu của thầy Cao giờ đây đã được Chúa thành toàn nơi người em trai của mình – cha Phêrô Lê Duy Lượng.
Thật kỳ diệu thay, lúc cha Phêrô bắt đầu sứ vụ linh mục như ngọn nến cháy hao mòn từng ngày trên bàn thờ vì phần rỗi các linh hồn, cũng là lúc thầy Lê Thế Cao đi trọn triết lý sống của hạt lúa miến theo thánh ý Chúa nhiệm mầu. Quả thế, tháng 3 năm 1964, tức chỉ sau vài tháng người em trở thành linh mục, thầy Cao đã được Chúa gọi về. Thầy chết trong “tư thế ngồi” ở nhà tù Quyết Tiến (Hà Giang). Cái chết trong tư thế ngồi như nói lên được cái khí phách của một bậc quân tử, của một đấng hùng anh, đau đáu cho tiền đồ của dân tộc. Giữa nhiễu nhương của thời cuộc, thầy tựa như bông sen tỏa ngát hương thơm, sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hơn ai hết, chính thầy Cao đã sống trọn vẹn Lời Chúa: “Hy sinh tính mạng cho người mình yêu” (x. Ga 15,13).
Đặc biệt, cái chết của thầy, một cách nào đó, đã ‘sinh ra’ thiên chức linh mục, đó là Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Thành quả của Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng để lại cho Giáo phận, cách riêng cho Chủng viện hôm nay được đan dệt bởi hy sinh của biết bao con người, trong đó có thầy Cao. Hạt lúa đó vẫn luôn sống mãi nơi thế hệ con cháu, như lời sách Khôn ngoan xác tín: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi, nhưng thật ra họ đang hưởng bình an” (Kn 3, 1-2a.3b).
Đức La
LM Raphael Trần Xuân Nhàn sưu tầm
|