Trở về với
Đấng Yêu Thương
(Suy niệm của
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Thiên Chúa đã biết nỗi khổ
cực của dân Do Thái bên Aicập, Ngài đã nghe tiếng
họ kêu than (Xh.3, 7), và Ngài muốn giải phóng họ
khỏi cảnh khổ cực để đưa họ
về nơi hạnh phúc.
Thiên Chúa không ở xa con người, Ngài
ở gần con người, Ngài nghe tiếng con
người cầu khẩn Ngài, Ngài rung động
trước nỗi khổ cực của con người.
“Lạy Cha chúng con ở trên trời” là câu
muốn diễn tả Thiên Chúa là Đấng siêu việt,
chứ không muốn nói Thiên Chúa ở trên khoảng không trên
trời xa thẳm và không nghe được tiếng con
người cầu xin. Thiên Chúa luôn
ở với con người (Ga.14, 23.16), Ngài làm con
người thành đền thờ của Ngài (1Cor.3, 16-17).
Thiên Chúa ở gần tôi, Thiên Chúa biết tôi
hơn cả chính tôi, Ngài quan tâm đến tôi hơn cả
chính tôi (Tv.139, 1-6). Thiên Chúa luôn yêu
thương tôi.
Thiên Chúa gọi Môsê và sai ông đi
giải phóng dân Do Thái khỏi Aicập. Môsê là người rất
đặc biệt. Ông đã gắn bó
với dân tộc mình, cho dù ông đang sống trong hoàng cung
với những điều kiện thuận lợi
để có một đời sống vật chất êm
ấm nhưng ông đã bênh người Do Thái mà giết
một người Aicập. Việc
bại lộ nên ông phải bỏ hoàng cung để
trốn chạy ra ẩn cư nơi hoang địa.
Giờ đây Thiên Chúa gọi ông, Ngài chọn
ông và sai ông trở lại Aicập để đưa dân
Do Thái ra khỏi đó. Môsê
được gọi vì dân tộc Do Thái. Không thể
chối cãi rằng Thiên Chúa yêu thương Môsê, Ngài đã
can thiệp vào đời Môsê để cứu ông khỏi
chết trên giòng sông Nil, Ngài đã giải thoát ông khỏi
tay Pharaô trong biến cố ông giết người
Aicập, và bây giờ Ngài ưu ái chọn ông làm
người thực hiện ý định của Ngài; tuy
nhiên người ta cũng thấy rõ, chính vì dân tộc Do
Thái, để giải phóng dân Do Thái mà Môsê đã
được gọi. Sứ mạng
được trao cho cá nhân, để phục vụ
cộng đoàn, để phục vụ con người.
Thiên Chúa yêu thương dân như
vậy, nhưng dân Do Thái đã nổi loạn không tuân
phục Thiên Chúa. Bao nhiêu
điềm thiêng dấu lạ Thiên Chúa đã làm cho dân
như mười tai ương bên Aicập, đi qua
biển đỏ ráo chân, đập đá lấy
nước cho dân uống, chim cút cho dân ăn, manna hằng
ngày cho dân, nhưng họ vẫn không tin tưởng phó thác
vào Thiên Chúa. Họ đã không được
vào đất hứa vì thái độ phản loạn
của họ. Thánh Phaolô cho rằng con người
ngày nay có lịch sử dân Do Thái để làm gương,
để biết sống thế nào cho đẹp lòng Thiên
Chúa (1Cor.10, 6.10-12). Không phải con người ngày nay khá
hơn con người ngày xưa, nhưng điều đã
xảy ra cho dân tộc Do Thái ngày xưa hôm nay vẫn
được lập lại cho mỗi con người.
Con người hôm nay cũng phải sống thuận
thảo với Thiên Chúa, phải tin tưởng và phó thác
nơi Ngài. Hạnh phúc đích thực mà con người
mọi thời đại phải cố thực hiện,
là hạnh phúc mỗi ngày và từng ngày, từng giây phút.
Hạnh phúc thực tùy thuộc thái độ và chọn
lựa của mỗi con người.
Đức
Giêsu cũng nói với con người thời đại
của Ngài khi thấy những tai
họa xảy tới cho người thời đó.
Những thiên tai hay tai họa cũng có
thể là những sứ điệp Thiên Chúa gởi
tới cho con người. Đừng tưởng rằng
những người bị tai họa vì
họ tội lỗi hơn người đang sống
không bị tai họa, “nếu các ông không chịu sám
hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy”.
Đức Giêsu khi khởi đầu sứ mạng, Ngài
đã loan báo: “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc.1, 14). Sám hối là điều rất cần thiết,
nên Đức Giêsu đã lập đi lập lại
nhiều lần.
Sám hối, là thái độ trở
lại với Thiên Chúa và với con người khi đã
nhận biết sự thật về chính mình, khi thấy
mình đã không đi đúng đường, khi nhận ra
mình đã lỗi lầm phạm tội. Tôi là ai, tôi đã làm gì, tôi có sống
theo lời mời gọi của Thiên Chúa đối
với tôi không, tôi có cố gắng vươn lên thành người
thành toàn như Thiên Chúa muốn không, hay tôi đã xúc phạm
đến tha nhân và Thiên Chúa? Không có sự
nhận thức đúng đắn về chính mình, không
thể có sám hối thật sự.
Tôi có biết Thiên Chúa yêu thương tôi
vô cùng không? Tôi
có đáp trả tình yêu của Ngài không? Tình
yêu đáp trả tình yêu. Nếu tôi không đáp trả
tình yêu của Ngài, tôi đáng tội chết! Tuy
nhiên Thiên Chúa không xử tôi chết, nhưng nếu tôi không
ở trong tình yêu của Ngài, tôi sẽ chết khô như cây
mà rễ nó không hút nước và chất bổ
dưỡng để nuôi cây. Tôi không
tựa vào Thiên Chúa và không ở trong Ngài thì tôi tự hủy
hoại tôi, tôi không thể sống hạnh phúc
được.
Tôi có cố gắng phát triển tài
năng và trưởng thành đến độ như
Thiên Chúa ao ước về tôi không? Thiên Chúa kỳ vọng
nơi tôi, tôi có làm Ngài thất vọng không? Tôi có sống hạnh phúc như Thiên Chúa muốn
không? Tôi có tin rằng Ngài thương tôi, và sẵn
sàng làm tất cả cho tôi không? Nén vàng nén bạc tài năng
Thiên Chúa ban, tôi có sinh lợi không? Thiên Chúa đã gọi Môsê
và đã chờ đợi ông đáp trả, chắc
chắn Thiên Chúa cũng có chương trình về tôi, Ngài
cũng kỳ vọng nơi tôi, và Ngài mong ước tôi
sẽ đáp trả chương trình của Ngài có nơi
tôi. Tôi có phát triển con người của tôi, để
có thể thực hiện sứ mạng Thiên Chúa trao cho tôi
không?
Thái độ của tôi như thế
nào đối với bạc tiền danh vọng tình duyên? Người đời cho rằng
tiền bạc giải quyết tất cả, “có tiền
mua tiên cũng được”, và người ta tìm mọi
cách để kiếm cho được thật nhiều
tiền, ngay cả đến độ xúc phạm con
người, bỏ cả người thân là cha mẹ,
vợ chồng, con cái. Tiền bạc chi
phối tất cả đời sống của những
người này, đóng lòng họ, ngăn cản họ
đến với người khác. Tôi có
cách cư xử giống như những người đó
không? Thiên Chúa và tha nhân có chỗ
đứng nào nơi tôi? Thiên Chúa có
chỗ đứng tuyệt đối nơi đời
sống và chọn lựa của tôi không?
Thiên
Chúa vẫn đang chờ mong tôi trở lại với Ngài,
như người cha tựa cửa mong người con
hoang trở về, Thiên Chúa cũng đang chờ
đợi tôi sám hối quay về với Ngài. Ngài vẫn đang ban Thánh Thần cho tôi, vẫn
đang thúc giục tôi trở về với Ngài. Hãy trở về với Thiên Chúa, để
được hạnh phúc với Thiên Chúa và với anh
chị em mình. Xin Thiên Chúa giúp con trở về với
Thiên Chúa là Cha nhân từ.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Theo bạn, ơn gọi là
gì? Ơn gọi của Môsê là gì? Ơn gọi của
bạn là gì?
2. Như thế nào là người
trưởng thành? Đâu là những khía cạnh mà con
người cần lưu ý để trở thành
người phát triển toàn diện?
|