Mùa chay, mùa đổi
mới.
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một
triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời
đi qua của mình như sau:
Lúc còn
trẻ, tôi là một người có đầu óc cách
mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên
Thượng Đế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị
lực để thay đổi thế giới.
Đến
tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng,
một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa
thay đổi được một người nào. Lúc
đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng
Đế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được
biến cải tất cả những người con
gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình còn, bạn
bè con. Và như vậy là đủ cho con rồi.
Nhưng
giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng
còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận ra rằng, tôi đã
khờ dại biết chừng nào. Giờ nầy, tôi
chỉ biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin
ban cho con được ơn thay đổi chính bản
thân con.
Nếu tôi biết cầu nguyện
như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí
phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có lý khi dạy
chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ…
Theo trật tự của cuộc cách mạng, thì cách
mạng bản thân – tu thân – là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng nào đó đã
nói: Chỉ cần mười người như thánh
Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới
sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng
đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng
khởi sự, đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị ba năm
sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện… Và lời kêu
gọi đầu tiên của Ngài là: Hãy sám hối và tin vào
Tin Mừng.
Hôm nay, Ngài lại kêu gọi chúng ta: “Hãy
ám hối, nếu không chúng ta cũng sẽ bị tiêu
diệt như những nạn nhân của biến cố
tháp Silôê đổ, hay như những người bị
thảm sát dưới thời Tổng trấn Philatô”.
Đến bây giờ vẫn còn không ít
người quan niệm “ác giả ác báo” theo
lối suy luận từ hậu quả đến nguyên
nhân. Lời Chúa hôm nay dạy ta không được suy
nghĩ như thế, phần vì ta không có quyền xét
đoán tha nhân, phần vì thường chúng ta xét đoán theo chủ quan và phiến diện nên dễ
sai lầm.
Mùa Chay là mùa sám hối, mùa đổi
mới. Thiên
Chúa nhân từ, kiên nhẫn chờ đợi. Ngài còn hoãn lại cho chúng ta một kỳ hạn
nữa. Hãy khẩn trương sám
hối kịp thời. “Đừng
để đến ngày mai việc gì bạn có thể làm
được hôm nay”.
Tục ngữ Pháp có câu: “Nếu trẻ
mà hiểu ra, nếu già mà làm được” (Lúc trẻ thì
không hiểu để làm, đến lúc già muốn làm thì
không còn sức để làm nữa). Việt Nam chúng ta cũng có câu: “Lão lai tài tận”
(Đến tuổi già thì tài năng cũng hết). Thế là bị rơi vào luật đào thải,
như cây cằn cỗi, không sinh trái đã lâu, phải
chặt đi thôi. Bao lâu còn sống, là
như cây còn xanh tươi. Hoán cải,
đổi mới, không bao giờ là quá trễ. Hãy tin tưởng, bắt đầu ngay hôm nay,
kẻo không kịp nữa. Hằng ngày, báo chí,
truyền hình, radio, đưa tin trong cũng như ngoài
nước, bao nhiêu tai nạn chết
người: xe đụng, tàu chìm, phi cơ rớt,
động đất, hoả hoạn,
đó là chưa kể đến nạn khủng bố
đe doạ biết bao người trên
thế giới…
Tại sao những người kia gặp nạn, chứ chưa phải là
tôi? Đừng dựa vào những may mắn trong cuộc
sống, để yên trí rằng mình sống trong sạch,
tốt lành; để tạo cho mình mối an
tâm được Chúa ưu đãi hơn những
người khác; để không lo hoán cải, đổi
mới.
Khoa học kỹ thuật càng tiến
bộ, con người càng thấy rõ hơn nỗi cô
đơn trước những giới hạn của mình…
nhất là nỗi sợ hãi trước cái chết, thân
phận bi đát nhất của kiếp người. Khát
vọng được sống và sống đời
đời không ngừng đòi hỏi con người
đổi mới để khỏi phải thấy
sức sống tắt lịm trong tay
của mình. Vì vậy, hoán cải là vấn
đề tức thời và cấp bách.
Mỗi người chúng ta đều là
kẻ tội lỗi, đều có thể phải
đối diện với Đấng phán xét bất cứ
lúc nào. Bởi vậy,
ngày nào, giờ nào, phút nào cũng mang tính khẩn
trương: đây có thể là ngày cuối, giờ
cuối, phút cuối… trước khi ra mắt Đấng
phán xét. Lời Chúa hôm nay phải thức
tỉnh chúng ta. Đừng đấm
ngực người khác, hãy đấm ngực mình mà sám
hối cho thật, cho mau kẻo hối hận cũng không
còn kịp nữa.
Có thể chúng ta nghĩ rằng: mình là
người tín hữu đạo đức, sốt
sắng, mình đi dự lễ, rước lễ
đều đặn, mình cũng làm việc bác ái, cũng
đi xưng tội, vì thế lời kêu gọi sám hối
không có liên hệ gì đến mình. Chính
những người nghĩ như thế mới là
người cần phải sám hối. Thánh Phaolô hôm
nay đã nói: “Ai tưởng mình đứng vững thì hãy
coi chừng kẻo ngã”. Việc sám hối
trở lại không bao giờ chỉ làm một lần là
xong.
Quả thực, lời kêu gọi hoán
cải sám hối trong Tin Mừng hôm nay liên hệ
đến tất cả mọi người: bởi vì
mỗi người chúng ta đều phải sống
cuộc sống mới và vượt lên trên tất cả
những gì cản trở chúng ta sống cuộc sống
mới nầy, một cuộc sống hữu ích cho gia
đình, cho xã hội và cho nhân loại.
Hành trình Mùa Chay không chỉ nhằm
dẫn chúng ta quay trở lại quá khứ để ăn
năn khóc lóc tội lỗi mình hay đến toà
giải tội xưng thú tội lỗi mình… nhưng còn
muốn dẫn chúng ta đến cuộc sống mới
dồi dào hơn. Mùa Chay phải trở thành mùa đổi
mới con người và xã hội, mùa nở hoa kết trái
tình thương, mùa thực thi việc lành phúc đức…
nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt y
như vậy hoặc có thể “năm tới sẽ
bị chặt đi”.
“Đổi mới hay là chết”. Có một thời người ta đã hô lớn
khẩu hiệu này. Và đây cũng là
đòi hỏi của Lời Chúa hôm nay. Xin
cho thánh lễ nầy kết hiệp chúng ta mật
thiết với Chúa Giêsu, để giúp chúng ta tiêu diệt
dần dần đời sống cũ kỹ nhem nhuốc
của mình, đồng thời chúng ta cũng dần
dần trở nên thánh thiện phong phú hơn trong Chúa Giêsu.
Ước gì mệnh lệnh hoán cải
cấp bách sẽ được chúng ta thực hiện
không chỉ ngay bây giờ mà còn kéo dài trong từng phút
sống của cuộc đời ta.
|