Kiên nhẫn – Trầm Thiên Thu
Kiên
nhẫn (nhẫn nại) là trạng thái chịu
đựng trong hoàn cảnh khó khăn – tinh thần và
vật chất, nghĩa là can đảm và kiên trì
đối mặt với điều trái ý mà không tỏ
vẻ khó chịu, bồn chồn hoặc thất vọng.
Kiên nhẫn là một đức tính giúp
đạt sự thành công ở đời, đồng
thời cũng là nhân đức trong đời sống tâm
linh.
Kiên nhẫn không phải là thụ
động, mà là chủ động. Đó là sức mạnh tập trung
của con người. Kiên nhẫn rất cần, nhưng
phải khổ luyện mới khả dĩ đạt
được, như Hellen Keller nhận định:
"Chúng ta không bao giờ có thể học được
sự can đảm và kiên nhẫn nếu chỉ có
niềm vui trên thế gian này". Nghĩa là
chúng ta phải có mục đích nào đó vượt trên
những gì trần tục của những người bình
thường.
Ngày xưa, ông Môsê chăn chiên cho bố
vợ là Gítrô, tư tế Mađian. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa,
là núi Khôrếp. Bỗng nhiên Thiên sứ
của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám
lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê
nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng mà không bị thiêu
rụi. Thấy lạ, ông tự nhủ: "Mình
phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này
mới được: vì sao bụi cây lại không cháy
rụi?" (Xh 3:3). Đức Chúa thấy ông lại xem,
tiếng Thiên Chúa phát ra từ giữa bụi cây: "Môsê!
Môsê!". Ông thưa: "Dạ, tôi
đây!" (Xh 3:4). Người phán: "Chớ lại
gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi
ngươi đang đứng là Đất Thánh" (Xh
3:5). Nơi nào có Thiên Chúa thì nơi đó
là Đất Thánh, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh.
Thiên
Chúa lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi,
Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của
Gia-cóp" (Xh 3:6). Ông Môsê che mặt đi, vì
sợ nhìn phải Thiên Chúa. Tại sao?
Không phải Thiên Chúa dữ tợn hoặc
dị dạng khó coi, mà Thiên Chúa là Đấng Thánh. Mắt phàm nhân không thể nhìn thẳng vào mặt
trời thì làm sao nhìn Thiên Chúa là Nguồn Sáng? Biết
vậy, Đức Chúa liền trấn an ông Môsê: "Ta
đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên
Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành
hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau
khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng
khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ
đất ấy lên một miền đất tốt
tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề
sữa và mật, xứ sở của người Canaan,
Khết, Emôri, Pơrítdi, Khivi và Giơvút" (Xh 3:7-8). Thiên
Chúa biết rõ mọi điều từ trong suy nghĩ
của con người, Người chỉ muốn chúng ta
thật lòng và kiên trì kêu xin thì sẽ được
toại nguyện.
Ông
Môsê thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ, con đến
gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha
ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu
họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ
nói với họ làm sao?" (Xh 3:13). Thiên Chúa xác nhận với
ông Môsê: "Ta là Đấng Hiện Hữu. Ngươi
nói với con cái Ítraen thế này: Đấng Hiện
Hữu sai tôi đến với anh em" (Xh 3:14). Không vòng vo. Chính xác.
Rõ ràng. Thiên Chúa lại phán với ông Môsê: "Ngươi
sẽ nói với con cái Ítraen thế này: Đức Chúa, Thiên
Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa
của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với
anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh
hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ
đời nọ đến đời kia"
(Xh 3:15).
Đọc
đoạn Kinh thánh này và biết Thiên Chúa mà chúng ta đang
tin kính và tôn thờ là ĐẤNG HIỆN HỮU, chắc
chắn chúng ta thực sự hạnh phúc vì chúng ta đang
có đức tin chính thống và sự tôn thờ đúng
đắn. Quả thật, XƯA NAY CHƯA
MỘT THẦN LINH NÀO DÁM TỰ XƯNG NHƯ VẬY.
Nhưng Thiên Chúa của chúng ta xác định rõ ràng: TA LÀ
ĐẤNG HIỆN HỮU. Và Ngài cũng là
ĐẤNG TỰ HỮU. Hãy tạ ơn Chúa đã
soi sáng cho chúng ta đi đúng Đường Chân Lý của
Thiên Chúa Thật!
Chắc
hẳn vì vậy mà tác giả Thánh vịnh luôn tự
nhủ: "Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn
thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi,
hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của
Người" (Tv 103:1-2). Thế mà con người vẫn quá hèn yếu, luôn
xin và muốn được toại nguyện, nhưng ít
người còn biết nhớ ơn. Phúc Âm nói tới
ví dụ điển hình: Mười người
được ơn, nhưng chỉ có một
người trở lại tạ ơn Chúa, mà người
biết ơn đó lại là người ngoại
đạo (x. Lc 17:11-18), chắc chắn chín người vô
ơn bạc nghĩa là người có đạo – dù
người đó ở cấp bậc nào, nói chung là
những người mệnh danh là Kitô hữu, đừng
tưởng người địa vị cao thì
"ngon" hơn người ở địa vị
thấp! Chúa Giêsu đặt vấn đề: "Thế
thì chín người kia đâu?".
Rất rõ ràng. Rất nghiêm túc. Rất thực tế. Rất nhẹ nhàng mà
lại rất đau – nhức buốt tận tủy
xương!
Rồi
khi gặp trắc trở, con người mới
"giật mình" và lại hối cải: "Chúa tha
cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,thương
chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu
ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc
ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải
hà" (Tv 103:3-4). Thiên Chúa luôn thông cảm
nên luôn nhân hậu và xót thương, Ngài "phân xử công
minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
mặc khải cho Môsê biết đường lối
của Người, cho con cái nhà Ít-ra-en thấy những
kỳ công Người thực hiện" (Tv 103:6-7),
bởi vì "Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương" (Tv
103:8). Nhân loại không thể hiểu thấu kiểu yêu
thương kỳ lạ như vậy: "Như
trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương
kẻ thờ Người cũng trổi cao" (Tv 103:11). Nếu không có lòng
thương xót kỳ lạ như vậy của Thiên Chúa
thì chúng ta cùng đường, hết đường
sống – thời nay gọi là "tận cùng bảng số".
Từ
một người Pharisêu và "chuyên gia" về
việc bách hại đạo, Saolê bỗng biến thành
Phaolô nhiệt thành rao giảng về Người mà chính ông
đã tìm mọi cách để triệt hạ. Và rồi
Thánh Phaolô không thể im lặng: "Thưa anh em, tôi không
muốn để anh em chẳng hay biết gì về
việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều
được ở dưới cột mây, tất cả
đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả
cùng được chịu phép rửa dưới đám
mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Tất cả
cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng
uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng
uống nước chảy ra từ tảng đá linh
thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá
ấy chính là Đức Kitô" (1 Cr 10:1-4). Chữ "tất cả" và chữ
"một" khác nhau hoàn toàn, thế nhưng lại không
hề khác chút nào. Dù "thuận" hay
"nghịch" cũng vẫn trong một tổng
thể hài hòa.
Thánh
Phaolô nói thêm: "Nhưng phần đông họ không
đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã
quỵ ngã trong sa mạc. Những sự việc ấy
xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta
đừng chiều theo những dục
vọng xấu xa như cha ông chúng ta" (1 Cr 10:5-6). Cuộc đời chúng ta cũng vậy, thất
bại và đau khổ là bài học quý giá. Đó là tiếng Chúa cảnh tỉnh chúng ta, vì Ngài
luôn hiện hữu trong mọi biến cố của
cuộc đời. Chắc hẳn cố nhạc
sư Hùng Lân đã cảm nghiệm điều đó nên ông
viết trong bài thánh ca "Chúa Có Mặt Trong Lịch Sử
Loài Người" với ca từ đậm chất
Đức Tin trong phần điệp khúc: "Chúa có
mặt trong lịch sử cuộc đời, Chúa có
mặt trong lịch sử đời tôi. Từ
thời hồng hoang tuổi đá, khi nhân loại như
thú rừng, dần dà ngự trị thiên nhiên, không gian
thời gian mấy trùng. Từ lúc bước vô
trần gian cùng tiếng khóc oa oa, đời con Chúa đã an bài trong thiết tha".
Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,
đến nỗi người ta cho rằng "không
hề có Thiên Chúa", dù chúng ta không ngừng tái phạm. Thánh Phaolô đã cảm nhận
được lòng thương xót của Chúa nên đã
khuyên nhủ: "Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách,
như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu
trách: họ đã chết bởi tay
Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho
họ để làm bài học, và đã được chép
lại để răn dạy chúng ta, là những
người đang sống trong thời sau hết này"
(1 Cr 10:10-11). Bởi vậy, không ai
dám mạo nhận điều gì, vì "ai tưởng mình
đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo
ngã" (1 Cr 10:12). Không ảo tưởng và
luôn tỉnh thức, đó là biết sống kiên nhẫn.
Một ngày nọ, có mấy
người đến kể lại cho Đức Giêsu
nghe chuyện những người Galilê bị tổng
trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn
với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu hỏi lại: "Các
ông tưởng mấy người Galilê này phải
chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn
mọi người Galilê khác sao?" (Lc 13:2). Tình
trạng "tưởng mình hơn người"
rất thường xảy ra trong ý nghĩ của chúng ta.
Điều này gợi nhớ tới dụ
ngôn hai người cùng lên Đền Thờ để
cầu nguyện (x. Lc 18:9-14). Chúng ta quên
(hoặc không muốn nhớ) rằng chính Chúa Giêsu đã
minh định: "Chẳng có ai nhân lành cả, trừ
một mình Thiên Chúa" (Lc 18:19).
Chúa
Giêsu cảnh báo: "Nếu các ông không sám hối thì các ông
cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như
mười tám người kia bị tháp
Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng
họ là những người mắc tội nặng
hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem
sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải
thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám
hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như
vậy" (Lc 13:3-5). Chúa Giêsu cảnh báo
quá nhiều mà người ta vẫn không muốn lắng
nghe, phải chăng người ta nghĩ rằng Ngài là
người-thích-đùa chăng? Không, hoàn toàn Ngài không
đùa, Ngài đang kiên nhẫn chịu đựng!
Rồi
Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có
một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra
cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm
vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này
tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó
đi, để làm gì cho hại đất?" (Lc
13:7). Nhưng người làm vườn đáp:
"Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay
nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và
bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông
sẽ chặt nó đi" (Lc 13:8-9). Ai xin
chủ nhân trì hoãn việc đốn cây? Đó là Chúa Giêsu. Chính Ngài đã
mặc khải Thiên Chúa, đã chịu đau khổ và
chịu chết để minh chứng Tình Yêu, nhưng
hầu như vô hiệu. Rồi Ngài
lại mặc khải Thánh Tâm, và ngày nay là Lòng Thương
Xót. Quả thật, Thiên Chúa quá đỗi kiên nhẫn
vì những thụ tạo khốn nạn là chính mỗi
chúng ta!
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Chúa,
xin biến đổi trái tim xơ cứng của chúng con
để chúng con không phụ lòng kiên nhẫn và nhân từ
của Ngài, đồng thời có thể phần nao đáp
lại Tình Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu
Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con, hiệp
nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Amen.
|