ĐẤNG TỪ BI VÀ HAY THƯƠNG
XÓT CHẬM BẤT BÌNH VÀ HẾT SỨC KHOAN NHÂN --Suy niệm của Radio Veritas Asia
(Trích
trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
Trong cùng
một thời gian, dân chúng tại Phi Luật Tân đã xúc
động mãnh liệt vì hai vụ án:
- Vụ án thứ nhất diễn ra tại Phi
Luật Tân.
Một
tòa án địa phương gần Manila đã
tuyên án phạt bảy lần chung thân
một viên thị trưởng và sáu đồng bọn vì
tội hãm hiếp và giết người. Đa
số người dân Phi đều biểu lộ sự
hài lòng vì công lý đã được thực thi. Một số người khác thì lại tỏ ra
bất mãn vì cho rằng hình phạt tương xứng
với tội nhân này lẽ ra là phải tử hình.
- Vụ án thứ hai diễn ra tại Singapore.
Một
phụ nữ Phi Luật Tân vốn làm nghề "giúp
việc nhà" tại Singapore đã
bị toà án tại nước này xử
tử hình vì tội giết người. Tối thứ
Năm, tại Manila cũng như nhiều nơi khác
tại Phi Luật Tân, nhiều tín hữu công giáo Phi đã
canh thức suốt đêm để cầu nguyện cho
việc thực hiện bản án được hoãn
lại. Và vụ án cần phải được xét
lại bởi vì theo nhiều
người Phi, người phụ nữ này vô tội. Tuy
nhiên, mặc cho phản đối của người dân
Phi, và mặc cho lời cầu cứu của Tổng
Thống Phi Luật Tân, sáng thứ Sáu, chính phủ Singapore
đã ra lệnh treo cổ người phụ nữ Phi
theo đúng qui định của hình luật nước
này.
Phản ứng của người dân
Phi Luật Tân qua hai vụ án trên đây
xem ra cũng là phản ứng thông thường của con
người. Dù bất cứ nơi nào và
thời đại nào, có tội thì phải bị trừng
trị và kẻ vô tội thì phải được
giải oan. Thời Chúa Giêsu xem ra
người Do Thái cũng có một quan niệm tương
tự. Cho dẫu được lồng vào trong cái
nhìn tôn giáo, khi tổng trấn Philatô ra lệnh hành quyết
một số người Galilê nổi loạn, thì
nhiều người Do Thái cho rằng những
người này lãnh một hình phạt tương xứng
với tội lỗi của họ. Họ là những con
người có tội cho nên cần phải bị trừng
trị. Số phận của 18 người bị tháp
Silôê đổ xuống đè chết cũng
được nhiều phán quyết tương tự:
họ bị Chúa trừng phạt vì họ là người
tội lỗi.
Cùng với tự do hạnh phúc và
những giá trị cơ bản khác, công lý là điều mà
con người không ngừng khao khát và tìm kiếm. Tuy nhiên
cái khái niệm công lý nơi con người thì hạn
hẹp và sự thực thi công lý lại càng bất toàn
hơn. Trong những chế độ độc tài, có
biết bao nhiêu người bị giam giữ vì bất
đồng chính kiến, có biết bao nhiêu người
chết rũ tù mà không hề
được xét xử. Còn nay trong những chế
độ thật sự có tự do, vẫn có biết bao
nhiêu người bị hàm oan, còn bao nhiêu kẻ gian ác thì vẫn
không hề sa lưới pháp luật.
Nơi đây, người ta đòi lập bản án tử hình. Nơi kia
người ta tranh đấu để bãi bỏ. Quả
thật trên trần gian này khát vọng về công lý của
con người không bao giờ được thỏa mãn
hoàn toàn. Chính vì thế mà khi nhận định về
số phận của những người bị Philatô sát
hại, cũng như những nạn nhân của vụ
tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa Giêsu đã
mời những người Do Thái của thời
đại này hãy vượt qua cái quan niệm thông
thường về công lý của con người:
"mắt đền mắt, răng đền
răng", "có vay có trả", "tôi cho bạn là
để bạn cho tôi lại". Đó là cái quan niệm
thông thường của con người về công lý. Tuy nhiên, khi đưa ra thí dụ về cây vả,
Chúa Giêsu lại đưa con người vào trong một cái
nhìn mới. Đó là cái nhìn của kiên
nhẫn, của khoan dung và tha thứ. Đó là cách
thế Thiên Chúa đối xử với con người. Theo công lý của loài người, thì cây vả
không sinh trái phải bị chặt quăng đi tức
khắc. Thế nhưng, cái nhìn của
Thiên Chúa là cái nhìn của "Đấng từ bi và hay
thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan
nhân" như chúng ta vừa đọc trong bài đáp ca.
"Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng", lời kêu gọi sám hối của
Chúa Giêsu luôn gắn liền với Tin Mừng của tình
yêu, của sự tha thứ, của lòng khoan dung vô bờ
của Thiên Chúa. Sám hối không chỉ là nhìn
nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, mà
thiết yếu là tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn
của mình và tin vào tình yêu của Thiên Chúa, đây cũng
chính là chìa khóa của sự hài hòa trong cuộc sống xã
hội.
Sau khi Đavít phạm tội ngoại
tình và giết người, ông vẫn ung dung tự tại
như không hề có gì xảy ra. Thế rồi, tiên tri
Nathan được Chúa sai đến gặp ông và kể
về chuyện bất công của một người hàng
xóm nọ. Đavít nổi giận, ông
đòi trừng trị tức khắc kẻ bất nhân.
Lúc bấy giờ Nathan mới nói: "Con người
bất nhân đó chính là ông". Lúc bấy
giờ Đavít mới chợt bừng tỉnh, ông nhận
ra cái thân phận tội lỗi yếu hèn của mình.
Chúng ta vốn mù quáng về mình nhưng lại nhạy
cảm trước sự yếu đuối của
người khác, đó là mầm móng của thái độ
bất khoan dung. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta
sám hối nghĩa là nhận ra thân phận tội lỗi
của mình, nhưng thiết yếu là phải tin
tưởng vào lượng khoan dung tha thứ của Thiên
Chúa. Cảm nhận được ơn tha thứ
của Chúa, chúng ta được mời gọi để
thể hiện chính sự tha thứ và khoan dung với tha
nhân. Quan hệ giữa người với người lúc
đó sẽ không còn là "mắt đền mắt,
răng đền răng" nữa, mà sẽ là thông
cảm tha thứ. Cuộc sống xã hội
sẽ không chỉ được điều khiển
bởi thứ công bình có vay có trả, mà cần phải
được xây dựng trên sự tha thứ, lòng quảng
đại vô vị lợi.
Thánh lễ chính là sự thể hiện
của ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta đến đây
để đón nhận ơn tha thứ một cách
nhưng không, chúng ta cũng được mời gọi
để thể hiện sự tha thứ một cách nhưng
không. Chỉ có điều kiện đó, chúng ta
mới xứng đáng cầu nguyện: "Xin Cha tha
nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng
con" trước khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô.
|