Cơ hội ân
điển cho người ta ăn năn
(Trích
trong ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)
Đang khi Chúa Giêsu khuyên giục các thính
giả ăn năn, thì có người thuật với Chúa
Giêsu chuyện rùng rợn về vụ Philatô giết
hại những người Galilê. Chắc người ta
tưởng Chúa sẽ đồng tình để tuyên
bố rằng số phận của những người
bị tàn sát ấy là đúng lắm, và ngài cũng rơi
vào lối nguỵ biện thường tình, là người
nào bị hành hạ nhiều chứng tỏ họ đã
phạm tội năng. Nhưng Chúa Giêsu trả lời
rằng người ta tạm thời chưa bị đau
đớn là dấu hiệu ân huệ đặc biệt
của Thiên Chúa. Tất cả những kẻ không ăn
năn chắc chắn sẽ phải chịu đau
đớn và xứng đáng với sự đau
đớn ấy. Nếu sự phán xét chưa đến
thì sự trì hoãn ấy là cơ hội ân điển cho
người ta ăn năn.
Chúa Giêsu nhấn mạnh chân lý ấy
bằng cách nói thêm một tai hoạ về mười tám
người bị tháp đổ đè chết, không nên xem
số phận của họ như là dấu hiệu
họ đã phạm trọng tội, mà như là lời
cảnh cáo kẻ khác nếu không ăn năn thì cũng
phải chịu một số phận như vậy. Trong
trí Chúa Giêsu hiện ra hình ảnh của nước Israel, Ngài lại nhấn mạnh lời kêu
gọi ăn năn bằng hình ảnh cây vả không sinh
trái. Đó là biểu hiệu thật của quốc gia này
và cũng tượng trưng cho mọi linh hồn không
ăn năn. Chúng ta cần tìm hiểu chi tiết hơn.
Ở đây chúng ta được nghe nói đến hai tai
hoạ mà chúng ta chưa có thông tin nên chỉ có thể
phỏng đoán thôi. Trước hết là những
người Galilê bị Philatô giết đang lúc dâng lễ
tế. Như chúng ta đã biết, người Galilê
rất dễ hưởng ứng những cuộc bạo
động chính trị, bởi vì họ là dân dễ bị
kích động, lúc đó Philatô đang ở trong một
cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Ông đã có một quyết
định rất tốt rằng Giêrusalem cần có
một hệ thống dẫn nước mới và tân
tiến hơn. Ông chủ trương xây cất hệ
thống đó, và để đài thọ cho việc này,
ông đề nghị dùng một số tiền của
Đền Thờ. Đó là mục tiêu đáng khen và sự
chi phí đó có lý do chính đáng. Nhưng chỉ tư
tưởng sử dụng tiền của Đền
Thờ cũng đủ khiến dân Do Thái cầm vũ khí
chống lại. Khi dân chúng tụ tập lại thì Philatô
cho lính của ông cải trang trà trộn với họ. Chúng
được lệnh mang gậy thay vì gươm.
Đến lúc được báo hiệu, chúng xông vào dân
chúng và phân tán họ. Việc đó đã diễn ra đúng
nhưng bọn lính đã hành động rất hung dữ,
đi quá lệnh trên, gây thiệt mạng cho một số
thường dân. Điều gần như chắc chắn
là người Galilê có tham gia trong cuộc nổi loạn
này. Chúng ta biết rằng Philatô và Hêrôđê thù địch
nhau, rất có thể chính vì vụ lộn xộn kể
trên mà mối thù đó đã bắt Chúa Giêsu. Họ chỉ
hoà thuận với nhau khi Philatô gởi Chúa Giêsu đến
cho Hêrôđê xét xử (Lc 23,6-12).
Còn về phần mười tám
người bị tháp Silôê đổ xuống đè
chết, cho đến nay vẫn còn là một sự
kiện bí mật. Có bản văn dịch họ là tội
nhân, nhưng dịch họ là những kẻ mắc nợ
thì đúng hơn. Chúng ta có chút tia sáng ở đây. Có
người cho rằng họ đã lãnh việc xây ống
dẫn nước của Philatô, một công việc mà dân
chúng ghét. Vì vậy, số tiền công họ lãnh đều
là tiền của Chúa và đáng lẽ họ phải tình
nguyện trả lại vì tiền đó đã lấy
trộm của Ngài. Khi tháp Silôê đổ xuống trên
họ thì dân chúng cho rằng vì họ đã bằng lòng làm
công việc đó.
Nhưng đoạn Kinh Thánh này còn đi
xa hơn vấn đề lịch sử nữa.
Người Do Thái đã nghiêm khắc kết buộc
đau khổ và tội lỗi với nhau. Trước
đó rất lâu, Êlipha đã nói với Gióp rằng: “Có ai vô
tội mà bị tiêu diệt đâu?” (G 4,7). Đây là một
giáo lý độc ác, cay nghiệt như Gióp đã biết
rõ. Chúa Giêsu đã bác bỏ thuyết đó đối
với một số trường hợp cá nhân. Như
chúng ta biết rõ, thường những thánh nhân là những
người chịu đau khổ nhiều nhất. Chúa
Giêsu còn đi xa hơn nữa và nói rằng nếu các thính
giả của Ngài không chịu ăn năn thì họ
cũng sẽ bị tiêu diệt, Chúa Giêsu ngụ ý gì ở
đây? Một điều thật rõ ràng. Chúa Giêsu thấy
trước và nói trước về sự tàn phá thành
Giêrusalem là việc xảy ra sau đó vào năm 70 SC (x. Lc
19,21-24). Chúa Giêsu biết rõ nếu người Do Thái cứ
tiếp tục âm mưu bạo động và những tham
vọng chính trị thì họ chỉ đưa quốc gia
đến chỗ tự sát mà thôi. Ngài biết rõ cuối
cùng quân La mã sẽ đến và tiêu diệt quốc gia này,
việc đã xảy ra đúng như vậy. Cho nên, Chúa
Giêsu muốn cảnh cáo rằng, nếu họ cứ
tiếp tục tìm kiếm một vương quốc
trần gian và chối bỏ Nước Thiên Chúa thì họ
chỉ đi vào chỗ chết mà thôi.
Đặt vấn đề như
vậy thoạt nghe có vẻ đầy mâu thuẫn.
Điểm đó có nghĩa là chúng ta không thể nói
rằng đau khổ cá nhân và tội lỗi tất
phải theo nhau, nhưng có thể nói rằng tội
lỗi của quốc gia và đau khổ của quốc
gia thì liên quan chặt chẽ với nhau. Quốc gia nào
lựa chọn con đường xấu để đi
thì cuối cùng sẽ bị khổ vì đó. Nhưng trong
trường hợp cá nhân thì khác. Cá nhân không phải là
một đơn vị lẻ loi, song được liên
kết vào trong một khối của cuộc đời.
Điều thường thấy là cá nhân có thể phản
đối, và phản đối mãnh liệt
đường lối mà quốc gia đang theo
đuổi, nhưng khi hậu quả do đường
lối đó đem lại xảy ra thì người ấy
cũng bị chìm lẫn trong hoàn cảnh mà mình đã không
tạo nên, sự đau khổ của y không hẳn là
lỗi của y. Nhưng quốc gia là một đơn
vị và tuỳ theo đường lối nó lựa
chọn mà gặt lấy hậu quả. Quy đau khổ
của một người cho tội lỗi của
người đó trong cuộc sống trên trần thì bao
giờ cũng là một ý kiến nguy hiểm, nhưng
bảo rằng quốc gia nào chống lại Thiên Chúa
sẽ bị diệt vong thì đó là một phát biểu
đúng đắn.
Chúa Giêsu minh hoạ ý tưởng trên
bằng dụ ngôn cây vả không sinh trái, đây là câu
chuyện vừa chứa đầy ân sủng vừa mang
nhiều cảnh cáo đáng sợ.
1. Cây
vả chiếm được một chỗ đất
tốt hơn các cây khác.
Ở xứ Palestine, người ta
thường thấy cây vả, cây gai và cây táo trong những
vườn nho. Đất mỏng và cằn cỗi
đến nỗi bất kỳ ở đâu có đất,
người ta cũng trồng cây. Nhưng thực tế
là cây vả này được đặc ân hơn, nhưng
nó lại tỏ ra không xứng đáng với đặc ân
đó. Chúa Giêsu đã nhiều lần trực tiếp hoặc
gián tiếp nhắc nhở dân chúng rằng họ sẽ
bị đoán xét tuỳ theo những cơ hội may
mắn mà họ đã có. Có người đã nói về
thế hệ chúng ta rằng: “Chúng ta được ban cho
nhiều sức lực, nhưng chúng ta đã sử
dụng như những học trò vô trách
nhiệm”. Không hề có một thế hệ nào
được hưởng dùng quá nhiều như thế
hệ chúng ta, và vì chưa hề có một thế hệ nào
mang nặng trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa
như vậy.
2. Rõ ràng
là dụ ngôn dạy chúng ta rằng một đời
sống vô ích sẽ đưa tới thảm bại.
Thế giới này phải đi trên con
đường tiến hoá, tất cả cuộc tiến
hoá nhằm sản sinh những gì có ích lợi, điều
gì có ích cứ mạnh mẽ phát triển trên con
đường tiến hoá, trong khi những gì vô ích sẽ
bị tiêu diệt. Câu hỏi khúc mắc nhất dành cho
mỗi người chúng ta là: “Chúng ta sống trên thế
gian này để làm gì?”.
3. Hơn
nữa, dụ ngôn cũng dạy rằng những gì
chỉ biết tiêu thụ thôi thì không thể tồn
tại được.
Cây vả kia cứ rút lấy sức
lực của đất mà không sản sinh gì cả. Đó
chính là tội của nó, xét cho cùng có hai hạng
người trên thế giới: những người
“cầu” nhiều hơn “cung” và những người “cung”
nhiều hơn “cầu”. Theo một phương diện,
chúng ta đều mắc nợ cuộc sống. Chúng ta vào
đời trong sự nguy hiểm tính mạng của
người khác, chúng ta hẳn đã không còn sống
đến nay nếu không có sự săn sóc của của
những người thương yêu chúng ta. Chúng ta đã
thừa hưởng một nền văn minh mà không
bởi công sức của chúng ta tạo ra. Chúng ta có trách nhiệm
phải làm cho mọi sự trở nên tốt hơn lúc
chúng mới tiếp cận chúng ta. Abraham Lincoln đã nói:
“Tôi chết lúc nào cũng được, nhưng tôi
muốn người ta nói về tôi rằng: tôi đã
nhổ một cây cỏ và trồng một cây hoa ở
nơi nào tôi nghĩ cây hoa có thể mọc”. Có một học
trò được quan sát vi trùng dưới kính hiển vi.
Cậu được thấy rõ một thế hệ
những con vật li ti đó sinh ra, chết đi, thế
hệ khác sinh ra thế nào… Trước đó, cậu
chưa hề được thấy thế hệ này
tiếp nối thế hệ trước như thế
nào. Cậu nói: “Theo như điều tôi đã xem thấy,
tôi tự hứa mình sẽ không bao giờ làm một vòng
nối yếu đuối”. Nếu chúng ta cũng biết
tự hứa như vậy thì ta sẽ làm tròn trách
nhiệm, là đem vào đời sống ít ra cũng
bằng phần chúng ta lấy đi.
4. Dụ
ngôn này dạy chúng ta về phúc ân của cơ may thứ hai.
Một cây vả thường phải
ba năm mới trưởng thành, nếu lúc đó nó không
sinh trái, chắc không bao giờ sinh trái nữa. Nhưng cây
vả này được ban cho một cơ may nữa. Chúa
Giêsu bao giờ cũng ban cho người ta hết những
cơ may này đến cơ may khác. Phêrô, Marcô, Phaolô rất
hoan hỉ làm chứng về điều đó. Thiên Chúa vô
cùng nhân từ với kẻ nào sa ngã rồi trỗi
dậy.
5.
Nhưng dụ ngôn này cũng quả quyết về
việc có một cơ may cuối cùng.
Nếu chúng ta từ chối hết
cơ may này tới cơ may khác, nếu tiếng kêu mời
của Thiên Chúa cứ trở đi trở lại với
chúng ta cách vô ích thì đến một ngày, không phải Thiên
Chúa đóng cửa lại, nhưng chính chúng ta tự ý
đóng cửa lòng mình với Thiên Chúa. Nguyện Chúa cứu
chúng ta khỏi điều đó. “Hôm nay là ngày thuận
tiện, hôm nay là ngày cứu độ”.
|