Những câu chuyện biến
hình
(Suy niệm của Lm
Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Tác giả cuốn sách The Seven Habits of
Highly Effective People (“Bảy Thói Quen Của Người Làm
Việc Có Hiệu Quả”), Steve Covey, trên một chuyến
xe điện ngầm tại thành phố New York vào một
sáng Chúa nhật, đã thu được một kinh nghiệm
sống rất quí như sau. Steve kể:
Mọi
người ngồi yên lặng. Vài kẻ đang đọc báo. Số khác
đang chập chờn ru giấc
ngủ. Số khác nữa đang suy nghĩ
miên man. Thật là một cảnh yên tĩnh, thanh bình.
Tàu dừng lại tại một nhà ga.
Một người đàn ông và mấy đứa nhỏ,
có lẽ là con ông ta, bước lên. Lập
tức bầu khí yên bình bị phá tan. Những
đứa bé la hét om sòm. Chúng
vất đồ đạc qua lại. Thậm
chí còn lấy báo của người khác vò lại ném nhau.
Thật là phiền hà hết sức! Nhưng sao
người cha của mấy đứa bé kia
lại không có phản ứng nào?
Steve cảm thấy bực bội khó
chịu trước thái độ của cha con những
người khách mới. Anh ta không thể hình dung ra
được trên đời này lại có những kẻ
vô cảm và vô tâm như gã đàn ông kia.
Con cái quậy phá làm phiền biết bao nhiêu người,
thế mà vẫn cứ ngồi im. Steve quan sát và thấy
nhiều hành khách khác cũng có vài nếp nhăn khó
chịu.
Cuối cùng, khi sức kiên nhẫn
đã vượt mức tối đa, Steve bèn lên tiếng
với người bố: “Thưa ông, con ông đang làm
phiền nhiều người lắm đấy. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông không làm gì
để kiềm chế chúng một chút.” Người đàn ông nhướng mắt nhìn
Steve như vừa sực tỉnh lại từ một
ưu trầm lắng. Nén tiếng thở dài, ông ta
nói: “Tôi thành thật xin lỗi. Tôi cũng không
biết phải làm sao. Chúng tôi mới
rời khỏi bệnh viện nơi mẹ chúng nó vừa
qua đời cách đây một giờ. Tôi suy nghĩ
mãi mà không biết cuộc đời rồi đây sẽ
ra sao khi không còn nhà tôi, và chắc là chúng nó cũng không
biết chịu đựng thế nào khi chẳng còn có
mẹ.”
Steve kết luận bài viết của
mình: “Bạn có thể tưởng tượng
được cảm giác của tôi lúc đó như
thế nào không? Ngay lập tức tôi thấy
mọi sự đổi khác. Vì thấy mọi sự
đổi khác nên thái độ của tôi cũng
đổi theo. Cơn khó chịu bực
bội trong tôi biến mất. Thay vào đó là niềm
cảm thông cho nỗi đau của người chồng
mất vợ và những đứa con mất mẹ.”
Nhờ “thấy” được
chiều sâu tâm hồn của cha con người
đồng hành mà Steve đã thắng vượt những
khó chịu bực bội trong mình, và sau đó đã
đến với họ bằng tâm tình cởi mở chân
thành. Phải chăng
trong đời sống, người ta cũng cần có con
mắt nội tâm để “thấy” được
nền tảng và ý nghĩa của cuộc đời hầu
có những thái độ và cách sống thích hợp?
Phải chăng nhờ sự biến hình trên núi Tabor, các
môn đệ đã “thấy” được hình ảnh
phục sinh vinh quang của Đức Giêsu, để
từ đó họ bớt nao núng khi bước vào nẻo
đường thánh giá và đón nhận khổ nạn
với Ngài? Phải chăng đời ta và đời
người cũng cần những giây phút biến hình
để dung nhan Thiên Chúa, trong tha nhân và nơi mình tôi,
được bừng sáng, đón nhận, và
tin yêu hơn?
Trong một bài báo tự thuật, Malcolm
Muggeridge có kể lại việc nhóm chuyên viên truyền hình
của anh ta cố gắng thực hiện một bộ
phim tài liệu về Mẹ Têrêsa Calcutta. Họ muốn quay cảnh mẹ cùng
các chị nữ tu Bác ái đang làm việc trong căn nhà
Hấp Hối, bên cạnh những kẻ sắp từ
biệt cõi đời. Thế nhưng nhóm của Malcolm
đã gặp phải một vấn đề khó khăn:
căn phòng họ tính quay phim hơi tối, không đủ
ánh sáng cần thiết cho việc thâu hình, mà trong nhà lại
không có một ổ cắm điện nào cả. Tuy nhiên,
sau khi bàn thảo, họ quyết định cứ
tiến hành thu hình trong cảnh tranh sáng
tranh tối của căn phòng Hấp Hối. Nhưng rồi, kết quả, trước bao
cặp mắt ngạc nhiên, những thước phim thâu
được lại tuyệt vời quá sức
tưởng tượng. Ánh sáng trong các hình ảnh
đạt đến mức độ hoàn hảo.
Dường như đã có một luồng sáng ấm
dịu nào đó phát ra trong lúc họ đang quay phim. Malcolm,
người mà sau này trở thành một Kitô hữu, lúc
bấy giờ đã bị thuyết phục hoàn toàn
với ý nghĩ là ánh sáng đã phát ra từ tình
thương mà người ta có thể bắt gặp
khắp nơi trong căn nhà Hấp Hối kia.
Malcolm viết lại trong nhật ký của mình: “Chính tình
yêu đã chiếu sáng, một thứ ánh sáng giống như
hào quang trên đầu các thánh mà tôi từng được
xem thấy.”
Phải
chăng đó cũng là thứ ánh sáng mà Đức Giêsu
đã tỏ cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacobê
khi Ngài biến hình trước mặt các ông? Trong cuộc
biến hình này, các môn đệ được nghe một
lời phán bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, kẻ Ta
đã chọn, các ngươi hãy nghe lời Ngài” (Lc 9:35). Trong chương kế tiếp, Thánh
sử Luca đã khéo léo trình bày việc “nghe lời”
Đức Giêsu không gì khác hơn là ra đi rao giảng Tin
mừng Tình thương. Chương 10 đã kể
việc Chúa sai 72 môn đệ lên đường truyền
giáo, đồng thời cũng làm nổi bật giáo lý
của Đấng Cứu Thế qua câu hỏi “giới
răn nào trọng nhất” của một luật sĩ và
qua câu chuyện “Người Samari Nhân Hậu” như
những minh hoạ cho giáo lý yêu thương. Cao
điểm của cuộc biến hình là lời mời
gọi “Hãy nghe Ngài”. “Nghe Ngài” là
để tiếp nối những cuộc biến hình khác,
giữa cuộc đời này, bằng tình yêu. Chính
nhờ tình yêu mà Mẹ Têrêsa đã biến những thân xác
tanh hôi, đau yếu, bị bỏ rơi, nên những con
người có đầy đủ phẩm giá và đáng
tôn trọng. Chính nhờ tình yêu mà mẹ đã biến
đổi tâm hồn của Malcolm, một kẻ “coi
trời bằng vung”, nên cung điện tươi xinh cho
Thiên Chúa ngự trị. Không phải Chúa Giêsu đã từng
nói: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ
biết các ngươi là môn đệ của Ta: ấy là
các ngươi có lòng mến thương nhau” (Ga 13:35)? Chính với yêu
thương, cảm thông, cứu giúp, chia sẻ mà tha nhân
thấy được dung mạo của Đức Kitô
trong cuộc đời của bạn và tôi. Ước gì tình yêu thương nhau sẽ
biến hình đời ta và biến đổi đời
người. Ước gì tình yêu đó cũng giúp ta
thắng vượt bao gian nan, trắc
trở, và khổ giá trên đường đời,
để tiến đến một ngày Phục sinh
tươi sáng.
|