Lên núi
Trong Thánh Kinh cũng như trong hầu
hết các tôn giáo, núi thường được xem là
nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa
thần linh và con người. Những mạc khải quan trọng
trong Thánh Kinh đều diễn ra trên núi. Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai
để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận
lề luật cho dân riêng. Elia đã ròng
rã 40 ngày đêm lên núi Horeb để gặp gỡ Chúa.
Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện với Chúa Cha.
Chúa Giêsu lên núi giảng dạy về các
mối phúc.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng
nói đến việc Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên
núi với Chúa. Chúng ta hãy
cùng nhau tìm hiểu xem: Tại sao Chúa Giêsu lại đưa
ba môn đệ lên núi với Chúa? Cuộc lên
núi này có ý nghĩa gì đối với các môn đệ và có
ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta
hôm nay?
Phêrô, Giacôbê và Gioan đã bỏ
thuyền, bỏ lưới mà theo
Đức Giêsu, sự sợ hãi ban đầu đã
nhường chỗ cho lửa nhiệt tình và những
lời hứa về Nước Trời đã chắp cánh
cho họ. Cho tới lúc Phêrô đại diện cho anh em
tuyên xưng niềm tin vào Thầy là: “Đấng Mêsia
của Thiên Chúa” – tám ngày trước biến cố lên núi –
thì hành trình theo Chúa của các ông quả là tràn ngập
niềm vui: Thầy đi đến đâu dân chúng đi
theo đến đó, để lắng nghe Thầy
giảng dạy và để được Thầy
chữa lành mọi bệnh tật. Thầy nổi
tiếng trò cũng được thơm
lây. Các nhà lãnh đạo tôn giáo như nhóm
Biệt phái và Luật sĩ có lên giọng hạch sách,
bắt bẻ ư? Lập tức
Thầy liền khoá miệng họ bằng
những lời lẽ thật khôn ngoan. Các môn
đệ ngỡ rằng hành trình theo
Chúa cứ thế mà xuôi chèo mát mái.
Nhưng chính lúc này đây, Thầy
lại bảo rằng: “Con Người phải chịu
nhiều đau khổ, bị hàng niên trưởng và các
thượng tế cùng ký lục khai trừ, bị
giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại”, và
chính các ông sẽ phải “vác thập giá của mình
để theo Người”. Rồi
Thầy hứa thêm rằng: “Một số người
sẽ không phải nếm cái chết, trước khi
thấy Nước Thiên Chúa”.
Từng say sưa với những thành
công vang dội của Thầy làm sao các môn đệ có
thể chấp nhận Thầy bị bắt bớ,
bị giết chết. Từng tuyên xưng
Thầy là Đấng Mêsia làm sao họ có thể chấp
nhận Đấng Cứu Thế cũng phải trải
qua đau khổ, sự chết. Từng mơ
ước theo Thầy sẽ làm nên
sự nghiệp lớn, làm sao họ có thể chấp
nhận từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Thầy. Rồi còn lời hứa của Thầy? Không thể hiểu nổi, không thể chấp
nhận, họ hoang mang, lo lắng, thất vọng. Chính lúc này đây, Chúa Giêsu đưa họ lên núi
với Chúa.
Ba môn đệ đã được
đưa lên núi biến hình với Chúa. Một khi đã leo
lên trên đó, các ông được đi vào một thế
giới khác xem ra vừa kỳ diệu vừa lạ lùng,
một thế giới biến đổi ý nghĩa
đời họ.
Từ trên núi, Chúa Giêsu đã tỏ vinh
quang của Người cho các môn đệ. Từ trên núi, Phêrô, Giacô bê và Gioan đã
nhận ra được Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là
Đấng được Chúa Cha sai đến và cao
điểm sứ mệnh cứu độ của
Người là đón nhận đau khổ và cái chết mà
Ngài sắp trải qua tại Giêrusalem. Và các ông cũng
phải vác thập giá mình mà theo
Người, phải vâng nghe lời Người. Từ
trên núi, các môn đệ đã thấy vinh quang của Chúa
như một lời hứa được thực
hiện, như thành tựu của một sứ mệnh,
như đích điểm của một con
đường – con đường thập giá dẫn
đến vinh quang.
Nhưng tiếp đó, họ phải
xuống núi trở về với cuộc sống
thường ngày.
Người ta không lên núi để ở lại đó mà là
để nhìn rõ hơn con đường phải đi.
Đối với Chúa Giêsu, con đường đó là
đau khổ và cái chết đang chờ đợi
Người và Người đã xuống núi để giáp
mặt với đời, để tiếp tục hành
trình qua đau khổ, thập giá đến vinh quang.
Từ trên núi, Chúa Giêsu cũng muốn đưa các môn
đệ xuống núi trở lại với đời thường,
trở lại gian lao, thử thách
đang chờ họ.
Như thế, từ những
người mù mờ về con người và sứ
mệnh của Thầy, các môn đệ đã
được hé mở cho thấy Thầy chính là Con Thiên Chúa
và là Đấng cứu độ trần gian. Từ những người coi khổ nạn
thập giá là cớ gây vấp phạm, các môn đệ
đã nhận ra khổ nạn thập giá là con
đường phải đi qua để đến
được vinh quang.
Có thể nói rằng, cuộc lên núi
với Chúa của các môn đệ đã thực sự
biến đổi ý nghĩa cuộc đời họ. Còn mỗi người
chúng ta thì sao? Cuộc lên núi với Chúa có
ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta?
Có thể nói, ba môn đệ trong Tin
Mừng hôm nay là hình ảnh của mỗi Kitô hữu chúng
ta. Trong hành trình
đức tin, cho dù có say ngủ và thổn thức bất
an hay sa lầy trong thói tật xưa
cũ trên đường, chúng ta vẫn được
Chúa mời gọi lên núi với Chúa. Vẫn có những giây
phút chúng ta được đưa lên núi với Chúa: Núi
của thánh lễ, núi của những phút giây cầu
nguyện, núi của những lần hồi tâm sám hối
trở về, núi của những dịp tĩnh tâm mùa chay.
Đối với chúng ta, đó là những giây phút lên núi vắn
vỏi để gặp gỡ Chúa, để lắng nghe,
để chiêm niệm, để biến hình, rồi sau
đó xuống núi với niềm phó thác, dấn thân sâu xa
hơn trong mịt mờ sương mù của những cái
thường ngày.
Nếu việc Chúa đưa ba môn
đệ lên núi với Chúa đã làm cho tâm hồn các môn
đệ được bình an, từ đó Người
đã cùng với các ông từng ngày một đến
gần cuộc thương khó và tử nạn mà Chúa Cha
muốn để cứu độ nhân loại. Đối với chúng ta đó là
được an bình trong những
thử thách cam go, đồng thời tăng thêm nghị
lực để chúng ta đi tới với thập giá trên
vai, tiến về vinh quang nước trời.
Vấn đề còn lại là chúng ta
biết theo Chúa lên núi, ở với Người một
đôi phút trong mỗi ngày sống, nhìn thấy Người
trong những biến cố lớn nhỏ của
đời mình, của dòng lịch sử cứu
độ, và lịch sử con người. Người
còn đó khuôn mặt Người rạng rỡ yêu
thương, để chúng ta tin tưởng Người
và làm hết những gì mà chúng ta có thể làm, để cho
từng ngày sống của chúng ta tốt đẹp
hơn.
Chính vì biết các môn đệ yếu
đuối mà Chúa Giêsu đã đưa các ông lên núi với
Chúa, cho các ông được chiêm ngắm vinh quang của
Người dù chỉ trong chốc lát, để củng
cố niềm tin cho các ông trong bước đường
khổ nạn sắp tới. Hôm nay, Chúa biết chúng ta
cũng yếu đuối, dễ sa ngã.
Và như ba môn đệ cũng sắp sửa cùng Chúa
bước vào tử nạn, vì thế Chúa cũng mời
gọi chúng ta lên núi với Chúa, để gặp gỡ
Chúa, sống với Chúa và để Chúa củng cố
đức tin cho chúng ta.
Ước mong mỗi thánh lễ Chúa
nhật trong mùa chay này thực sự là một cuộc lên
núi với Chúa của mỗi người chúng ta. Để nhờ đó, chúng ta có
đủ sức mạnh và vững tin dấn bước
vào đời, chấp nhận cuộc sống với tinh
thần lạc quan, chấp nhận vác thập giá mà không
bỏ cuộc, chấp nhận bước theo Chúa trên con
đường qua tử nạn – thập giá, đến
Phục sinh – vinh quang.