Hành trình đức tin – Lm Giuse
Nguyễn Hữu An
Sau
biến cố Gioan Tẩy Giả bị chém đầu (Mt
14,1-12; Mc 6,14-29), Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ
nạn sắp tới, Người sẽ lên Giêrusalem
để chịu thương khó và chịu chết. Một đám mây đen che phủ các môn
đệ.
Họ chao đảo niềm tin. Phêrô đại diện
anh em phản đối kịch liệt. Phêrô không chấp nhận thập giá khổ
nhục. Để khai quang đám mây
đen đó và để cũng cố niềm tin cho các môn
đệ, Chúa Giêsu đưa họ lên núi Tabor. Người biến hình, cho họ thấy một
thoáng Phục sinh trước Phục sinh, cho họ
hưởng nếm một chút Thiên đàng trước
Thiên đàng. Nhờ đó các môn
đệ thêm niềm tin, thêm mạnh mẽ, thêm xác tín.
Chúa đưa ba môn đệ lên núi cao. Các ông được
đi vào một thế giới vừa kỳ diệu
vừa lạ lùng, làm biến đổi ý nghĩa cuộc
đời.
Các
ông thấy: "Dung mạo Người bỗng đổi
khác, y phục Người trở nên rực rỡ,
trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt
trắng được như vậy" (Mc 9,3); "Dung
nhan Người chói lọi như mặt trời, và y
phục Người trở nên trắng tinh như ánh
sáng" (Mt 17,2); "Đang lúc Người cầu
nguyện, dung mạo Người đổi khác, y phục
Người trở nên trắng tinh chói lòa" (Lc 9,29). Khi
biến đổi hình dạng nên sáng láng, Chúa Giêsu cho các
tông đồ thoáng nhận ra vinh hiển tương lai
của Người.
Suy
niệm biến cố Biến Hình, Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI viết : "Chính nơi
đây nổi bật sự liên hệ và sự khác biệt
với gương mặt ông Môisen: "Khi ông Môisen từ
trên núi Sinai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước,
khi xuống núi, ông Môisen không biết rằng da mặt ông
sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa"
(Xh 34,29-35). Qua việc đàm đạo với Thiên Chúa, ánh
sáng của Thiên Chúa chiếu sáng trên ông và làm cho ông sáng chói.
Như thế, ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào ông làm cho ông
sáng chói. Đức Giêsu chói sáng tự bên trong, không những
Người đón nhận ánh sáng mà chính Người là ánh
sáng bởi ánh sáng". (x.Đức Giêsu
thành Nazareth, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh biên dịch,
trang 268).
Cuộc kết hiệp đã đưa
Chúa Giêsu đi vào thiên giới. Cảnh vật chung quanh cũng
biến đổi theo cuộc kết hiệp vĩ
đại đó: "Y phục Người trở nên
trắng tinh chói lòa". Cuộc kết
hiệp thần kỳ đã mở ra tất cả bí
mật của thế giới Thiên Chúa. Rõ nét nhất
là tương quan phụ tử: "Đây là Con Ta,
người đã được Ta tuyển chọn"
(Lc 9,35). Tiếng Chúa Cha phán
ra từ đám mây bao phủ các ông. Đám
mây thiên linh, là dấu chỉ sự hiện diện của
Thiên Chúa. Đám mây ngự trên Lều
Hội Ngộ cho thấy sự hiện diện của
Đức Chúa. Đức Giêsu là Lều Thánh, đám
mây của sự hiện diện Thiên Chúa đậu trên
Người và từ đó cũng sẽ "bao
phủ" mọi người. Sự kiện thánh tẩy
Đức Giêsu được tái hiện, nơi đó Chúa
Cha từ đám mây công bố Đức Giêsu là Con: "Con
là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1,11). (sđd, trang 172).
Các
môn đệ còn thấy: "Có hai nhân vật đàm
đạo với Người, đó là ông Môsê và ông
Êlia". Đây là hai nhân vật quan trọng
nhất trong Cựu ước, đại diện cho hai
thực tại quan trọng nhất của Do Thái giáo.
Môisen đại diện cho luật pháp. Êlia đại diện cho các ngôn sứ. Hai ông là biểu tượng tiên báo sự ra
đời của Đức Giêsu. "Lề
luật và ngôn sứ đàm đạo với Đức
Giêsu và nói về Người. Trong một chú thích
ngắn ngũi, thánh Luca trình thuật cho chúng ta về
điều hai chứng nhân của Thiên Chúa nói với
Đức Giêsu: "Hai vị hiện ra, rạng ngời
vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người
sắp hoàn thành tại Giêrusalem" (Lc 9,31).
Đề tài đàm đạo của các ngài
là thập giá, nhưng hiều ngầm là cả cuộc
"Xuất hành của Đức Giêsu" phải
diễn ra tại Giêrusalem. Thập giá
Đức Giêsu là cuộc xuất hành, một việc
bước ra khỏi cuộc sống này, vượt qua
Biển Đỏ của cuộc khổ nạn và tiến
đến vinh quang, dù vẫn còn mang thương tích
của cuộc khổ nạn" (sđd trang 268).
Ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê có
những trải nghiệm tuyệt vời về Thầy
của mình. Cũng
vẫn là Đức Giêsu bằng xương bằng
thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp
xúc hằng ngày, nhưng lần này, các ông được
nhìn thấy Người dưới một dung mạo
mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy
uy nghi. Các ông vững lòng tin tưởng.
Trên núi cao, Chúa Giêsu gặp gỡ thân
mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Các môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh
phúc tuyệt vời. Các ông muốn ở
lại trên núi để sống niềm hạnh phúc
ngập tràn ấy. Các ông muốn níu kéo khoảnh
khắc thần tiên ấy lại nên Phêrô thay mặt anh em
thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con ở
đây, thật là hay! Chúng con xin dựng tại đây ba cái
lều, một cho Thầy, một cho ông Môisen, và một cho
ông Êlia". Phêrô muốn dừng lại
để định cư với những túp lều lý
tưởng trên núi cao.
Các môn đệ muốn đăng ký
thường trú trên núi Tabor, muốn đắm mình trong hào
quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn
đồng môn, các cuộc truyền giáo của Thầy.
Họ muốn xa rời dân chúng đang khao
khát Lời Chúa. Nhưng Chúa Giêsu
đưa các môn đệ trở xuống. Người chỉ lên đỉnh Tabor trong
chốc lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập
giá lên núi Golgotha.
Xuống núi để chu toàn nhiệm
vụ trần gian. Chúa Giêsu phải chịu
khổ nạn, chịu chết rồi mới Phục Sinh
mở lối vào thiên đàng. "Cảm nghiệm
sự kiện Hiển Dung đã giúp cho thánh Phêrô nhận
thức trong lúc ngất trí, những thực tại
được biểu trưng trong các nghi thức của
ngày lễ đã được hoàn tất, biến cố
Hiển Dung loan báo thời đại Messia đã bắt
đầu. Mãi khi xuống núi, thánh Phêrô lại phải học
hỏi một lần nữa, thời đại Messia
trước tiên là thời đại của thập giá và
việc Hiển Dung, Chúa biến dạng thành ánh sáng, sẽ
bao trùm chúng ta trong ánh sáng của cuộc khổ
nạn." (sđd trang 269).
Chứng kiến Chúa Hiển Dung,
thấy rõ tất cả sự thật về Thầy, các
môn đệ vững tin hơn. Từ nay, các ông tin tưởng tuyệt đối
"Người có quyền năng khắc phục muôn
loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến
đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân
xác vinh hiển của Người" (Pl 3,21).
Sự
kiện Chúa Giêsu biến hình cùng với sự xuất
hiện của hai chứng nhân Cựu Ước, Môisen và
Êlia, thêm một lần nữa, khẳng định sứ
mệnh của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Và còn
hơn thế nữa, lời Chúa Cha giới thiệu:
"Này là con Ta, người được Ta tuyển
chọn, hãy vâng nghe lời Người". Mọi
người, mọi thời phải nghe Lời Chúa Giêsu, vì
đây là Lời Chúa Cha, vì chỉ một mình Chúa Giêsu là
Thầy mà thôi. Những chứng cứ về Chúa Giêsu là
Đấng Cứu Thế thật quá rõ ràng. Con
người muốn được sống và hưởng
vinh quang Thiên Chúa, điều kiện cần và đủ,
là tin vào Chúa Giêsu Kitô.
"Vâng
nghe lời Người" là tất cả những gì
cần thiết để con người đi đến
bến bờ vinh quang của Thiên Chúa. Đó là cuộc hành
trình của Đức Tin : "Con
người trên đường lữ hành về với
Đấng Tuyệt Đối. Đời sống con
người trên trái đất là một cuộc lữ
hành. Đức Tin lữ hành của con người
hướng con người về Thiên Chúa, giúp con
người chọn lựa những gì sẽ làm cho mình
đạt tới sự sống vĩnh hằng. Do vậy, mỗi giây phút trong cuộc lữ hành
trên trái đất đều quan trọng, quan trọng
với những thách đố và chọn lựa của
nó" (x.Tiến về ngàn năm thứ ba, ĐGH Gioan
Phaolô II).
Tin vào Đức Kitô là đi con
đường Thập Giá cùng với Người. Muốn ở lại trong vinh quang
của Đức Kitô, phải vác thập giá với
Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9,23).Vác
thập giá hằng ngày là chấp nhận những khổ
đau theo thánh ý Chúa, là đối diện với những
thách đố của cuộc đời với lòng thanh
thản trong sự phó thác vào tình yêu Thiên Chúa, là biết
từ bỏ và chọn lựa những gì cần thiết
để nuôi dưỡng niềm tin vào Thiên Chúa. Cuộc lữ hành Đức Tin đầy
hiểm nguy sóng gió. Satan "như sư tử
gầm thét, ngày đêm rình mò chờ chực cắn xé"
(1 Pr 5,8).Satan luôn rình rập chung quanh chúng
ta, nó "chờ đợi thời cơ" (Lc 4,13)
thuận tiện và khai thác tất cả mọi thứ
trong cuộc sống để làm lung lay niềm tin của
chúng ta,
Nếu
chúng ta"có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù
anh em có bảo núi này 'rời khỏi đây, qua bên kia !' nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có
gì mà anh em không làm được" (Mt 17,20-21). Sức
mạnh đức tin thật lớn lao!
Bài đọc 1 kể về đức
tin của Abraham. Nhờ
"tin Đức Chúa" (St 15, 6), Abraham được
"Đức Chúa lập giao ước" (St 15,18). Không những thế, ông còn trở thành
tổ phụ của dòng dõi đông như sao trên trời
(x. St 15,5). Nhưng trên hết, nhờ
lòng tin, ông được "Đức Chúa kể ông là
người công chính" (St 15,6). Lòng tin
đã thực hiện một cuộc biến hình ngoạn
mục trong đời Abraham. Đức tin đã khiến
Abraham vượt núi băng rừng đến miền
đất hứa.
Đất hứa đó, ngày nay không
đóng khung trong ranh giới Do thái, vì miêu duệ Abraham là
Giáo hội đã trải rộng khắp mặt
đất. Mặc dù niềm tin đó đã gặp nhiều
thử thách, nhưng Giáo hội vẫn sống mạnh
mẽ với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa
nơi Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó,
Giáo hội đã biến hình và luôn phản ánh vinh quang Thiên
Chúa giữa muôn dân.
Cuộc biến hình hôm nay còn ngoạn
mục hơn Abraham nhiều. Chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu
sẽ biến Kitô hữu thành người công chính, thành
bạn hữu của Người để có thể
đi vào cuộc hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa.
Trong
bài suy niệm "Việc ĐGH Bênêđictô XVI từ
nhiệm là một sứ điệp của Năm
Đức Tin", Đức Cha Bùi Tuần viết:
"...Tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm
đã và đang gây xôn xao trong mọi tầng lớp xã
hội và Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng
từ nhiệm, đó là biến cố rất bất
ngờ. Bất ngờ đó gây ra trong
tôi một nỗi bàng hoàng choáng váng.Lấy lại sự
bừng tỉnh nhờ cầu nguyện, tôi cúi đầu
lắng nghe Chúa dạy bảo. Chợt tôi nhớ
lại một chi tiết nhỏ riêng tư, lần tôi
được gặp Đức Giáo Hoàng lúc Ngài còn là
Hồng Y Bộ trưởng Bộ Đức Tin. Trong trao đổi, tôi thấy Ngài chú ý đặc
biệt đến sự gặp gỡ Đức Kitô.
Như thế căn cốt của đức tin là gặp
gỡ riêng tư và thân mật với Đức Kitô,
để bước theo Đức
Kitô... Nên trong thinh lặng nội tâm lúc này, Chúa dạy tôi
hãy dùng chi tiết đó như một ánh sáng để
hiểu sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng.
Nhờ ơn Chúa giúp, tôi dần dần nhận ra rằng:
Sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng
Bênêđictô chứng tỏ Ngài đã và đang gặp
gỡ Đức Kitô và bước theo
Đức Kitô... Theo Ngài, tin là gặp gỡ Đức Kitô
và bước theo Đức Kitô trong sự từ bỏ
quyền lợi riêng, và bước xuống thân phận con
người hèn yếu, vì yêu thương con người và
để cứu chuộc loài người...".
(x.gplongxuyen.net).
Đức
Thánh Cha đã đi trọn hành trình theo Đức Kitô,đã trở nên giống Chúa Kitô. Đức
Thánh Cha từ nhiệm vào đầu Mùa Chay để
sống tinh thần Mùa Chay: sám hối, chay tịnh, cầu
nguyện cho Giáo Hội, thể hiện một tình yêu vô
biên đối với Giáo Hội.
Gặp
gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô là
một hành trình đức tin đi đến sự
sống mới.Thánh Phaolô đã đi trọn hành trình
ấy và ngài đúc kết kinh nghiệm về cuộc
sống biến đổi trở nên giống Chúa Kitô.
Tư tưởng "trở nên đồng hình
đồng dạng với Chúa Kitô" (Pl 3,10)
bàng bạc trong các bức thư của ngài và đã trở
thành nguyên lý căn bản đưa chúng ta đến
ơn cứu rỗi. Cuộc biến
đổi để trở nên giống Chúa Kitô mỗi ngày
một hơn là một tiến trình kéo dài cả
đời người. Mỗi ngày một chút, rũ bỏ con người cũ, loại
dần lối sống tội lỗi để làm con
người mới với lối sống mới theo Thánh
Thần, chúng ta sẽ gắn bó và thuộc về Chúa Kitô,
và Người sẽ "biến đổi thân xác yếu
hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của
Người" (Bài đọc 2).
Thiên
Chúa yêu thương con người là một tình yêu không
"môn đăng hộ đối", hoàn toàn do sáng
kiến và lòng xót thương của Ngài. Thiên Chúa đã
đi bước đầu trong mối tương quan và
thiết lập giao ước với Apraham.Thiên Chúa
hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc và nguyên
vẹn. Thiên Chúa cũng hứa thông qua ông,
tất cả các dân tộc trên trái đất sẽ
được chúc phúc, bởi vì Đấng Messia sẽ
đến từ dòng dõi của ông. Lời
hứa ấy đã được nên trọn vẹn
nơi Chúa Giêsu. Biến cố biến
hình chính là một mạc khải về tình thương
lạ lùng đó. Thiên Chúa hiến mình cho con
người: Cha hiến ban Con và Con hiến ban chính bản
thân mình chịu chết để vào Phục Sinh khai mở
con đường dẫn tới sự sống. Tin vào tình
thương Thiên Chúa, nên chúng ta học theo lối sống
của Chúa Giêsu bằng cách đọc và suy gẫm Tin
Mừng, đem Lời Chúa vào cuộc sống, để
cho Lời Chúa thay đổi cách suy nghĩ, nói năng và
hành động của chúng ta được trở nên
giống với cung cách của Chúa Giêsu. Đó là
được biến hình trong Chúa, nên đồng hình
đồng dạng với Chúa như Thánh Phaolô đã
từng cảm nghiệm: 'Tôi sống nhưng không phải
tôi sống, chính Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2,10).
"Ai ở lại trong Thầy và
Thầy ở trong người đó...sẽ sinh nhiều
hoa trái" (Ga 15,5). Lạy Chúa
Giêsu, xin cho chúng con mỗi ngày nên giống Chúa trong lời
nói việc làm, xin cho đời sống chúng con nên dấu
chỉ yêu thương của Chúa giữa cuộc
đời hôm nay. Amen.
|