Con đường
của mọi thăng hoa biến thái
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille
Degeest)
Phêrô đã tuyên xưng, đã công khai xác
nhận Đức Giêsu là Đấng Messia. Đức Giêsu biết rõ niềm tin
vào Đấng Messia có thể tự nhiên phát sinh thế nào
trong tâm trí các tông đồ, các ông dễ sa vào nguy cơ
trông đợi nơi Chúa một vương quốc
thần kỳ, dẫu theo chế độ giáo quyền
nhưng sẽ thiết lập trên thế gian. Phêrô, Giacôbê
và Gioan được Chúa mời gọi cùng đi với
Người đến nhà ông Jairô, sau này Chúa cũng mời
gọi họ làm chứng nhân -nhưng than ôi, là những
chứng nhân bị động– để tận mắt
thấy Chúa trong cơn hấp hối tại vườn
Cây Dầu. Chúa muốn mạc khải cho ba
ông biết công cuộc cứu độ của
Người sẽ hoàn tất thế nào. Người sẽ được quang vinh
nhưng chỉ sau khi sống lại, trước đó
chúa phải vượt qua giai đoạn đau khổ và
chết. Chúng ta ghi nhận, thánh Luca mô tả sự
biến hình của Chúa không phải do tác dụng một
nguồn sáng từ bên ngoài thấm vào cơ thể Chúa,
nhưng là do một thực tại từ bên trong tràn ra, toả
ra ngoài. Dung nhan Chúa ra khác. Ba môn đệ lúc đó mi mắt
nặng trĩu trong cơn thèm ngủ, nghe thấy Chúa
đàm đạo với hai tiên tri Môsê và Êlia, nhưng không
đủ tỉnh để có phản ứng. Các ông
sửng sốt thấy Chúa sáng láng giữa Môsê và Êlia.
Như tỉnh như mê, Phêrô đề nghị dựng ba căn lều. Ý Chúa rõ rệt là
muốn cho ba môn đệ ý thức có một liên hệ
giữa đau khổ và chết với sống lại và
vinh quang. Chừng nào tới ngày thương khó, các ông
dĩ nhiên sẽ hoang mang bối rối nhưng không
thể quên lời Chúa hứa, các ông sẽ không đến
nỗi hoàn toàn tuyệt vọng…
Chúng ta chú ý đến tiếng phán
từ đám mây: “Người là Con Ta, kẻ Ta đã
chọn, các ngươi hay nghe lời Người”.
1) Phẩm vị của Đức Giêsu
được mạc khải. Đấng Messia
đến thực thi những điều mà lề
luật và các ngô sứ Môsê và Êlia tiên báo. Người
là Chúa Con, kẻ được chọn, được
Chúa Cha rất mực yêu dấu. Dường như
ngay từ lúc đó Chúa Cha muốn chữa lành đau
khổ của thế gian bằng đau khổ của Chúa
Con. Muốn trông thấy vinh hiển của vũ trụ
qua vinh hiển của Chúa Con. Thiên Chúa nhìn đau khổ và
cái chết của chúng ta qua đau khổ và cái chết
của Đức Giêsu, nghĩa là hứa cho chúng ta sẽ
được sống lại và cứu rỗi. Về phần mình, chúng ta nhìn Thiên Chúa qua thiên tính
rất hiền dịu của Đức Giêsu.
2) Các ngươi hãy nghe lời
Người… và chỉ rao giảng về Người. Sứ điệp gửi
đến nhân loại phải là dư âm lời của
Đức Giêsu mới có giá trị. Thiên Chúa đòi
hỏi một điều quá khó, cho nên nghe Lời Chúa có
thể là rất khó, mang Lời Chúa đến cho
người khác còn khó hơn. Chẳng ai muốn nghe nói
đến đau khổ chết chóc xảy đến cho
mình hay cho kẻ khác, dẫu phía sau cái chết có một
niềm hy vọng. Tuy nhiên ý nghĩa bí tích
thanh tẩy là gì, nếu chẳng là cùng với Chúa chết
và sống lại? Tham gia vào cuộc Vượt qua kéo
theo những hệ quả rõ rệt là
xác định vị trí người Kitô hữu như là
một dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Dẫu sao, tín đồ nào của Đức Kitô
chấp nhận sứ điệp tới cùng, nghe tới
cùng, người ấy cũng là một con người
đôi phen được thăng hoa biến thái.
|