Trong sa mạc
- R. Gutzwiller
Do
Thần trí Thiên Chúa thúc đẩy, Chúa Giêsu đi vào sa mạc. Sự sung mãn tinh thần cùng
với việc đối thoại thân mật với Chúa
Cha chiếm hữu Ngài mãnh liệt đến độ
Ngài không còn tưởng nghĩ đến những nhu
cầu vật chất nữa, dường như Ngài
xuất thần, sống trong một
thế giới khác.
Rồi
bốn mươi ngày trong trạng thái xuất thần
ấy qua đi, nhường chỗ cho những nhu cầu
của con người, khiến Ngài cảm thấy cơn
đói mãnh liệt. Tiếp theo ánh sáng
từ trên cao là những u ám dưới đất; sau
sự tràn đầy Thiên Chúa đến cơn cám dỗ
của Satan vây bọc.
Càng
là bậc thần bí chiêm niệm, càng là Đấng thánh
thiện, thì lại càng hay bị Satan bủa vây, công hãm;
những vị sống ở mức độ thánh
thiện cao thì đồng thời cũng có nguy cơ
liều mình sa xuống vực thẳm.
Chúa Giêsu đã được nâng cao hơn ai hết: cho nên
không ai bị Satan cám dỗ bằng Ngài.
Đây
Ngài sắp bị kẻ địch mở ba mũi dùi
tấn công:
Cám dỗ thứ nhất muốn nói
đến cách sử dụng sai lầm quyền năng
Thiên Chúa để phục vụ cho một lợi ích
thế trần.
Chúa Giêsu cũng có thể làm giảm cơn đói đang
hoành hành nơi bản thân Ngài, điều đó có thể
lắm chứ! Thế nhưng Ngài đã trả lời:
‘Người ta sống, không phải chỉ bằng cơm
bánh’.
Tinh
thần hay cơm bánh, linh hồn hay thân thể, đâu là
điều quan trọng đối với Ngài? Từng
thứ một luân phiên xuất hiện
trước mặt Ngài… Phần đa số nhân loại
đều ao ước cả hai, nhưng lại
đặt trật tự sai lạc: tiên vàn là những gì
liên quan đến thân xác, no nê, tiện nghi đầy
đủ, rồi sau đó, hay may mắn lắm là song song
với nó, mới đến những yếu tố tinh
thần và thiêng liêng.
Hơn nữa, nhiều người còn
bị cái chủ hướng chỉ coi trọng vật
chất. Những
người này hoàn toàn chối bỏ tinh thần và linh
hồn. Duy chỉ còn tiện nghi vật chất là
cứu cánh cho đời họ: ‘Cơm bánh và vui chơi’. Ngày nay xu hướng đó có một tầm
ảnh hưởng đặc biệt, vì coi kinh tế
như là động lực mang tính cách quyết
định, những cái còn lại chỉ là phụ
trội mà thôi.
Ngược lại, Chúa Giêsu xác
quyết chỉ tinh thần mới có giá trị tuyệt
đối. Bởi vì Thiên Chúa quan trọng hơn thế gian
nhiều. Do đó, tiên vàn phải lo tìm kiếm
nước của Người và mọi sự khác sẽ
đến sau. Trời quan trọng hơn
đất, nên kẻ nào chỉ loay hoay
với những sự dưới đất là những
người vụng về, không biết đâu là chính
yếu và đâu là tuỳ phụ. Sự
vĩnh cửu đáng giá hơn thời gian, nên kẻ nào
liều mạng sống mình để chiếm
được những cái chóng qua đời này, thì kể
là đã đặt tất cả mọi sự trên một
địa bàn sai lạc.
Lời
Chúa Giêsu trưng dẫn lấy từ đoạn ở sách
Đệ nhị luật, trong đó nói về thứ bánh
Thiên Chúa ban cho dân khi còn ở trong sa mạc, nhưng
đồng thời cũng nhấn mạnh là Lời Sáng
tạo và Thần trí Thiên Chúa trọng hơn bội
phần, đáng giá hơn thứ bánh do phép lạ Thiên Chúa
làm và càng hơn thứ bánh ta dùng thường ngày gấp
ngàn vạn lần.
Chúa Giêsu không chỉ khinh rẻ thân xác và
những nhu cầu thể xác. Chúng ta sẽ thấy Ngài chữa lành
bệnh tật, làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, phục
sinh kẻ chết. Xem đó thì biết Ngài không
phải là anh trí thức một chiều, chỉ chu chu chăm chắm vào những điều
thiêng liêng sáng láng, Ngài cũng chẳng phải là kẻ ngông
cuồng không nhận biết Thiên Chúa. Nhưng Ngài muốn
là tinh thần và Lời của Thiên Chúa phải
được đặt vào đúng chỗ của nó,
bởi vì thân thể chỉ có được ý nghĩa
đúng đắn và những nhu cầu vật chất
cũng chỉ thoả mãn một cách chính đáng khi tất
cả đều diễn tiến theo một trật
tự hợp với Thánh ý Thiên Chúa, hợp với luật
của Người.
Chúa
Giêsu cũng sẽ sử dụng quyền năng lạ
lùng của Ngài theo lời, theo ý của
Thiên Chúa chứ không theo sở thích của lòng mình, lại
càng không theo ý muốn của mình, hay sự thúc đẩy
của thân xác. Sứ vụ của Ngài là loan
báo Nước Thiên Chúa. Xu hướng
coi trọng vật chất vẫn còn xung khắc với
Kitô giáo.
Cám dỗ thứ hai liên quan đến
sự ham hố quyền hành. Satan chỉ cho Chúa thấy ‘hết các
nước thiên hạ’ và nói thêm: ‘Tôi hiến cho Ngài uy
quyền đó hết thảy và vinh quang của các
nước ấy, vì nó đã được phú thác cho tôi,
và tôi muốn hiến cho ai tuỳ ý tôi’. Lời gì mà lạ
lùng thế! Tuy nhiên chính Chúa Giêsu đã gọi
Satan là ‘Thủ lĩnh thế gian này’. Quyền lực
tự nó đâu phải là cái gì xấu xa, nhưng có một
chú quỉ quyền thế chỉ lo quyến rũ
những kẻ ham danh và mê thống trị. Kẻ
đó không còn lo tìm Đấng toàn năng, cũng chẳng
tìm Thánh ý Thiên Chúa Tối Cao, Đấng mọi quyền
hành đều phải phụng sự Ngài.
Trái
lại, họ coi quyền hành của họ là sự
thiện tuyệt đối và sử dụng tuỳ theo sở thích của họ. Kiêu
ngạo, dương dương tự đắc quá
lố như vậy tất sẽ đi đến chỗ
lầm đường lạc lối. Sách Khải
huyền gọi quyền thế là ‘con mãnh thú vực sâu…’. Nói đúng ra, đối
với những người có địa vị, cám dỗ
này còn nguy hiểm hơn cám dỗ coi vật chất là
số một, dù cám dỗ này cũng đã thật thô
bỉ. Cám dỗ về ham quyền được
nguỵ trang bằng những dáng vẻ đạo
đức bề ngoài, vì nó khuyến khích việc mở
rộng nước Chúa nhờ những phương
tiện bên ngoài của chính trị, võ khí, tổ chức này
tổ chức nọ, tiền bạc… Thậm chí có
những việc khởi đầu hoàn toàn với ý
hướng ngay thẳng, thế rồi dần dà cũng
đi đến chỗ coi trọng quyền thế; tham
quyền thì cố vị, và rốt cuộc sa
vào mưu mô của ma quỷ.
‘Vậy nếu ông bái xuống lạy
tôi, thì mọi sự ấy sẽ là của ông’. Khi bái lạy quyền
thế thì người ta cũng thờ lạy Satan.
Khi ham quyền và những lợi lộc do đó mà ra, thì
người ta đã đang tâm hiến mình làm nô lệ cho
quyền thế.
Đó là lý do tại
sao Chúa Giêsu đã trả lời: ‘Ngươi phải bái
lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và chỉ thờ
phượng một mình Người’ Đấng Tối
Cao là Đấng độc nhất mà mọi sự
phải quy phục. Đấng toàn năng là Vị Duy
Nhất sở hữu và ban phát quyền năng chính
đáng. Mọi thứ quyền hành không
phụng sự Thiên Chúa là một sự lạm dụng và
phục vụ cho Satan, cho dầu nó có vẻ huy hoàng rực
rỡ mấy chăng nữa. Ham quyền quá đáng
trao nộp chúng ta vào tay ma quỷ.
Nhưng Chúa Giêsu đã đến để thiết
lập Nước Thiên Chúa thì đồng thời Ngài
cũng phá tan vương quốc của kẻ thù.
Trong cái chết
của Chúa Giêsu, quyền lực âm phủ mở tiệc ăn mừng; nhưng trên thực tế, nó
đã bị bẻ gãy và tỏ ra mình yếu kém ngay tại
đó. Trót cuộc sống Chúa Giêsu là một
sự phục vụ Thiên Chúa, chứ không phải phụng
sự Satan. ‘Ngươi phải thờ
phượng một mình Thiên Chúa’. Kẻ
nào thờ lạy bất cứ cái gì khác phải kể là
đã phản bội Thiên Chúa.
Cám dỗ
thứ ba nói đến việc lạm dụng phép lạ
với mục đích thoả mãn tính hiếu kỳ.
Satan
đưa Chúa Giêsu, trong Thần trí, lên chóp đỉnh
đền thờ. ‘Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống’.
Chú quỷ còn trưng dẫn Kinh Thánh nữa: ‘Vì
Người đã truyền cho các thiên thần gìn giữ
ông; và các vị đó sẽ giơ tay
nâng đỡ ông khỏi vấp chân vào đá’.
Chúa Giêsu đã
khởi đầu cuộc sống công khai của mình trong
đơn sơ và ẩn mặt, vì Ngài
đã xen lẫn vào đám dân chúng, và những người
tội lỗi bên bờ sông Giođan. Giờ đây, cám
dỗ có ý muốn làm cho mọi chuyện xảy ra
ngược lại: Ngài sẽ làm một phép lạ từ
trời trước mặt quần chúng, tỏ ra mình
đặc biệt phi thường. Dân chúng
đang khát khao được nhìn, được thấy.
Họ muốn thấy Ngài xuất hiện
trên chín tầng mây chứ không phải như một
người trong họ, như bao nhiêu người khác.
Trong
lãnh vực tôn giáo, phép lạ vẫn luôn mang theo
một sự lôi kéo mới mẻ. Người ta từ
chối không muốn phụng sự Thiên Chúa trong những
khó khăn của cuộc sống thường nhật và
không muốn theo Thánh ý Người trong
cuộc sống bình thường. Họ
muốn có những chuyện lạ lùng bên ngoài, bên trong
cũng được. Nhất là
cảm nghiệm trong việc cầu nguyện thần bí.
Những chuyện Đức Mẹ
hiện ra. Vị này
vị nọ được in năm dấu Thánh, có
sức lôi kéo họ đi hành hương bất chấp xa
xôi vất vả và họ coi là có giá trị hơn là
chấp nhận Lời Chúa và Thánh ý Người bằng
niềm tin cùng với tấm lòng đơn sơ
chân thành. Thánh ý mà Chúa tỏ bày qua những hy
sinh trong chức nghiệp bổn phận trong gia đình,
những thánh giá hằng ngày mà ít ai để ý, cũng
chẳng ai tỏ vẻ khâm phục.
Chúa Giêsu không coi rẻ phép lạ đâu. Chính Ngài sẽ thực hiện
những phép lạ, nhưng không phải để thoả
mãn những thèm khát của đại chúng hoặc
để cho tôn giáo có tính chất ngoại lệ
đặc biệt, một chỉ để vâng phục
Thánh ý Thiên Chúa, Cha của Ngài trên trời, và do đó
chứng mình rằng mình nhận lãnh sứ vụ từ
nơi Chúa Cha. Tất cả những gì ngoài mục đích
đó đều được coi là thử thách Cha Ngài, là
có ý bắt Thiên Chúa làm những phép lạ không cần
thiết, cũng không theo lệnh, chẳng theo ý của
Người.
Vì
đó, Chúa Giêsu trả lời: ‘Ngươi đừng
thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi’. Đó là cám dỗ chống lại Thiên Chúa cao
trọng, chống lại Thần trí, ý muốn và quyền
năng của Người. Chúa Giêsu lướt
thắng Satan nhờ Thiên Chúa và phá tan mưu chước
bằng cách chạy đến Thiên Chúa. Cũng
thế, con người không thể đứng vững
trước những cơn thử thách nhờ vào sức
riêng của mình được. Đứng giữa
Thiên Chúa và ma quỷ, con người chỉ có thể
vượt thắng được ma quỷ nhờ
sự trợ lực của Thiên Chúa. Không thể có
chuyện trung lập hay lẩn tránh. Người
ta chỉ có thể xa lánh Satan khi quay hướng về
Thiên Chúa, làm như vậy thì người ta cũng xa tránh
được mưu chước cám dỗ của Satan.
Bây giờ đây, thời gian chuẩn
bị cho cuộc đời công khai của Chúa Giêsu đã
chấm dứt. Được Thiên Chúa uỷ phái, nhưng Ngài
lại ở giữa loài người. Sinh bởi Thiên
Chúa, tuy nhiên cũng là con loài người, Ngài
được đầy tràn Thần khí Thiên Chúa và sẽ
chiến đấu với Thần trí Satan. Thánh
ý Thiên Chúa cũng là lề luật của Ngài, nước
Thiên Chúa là bổn phận của Ngài, tất cả
những gì thuộc về ma quỷ là thù địch
của Ngài. Ngài sẽ xây dựng
nước Thiên Chúa và sẽ huỷ diệt vương
quốc của Satan.
Sau
phần mở đầu uy hùng và bi tráng này, thái độ
mâu thuẫn giữa sức lực trên cao và quyền
năng dưới thế sắp bắt đầu công
cuộc hành động của Ngài trên dân chúng.
|