Phương cách
ma quỉ dùng để cám dỗ ta - JKN
Câu hỏi gợi ý:
1.
Khi câu cá, để câu được nhiều cá, ta
phải dùng những thứ mồi thật ngon, những
thứ mà cá ưa thích nhất. Để cám
dỗ ta một cách hữu hiệu, ma quỉ dùng những
loại mồi nào? Có phải là chính những nhu
cầu cấp thiết nhất của ta, những
điều ta ham muốn nhất không?
2.
Khi bị cám dỗ ta thường phải lựa chọn
giữa điều tốt và điều xấu, hay
giữa điều thật tốt và điều ít tốt
hơn?
3.
Bạn có nghĩ rằng bị cám dỗ là một dịp
tốt để ta chứng tỏ và củng cố tình yêu
của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân không?
Suy tư gợi ý:
1. Ma quỉ dùng chính những nhu cầu cấp
thiết nhất của ta để cám dỗ ta
Đức
Giêsu là con người, nên có những nhu cầu tự nhiên
về tâm linh, tâm lý và thể lý y như mọi
người. Thoả mãn những nhu cầu
tự nhiên, tự bản chất, là điều chính
đáng, vì chính Thiên Chúa đã dựng nên con người có
những nhu cầu tự nhiên đó. Chẳng hạn,
về thể chất, ăn khi đói,
uống khi khát là điều chính đáng. Về
tâm lý, mong được mọi người yêu
thương, kính phục cũng là điều chính đáng.
Nhưng có những trường hợp thoả mãn
những nhu cầu tự nhiên ấy lại trở thành
tội lỗi, sai trái, hay ít nhất là làm ta bớt hoàn
hảo, kém giá trị. Đó là khi để thoả mãn
những nhu cầu tự nhiên ấy, người ta
phải lỗi một bổn phận quan trọng hơn,
hoặc phải làm một điều trái đạo, đi
ngược với lương tâm hay những nguyên tắc
đạo đức…
Ma
quỷ thường dùng những nhu cầu chính đáng
nhất của con người để cám dỗ họ,
đưa họ vào con đường tội lỗi.
Thật vậy, biết bao người đã vì miếng
ăn, vì những nhu cầu rất chính đáng về
vật chất hay tinh thần, mà phải bán rẻ
lương tâm, chấp nhận làm những điều sai
trái hay tội lỗi.
Khi
Đức Giêsu đã nhịn đói nhiều ngày, giả
như Ngài có làm phép lạ để biến đá thành bánh
mà ăn thì tự bản thân việc
ấy chẳng có gì là xấu hay sai trái, mà còn là một
việc chính đáng nữa. Vì con người có bổn
phận phải lo cho sức khoẻ hay bảo vệ
mạng sống mình. Nhưng nếu Ngài đã quyết
định ăn lại vào một thời điểm nào
đó, nhưng chỉ vì đói mà Ngài lại chiều theo cơn cám dỗ để ăn sớm
hơn, thì Ngài đã lỗi với chính quyết
định của mình. Nếu làm thế, Ngài
tỏ ra thiếu tự chủ và chưa phải là
người hoàn hảo. Nhưng trong thực tế,
Ngài đã không chiều theo cơn cám
dỗ.
2. Giữa hai điều tốt, ma quỉ cám
dỗ ta chọn điều ít tốt hơn
Nếu
phải lựa chọn giữa một điều tốt
và một điều xấu, thì sự lựa chọn
tương đối dễ dàng, vì sự việc quá rõ
ràng. Khi ta mới bắt đầu bước vào
đời sống tu thân, ta thường phải lựa
chọn kiểu này. Nhưng khi đã tiến triển trên
con đường tu thân, nhiều khi ma quỷ cám dỗ ta
một cách rất tế nhị. Nó khiến ta phải
chọn lựa một trong hai điều tốt, và ta phải
cân nhắc để làm điều tốt hơn, có giá
trị lớn hơn. Chính cách lựa chọn
này chứng tỏ ta yêu mến Thiên Chúa, quí trọng sự
thiện tới mức nào. Nếu ta chiều theo cơn cám dỗ chọn cái ít giá trị
hơn, cái ít tốt hơn, điều đó chứng
tỏ ta thiếu quảng đại và còn nhiều ích
kỷ.
Chẳng
hạn, có những trường hợp ta phải chọn
lựa giữa sự an toàn của
bản thân ta với sự an toàn của cả gia đình. Giữa sự tồn tại và phát triển
của Giáo Hội ta với sự tồn tại và phát
triển của cả đất nước. Giữa hạnh phúc của gia đình ta với
hạnh phúc của cả xã hội. Giữa
chất lượng với số lượng. Giữa sự sự tốt đẹp có thực
bên trong và hình thức giả dối bên ngoài. Giữa ý muốn tốt lành của ta với ý
muốn của Thiên Chúa. Giữa việc của Thiên
Chúa với chính Thiên Chúa… Tất cả
những đối tượng phải lựa chọn
đều là điều tốt, nhưng nhiều khi ta
không thể chọn cả hai, mà chỉ có thể chọn một
trong hai. Chỉ khi ấy, cách lựa chọn của
ta mới chứng minh được ta quí trọng cái nào
hơn, và ta sẵn sàng hy sinh cái nào cho cái nào. Trước
sự lựa chọn này, ta thường bị cám dỗ đặt
nặng cái riêng hơn cái chung, bản
thân ta hơn cả gia đình, gia đình ta hơn cả xã
hội, Giáo Hội ta hơn cả thế giới, cái bên
ngoài hơn cái bên trong, số lượng hơn chất
lượng, ý riêng ta hơn ý Thiên Chúa…
Rất nhiều khi sự lựa chọn sai
lầm của ta trở thành một tội ác. Chẳng hạn
có nhiều người đã trở thành phản quốc
chỉ vì thương gia đình mình hơn thương
cả quốc gia, nên đã hy sinh quyền lợi của
cả quốc gia cho quyền lợi của gia đình mình.
Có những chức sắc tôn giáo đặt
nặng sự phát triển của các giáo hữu trong
địa hạt mình hơn cả sự tồn tại và
phát triển của cả đất nước. Có
những vị lãnh đạo quốc gia coi sự phát
triển của đất nước mình trọng hơn
sự an nguy của cả thế giới…
3. Ma quỷ cám dỗ ta chấp nhận
điều xấu để thực hiện điều
tốt
Cám dỗ thứ hai của Đức Giêsu là
cám dỗ về quyền lực và vinh hoa phú quý. Quyền lực
tự bản thân nó là một điều tốt, thậm
chí rất cần thiết để phục vụ tha nhân
một cách hữu hiệu và qui mô. Tuy nhiên, quyền
lực vẫn là con dao hai lưỡi, nó cũng có thể
khiến ta hại tha nhân một cách hữu hiệu và
trầm trọng hơn. Vinh hoa phú quý tự
bản thân cũng là những điều tốt, đáng ao
ước, vì nó làm cho đời sống con người
hạnh phúc hơn, sống xứng với phẩm giá con
người hơn. Thánh Kinh vẫn coi sự giàu sang
phú quý là những ơn lành Chúa ban để ân thưởng
những người tốt lành (x. Đnl 8,18;
1V 3,13; 2Sb 1,12). Nhưng vinh hoa phú quí có thể
làm ta mờ mắt, khiến ta chấp nhận tội ác
để đạt nó cho bằng được.
Nếu
người ta đạt được quyền lực
hay vinh hoa phú quý một cách chính đáng do tài năng và
đức độ của mình, thì quyền lực hay vinh
hoa phú quý ấy quả là điều tốt lành rất
đáng mong ước. Nhưng chính vì
nhiều người mong ước nó, nên ma quỷ đã
dùng nó làm bẫy để giết linh hồn những ai
quá ham nó.
Khi ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu lần
thứ hai, nó hứa sẽ ban cho Ngài quyền lực và vinh
hoa phú quý, với điều kiện là phải bái lạy,
tùng phục nó. Ma
quỷ vẫn dùng chiến thuật này đối với những
kẻ giầu tham vọng, muốn nắm giữ quyền
lực và ham sống giàu sang phú quý, ở ngoài đời
cũng như trong Giáo Hội. Nhiều người sẵn
sàng bán lương tâm của mình để có địa
vị cao sang ngoài xã hội hay trong Giáo Hội. Trong
những chế độ độc tài, nhiều chức
sắc tôn giáo đã đồng ý thực hiện một
yêu cầu nào đó của nhà cầm quyền, bất
chấp điều đó đi ngược lại
lương tâm mình, để được họ ban cho
những điều kiện thăng tiến bản thân,
hầu dễ dàng ngoi lên những địa vị cao trong
tôn giáo mình. Có khi điều kiện ấy chỉ là chấp
nhận im lặng, làm ngơ, bỏ qua, không lên tiếng,
không phản ứng gì để kẻ có quyền có
thể tự do thao túng, làm hại công ích hay đi
ngược lại quyền lợi người dân. Như vậy, rất nhiều khi ma quỷ dùng
những khát vọng chính đáng của con người
để cám dỗ con người.
4. Ma quỷ cám dỗ ta tập trung vào «cái tôi»
của mình
Lần
cám dỗ thứ nhất và thứ ba, ma quỷ nói với
Đức Giêsu: «Nếu ông là Con Thiên Chúa… thì…». Ma quỉ muốn lợi dụng nhu cầu
thể hiện hay xác định bản thân mình (affirmation
de soi), nhu cầu biểu lộ «cái tôi» của mình
để cám dỗ con người. Đây là nhu
cầu rất tự nhiên, tốt đẹp và cần
thiết để con người vui sống và có hứng
thú thăng tiến bản thân, đồng thời làm cho cuộc
đời mình có ý nghĩa. Nhưng khi vượt quá
giới hạn hợp lý, con người trở thành khoe
khoang, kiêu căng, tự mãn, đáng ghét, do muốn
đưa «cái tôi» của mình lên và hạ thấp «cái tôi»
của người khác xuống. Con người đã
từng gây bao tội ác, bao phức tạp, bao đau
khổ cho mình và cho người chính vì sa
chước cám dỗ về nhu cầu xác định «cái
tôi» này. Như vậy, ma quỷ dùng chính nhu
cầu tâm lý quan trọng nhất của con người
để cám dỗ con người chỉ tập trung vào
chính mình hầu xa rời Thiên Chúa và tha nhân.
Để
câu một con cá, để nhử một con thú vào bẫy,
ta phải chọn mồi đúng với nhu cầu và
sở thích của con vật mà ta muốn bẫy. Cũng
vậy, để làm ta sa bẫy, ma
quỉ cũng dùng chính những gì ta cần, ta ham muốn,
thường là những gì rất tốt đẹp,
rất có giá trị. Vì thế, chúng ta cần phải
cảnh giác với chính những nhu cầu, sở thích
của mình, nhất là những tham vọng hay những gì mà
ta mong muốn hay ưa thích nhất. Khi ta đặt
nặng những nhu cầu, sở thích hay tham vọng
của ta hơn thánh ý của Thiên Chúa, hơn những
chuẩn mực đạo đức, là ma quỉ sẽ
dùng chính những thứ đó để dẫn ta xa
rời Thiên Chúa, và dần dà đưa ta vào con
đường tội lỗi. Vậy, hãy tỉnh thức
và đề phòng!
CẦU NGUYỆN
Lạy
Cha, khi ma quỷ cám dỗ, nó cũng dùng chính lời Kinh
Thánh để làm con lầm tưởng điều nó
muốn con làm là điều tốt, là hợp với thánh ý
của Cha. Nó luôn luôn dùng điều tốt để
nhử con, và dùng những cách nguỵ biện để
giải thích lời của Cha, hầu đưa con vào
bẫy của nó. Xin giúp con khôn ngoan, tỉnh
thức và thêm sức mạnh cho con khi bị cám dỗ.
Nhưng cũng cho con nhìn thấy khía cạnh tích cực
của cám dỗ. Chính Cha cho phép ma quỉ cám dỗ con trong
mức độ con có thể chiến thắng, để
con có dịp chứng tỏ và củng cố tình yêu của
con đối với Cha và đối với tha nhân
|