Cơ hội – Lm. Giuse Trần
Việt Hùng
Mùa
chay là mùa hồng ân mang lại sự hoan lạc và bình an.
Chúng ta lại có cơ hội trở về với chính mình
để sám hối ăn năn.
Mỗi người sẽ rất vui khi chứng kiến
cha mẹ, vợ chồng, anh chị em và mọi
người thân cận trong gia đình dành nhiều thời
giờ cầu nguyện, tham dự thánh lễ và lãnh
nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa Giải và Thánh
Thể. Những giọt nước mắt ăn năn
sám hối và trở về là niềm vui lớn cho các thành
viên trong gia đình, cộng đoàn và cả các thiên thần
trên thiên đàng cũng vui mừng. Mùa chay
như là trạm dừng để giúp cho chúng ta tìm lại
được hướng đi, sửa lại những
lỗi lầm và trau dồi thêm các nhân đức. Mầu tím mùa chay giúp chúng ta gợi nhớ thân
phận tro bụi bọt bèo như mây trôi và gió thoảng.
Bản chất của thân xác của chúng ta
bởi tro bụi và một ngày nào đó cũng sẽ
trở về bụi tro. Mùa Chay không chỉ là mùa
của sự than van khóc lóc lỗi lầm, nhưng là cơ
hội để chúng ta phấn đấu thắng
vượt chính bản thân mình qua việc ăn
chay, bố thí và cầu nguyện.
Tác giả Sách Đệ Nhị Luật
đã nhắc nhở cho toàn dân về tình yêu của Thiên
Chúa dành cho Dân Người.
Ngài đã bao bọc chở che qua mọi giai
đọan thăng trầm của lịch sử.
Ngài đưa Dân vào miền đất Ai-cập sinh
sống để trở thành một dân tộc vĩ đại. Khi bị người
Ai-cập ngược đãi hành khổ, Thiên Chúa đã ra tay cứu vớt và dẫn đưa về
miền Đất Hứa: Thiên Chúa đã dang cánh tay
mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng
đởm và thực hiện những dấu lạ
điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi
Ai-cập (Đnl 26, 8). Cảm nghiệm được tình
thương yêu, ấp ủ và đùm bọc của Thiên
Chúa, dân chúng đã có những nghi lễ dâng hoa qủa
đầu mùa để cảm tạ tri ân: Và bây giờ,
lạy Thiên Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa
của đất đai mà Ngài đã ban cho con (Đnl 26,
10). Tâm tình biết ơn của cha ông đã được
lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Lòng tri ân là tinh hoa của cuộc
sống con người.
Bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta có
cơ hội để học hỏi, suy gẫm và thực
hành sống đạo. Trong bài Phúc âm, thánh Luca đã diễn tả sự
kiện Chúa Giêsu vào hoang địa bốn mươi
đêm ngày và chịu ma quỉ cám dỗ. Các cơn cám
dỗ xem ra rất thực tế có thể đáp ứng
các nhu cầu đang cần thiếu. Qua nhiều ngày ăn chay nhịn đói, ma quỉ cám dỗ
Chúa Giêsu: Bấy giờ, quỷ nói với Người:
"Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá
bánh đi! (Lc 4, 3). Dễ thôi! Chúa có dư đủ uy quyền để
biến đổi đá thành bánh cũng như nước
thành rượu. Việc biến đổi trong
tầm tay nhưng Chúa đã không
chiều theo ý của ma quỉ. Chúa Giêsu đã
dùng lời trong Kinh Thánh để hướng tới
một loại bánh khác cao trọng hơn, đó là bánh
lời Chúa.
Thua keo này bày keo khác. Ma quỉ tìm cách độc hại
hơn để cám dỗ: Rồi nó nói với
Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị
cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này,
vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi
muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì
tất cả sẽ thuộc về ông." (Lc 4, 6-7). Thật dễ dàng, chỉ việc bái lạy ma
quỉ thì được sở hữu tất cả vinh
hoa lợi lộc. Chúa Giêsu nhận diện sự ma
quái và ranh mãnh của cơn cám dỗ. Chúa
dứt khoát dùng lời Chúa đế đáp trả rằng
ngươi phải thờ lạy một mình Thiên Chúa mà
thôi. Ma quỉ tước đoạt quyền cai trị và tự làm sở hữu chủ. Đây là cạm bẫy khá hấp dẫn. Đã có biết bao nhiêu người đời
rơi vào những danh vọng hão huyền này. Các hoàng
đế, vua chúa, nhà cầm quyền và các chế
độ bạo quyền tham lam dành dật vinh hoa phú quí
trần gian, tất cả cũng đã qua đi như cánh
hoa phù du sáng nở tối tàn.
Ma quỉ không bao giờ chịu thua. Những nhu cầu vật chất không
thuyết phục được, chúng lại giở
quẻ mới để thách thức: Quỷ lại
đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt
Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với
Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng
đây mà gieo mình xuống đi!(Lc 4, 9). Đặt điều kiện, nếu…thì… rất
thuyết phục. Khêu gợi sự tò mò
và đánh vào lòng kiêu ngạo như xưa thần Lucifer
muốn nên bằng Thiên Chúa. Ngày xưa tổ tiên Adong
và Evà cũng đã bị sa chước
cám dỗ vì những câu hỏi tò mò và gợi lòng tham sân si.
Chúng ta lưỡng lự đôi đường chỉ vì
luyến tiếc các dịp thỏa mãn bản năng
đòi hỏi mà thôi. Chọn lựa thái độ dứt
khoát với dịp tội luôn là cửa ngõ dẫn vào
sự bình an thanh thản.
Khi một ngày mới mở ra, mỗi
người đều có cơ hội làm việc thiện
hay việc ác, làm sự lành hay sự dữ, vui hay buồn
và có thể thành công hay thất bại. Tất cả tùy theo
sự chọn lựa thái độ sống của chúng ta.
Việc thiện, điều lành, niềm vui
là những dấu hiệu tốt và tích cực. Thành
công hay thất bại thì còn tùy thuộc rất nhiều
yếu tố chung quanh, nhưng chúng ta
vẫn có thể có thái độ lạc quan, vì thất
bại là mẹ thành công. Sự quyết định
chọn lựa đúng sẽ giúp chúng ta sống an vui và thư thái. Bất cứ việc gì xảy ra
cũng đều có cơ hội: Cơ hội có thể
tốt hoặc xấu và cũng như có dịp tốt hay
dịp tội. Thái độ chọn lựa
sẽ dẫn chúng ta đi vào những lối khác nhau có khi
nghịch chiều. Có những cơ
hội xấu dẫn ta đến cùng đường
lạc lối. Khi gặp cơ hội
tốt và dịp thuận lợi, việc làm của chúng ta
sẽ sinh hoa trái tốt lành.
Người
ta thường nói về dịp tội hay cơn cám
dỗ, nếu chúng ta không tỉnh thức, ắt sẽ
bị rơi vào bẫy sập của ma quỉ. Dịp tội là những cánh cửa đón
mời chúng ta tò mò bước vào thế giới ảo.
Cơ hội đến với mỗi
người qua rất nhiều cách thế khác nhau. Cám dỗ đi vào lầm lạc có rất
nhiều lối ngõ. Có những cơ hội lúc
đầu xem ra rất đơn gian, nhưng kết
cục đưa đến những hậu qủa khó
lường. Kinh nghiệm cuộc đời cho chúng ta
thấy có nhiều người đã hủy hoại cuộc
đời, nên phóng lao đành phải
theo lao. Cái xấu này níu kéo cái xấu kia.
Cởi nút này lại thắt nút nọ. Đôi khi có người nghĩ rằng đã
lỡ, cho lỡ luôn hay đời đã dang dở lỡ
bước và dù bước lùi hay bước tới
cũng vẫn dở dang. Khi bước
vào cạm bẫy thì khó có thể rút chân ra. Trải qua thời gian, có biết bao cơ hội
mà chúng ta đã sinh lợi trong gian dối. Nhiều khi chúng ta cũng đang
say mê trong lầm lạc, nhưng không muốn nhìn nhận
sai lầm. Vì ham danh lợi về của cải vật
chất mà chúng ta đã quay lưng lại với sự
thật và đức công bằng. Mỗi người hãy
tự vấn lương tâm!
Sau
ba lần cám dỗ thất bại, ma quỉ chờ
dịp khác: Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ
Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi
thời cơ (Lc 4, 13). Cuộc đời
của chúng ta cũng thế, cạm bẫy của sự
dữ giăng giăng khắp nơi. Danh,
lợi và thú là ba đầu mối của các cơn cám
dỗ trong đời sống con người. Cạm
bẫy về lợi lộc vật chất, ma túy và say mê
trong đời sống thường ngày như: Bài bạc,
hút sách, trai gái, nghiện ngập rượu chè, cá
độ, tham nhũng, lừa đảo, bất công và các
thứ trò chơi bạo lực hại mình và hại
người. Cơ hội ban đầu của tất
cả các dịp tội cũng chỉ là thử đỏ
đen, thử thời vận và thử tìm cảm giác
lạ, nói rằng thử thôi mà, không sao đâu! Các cơn
cám dỗ lúc nào cũng nhẹ nhàng mời mọc, hấp
dẫn, dịu ngọt và có thể đáp ứng ngay
những nhu cầu đòi hỏi của ước
muốn bản năng. Thời cơ xấu
tạo nên dịp tội xấu. Nếu
không đủ bản lãnh, chúng ta không nên thách thức, dây
dưa và đối đầu với các cơn cám dỗ.
Cám dỗ và dịp tội giống như cái
lờ bắt cá có hom. Nguyên tắc
của các bẫy sập là sự hấp dẫn của
mồi nhử. Sập bẫy chui vào
rọ rồi thì khó lòng tìm lối thoát ra.
Trong
thơ của thánh Phaolô gởi cho tín hữu thành Rôma, Ngài
viết: Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa
ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời
đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi
dậy đức tin (Rm 10, 8). Lời Chúa là kim
chỉ nam giúp chúng ta thắng vượt tất cả các
cơn cám dỗ. Lời Chúa có sức biến
đổi tâm hồn và kiên thuẫn chở che. Tin,
tuyên xưng và thực hành lời Chúa sẽ đem lại
ơn cứu độ: Quả thế, có tin thật trong
lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài
miệng, mới được ơn cứu độ (Rm
10, 10).
Lạy Chúa, chúng con không thể tránh
mọi cơn cám dỗ đang bủa vây chung quanh. Xin
đừng để chúng con sa
chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi
mọi sự dữ.
|