LÒNG AN VUI THÌ DƯỜNG NHƯ
KHÔNG XÉT ĐOÁN
Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng,
DCCT
Trong cuộc sống thường ngày, con người
chúng ta dễ có khuynh hướng khen, chê và phán xét người
khác. Ta phán xét người khác có thể bằng lời nói,
bằng cử chỉ, hoặc đôi khi chỉ là nghĩ thầm
trong bụng về chuyện này chuyện khác của người
ta.
Nhất là khi ngồi lại với nhau để
chuyện trò, chúng ta thường có khuynh hướng khoe những
điều tốt về bản thân mình bằng cách so sánh
cái tốt của mình với cái dở của người
khác, còn những cái dở, cái xấu của mình thì cố giấu
cho bằng được. Gắn với xét đoán tiêu cực
người khác thường là một thái độ ganh tị,
đả phá, trả thù cho bõ tức. Còn khi nhận xét để
góp ý cho người khác sửa sai, tránh lỗi lầm, thì bao
giờ ta cũng dễ dàng có sự bao dung, nhẹ nhàng
trong cử chỉ và lời nói.
Hơn nữa, có một sự thật khá hiển
nhiên: Một khi lòng ta nhẹ nhàng, thanh thản, an vui, thì ta
thường nghĩ đến người khác với một
thái độ tích cực và đầy bao dung, chứ chẳng
muốn phán xét hay nặng lời với họ. Còn khi ta thích
phán xét, thích nói xấu người khác thì lại là lúc chính
ta thiếu sự bình an, hạnh phúc trong lòng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo rằng “những
ai phán xét anh chị em mình, nói xấu anh chị em mình thì họ
chính là kẻ giả hình vì họ không đủ can đảm
nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của bản
thân mình.” Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì nói trực tiếp
vào vấn đề hơn: “Sao người nhìn thấy cái
rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi
thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt
mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ
trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”
Đặt mình trước Lời Chúa hôm nay,
tôi với bạn thử ngẫm lại xem, mỗi khi ta chỉ
trích, phán xét người khác, thì thật sự trong lòng ta đang
an vui, hạnh phúc hay lòng ta đang ấm ức, bức xúc,
tị hiềm? Nếu thấy lòng ta còn ấm ức, hậm
hực, thì Chúa bảo ta rằng: Con hãy lấy cái đà ra
khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ
con sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh
chị em con!
23. Đừng xét đoán
Cuốn phim “Người lính đại đồng”
được trình chiếu tại Manila
là một trong những cuốn phim ăn khách nhất hiện
nay. Cuốn phim kể lại cuộc chiến một mất
một còn của hai người máy. Đây không phải là hai
người máy hoàn toàn, mà là hai xác chết được hồi
sinh và trang bị bằng hệ thống điện toán
tinh vi để sinh hoạt như những con người
bằng xương bằng thịt. Trước đây hai
người đã từng chiến đấu bên nhau tại
Việt Nam.
Một hôm, do sự thù hận ngấm ngầm, một người
đã nhẫn tâm tàn sát một đôi trai gái Việt Nam.
Thế là cuộc xô xát đã diễn ra giữa hai người
và kết thúc là cả hai đã tàn sát lẫn nhau. Người
ta đã bí mật đưa hai tử thi về Mỹ và biến
thành hai người máy chuyên trách diệt trừ khủng bố,
cũng như bất cự mục tiêu quân sự nào. Thừa
lệnh chủ thi hành bất cứ công tác nào, kể cả
việc thủ tiêu những người tình cờ biết
được việc làm của chủ, hai người máy
này hành động không chút suy nghĩ và do dự. Thế nhưng,
một hôm trí nhớ bỗng được phục hồi
một trong hai người, cùng với trí nhớ, lương
tri cũng được sồng lại. Kể từ
đó anh không chỉ là một người máy chỉ biết
có chém giết, mà là một con người hành động
theo lẽ phải và sự thật. Kể từ đó cuộc
chiến của anh đã trở thành cuộc chiến chống
lại tội ác mà hiện thân là người máy đã một
thời chiến đấu với anh.
Cuốn phim trên hẳn muốn minh hoa cho một
luận đề: không người nào sinh ra trên đời
này là một con người xấu xa hoàn toàn. Nơi một
góc nào đó của tâm hồn, ngọn lửa của nhân tính
vẫn luôn âm ỉ cháy, và trong những điều kiện
thuận lợi, ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy lên. Đó
cũng là cái nhìn của Kinh Thánh về con người, con người
vốn được tạo dựng theo và giống hình ảnh
Thiên Chúa, do đó dù nghèo hèn, xấu xa đến đâu vẫn
luôn mang trong mình khát vọng vô biên về thiện hảo.
Chúa Giêsu đã nhìn con người bằng cái
nhìn ấy. Ngài kết thân với những người tội
lỗi và giai tầng thấp nhất trong xã hội là để
nói với mọi người rằng mỗi người
có một giá trị, mỗi người có một chỗ
đứng cá biệt trong tình yêu Thiên Chúa. Chính cái nhìn ấy
về con người đã khiến Chúa Giêsu luôn tỏ ra cảm
thông, khoan dung trước những vấp ngã yếu hèn của
con người. Tin mừng kể lại rằng khi đám
đông lôi một người đàn bị bắt quả tang
phạm tội ngoại tình trước tòa án nhân dân và dựa
trên luật Môsê để nám đá chị. Họ chờ
đợi một án quyết của Chúa. Ngài với họ:
“ Ai vô tội thãy ném đã chị ta trước đi”. Rồi
Ngài nói với người Phụ nữ “ Chị hãy về
đi, tôi không kết án chị”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn
chúng ta có cái nhìn của Ngài về con người và cư sử
như chính Ngài, nghĩa là cảm thông, tha thứ trước
những vấp ngã của người anh em Ngài nói với
chúng ta “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước
rồi lấy cái rác khỏi mắt anh em”.
Cảm thông tha thứ là thái độ của
niềm tin. Người Kitô hữu tin Thiên Chúa là Cha nhân từ
luôn tha thứ cho những vấp ngã của mình. Qua sự tha
thứ ấy, người Kitô hữu cảm nhận được
cơ may mà Thiên Chúa luôn dành cho họ. Tin ở sự tha thứ
của Thiên Chúadành cho mỗi người, người kitô hữu
cũng được mời gọi tha thứ cho người
anh em và qua đó dành cho người anh em một cơ may mới.
Thật vậy, tha thứ cho một người nào đó là
muốn nói rằng người đó không hoàn toàn là một
con người xấu, rằng sự vấp ngã không phải
là một chấm hết. Tha thứ là đánh thức dậy
cái phần cao quí nhất trong tâm hồn con người. Tha
thứ là tạo ra cơ may mới cho con người. Trong
ý nghĩa ấy, tha thứ mà người kitô hữu thể
hiện chính là tham dự vào sự tái tọa của Thiên Chúa.
|