"COI VẬY|
Suy niệm của Br. Minh Trân, CRM
Kỳ vừa qua tôi có dịp thăm một
gia đình người quen ở Port Arthur.
Trước nhà họ có trồng cây hồng mềm, nhiều
trái vàng tươi, trông rất bắt mắt. Thấy vậy
tôi buột miệng: "Chà! hồng chín xem ngon hén." Nhưng
anh chồng nói: "Coi vậy chứ chưa ăn được
đâu thầy ơi. Chát lắm... và nhựa không à. Phải
đợi cho nó thật chín mềm mới ăn được."
Chồng vừa dứt lời thì vợ liền tiếp:
"Nhưng mà con nghe người ta mách là nếu muốn ăn
trước hình như phải ngâm nước muối một
ngày, rồi đem ủ vào hũ gạo thêm một hai ngày
nữa thì hồng sẽ hết chát và hết nhựa..."
Nhìn mấy trái hồng treo lủng lẳng trên cây, tôi thầm
nghĩ ăn được mấy trái hồng này xem ra cũng
vất vả thiệt. Và hình như đọc được
ý tôi, chị vợ bèn thốt lên: "Coi dzị mà hổng
phải dzị đâu thầy ơi."
Qua Lời Chúa hôm nay, tôi rút ra được
hai bài học: đối với mình phải sống thế
nào, và đối với tha nhân phải xử thế làm sao.
Thứ nhất, Chúa dạy rõ: "... giống như những
cây tốt sinh trái tốt, người lành phát sinh những
việc thiện hảo..." Theo thánh kinh, nói về cây tốt
là nói về "phẩm hạnh đi trước hành động."
Hay nói cách khác, các việc làm của một người tỏ
cho thấy tình trạng "trái tim" của họ. Điều
này có nghĩa là Chúa muốn dạy chúng ta phải sống
liêm chính, bác ái yêu thương, sống thật thà ngay thẳng,
có sao nói vậy, và nói thì phải làm. Đừng nói một đàng
rồi làm một nẻo. Thứ hai, đối với người
khác Chúa dạy chúng ta nên thận trọng, ý tứ trong việc
xử thế -- đừng xét đoán, cũng đừng
kết án, vì rất nhiều lần trong cuộc sống chúng
ta cũng đã cảm nhận "coi dzị mà hổng phải
dzị." Đọc lại mấy câu trước đoạn
Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy thánh sử Luca ghi rõ: "Hãy từ
tâm, cảm thông với người khác như Cha các con trên
trời... đừng xét đoán... cũng đừng kết
án... hãy tha thứ...." Suy nghĩ kỹ chúng ta thấy xét
đoán hoặc kết án người khác thật là một
điều bất công. Thử hỏi sao lại không bất
công một khi mình không biết rõ họ là ai, không hiểu được
hoàn cảnh của họ thế nào, cũng chẳng đả
thông ý định trong lòng của họ ra sao... thế mà lại
xét đoán, kết án họ? Con người chỉ nhìn thấy
bề ngoài. Chỉ Thiên Chúa mới nhìn thấy bên trong, và
đó mới là điều can hệ. Hạnh các thánh đã
chứng nhận điều đó. Thử hỏi được
bao nhiêu vị thánh mà lại không có một quá khứ đáng
phàn nàn? Nhưng khác một điều là quá khứ của
các ngài đã được nhận ra, được tha
thứ, và được khắc phục. "Coi dzị mà
hổng phải dzị." Phải chăng Lời Chúa đến
với chúng ta hôm nay là một lời cảnh tỉnh? "...
Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt
mình trước đã..." (6:42) Theo tiếng Hy lạp, từ
ngữ giả hình chỉ về kịch sĩ. Trong Phúc âm,
từ ngữ giả hình luôn luôn làm giảm uy tín cũng như
danh dự cá nhân, và ám chỉ đến sự thiếu thành
thật. Thánh Luca dùng từ ngữ giả hình ba lần: một
lần ám chỉ những người Pharisêu (12:1), và hai lần
nhắm đến những người chống đối
Chúa Giêsu (12:56, 13:15). Nhìn trái hồng mềm có người
biết khi nào ăn được và cũng có người
chẳng biết khi nào ăn được. Nhưng nhìn những
người sống liêm chính, và năng "để ý
đến những lỗi lầm của mình trước"
thì có lẽ ai cũng nhận ra. Điều này thường
hay được nhắc đi nhắc lại trong nền
luân lý Hy lạp, và thiết tưởng cũng chính là lẽ
sống mà Chúa Giêsu hằng khuyên dạy chúng ta.
|