CHÚA NHẬT VIII THƯƠNG NIÊN C
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
Luca bất ngờ lưu ý độc giả
rằng họ đang đứng trước một dụ
ngôn, từ này mời gọi tìm ý nghĩa các câu mà không dừng
lại ở hình ảnh. Chúng ta thấy ở đây việc
từ chối đoán xét người khác, bởi vì những
lời nói khác nhau, riêng lẻ của Chúa Giêsu đã
được tập họp lại bởi sự liên kết
các ý tưởng với nhau. Sự thay đổi thể văn
ở câu 39a là có ý nghĩa: nó được dùng để biểu
lộ việc thay đổi các nhân vật mà các môn đệ
phải tỏ ra nhân ái; sau kẻ thù bây giờ là anh em, là tha
nhân trong cộng đoàn Giáo Hội.
Nhưng hãy chú ý! Không đoán xét không có nghĩa
là đặt tất cả trên một bình diện (cc. 39-42)!
Có nhiều Kitô hữu còn lâu mới trưởng thành trong đời
sống Kitô giáo (x. 1Cr 3,1-3); vì người mù tối họ không
có thể tự phụ hướng dẫn người khác
đến ánh sáng trọn vẹn của niềm tin, cũng
không thể phê bình người khác được. Cuộc
sống của người tín hữu là một chuẩn bị
dài lâu để trở nên hoàn thiện (được huấn
luyện đầy đủ); cuối cùng môn đệ sẽ
như Thầy là Chúa Kitô: Ngài nghĩ rằng mỗi người
có thể hoán cải, thay đổi đời sống. Ước
gì mỗi người học sống theo gương mẫu
Chúa Giêsu để lòng thương xót của Ngài đối
với tội nhân sẽ làm cho họ có khả năng hướng
dẫn người khác. Ngoài ra, sẽ là đạo đức
giả, là đóng kịch, khi rêu rao về một cuộc sống
chính trực mà chính mình lại không dấn thân vào. Chỉ có
một cuộc hoán cải liên tục, dẫn tới một
cách hành xử đúng đắn, mới giải thoát ta khỏi
mù loà và cho phép ta sửa đổi được cách sống
của người khác.
Khi mời gọi ta ”quét dọn trước
cửa nhà mình”, dụ ngôn cọng rơm và cái xà nhắc ta
phải tốt trước đã rồi mới bảo người
khác sống tốt được; nó cũng dẫn vào đề
tài của các câu 43-49: người môn đệ đích thực
phải có những hành vi phù hợp với đức tin của
mình. Điều đặc biệt là động từ ”làm”
(thực hành) trở đi trở lại năm lần, từ
những cây sinh (làm ra) quả tốt (c.43) đến người
đem ra thi hành (làm) –hoặc không- những lời của
Chúa Giêsu (cc.46-47.49). Một cách có ý nghĩa, người ta
thấy hai hạng người (hoặc hai loại cây) đối
nghịch nhau, tốt và xấu, như trong các mối phúc.
Hai dụ ngôn về cây và quả, tiếp theo
là việc áp dụng, bắt đầu bằng việc soi
sáng cho những gì là cội nguồn của hành động
(cc. 43-45). Như phẩm chất của trái cho phép lượng
giá phẩm chất của cây, cũng vậy, tất cả
những gì con người làm nảy sinh ra –cách sống của
họ, điều tốt hoặc điều xấu, cũng
như những lời họ nói- đều biểu lộ
những gì ở tận thâm cung lòng họ. Vì không ai thấy
và chỉ có Chúa biết, tâm hồn là một nơi định
đoạt phần rỗi của con người, bởi
lẽ chính nơi tâm hồn mình mà con người yêu hay ghét.
|