YÊU THƯƠNG
SƯU TẦM
Bài Tin Mừng thánh sử Luca kể
lại luật yêu thương tuyệt vời của Chúa
Kitô. Chúa dạy chúng ta cách sống, cách xử
thế đối với mọi người. Chúa dạy hãy yêu người khác như yêu bản
thân mình. Người khác đây có thể
là người yêu chúng ta, thương chúng ta, nhưng cũng
gồm cả những người không yêu chúng ta, ghét chúng
ta, và cả những người làm hại chúng ta nữa.
Chúng ta thấy luật Chúa dạy cao trọng
vượt bậc. Đó là luật vàng
trong đạo Chúa. Người Do thái quen sống với
luật công bằng: mắt đền mắt,
răng đền răng. Nhưng từ
đó họ đã đi đến chỗ báo oán báo thù, để
rồi lại có những luật lệ nhằm giảm
thiểu sự trả thù đó bằng sự tha thứ và
kêu gọi yêu thương. Nhưng phải
chờ tới Tân ước Chúa Giêsu mới chính thức công
bố luật yêu thương, tha thứ. Chúa đưa
ra một số thí dụ: “Ai vả má này, hãy đưa thêm
má kia”, “ai đòi áo ngoài, hãy đưa cả áo trong”, “ai xin hãy
cho, ai chiếm đoạt đừng đòi lại”, “hãy
chúc lành cho kẻ chúc dữ mình”, “hãy cầu nguyện cho kẻ
sỉ nhục mình”.
Chúa dạy như thế không có
nghĩa là Chúa đề cao lối sống buông xuôi, đầu
hàng, cam chịu. Nhưng Chúa muốn dạy rằng: hãy
khôn ngoan dùng tình thương là thượng sách. Tình thương mới xóa bỏ hận thù, lấy
ơn mà đền oán, chứ không thể áp dụng “dĩ
độc trị độc”. Thực tế,
trả thù không bao giờ xóa bỏ được hận
thù, mà còn chồng chất hận thù lên mãi. Cho nên, chúng ta thấy những lời Chúa dạy
thật sự là hữu lý và có giá trị cho mọi thời
đại. Có lẽ cuộc đời chúng ta vẫn
sống theo lối “ăn miếng trả
miếng”, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” nên chúng
ta thấy khó am hợp với những lời Chúa dạy là
tha thứ, yêu thương. Chúa dạy chúng ta
hãy sống yêu thương tối đa giữa cá nhân với
nhau, và giữa cá nhân với nhân quần xã hội. Nếu
mỗi người đều cố gắng đối xử
như vậy thì cuộc sống này, trần gian này sẽ tốt
đẹp, an bình và tươi vui hơn
biết bao. Giáo huấn của Chúa, khó thì khó thật,
nhưng không phải là bất khả thi, tức là vẫn
có thể thực hiện được, và dĩ nhiên để
có thể thực hiện đòi hỏi người ta một
tình yêu thương cao hơn quan niệm bình thường.
Trong thực tế đã có những người,
dù không phải là Kitô hữu, dù chưa biết Tin Mừng của
Chúa, thực hiện điều này. Người ta kể
rằng: gần biên giới hai nước Lương và Sở,
tức Hồ nam ngày nay, có hai người làm nghề trồng
dưa: một người ở nước Lương, một
người ở nước Sở. Nhờ sự chăm
tưới và bón phân, vườn dưa của người
nước Lương lên tốt, kết quả rất mỹ
mãn và hàng năm đem lại một mối lợi đáng
kể. Còn anh chàng nước Sở, lười
biếng, cỏ chẳng làm, dưa không tưới và bón phân,
dĩ nhiên không kết quả bao nhiêu. Thấy vậy
anh ta sinh ghen ghét, đêm đêm lẻn sang vườn người
phá hoại.
Vườn dưa đang tốt,
song mỗi ngày cứ thấy lụi dần, tìm hiểu và biết
được kẻ phá hoại, tức mình lắm, định
trả đũa. Nhưng trước
khi thi hành, anh đem việc đến trình quan huyện là Tống
Tựu. Tống Tựu can và nói: “Làm
như thế chỉ tổ gây hằn thù, tôi khuyên anh: thay vì
trả đũa, mỗi đêm lẻn sang đó tưới
và bón phân. Nhưng phải bí mật đừng
cho nó trông thấy”. Thấy bên kia không
trả đũa, lại nhận ra vườn của mình
mỗi ngày xanh tốt. Sau lâu ngày mới biết người
kia đã không báo oán mà còn làm ơn, anh liền
sang xin lỗi. Hai gia đình đã kết thân
và cùng trở nên giàu có.
Với một nền đạo
đức tự nhiên người xưa còn thực hiện
lòng nhân ái như thế. Vậy tại
sao các Kitô hữu, được siêu nhiên trợ lực, lại
đầu hàng trước huấn lệnh đó sao?
Hơn nữa, Chúa còn dạy chúng
ta hãy yêu thương kẻ thù. Đây là
điểm vàng son của tình yêu Kitô giáo. Thực vậy, yêu kẻ yêu mình, đó là lẽ thường
tình. Nhưng yêu được người không yêu mình,
yêu kẻ ghét mình, làm hại mình, đấy mới là yêu thật,
đấy mới xứng danh là con Thiên Chúa, là môn đệ
của Chúa. Trước nhan Thiên Chúa, không còn là bạn hay thù,
nhưng chỉ là đối tượng của tình yêu.
Như vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy yêu thương:
yêu từng người, yêu hết mọi người, yêu
vô tư, yêu quảng đại, yêu với chính tình yêu của
Chúa và yêu như Chúa yêu. Một khi có tình yêu như vậy, nhất
định chúng ta sẽ xóa bỏ mọi hiềm thù ghen ghét,
nhất định chúng ta sẽ khoan dung quảng đại
với mọi người.
Tóm lại, muốn là một Kitô
hữu đích thực, chúng ta phải phấn đấu đạt
tới cao điểm bác ái đó. Với
gương của Chúa và sự trợ lực của Chúa,
cùng với thiện chí và cố gắng của chúng ta, chúng
ta sẽ thực hiện được giáo huấn Chúa dạy.
|