Tinh thần công bằng và yêu
thương Kytô giáo
Chúa Nhật thứ
7 Thường Niên
ĐỌC LỜI CHÚA
· 1Sm
26,2.7-9.12-13.22-23: (8) Ông Avisai
nói với ông Đavít: «Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ
thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin
cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi;
cháu không cần đâm nhát thứ hai».
(9) Ông Đavít nói với ông Avisai: «Đừng
giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa
đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu!».
· 1Cr
15,45-49: (48) Những kẻ
thuộc về đất thì giống như kẻ bởi
đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời
thì giống như Đấng từ trời mà đến.
TIN MỪNG: Lc
6,27-38
Yêu thương kẻ thù (Mt 5,38-48; 7,12a)
(27) «Thầy nói với anh
em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu
kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, (28)
hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện
cho kẻ vu khống anh em. (29) Ai vả anh má
bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.
Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng
đừng cản nó lấy áo trong. (30)
Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng
đòi lại. (31) Anh em muốn người
ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.
(32) Nếu anh em yêu thương kẻ yêu
thương mình, thì có gì là ân với
nghĩa? Ngay cả người tội lỗi
cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. (33)
Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì
là ân với nghĩa? Ngay cả
người tội lỗi cũng làm như thế. (34)
Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được,
thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ
tội lỗi vay mượn để được trả
lại sòng phẳng. (35) Trái lại, anh
em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy
vọng được đền trả. Như vậy,
phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối
Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường
vô ân và quân độc ác.
Phải có lòng
nhân từ (Mt 7,1-2)
(36) «Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ. (37)
Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên
Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ
không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ
được Thiên Chúa thứ tha. (38) Anh em
hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người
sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng
đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ
vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng
đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng
đấu ấy».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Giới bụi đời,
dân giang hồ chủ trương «ân
đền oán trả», đó có phải là luật công bằng
không? luật này có tốt không? Ta đã sống
khá hoàn hảo luật này chưa?
2. Sự công bằng mà Đức
Giêsu chủ trương, có phải là công bằng kiểu «ân đền oán trả» không? hay Ngài chủ trương không công bằng? Thứ công bằng của Ngài là công bằng gì?
Suy tư gợi ý:
Trong bài Tin
Mừng hôm nay, ta thấy Đức Giêsu đưa ra hai
cách hành xử: một là hành xử dựa trên luật công bằng
không tình thương của phường tội lỗi, và
hai là hành xử dựa trên luật yêu thương của
người môn đệ Chúa.
1. Luật công bằng thiếu tình thương của
phường tội lỗi
Theo Đức
Giêsu, cách hành xử thường tình của những người
thu thuế hay phường tội lỗi là «yêu
thương kẻ yêu thương mình», «làm ơn cho kẻ
làm ơn cho mình», «cho vay để được trả
lại sòng phẳng». Như vậy, dù là
người tội lỗi, họ vẫn chủ
trương luật công bằng, sòng phẳng, trong cả
chuyện yêu thương, nghĩa là ai yêu thương mình,
thì mình phải yêu thương lại người ấy.
Vì thế, họ chỉ yêu thương người thân hay
bạn bè mình mà thôi, vì yêu những người ấy thì họ
sẽ được yêu lại. Họ đòi hỏi: «Có
qua có lại mới toại lòng nhau».
Một
cách tương tự, giới giang hồ, bụi đời
ở khắp nơi đều chủ trương «ân đền, oán trả». Mang ơn ai, thì họ nhất quyết phải biết
ơn và đền ơn người ấy. Họ
gây oán hay làm thiệt hại ai, thì theo luật
giang hồ, họ sẵn sàng bồi thường cho
người ấy. Còn ai gây oán hay gây bất công cho họ,
thì họ cũng sẵn sàng trả thù, nghĩa là phải tạo
thiệt hại trở lại một cách tương xứng
cho kẻ đã gây thiệt hại cho mình. Họ chủ
trương không khác gì luật Cựu ước: «Mạng
đền mạng, mắt đền mắt, răng đền
răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng
đền vết bỏng, vết bầm đền vết
bầm, vết thương đền vết thương»
(Xh 21,24).
Theo Đức
Giêsu, phường tội lỗi hay gian ác đều hành xử
như thế. Nếu ta cũng hành xử
như thế thì ta có hơn gì họ đâu? Còn nếu ta gây bất công, làm thiệt hại
người khác mà không đền bù, sống thiếu công bằng
(cho dù là thứ công bằng không tình thương), v.v… thì ta
còn xấu xa và tệ hại hơn họ nữa. Hạng
người tội lỗi mà còn tôn trọng luật công bằng,
nếu ta không tôn trọng luật ấy thì ta thật không
đáng được gọi là Kitô hữu, là người
theo Chúa. Thế mà khá nhiều người
lỗi luật công bằng hằng ngày nhưng vẫn vỗ
ngực tự hào mình theo Chúa, mình là môn
đệ Chúa!
2. Luật công bằng và
yêu thương của người Kitô hữu
Là người Kitô hữu, là môn đệ
Đức Giêsu, nếu ta tự cho rằng mình không thuộc
hạng người tội lỗi, thì ít ra ta cũng phải
giữ được khá hoàn chỉnh những luật mà
chính hạng tội lỗi cũng tôn trọng, đó là luật
công bằng. Luật
công bằng là luật tối thiểu, là luật nền tảng
trong xã hội mà chính người xấu cũng chủ
trương phải tuân giữ, huống gì những người
tự cho mình là tốt.
Nhưng người Kitô hữu không thể
tự hài lòng khi mình chỉ giữ được những
luật tối thiểu ấy.
Đức Giêsu mời gọi những kẻ theo Ngài phải đi xa hơn sự công bằng
đó, vì nếu không đi xa hơn thì ta có hơn gì hạng
tội lỗi, vì chính họ cũng chủ trương sự
công bằng và có thể thực hiện được sự
công bằng ấy. Nhưng cho dù có chủ
trương và thực hiện được luật ấy,
họ vẫn bị liệt vào hàng tội lỗi.
Theo lập
luận của Đức Giêsu, nếu ta chỉ giúp đỡ
những người mà ta biết họ sẽ giúp đỡ
lại ta, chỉ cho vay những ai ta nghĩ là sẽ hoàn trả
lại ta, còn nếu cho ai vay mà người ấy không trả
được thì ta bực tức, nói xấu, dùng đủ
mọi biện pháp để đòi cho bằng được,
bất chấp họ bị kẹt, v.v… nếu chỉ hành
xử được như thế thì ta tốt hơn hạng
tầm thường hay tội lỗi ở chỗ nào? Vì kẻ
tầm thường và tội lỗi cũng hành xử y
như thế!
Điều
quan trọng mà người Kitô hữu – tức những
người theo Chúa – phải làm là có tình
thương đích thực. Tình thương
luôn luôn vượt khỏi sự công bằng thường
tình. Nghĩa là: để là một Kitô hữu đích
thực, thì một đằng phải luôn giữ luật
công bằng một cách hoàn hảo đối với người
khác, một đằng phải thực hiện tình
thương. Tình thương khiến chúng ta
không đòi hỏi những người nghèo khó hơn, những
người lâm cảnh khó khăn hơn mình phải giữ
sự công bằng như thế đối với mình.
Nghĩa là «hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề
hy vọng được đền trả». Không
đòi hỏi như thế không phải là không công bằng,
mà là thực hành một thứ công bằng cao hơn: công
bằng có tình thương.
3. Công bằng có tình thương
Công bằng có tình thương khác với thứ công bằng máy móc, là công
bằng thiếu tình thương. Thứ công bằng có tình
thương là thứ công bằng mà ta vẫn áp dụng
trong nội bộ gia đình chúng ta. Trong gia đình,
chúng ta có thể tốn rất nhiều tiền cho đứa
con tàng tật, tốn cho nó hơn tất cả mọi
người khác – vì tiền thuốc thang, vì phải ăn
uống cách đặc biệt – đang khi chính nó không làm ra
tiền và cũng chẳng làm được gì. Những
cha mẹ có tình thương đích thực sẽ
thương những đứa con tàn tật hoặc
hư đốn một cách đặc biệt và sẵn
sàng hy sinh cho chúng nhiều hơn những đứa con
khác. Đó chính là công bằng có tình thương, thứ công
bằng «làm theo khả năng,
nhưng hưởng thụ theo nhu cầu».
Phân phát của
cải cho người giầu và người nghèo, người
cần ít và người cần nhiều, theo
cùng một tiêu chuẩn như nhau, thì đúng là công bằng,
nhưng là một thứ công bằng thiếu tình
thương, và một cách nào đó không hợp lý. Người
giầu mà đòi người nghèo cũng phải sòng phẳng
với mình trong vấn đề vật chất tiền bạc,
thì đúng là theo luật công bằng,
nhưng không phải là thứ công bằng mà Đức
Giêsu chủ trương. Ngài chủ trương: «Ai vả
anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh thì cũng đừng
cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho,
ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.
Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì
cũng hãy làm cho người ta như vậy».
Có những
chế độ xã hội chủ trương thứ công
bằng này – là «làm theo khả năng,
nhưng hưởng thụ theo nhu cầu» – nhưng
không thực hiện nổi. Chính Đức Giêsu Chúa chúng ta
cũng chủ trương thứ công bằng này khi tuyên bố:
«Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo
khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp
lễ, và như thế bạn mới thật có phúc» (Lc
14,13-14). Vì thế, đây là
thách đố đối với người Kitô hữu.
Nếu chúng ta không thực hiện nổi thứ công bằng
này trong đời sống chúng ta – ít nhất là giữa Kitô
hữu với nhau, hay ít hơn nữa là giữa đám thân
nhân bạn bè thân quen của mình – thì một cách nào đó,
chúng ta đang chứng tỏ điều Đức Giêsu chủ
trương cũng không tưởng như chủ
trương của những chế độ xã hội
không tưởng kia.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con vẫn tự hào mình là Kitô hữu,
nhưng rất nhiều khi con lại chủ trương
và ủng hộ một thứ công bằng không tình
thương. Xin cho con một trái tim bằng thịt biết
yêu thương, để con sống công bằng với mọi
người, nhưng là thứ công bằng có tình
thương, thứ công bằng mà Đức Giêsu chủ
trương như trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết
|