ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ
Khi cầu nguyện bằng Kinh mân Côi với Năm Sự Sáng,
mầu nhiệm thứ tư là “Chúa Giêsu biến hình trên Núi Tabor”. Chúng ta cầu xin ơn
luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa nhờ ơn Chúa Thánh Thần biến đổi.
Một hôm, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín (Phêrô
với hai anh em Giacôbê và Gioan) lên Núi Tabor và cho họ “nếm trước” hạnh phúc Nước
Trời (Mt 17:1-8; Mc 9:2-8; Lc 9:28-36). Đó là cuộc biến hình mà Chúa Giêsu đàm đạo
với ông Môsê và ông Êlia trong một khung cảnh sáng láng vô cùng.
Nói về Ngôi Lời Giêsu Kitô, Thánh sử Gioan
cho biết: “Nơi Người là sự sống, và sự
sống là ÁNH SÁNG cho nhân loại. ÁNH SÁNG chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối
đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:4-5). Thánh Vịnh gia đã xác định: “Chúa là NGUỒN ÁNH SÁNG và ƠN CỨU ĐỘ của
tôi, tôi còn sợ người nào?” (Tv 27:1). Thật vậy, Thiên Chúa luôn yêu thương
chúng ta nên Ngài để chúng ta “bước đi trước mặt Ngài trong ÁNH SÁNG dành cho
kẻ sống” (Tv 56:14).
Một hôm, khoảng một tuần sau khi tiên báo
cuộc Thương Khó lần thứ nhất, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ tín cẩn cùng lên
núi cầu nguyện. Khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện, Ngài biến đổi hình dạng trước
mặt các ông, dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng
tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo
với Ngài. Quá đã! Các ông cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, muốn làm ba lều cho ba
người để các ông được tiếp tục sống trong niềm hạnh phúc kỳ diệu như vậy. Ông
Phêrô nói: “Thưa Thầy, chúng con ở đây,
thật là hay! Nếu Thầy muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Thầy, một
cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Như vậy nghĩa là họ quên mình, không
cần gì nữa, sao cũng được, chỉ cần lo cho ba vị kia thôi.
Tuy nhiên, khi ông Phêrô còn đang nói thì
chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người. Các ngươi HÃY VÂNG NGHE lời Người!”. Nghe vậy, các môn đệ kinh
hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và
bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”. Các ông
ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Ba môn đệ
ngơ ngẩn sau cơn “xuất thần”, nhưng họ cảm thấy… tiếc hùi hụi!
Chúa Cha truyền lệnh “hãy vâng nghe lời Chúa
Giêsu”. Nghe, đọc và tìm hiểu Lời Chúa là điều quan trọng, cần phải làm hằng ngày
chứ không chỉ nghe loáng thoáng và làm sơ sài, nhưng THỰC HÀNH Lời Chúa là việc
làm còn cần thiết và cấp bách hơn. Cuộc đời không phải lúc nào cũng êm như đi
trên thảm lụa. Cuộc đời không chỉ gập ghềnh với những ổ gà, ổ voi, mà còn phải
leo đồi, vượt núi, băng ngàn, lướt sóng. Ôi thôi, đủ thứ gian nan! Tabor là nơi
nếm trước vị hạnh phúc vĩnh hằng, nhưng không thể cứ ở mãi đó, mà phải tiếp tục
leo cho tới đỉnh Can-vê u sầu và thê thảm, đầy vết thương và máu đỏ loang lổ!
Chúa Giêsu đã nhắc nhở nhiều lần, nghe thì có nghe, nhưng có nhớ hay không lại
là chuyện khác. Mưa dầm thấm sâu. Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Chúa
Giêsu đã nói và làm gương rồi đấy!
Nói thì phải làm. Nhưng vấn đề thế này: Thứ
nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hành động. Cầu nguyện vô cùng cần thiết, vì cầu
nguyện là lắng nghe Chúa, đó là việc làm mà Chúa Giêsu nói là “phần tốt nhất”
(Lc 10:38-42). Chính Lời Chúa, không phải thứ gì khác, mới làm cho chúng ta sáng
suốt để có thể nên người (Tv 119:104). Thật vậy, bác học
André-Marie Ampère (1775-1836, người Pháp) đã xác định: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu
nguyện”.
Lạy
Thiên Chúa, Đấng tác sinh muôn loài, chính Lời Ngài là ngọn đèn soi cho con
bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Con đã thề và con xin cam kết giữ quyết
định công minh của Ngài (Tv 119:105-106). Xin giúp con trung thành với Ngài cho
đến hơi thở cuối cùng. Amen.
TRẦM THIÊN THU
|