SUNG
MÃN
MÙA VỌNG TÍM MONG CHỜ CON THIÊN CHÚA
GIÁNG
SINH XANH MÃN NGUYỆN NỖI KHÁT KHAO
Sung mãn là tình trạng phát triển trọn vẹn nhất. Cách sống
càng sung mãn càng bình an – cả đời thường và tâm
linh. Chúa Giêsu đến thế gian để chúng ta được
sống và sống dồi dào (x. Ga 10:10), và chính Ngài là Đấng
làm cho chúng ta sống sung mãn: “Từ nguồn sung mãn của
Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết
ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16). Thánh Phaolô xác định:
“Nơi Người, tất cả sự viên mãn của
thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người,
anh em được sung mãn: Người vốn là đầu
mọi quyền lực thần thiêng” (Cl 2:9-10).
Lễ Giáng Sinh là biến cố trọng
đại, nhắc chúng ta nhớ sự kiện nhập thể
và nhập thế của Ngôi Hai Thiên Chúa – Đức Kitô
Giêsu, Đấng Ngôi Lời. Ngài đã làm người vì thương
xót phàm nhân chúng ta. Ánh Sáng Lòng Thương Xót đã bừng sáng
khắp nơi, và địa cầu tràn đầy Ân Sủng
Thiên Chúa. Mặt Trời Công Chính đang chiếu soi rạng
ngời. Ân Tình Giáng Sinh đang chan hòa khắp thế giới.
Thực sự chúng ta đã nhận được Tin Mừng
ấy, do đó chúng ta có trách nhiệm phải loan báo Tin Mừng
Lòng Thương Xót cho tha nhân bằng bất cứ cách nào
theo hoàn cảnh riêng của mỗi người – cụ thể
là bằng cách sống tốt lành.
Mừng Chúa Giáng Sinh không cần rườm
rà bề ngoài, nên giữ TĨNH LẶNG và KHIÊM NHƯỜNG
theo bí quyết của Đức Mẹ dạy Thánh Kowalska
Faustina (*). Đó cũng là cách loan báo Tin Mừng – nhiệm vụ
chung tuyệt vời và rất giá trị mà ai cũng phải
thi hành. Thật vậy, Ngôn sứ Isaia đã thốt lên: “Đẹp
thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin
mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc,
công bố ơn cứu độ” (Is 52:7a), và ông nói với
Sion: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị” (Is
52:7b).
Xác định và động viên, ngôn
sứ Isaia cho biết: “Kìa nghe chăng quân canh gác của
ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ
được thấy tận mắt Đức Chúa
đang trở về Sion. Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức
Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem”
(Is 52:8-9). Thiên Chúa thấy loài người thật đáng
thương, thế nên Thiên Chúa Cha đã sai Thiên Chúa Ngôi Con
phải đích thân giáng sinh làm người để chia sẻ
đau khổ với chúng ta. Thật vậy, “trước
mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh
của Ngài: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy” (Is 52:10).
Chắc chắn không ai có thể làm ngơ hoặc im lặng
khi thấy những điều kỳ lạ, đặc biệt
là điều xảy ra quá đỗi nhiệm mầu.
Thánh Vịnh gia đồng cảm
điều đó và đã lên tiếng mời gọi: “Hát
lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện
bao kỳ công. Ngài chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Ngài” (Tv 98:1). Động thái
xưng tụng Thiên Chúa không chỉ là bổn phận mà còn
là niềm vinh hạnh của chúng ta, bởi vì “Chúa đã biểu
dương ơn Ngài cứu độ, mặc khải
đức công chính của Ngài trước mặt chư dân;
Ngài đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà
Ít-ra-en. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu
độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 98:2-3). Lời hứa xưa
đã nên trọn, sự thật đã hiển nhiên.
Rất có thể vì cảm thấy bồn
chồn, sốt ruột, thế nên Thánh Vịnh gia lại
phải tiếp tục kêu gọi: “Tung hô Chúa, hỡi toàn
thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát. Đàn
lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc
hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng
tù và, tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!” (Tv
98:4-6). Biết chắc điều gì đó chính xác, người
ta không thể không chia sẻ với người khác, muốn
nói ra ngay với bất cứ ai, không thể trì hoãn, càng sớm
càng tốt.
Tất nhiên có rất nhiều lý do
để chúng ta chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa. Thánh
Phaolô xác nhận bằng cách dẫn chứng chứng cớ
từ xa xưa: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều
cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;
nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy
chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng
nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng
thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1:1-2). Chính xác
như vậy. Vả lại, “chính Ngài phản ánh vẻ huy
hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên
Chúa, là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà
duy trì vạn vật” (Dt 1:3a). Và rồi, “sau khi đã tẩy
trừ tội lỗi, Ngài lên ngự bên hữu Đấng
Cao Cả trên trời” (Dt 1:3b). Tuần tự như tiến.
Mạch lạc. Rạch ròi. Chính xác.
Thật đúng là như vậy, bởi
vì Thiên Chúa quá trác tuyệt và cao siêu, vượt xa ngoài tầm
hiểu biết của chúng ta. Danh hiệu mà Chúa Con được
thừa hưởng cao cả hơn danh hiệu các thiên thần
bao nhiêu thì Ngài lại nổi trội hơn bấy nhiêu. Quả
thật, chẳng bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên
thần nào rằng “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã
sinh ra Con”, hoặc “Ta sẽ là Cha Người, và chính Người
sẽ là Con Ta”. Do đó, khi đưa Trưởng Tử vào
thế giới loài người, Thiên Chúa đã minh định
như một mệnh lệnh tuyệt đối: “Mọi
thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lạy Ngài” (Dt
1:6). Thánh Phaolô phân tích tỉ mỉ và rõ ràng. Tất nhiên
trách nhiệm rõ ràng đó cũng là trách nhiệm của chúng
ta, bởi vì chính Thiên Chúa đã truyền lệnh chúng ta chỉ
được phép thờ lạy một Chúa duy nhất và
kính mến Ngài hết lòng. Ngoài Ngài không có thần linh nào
khác (Đnl 4:35 và 39; Is 45:21; Is 46:9), và người ta cũng
phải công nhận như vậy (Đn 3:29).
Hài Nhi giáng sinh nơi Belem là ai? Ngài là
Ngôi Hai, là Đấng Thiên Sai, là Thánh Tử, là Đức Giêsu
Kitô, là Ngôi Lời, là Đấng giàu lòng thương xót. Đấng
ấy có từ bao giờ? Kinh Thánh nói rõ: Từ khởi
đầu đã có Ngôi Lời, chính Ngài là Al-pha và Ô-mê-ga (Kh
1:8; 21:6; Kh 22:13) – tức là Đầu và Cuối, là Khởi
Nguyên và Tận Cùng. Thánh Gioan nói: “Ngôi Lời vẫn hướng
về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Cách diễn
tả tuyệt vời quá! Và ông giải thích tiếp: “Lúc
khởi đầu, Người vẫn hướng về
Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được
tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được
tạo thành. Điều đã được tạo thành ở
nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh
sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và
bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga
1:2-5). Chính những hình ảnh đối nghịch nhau lại
có thể làm nổi bật nhau. Đó là điều rất
kỳ diệu và thú vị!
Thánh sử Gioan không dùng đại từ
ở ngôi thứ nhất số ít, nhưng nói rằng “có một
người được Thiên Chúa sai đến, tên là
Gioan”. Và ông dùng đại từ ngôi thứ ba số ít với
ý nói về chính mình: “Ông [tức là ông ấy] đến
để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để
mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh
sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh
sáng” (Ga 1:7-8). Cách dùng đại từ tinh tế bao hàm sự
khiêm nhường. Nhưng khi nói về Đấng Thiên Sai
thì ông nói rạch ròi: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng
đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người
ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người
mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người
đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu
đón nhận” (Ga 1:9-11). Cũng vẫn có những
điểm trái ngược. Văn phong độc đáo
đấy!
Xưa nay vẫn thế đối với
sự đời, chín người thì có tới mười
ý, chẳng có ai giống ai. Ông Gioan nói: “Những ai đón
nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người
cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12). Ôi, diễm
phúc biết bao! Tại sao vậy? Bởi vì được
làm con Thiên Chúa mà chỉ với một điều kiện
đơn giản: Tin nhận và tín thác vào Ngài. Các tín nhân
đó được sinh ra không phải do khí huyết, cũng
chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc
do ước muốn của người đàn ông, nhưng
do bởi Thiên Chúa. Quả là sự kỳ diệu vô cùng!
Chính ngày này năm xưa, “Ngôi Lời
đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng
ta” (Ga 1:14a). Con Thiên Chúa giáng sinh và ở cùng nhân loại. Niềm
vui dâng cao tột đỉnh. Ông Gioan trẻ (Gioan tông đồ)
làm chứng xác thực: “Chúng tôi đã được nhìn
thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban
cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự
thật” (Ga 1:14b). Đã được mục kích sở
thị, ông Gioan Tẩy Giả hăng say làm chứng về
Đức Kitô, và ông mạnh mẽ tuyên bố: “Đây là
Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng
trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:15). Người
sinh trước mà có sau, người sinh sau mà có trước.
Thật khó hiểu vì quá vô lý, nhưng hoàn toàn là sự thật,
và điều đó không thể lý luận theo kiểu phàm tục,
nhưng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể
làm được” (Lc 1:37).
Giáng sinh là yêu thương. Thiên Tình
Giáng Sinh là Đại Dương Thương Xót, thật là
tuyệt vời và khôn tả! Niềm vui mừng đó cứ
ngồn ngộn, không thể mô tả hoặc thể hiện
bằng các động thái phàm nhân. Thánh Gioan giải thích: “Từ
nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta
đã LÃNH NHẬN HẾT ƠN NÀY ĐẾN ƠN KHÁC. Quả
thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông
Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu
Kitô mà có” (Ga 1:16-17). Chưa bao giờ có ai thấy Thiên
Chúa – vì con người tội lỗi bất xứng và con
mắt phàm tục không thể chịu nổi ánh sáng vinh
quang của Ngài, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là
Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người
đã tỏ cho chúng ta biết. Vì thế, điều rất
quan trọng cần lưu ý là “Đức Tin quan trọng hơn
phép lạ”. Nghĩa là đừng bao giờ “chạy
đua” theo những “sự lạ” mà hãy không ngừng “chạy
đua” trên Hành Trình Đức Tin, trên Hành Trình Đức Ái
– tức là cố gắng hết sức để thể
hiện Lòng Chúa Thương Xót một cách cụ thể và
sống động, bằng tất cả con người
của mình, theo điều kiện sống của mình.
Mỗi người được
Chúa ban cho khả năng khác nhau. Các khả năng khác nhau
là để cộng tác với nhau chứ không phải
để tự mãn hoặc kèn cựa nhau. Ai có khả
năng gì là cách Chúa thể hiện ý Ngài muốn người
đó hoạt động về lĩnh vực đó –
đặc biệt là các sở trường, thế mạnh
hoặc yếu điểm – điểm mạnh (khác với
nhược điểm – điểm yếu). Tất cả
đều là hồng ân, chứ chúng ta chỉ là vô tích sự
mà thôi!
Lạy Thánh Phụ nhân từ, xin cảm
tạ Ngài đã ban Thánh Tử cho chúng con, đồng lao cộng
khổ với chúng con, chia sẻ đau khổ kiếp người
với chúng con. Xin thúc giục chúng con hành động theo
Con Chúa bằng cách sống công bình, bác ái và thương xót mọi
người theo tiêu chuẩn của Ngài. Chúng con cầu xin
nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của
nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Đức Mẹ cho Thánh nữ
Maria Kowalska Faustina (1905-1938) biết cách đón Chúa Giêsu Hài
Đồng: “Này con gái, hãy cố gắng giữ thinh lặng
và khiêm nhường, để Chúa Giêsu, Đấng luôn ngự
trong linh hồn con, có thể nghỉ ngơi. Hãy thờ lạy
Ngài trong tâm hồn, đừng ra khỏi nội tâm” (Nhật
Ký, số 785).
|