CHUYỆN CHẾT CHÓC
Nói chuyện
chết chóc thì… buồn
lắm. Đúng là chán thật! Nhưng đó lại là sự thật và rất quan trọng. Ngày
nào cũng có người
chết, đủ kiểu chết, và chết ở bất cứ độ tuổi
nào, đặc biệt
quan ngại là chết
bất cứ lúc nào.
Chắc
hẳn Tháng Mười
Một là tháng đặc biệt
vì liên quan sự chết:
Tháng Cầu Hồn và lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Có lẽ vì thế mà “chuyện chết chóc” lại hóa “chuyện thú vị”. Ai rồi cũng phải chết,
chẳng tránh đâu cho khỏi, nghĩa là ai cũng phải trình diện Thiên Chúa – kể cả bè lũ Satan, để “báo cáo” về cuộc sống và hoạt động của mình: “Một ngày kia, con cái Thiên Chúa
đến TRÌNH
DIỆN Đức Chúa;
Satan cũng đến
trong đám họ
để TRÌNH DIỆN Đức Chúa”
(Gióp 2:1).
Vấn
đề đáng quan ngại
là người ta không
chỉ chết một lần. Cái chết thứ nhất là cái
chết bình thường theo sinh học, cái chết thứ hai quan trọng hơn và
đáng sợ hơn, đó là
cái chết về tinh thần:
“Những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng
ghê tởm, sát
nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ
ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn
ngụt: đó là
CÁI CHẾT THỨ HAI” (Kh 21:8). Thế nên Thánh Phaolô
đã khuyến cáo: “Anh
em hãy biết RUN SỢ mà GẮNG SỨC lo sao cho mình
ĐƯỢC CỨU
ĐỘ” (Pl 2:12).
Chết
là khổ, càng sợ thì càng khổ; ngược lại, không sợ thì không khổ, đó là các vị tử đạo, chẳng hạn Thánh
Phó tế Lô-giang
(Laurence), bị nướng cháy một bên rồi ngài còn bảo lý hình trở bên cho… cháy đều. Ôi, lạy Chúa! Và còn biết bao vị tử đạo từ xưa
tới nay ở khắp thế giới, ở Việt Nam cũng
có hàng trăm ngàn vị
chịu chết vì Đạo
Thánh của Thiên
Chúa.
1. CÁI CHẾT TỰ NGUYỆN
Cái chết
của các vị tử đạo
là cái chết tự nguyện,
thể hiện tình yêu vĩ đại mà Chúa Giêsu đã minh
định: “Không
có tình thương nào cao cả
hơn tình thương của người đã hy
sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga
15:13).
Sách Ma-ca-bê, quyển II, chương 7, thuật lại cái chết của người mẹ và bảy anh em trong thời Cựu ước.
Khi đó, vua An-ti-ô-khô cho lấy
roi và gân bò mà đánh họ,
để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Môsê cấm.
Qua đó, chúng ta thấy bà mẹ là người rất mực xứng đáng
để chúng
ta khâm phục và
kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải
chết nội trong có một
ngày, thế mà bà
vẫn can đảm chịu đựng.
Làm sao bà đủ
sức mạnh như vậy? Nhờ bà có
vững tin và trông cậy nơi Đức Chúa. Dễ có mấy
ai – dù nam hay nữ. Bà thực sự can đảm, đúng
là bà yêu mến Chúa
trên hết mọi sự.
Chỉ là lời lẽ của
một phụ nữ, nhưng lại đầy chí khí
nam nhi khi bà khuyến khích từng đứa con: “Mẹ không
rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các
con hơi thở và sự sống, cũng không
phải mẹ sắp
đặt các phần cơ thể cho mỗi người
trong các con. Chính ĐẤNG TẠO HOÁ CÀN
KHÔN ĐÃ NẮN ĐÚC
NÊN LOÀI NGƯỜI,
và đã SÁNG TẠO
NGUỒN GỐC MUÔN LOÀI. Chính Người do lòng thương xót, cũng
sẽ TRẢ LẠI
cho các con HƠI THỞ VÀ SỰ SỐNG, bởi vì bây
giờ các
con trọng Luật Lệ
của Người hơn bản thân
mình” (2 Mcb 7:22-23). Lý lẽ
đầy xác tín và tràn trề hy vọng, không hề ảo tưởng. Những người
không có niềm tin Kitô
giáo chắc hẳn cho ai hành
động như vậy
là ngu xuẩn, là
điên rồ.
Lòng bà quặn
thắt khi chứng kiến các con bị xử tử, nhưng bà vẫn hiên ngang vượt qua chính mình. Với lòng can trường, bà nghiêng mình về phía cậu út, vẫn hiên ngang chế nhạo tên bạo chúa, và âu yếm nói với cậu út: “Con ơi, con hãy
thương mẹ:
chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã
nuôi nấng dạy dỗ
con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy
nhìn xem trời đất
và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên
Chúa đã làm nên tất
cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành
như vậy. Con đừng
sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày
Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các
anh con cho mẹ” (2 Mcb 7:27-29).
Ôi, thật
tuyệt vời! Những lời lẽ của bà chứa đầy kiến thức Kitô
giáo và tràn đầy Thần
Khí. Bà phân tích giản
dị nhưng mạch lạc, với lý lẽ cứng rắn. Thật đáng
khâm phục một nữ
nhi liễu yếu đào tơ nhưng có tấm lòng rắn chắc như thép.
Thật kỳ diệu vô
cùng, chỉ có sức mạnh của đức tin và
đức mến thì người ta mới có thể hành động như vậy!
2. CÁI CHẾT HÈN và CÁI CHẾT SANG
Đã đành ai cũng phải chết, nhưng có những người chết khổ, chết
hèn, còn có những người
lại chết sang, chết sướng. Ôi
chao, chết mà còn
phân biệt giai cấp ư?
Sao kỳ vậy? Đúng thế, trình thuật Lc 16:19-31 đề cập hai dạng
chết đó qua dụ
ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó. Thánh Luca cho biết:
Có một
ông NHÀ GIÀU kia, mặc
toàn lụa là gấm vóc, NGÀY NGÀY YẾN TIỆC LINH ĐÌNH.
Lại có một người NGHÈO
KHÓ tên là La-da-rô, mụn nhọt
đầy mình, nằm
trước cổng ông nhà giàu, THÈM được những thứ trên
bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà
ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc
anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông
nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
Dưới
âm phủ, đang khi chịu
cực hình, ông ta ngước
mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham
ở tận đàng
xa, và thấy anh La-da-rô
trong lòng tổ phụ. Bấy
giờ ông ta kêu lên: “Lạy
tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con,
và sai anh La-da-rô nhúng đầu
ngón tay vào nước,
nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu
đốt KHỔ LẮM!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con
đã nhận
phần phước của con rồi; còn
La-da-rô SUỐT MỘT
ĐỜI CHỊU TOÀN NHỮNG BẤT HẠNH. Bây giờ, La-da-rô ĐƯỢC AN ỦI nơi đây,
còn con thì phải chịu
khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng
ta đây và các con đã có một VỰC THẲM LỚN, đến nỗi
bên này muốn
qua bên các con cũng KHÔNG ĐƯỢC, mà bên đó có qua bên
chúng ta đây cũng KHÔNG ĐƯỢC”.
Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con
xin tổ phụ sai anh
La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh
cáo họ, kẻo họ
lại cũng sa vào chốn cực hình này!”. Ông
Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông
nhà giàu nói: “Thưa tổ
phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn sám hối”. Ông
Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng CHẲNG CHỊU
TIN”.
Cũng là con người, thế mà kẻ thì sống khốn khổ, người thì sống sung sướng. La-da-rô
nghèo mà phải khổ, khổ
tới chết – chết khổ là chết hèn; còn người kia giàu có, tiền dư bạc thừa nên
ăn chơi thỏa thích,
ung dung tới chết – chết
sướng nên vẫn
sang. Thực tế cuộc sống cho thấy rõ như
vậy. Người nghèo chết lặng lẽ, không mấy người đến phúng
điếu, đúng
là “buồn như đám
ma”. Khổ thật! Còn người giàu chết rất… rầm rộ, cáo
phó đăng các bào và các trang web, ai cũng biết, cờ xí giăng đầy, trống kèn inh ỏi, khách nườm nượp đến phúng
điếu, đám
tang mà “vui như mở hội”,
lễ an táng đồng
tế trang trọng, rất đông người tham dự. Sang thật!
Nhưng chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Mt
26:11; Ga 12:8). Đúng vậy.
Đó là cách Ngài “nhắc
khéo” về động từ
MỞ – việc bác ái tích cực và đích thực: Mở tấm lòng,
mở đôi tay, mở hầu bao. Không chỉ như vậy, chính
Ngài cũng đã từng
khuyên “bán tài sản và
đem cho người nghèo”
(Mt 19:21), khi đãi tiệc
thì “mời những người
nghèo khó, tàn tật, què quật, đui mù” (Lc 14:13). Làm vậy để làm chứng về Thiên Chúa và được trở nên công chính. Liệu Chúa Giêsu có đùa vui?
Không bao giờ! Ngài cũng
chẳng nói bóng gió, mà Ngài nói rất thật – thật hơn cả sự
thật. Đó là sống
đạo chứ không chỉ giữ đạo, là sống đức ái – chia sẻ, cảm thông, hiệp thông,... như Thánh Phaolô
nói: “Vui với người
vui, khóc với
người khóc” (Rm 12:15).
Dĩ nhiên Chúa KHÔNG ghét nhà giàu, Ngài chỉ ghét thái độ kiêu kỳ và tự
mãn vì ỷ mình
giàu có (chứ chưa chắc
“sang” đúng nghĩa, có những người giàu mà
“bần” lắm), cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi, như Kinh
Thánh đã đặt vấn
đề: “Kiêu căng tự mãn đâu ích gì? Giàu sang
hợm hĩnh nào
được chi?” (Kn 5:8). Cách nói nghi vấn nhưng lại chính
là cách nói xác định.
3. CÁI CHẾT TIN TƯỞNG
Đó là cái chết của tướng cướp Dimas
– người bị đóng đinh cùng lúc với Chúa Giêsu trên đồi Can-vê năm xưa. Y hành
động ác nhưng
cái bụng vẫn tốt,
biết người và biết mình, chân thành và tin tưởng. Chúng ta gọi cái chết như vậy là “chết lành”. Trình thuật Lc 23:35-43 (≈ Mt
27:37-44; Mc 15:26-32) cho biết:
Dân chúng đứng
nhìn, còn các thủ lãnh
thì buông lời cười nhạo:
“Hắn đã cứu người khác
thì cứu lấy mình
đi, nếu thật hắn
là Đấng
Kitô của Thiên
Chúa, là người
được tuyển chọn!”. Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người
uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!”.
Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái”.
Một trong hai tên
gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông
không phải là
Đấng Kitô
sao? Hãy tự cứu mình
đi, và cứu cả chúng
tôi với!”. Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình
phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không
biết sợ! Chúng
ta chịu như thế
này là đích đáng, vì xứng với việc đã
làm. Chứ ông
này đâu có làm điều
gì trái!”. Rồi
anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi,
khi ông vào Nước
của ông, xin nhớ đến tôi!”. Và
Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm
nay, anh sẽ được
ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Cả
đời Dimas chẳng ngán ai, lôi thôi là “chơi”
ngay, thế nhưng y lại
sợ Con-Người-bị-treo-trên-thập-giá, người mà thiên hạ coi là tử tội, lộng ngôn,
và đang ở trong tình
trạng thụ động, chẳng
làm gì được.
Lạ thật! Y là kẻ
hại người không run tay, thế mà lại
run sợ trước một “tử tội” giống như
mình. Có lẽ khi đi
cướp, y chỉ cướp của những nhà
giàu hách dịch chứ không cướp của người hiền lành.
Y vẫn biết “tội nghiệp” người
khác đấy chứ?
Đặc biệt là y biết mình tội lỗi tày trời, bị tử hình cũng
chẳng oan gì, thế nên y thành tâm sám hối và thú tội, rồi y được Ông-Vua-Không-Ngai
Giêsu cho đồng hành
vào Vương Quốc Thiên
Chúa ngay lập tức. Quá
đã luôn!
Lạy
Thiên Chúa, xin cho con biết
Ngài và biết
con để con không ỷ lại và hợm mình. Con là số không, xin Ngài là số một để trọn vẹn mười
mươi. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Sáng 20-11-2018
|